Quan điểm về cái chết ở Trung Quốc: Hảo tử và thiện chung

NGUYỄN THÀNH TRUNG 18/06/2024 10:00 GMT+7

TTCT - Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, cái chết thường là đề tài cấm kỵ, tránh thảo luận, để không mang lại xui xẻo, nhưng quan điểm đó đang dần thay đổi khi nước này ngày một già đi.

Nhà văn Pháp Albert Camus từng có câu nổi tiếng về cái chết: "Hãy dần dần chấp nhận cái chết. Sau đó thì mọi thứ đều có thể xảy ra". 

Tuy nhiên, trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, giống như nhiều nước Á Đông, cái chết thường là đề tài cấm kỵ và nên tránh thảo luận, để không mang lại xui xẻo cho gia đình.

Ảnh: Foreign Policy

Ảnh: Foreign Policy

Những mê tín về cái chết được phản ánh trong cuộc sống hằng ngày. Số 4 trong tiếng Trung được coi là con số không may mắn vì từ "tứ" phát âm giống từ "tử" (chết). 

Trong việc chăm sóc cuối đời cho cha mẹ, một đứa con được coi là ngoan và hiếu thảo phải làm mọi cách để kéo dài sự sống của họ. 

Những mối quan tâm về văn hóa và đạo đức này có thể giải thích tại sao không có nhiều nghiên cứu về quan điểm của người Trung Quốc về "hảo tử", hay "cái chết tốt đẹp".

Gắn với gia đình

Giáo sư Đồ Quýnh, có bằng tiến sĩ xã hội học tại Đại học Cambridge danh giá và hiện giảng dạy tại Đại học Tôn Trung Sơn, thành phố Quảng Châu, là một trong số ít nhà nghiên cứu Trung Quốc đã có nhiều năm tìm hiểu ý nghĩa xã hội học của cái chết ở nước này. 

Bà dành thời gian và công sức hỏi người Trung Quốc xem họ muốn sống những giây phút cuối đời thế nào, và nhận thấy hầu hết đều nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình khi quyết định, chứ không coi đó là quyết định cá nhân.

Giáo sư Đồ nói bà bắt đầu quan tâm đến vấn đề này khi thực hiện nghiên cứu trên các bệnh nhân mắc bệnh ung thư vào năm 2014, và quyết định tìm hiểu thêm về chăm sóc giảm nhẹ cuối đời vào năm 2017 để hiểu rõ hơn quan niệm sinh tử của người Trung Quốc.

Các câu hỏi được nêu ra trong nghiên cứu của giáo sư Đồ Quýnh bao gồm: Sau nhiều thập kỷ xã hội phát triển nhanh chóng, người Trung Quốc hiện nhìn nhận cái chết như thế nào? Và họ coi thế nào là "hảo tử"? 

 Khi được khảo sát, hầu hết mọi người đều nói một cái chết tốt đẹp là chết già trên giường, chết tại nhà vì nguyên nhân tự nhiên hoặc chết trong giấc ngủ. 

Lý tưởng nhất, họ hy vọng mình có thể đi lại bình thường, không phải chịu nhiều đau đớn về thể xác, và có thể tự chăm sóc bản thân cho tới khi chết. Cảm giác trở thành gánh nặng cho gia đình có thể làm tăng thêm đau khổ của người sắp chết.

Xã hội Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng. Ảnh: Getty

Xã hội Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng. Ảnh: Getty

Giáo sư Đồ giải thích ở Trung Quốc từ lâu đã có câu "ngũ phúc lâm môn", hay năm điều tốt lành đến với một gia đình, bao gồm trường thọ, phú quý, an khang, hảo đức và thiện chung. 

Điều cuối cùng "thiện chung" (kết thúc đẹp) nghĩa là cái chết vì nguyên nhân tự nhiên sau một cuộc đời dài, với mức độ đau khổ tối thiểu, không gặp tai họa bất ngờ, thân thể không bị ốm đau hành hạ và không gây gánh nặng cho người khác, hay còn gọi là "chết trong phẩm giá" ("tôn nghiêm tử"). Điều này được coi là một may mắn quan trọng với người Trung Quốc.

Mối lo của chính quyền

Yếu tố xã hội của "hảo tử" hay "ưu thệ thiện chung" (cái chết tốt đẹp) có ý nghĩa quan trọng không chỉ với người dân, mà cả chính quyền Trung Quốc, khi họ phải có chính sách đối phó với dân số già ngày càng tăng. Hiện số người Trung Quốc trên 60 tuổi là gần 300 triệu (tương đương 21% dân số, gần bằng cả dân số nước Mỹ). 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2040, ước tính có khoảng 402 triệu người Trung Quốc (28% dân số) sẽ ở độ tuổi trên 60.

Ngoài ra, khoảng 2,29 triệu người Trung Quốc chết vì ung thư mỗi năm. Các chi phí y tế liên quan đến bệnh hiểm nghèo có thể khiến nhiều gia đình phá sản, khiến đó không chỉ là vấn đề cá nhân, mà của cả gia đình người bệnh. 

Theo trang Sixth Tone, sự can thiệp ngày càng tăng của công nghệ y tế vào giai đoạn cuối đời đồng nghĩa nhiều gia đình Trung Quốc phải trả những khoản tiền lớn để điều trị kéo dài sự sống cho người thân, thường là biểu hiện của lòng hiếu thảo. 

Trớ trêu thay, điều này có thể khiến bệnh nhân phải chịu nhiều đau đớn về thể xác hơn. Và chính điều này cũng đối lập với khái niệm "hảo tử" hay "thiện chung" truyền thống mà người Trung Quốc thường mong đợi.

Chi phí tài chính và những chịu đựng nỗi đau thể xác lẫn tinh thần của bệnh nhân ung thư cũng là mối quan tâm của giáo sư Cảnh Quân, nhà nhân chủng học nổi tiếng tại Đại học Thanh Hoa, giám đốc Trung tâm nghiên cứu y tế công cộng của trường này. 

Trong nghiên cứu "Cái giá của sự sống và những khó khăn của cái chết tốt đẹp", giáo sư Cảnh Quân cho biết có khoảng 9 triệu người chết ở Trung Quốc mỗi năm, nhưng chỉ khoảng 20.000 người được chăm sóc cuối đời tại các cơ sở chuyên nghiệp.

Theo Báo cáo chất lượng tử vong toàn cầu do The Economist công bố năm 2015, do chất lượng kém và mức độ phổ biến của dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ cuối đời ở Trung Quốc thấp, điểm số toàn diện về chất lượng tử vong của cư dân Trung Quốc đại lục chỉ xếp thứ 71/80 quốc gia. 

Đầu năm 2022, 15 cơ quan bao gồm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã cùng nhau ban hành "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 vì người già khỏe mạnh", nhận định rằng số trung tâm chăm sóc giảm nhẹ cuối đời ở Trung Quốc thiếu trầm trọng và cần nhanh chóng lập nhiều trung tâm như vậy cả ở thành thị và nông thôn.

Quan điểm Khổng giáo vẫn chi phối mạnh mẽ suy nghĩ của người Trung Quốc về cái chết. Ảnh: talkativeman.com

Quan điểm Khổng giáo vẫn chi phối mạnh mẽ suy nghĩ của người Trung Quốc về cái chết. Ảnh: talkativeman.com

Quan niệm truyền thống và cuộc sống hiện đại

Trong nghiên cứu "Đánh giá văn hóa về quy trình thực hành chăm sóc cuối đời tại các bệnh viện hiện đại", giáo sư Trang Khổng Thiều tại Đại học Chiết Giang cho rằng trong bệnh viện, bác sĩ, người thân và người bệnh cố gắng chống lại cái chết bằng mọi giá, khiến quá trình tử vong thường kéo dài một cách giả tạo, dẫn đến những trường hợp chăm sóc cấp cứu cuối đời vô cùng đau đớn. 

Tình hình hiện nay rõ ràng trái ngược với quan niệm "cái chết tốt đẹp" trong văn hóa truyền thống, và khác xa trạng thái chết cao nhất trong Phật giáo là "tự tại viên tịch", hay "ra đi thanh thản" - tức biết rõ nguyên nhân cái chết, bình tĩnh đối xử với nó, sắp xếp mọi việc hậu sự một cách có kế hoạch, không đau khổ.

Cái chết không chỉ là sự kiện mang tính thể lý mà còn là sự kiện xã hội và văn hóa. Giáo sư Đồ Quýnh cho rằng cái chết là sự kiện xã hội ở chỗ nó ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của các nhóm xã hội khác nhau. 

Mặc dù Trung Quốc đã trải qua những thay đổi kinh tế và xã hội mạnh mẽ, quan niệm chung về cái chết vẫn mang tính truyền thống sâu sắc; nên đó trở thành vấn đề không phải của người đang hấp hối, mà của toàn bộ gia đình, đôi khi là cả cộng đồng và xã hội.

Theo giáo sư Đồ, việc thiếu quyền tự chủ của cá nhân trong việc chết cho thấy cốt lõi văn hóa đằng sau quan niệm về cái chết tốt đẹp ở Trung Quốc vẫn là Nho giáo. 

Thay vì ưu tiên quyền tự chủ của người sắp chết, Nho giáo nhấn mạnh các khía cạnh xã hội và đạo đức của cái chết, chẳng hạn như mối quan hệ giữa người sắp chết với gia đình, dòng tộc, thậm chí cả xã hội nói chung.

Tranh vẽ một đám tang ở Thượng Hải năm 1908. Ảnh: Wikipedia

Tranh vẽ một đám tang ở Thượng Hải năm 1908. Ảnh: Wikipedia

Suốt nhiều thế hệ, Trung Quốc dựa vào lòng hiếu thảo để lấp đầy những khoảng trống trong an sinh xã hội về chăm sóc người già. 

Trách nhiệm của con cái và cả dâu rể, là chăm sóc cha mẹ già. Vấn đề chữ hiếu ngày càng quan hệ mật thiết với chính sách của nhà nước khi dân số già hóa, còn các gia đình hiện đại có rất ít con, một phần do chính sách "một con" đã được duy trì một thời gian dài tại Trung Quốc, từ 1980 - 2015.

Nói với Sixth Tone, giáo sư Đồ nhận định: "Bản chất của hệ thống bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc khiến bệnh tật và cái chết trở thành chuyện của gia đình". 

Phần lớn hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia chỉ hỗ trợ tài chính hạn chế cho các bệnh nghiêm trọng như ung thư, khiến bệnh nhân và gia đình phải gánh phần lớn chi phí. 

Vì họ đang thanh toán chi phí y tế, các thành viên gia đình - đôi khi bao gồm cả đại gia đình - thường cảm thấy có quyền quyết định thay cho người bệnh. Bệnh nhân có thể ra đi êm đẹp hay phải tiếp tục chịu đựng các điều trị đau đớn do đó tùy thuộc quyết định của gia đình.

Có lẽ đến lúc người dân và chính quyền Trung Quốc quan tâm tới "cái chết tốt đẹp" theo đúng nghĩa của từ ngữ đó và chú ý đến chất lượng của cái chết hơn, ít ra là gần hơn với cách gia đình và xã hội vẫn quan tâm tới tỉ lệ sinh và sự ra đời của một đứa trẻ. Kết thúc hay khởi đầu của con người đều phải tốt đẹp mới đúng. ■

Những người được phỏng vấn trong nghiên cứu của giáo sư Đồ Quýnh hầu như không đề cập đến những giá trị như lựa chọn cá nhân và quyền tự chủ của người sắp chết. Ngược lại, gia đình vẫn đóng vai trò quan trọng trong định nghĩa một cái chết tốt đẹp của người Trung Quốc: cái chết không hối tiếc thường có nghĩa là đã sống một cuộc sống gia đình "trọn vẹn".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận