TTCT - Tôi hỏi Bob, bạn tôi, quyết tâm cho năm mới của anh là gì và anh nói, với một cái nhún vai (tỏ ý chuyện này là hiển nhiên hoặc chẳng bất ngờ): uống ít đi, giảm cân… Minh họa: B.Khoa Anh cũng hỏi lại tôi, nhưng tôi chưa sẵn sàng trả lời. Tôi đã trở lại học thiền, một cách nhẹ nhàng, vì cơn tuyệt vọng trong những ngày nghỉ, dù tuyệt vọng nhẹ thôi. Một cái huy chương hay một quả cà chua thối, tất cả đều như nhau, cuốn sách tôi đang đọc nói thế. Sau vài ngày suy nghĩ, tôi nghĩ câu trả lời trung thực nhất cho Bob sẽ là: “Quyết tâm cho năm mới của tớ là học cách nhìn mình như là không-gì-cả”. Chuyện này có cạnh tranh gì không? Anh muốn giảm cân, tôi thì muốn nhìn mình như là không-gì-cả. Dĩ nhiên cạnh tranh thì không phù hợp với bất cứ triết lý nào của nhà Phật. Một cái không-gì-cả đích thực thì không cạnh tranh. Nhưng tôi không nghĩ mình cạnh tranh khi tôi nói thế. Tôi cảm thấy thực sự khiêm tốn, lúc đấy. Hoặc là tôi nghĩ thế - trên thực tế, có ai thực sự khiêm tốn lúc họ nói mình muốn học cách không là gì cả không? Nhưng còn một vấn đề khác, vấn đề mà tôi đã muốn mô tả cho Bob nghe vài tuần nay: cuối cùng, sau nửa đời người, bạn đủ thông minh để thấy tất cả đều chẳng là gì, ngay cả thành công cũng chẳng là gì. Nhưng làm sao người ta có thể học cách nhìn mình như là không-gì-cả nếu ban đầu đã rất vất vả học cách nhìn mình như một cái-gì-đó? Thật khó hiểu. Bạn mất nửa cuộc đời học được rằng suy cho cùng bạn là cái-gì-đó, giờ bạn muốn dành nửa cuộc đời còn lại học cách nhìn mình như là không-gì-cả. Bạn trước là một cái không-gì-cả tiêu cực, giờ bạn muốn là một cái không-gì-cả tích cực. Tôi đã bắt đầu cố gắng, trong mấy ngày đầu năm mới ấy, nhưng đến giờ nó vẫn khá là khó. Sáng nào tôi cũng khá là gần cái không-gì-cả, nhưng đến chiều muộn thì cái ở trong tôi tức là cái-gì-đó lại bắt đầu tác oai tác quái. Chuyện này diễn ra nhiều ngày. Đến tối, trong tôi lại đầy cái-gì-đó và nó thường là cái gì đó nham hiểm và thủ đoạn. Vậy nên tôi đang nghĩ là để bắt đầu thì tôi đang nhắm quá cao, có lẽ không-gì-cả thì quá nhiều. Có lẽ bây giờ tôi nên cố gắng, mỗi ngày, trở nên ít đi một chút so với tôi thường ngày. (Người dịch: Nguyễn Huy Hoàng) ■ Lydia Davis sinh năm 1947 ở Northampton, Massachusetts. Là một nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm truyện cực ngắn và dịch giả của nhiều nhà văn Pháp như Proust, Flaubert, Blanchot, Pierre-Jean Jouve và Foucault. Bà được trao giải Man Booker quốc tế năm 2013. Bà hiện là giáo sư môn sáng tác văn chương tại Đại học tiểu bang New York ở Albany.
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.