​Quán rượu mùa đông

ĐỖ PHẤN 15/01/2015 02:01 GMT+7

Đang cữ sương mù. Hà Nội co ro rét ngọt. Bạn rủ mình uống rượu bên sông Hồng. Dải đất ấy dù nằm ngay giữa quận Hoàn Kiếm nhưng trong ký ức của vài người Hà Nội cũ, nó vẫn dường như đâu đó xa lắc. Ký ức của những ngày tháng gian nan chiến tranh, bao cấp.

Minh họa: VIIP

Một triền sông trải dài hàng chục cây số từ bến phà Chèm cho đến tận cảng Phà Đen giống như những ngôi làng quyến luyến chen chúc vào giữa xô bồ phố xá.

Lúc ấy, cửa khẩu An Dương bên ngoài đê vẫn còn là một vùng hoang vu rộng lớn lèo tèo mươi nóc nhà lá và cánh đồng màu mùa nước cạn. Phải xuôi xuống đến tận cửa Hàm Tử, Chương Dương, Vân Đồn mới thật sự có người ở. Cũng chỉ là những ngôi làng ngoài đê liền kề nửa làng nửa phố với vài ba dãy nhà ngói cấp 4. Còn lại là nhà tranh vách đất tạm bợ.

Dân tứ chiếng tụ tập về đây rất khó gọi tên thành phần. Vài người buôn bè dựng lán ở tạm ngắn ngày. Mấy xưởng cưa trục gỗ từ dưới sông lên sơ chế. Vài gia đình nông dân mùa khô về đây trồng trọt rau màu, hết vụ lại khăn gói ra đi. Mấy dãy nhà gỗ lợp ngói chia cho công nhân viên chức ở tạm trước khi được phân nhà trong phố. Có vài người còn ở tạm cho đến tận bây giờ.

Người trong phố hãn hữu lắm mới bước chân ra những xóm ven sông. Phần vì chẳng có việc gì ngoài ấy, phần quan trọng hơn là cũng e ngại cái xô bồ tiềm ẩn thiếu an ninh.

Mùa đông. Cả một triền sông rét mướt ngày xưa đầy gió. Áo khăn không đủ ấm lại thêm hình như cũng ít khi bụng đủ no. Gần như chẳng ai ra đấy làm gì. Người sống ngoài ấy cũng tìm vào hơi ấm phố phường. Xóm làng buồn tẻ im ắng đến nao lòng.

Bẵng đi vài chục năm, giờ thì dải đất ven sông đã muôn phần đổi khác. Nhà cửa cao tầng san sát chen vai. Đã có tên phố tên đường. Hơn thế nữa, vài năm gần đây nước sông Hồng dường như đã yên bề chảy theo dòng cũ, không còn cảnh ngập lụt chứa chan sóng vỗ chân đê thoi thóp mạn đò. Ngoài ấy giờ là chốn ăn chơi của dân phố. Nhà hàng khách sạn sang trọng đông đúc. Cũng còn bởi vài mảnh đất rộng rãi ngoài ấy là nơi rất thuận tiện cho việc gửi xe. Dù không ăn chơi thì rất nhiều người Hà Nội khá giả vẫn phải gửi xe của mình ngoài ấy.

Bạn đón mình bằng chiếc ôtô hạng sang vượt qua cửa khẩu dốc Bác Cổ. Ngược lên thượng nguồn vào phố Hàm Tử Quan. Cứ thế chạy suốt ra tận bờ sông ngào ngạt nắng. Bãi để xe thênh thang quây lưới một góc rộng nhốt gà, vịt, ngan, ngỗng.

Quán có cái tên kỳ dị “Gà 6 ngón”. Chẳng biết có phải dịch nôm chữ “gà ngũ trảo” ngày xưa. Giống “gà trắng chân chì” theo tục ngữ dân gian thường là không được người ta ưa chuộng lắm. “Gà đen chân trắng mẹ mắng cũng mua/ Gà trắng chân chì mua chi giống ấy”. Dù cho gà ngũ trảo bây giờ đã trở thành đặc sản bán theo giá đông dược thì mình và bạn cũng chẳng mặn mà gì. Đau ốm tốt nhất cứ tìm bác sĩ kê đơn vài viên thuốc là xong chuyện. Đã đến quán rượu là phải đủ sức khỏe sẵn có mang theo.

Vẫn còn được gặp ở quán rượu này hình ảnh một thời bao cấp nhếch nhác. Một cách trang trí hàng quán cố tình khơi gợi lại nỗi vất vả ngày xưa với bàn ghế bằng sắt. Những cột kèo tre nứa và mành treo tứ bề. Những chum vại lăn lóc góc nhà và bát đũa nhôm nhoam xếp trong những mẹt tre. Khói bếp thơm lừng và tiếng gà vịt kêu tao tác dưới vườn. Cành đào phai nở sớm rực sáng bên cửa sổ đầy nắng.

Món ăn chế biến từ vịt cỏ. Đủ cả tiết canh, lòng xào mướp, thịt luộc lòng đào và xương hầm khoai sọ. Lại thêm món cá bống rán giòn vàng rộm. Rượu nếp nút lá chuối bạn thửa mãi dưới cửa biển Nam Định mang lên. Rất lâu mới lại được thưởng thức hương rượu quê nồng nàn như thế sau khá nhiều năm quen với whisky nặng gắt. Rượu đẫm như tự mùa đông nảo nào.

Người phố thèm quê từ bao giờ chẳng biết?          

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận