TTCT - Vòng 2 của cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống Romania, dự kiến tổ chức vào 8-12, đã không thể diễn ra do một quyết định bất ngờ của Tòa án Hiến pháp (CC) nước này chỉ hai ngày trước đó. Ông Georgescu và bà Lasconi. Ảnh: ReutersNgày 6-12, CC đã hủy kết quả vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 24-11, quyết định mà tòa cho rằng nhằm "đảm bảo tính toàn vẹn và hợp pháp của quá trình bầu cử", đồng thời khẳng định phán quyết này là "cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý".Sít saoKết quả bỏ phiếu vòng đầu tiên, ứng viên độc lập Calin Georgescu dẫn đầu với 22,95% số phiếu. Thứ nhì là lãnh đạo đảng trung hữu "Liên minh cứu rỗi Romania - CCP" Elena Lasconi (19,18%).Thủ tướng nước này, thuộc Đảng Dân chủ xã hội (PSD) Marcel Ciolaku, người được các cuộc thăm dò dự đoán một chiến thắng vang dội, chỉ về thứ ba với 19,15%, kết quả khiến ông quyết định rời chức vụ lãnh đạo PSD sau đó.Dự kiến vào ngày 8-12, bầu cử vòng 2 sẽ diễn ra. Theo thăm dò của Atlas Intel, ông Georgescu đang dẫn trước bà Lasconi. Nhưng dù ai dẫn điểm thì việc hủy bỏ kết quả vòng 1 và không tiến hành vòng 2 đã gây tranh cãi dữ dội. Ông Georgescu gọi diễn biến này là một cuộc đảo chính: "Quyết định của CC không chỉ là tranh chấp pháp lý mà là một cuộc đảo chính được hợp pháp hóa. Nhà nước pháp quyền đang ở trạng thái hôn mê giả tạo, và công lý, phụ thuộc vào mệnh lệnh chính trị… không còn là công lý nữa", ông nói trên Realitatea TV. Nhà khoa học chính trị Nga Sergey Markov gọi đây là "đảo chính nhà nước ngăn ngừa", nhằm loại bỏ ứng viên tổng thống mà phương Tây không ưa thích.Nữ ứng viên Lasconi cũng lên án quyết định của CC: "Hôm nay là ngày mà Nhà nước Romania chà đạp lên nền dân chủ... Trong các điều kiện dân chủ, tổng thống không được bổ nhiệm thông qua một chữ ký đơn giản hoặc các cuộc đàm phán hậu trường". Tuy nhiên, bà kêu gọi cử tri từ bỏ các cuộc biểu tình, chỉ ra rằng "hệ thống này phải sụp đổ một cách dân chủ".Ảnh: ReutersRomania và những vận động ở Đông ÂuĐể hiểu tình hình gay cấn của các diễn biến này, cần trở lại với cuộc bầu cử Quốc hội Romania vừa diễn ra ngày 1-12. PSD giành chiến thắng với 21,96% phiếu, về nhì là đảng cực hữu Liên minh dân tộc chủ nghĩa vì sự thống nhất của người Romania (AUR) (18,01%, đảng cũ của ông Georgescu). Về thứ ba là đảng của bà Lasconi (13,20%). Kết quả này khiến lực lượng dân túy cánh hữu tăng lên đáng kể trong Quốc hội Romania, lên tới khoảng 33%, làm dấy lên lo ngại về khả năng hình thành một liên minh cực hữu cầm quyền ở nước này. 4 chính đảng Romania thân châu Âu, tuy có một số bất đồng, đã bắt tay thành lập liên minh cầm quyền để ngăn phe cực hữu và ông Georgescu.Romania là nước cộng hòa tổng thống - nghị viện: nguyên thủ quốc gia quyết định chính sách đối ngoại và an ninh, là tư lệnh các lực lượng vũ trang và tham gia kiểm soát các cơ quan tình báo. Quan điểm về chính sách đối ngoại của ứng viên Georgescu đã gây lo ngại ở phương Tây khi ông nhiều lần tuyên bố rằng tư cách thành viên NATO không mang lại cho Romania sự đảm bảo an ninh mà nước này cần và "không quốc gia nào trong liên minh sẽ được bảo vệ trong trường hợp bị Nga tấn công".Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Reuters, ông cũng gọi yêu cầu của NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP là "thứ yếu". Lập luận của ông: "Mối quan tâm của người dân Romania là được hạnh phúc. Mọi người không thể vui vẻ khi tiêu tiền vào những thứ khác. Nếu liên minh NATO có tính phòng thủ thì nó phải tiếp tục phòng thủ. Tôi tin một điều: Romania không có nghĩa vụ gì với bất kỳ ai". Ông còn hứa nếu chiến thắng sẽ cấm xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua lãnh thổ Romania, một vấn đề đang rất nhạy cảm với Kiev trong cuộc chiến với Nga.Romania hiện đứng thứ 31 trong bảng xếp hạng các nước phương Tây viện trợ cho Ukraine - theo Viện Kinh tế thế giới Kiel, và điều này có thể thay đổi nếu ông Georgescu lên nắm quyền. Ứng viên Lasconi, trong khi đó, ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng và hỗ trợ Ukraine. Theo các nhà báo, "Liên minh cứu rỗi Romania" của bà được thành lập nhờ những người ủng hộ tỉ phú người Mỹ George Soros, người sáng lập quỹ xã hội mở chuyên "phát triển dân chủ" ở các quốc gia hậu Xô viết.Politico lưu ý viễn cảnh Georgescu lên nắm quyền ở Romania đang gây lo ngại cho NATO, vì nước cộng hòa này là trụ cột của liên minh ở khu vực Biển Đen. Romania là nơi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ (ở căn cứ quân sự Deveselu), điều mà ông Georgescu gọi là "sự ô nhục với nền ngoại giao". Một quan chức cấp cao Romania nói với Politico: "Nếu Georgescu thắng, đó sẽ là bằng chứng nữa về sự gia tăng tâm thế chống phương Tây". Tờ Foreign Policy thì phân tích: "Nếu Georgescu thắng vòng 2, EU sẽ có bộ ba Hungary, Slovakia, Romania phản đối châu Âu lên án Nga", và "câu lạc bộ" này có thể mở rộng thêm nếu các cuộc bầu cử sắp tới ở Cộng hòa Czech, Moldova và Bulgaria cũng diễn ra bất lợi cho phương Tây.■ Ngày 4-12, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về những gì đang diễn ra ở Romania. "Hoa Kỳ đánh giá cao những đóng góp của Romania với tư cách là một đồng minh mạnh mẽ của NATO và EU", nhưng cảnh báo về "các tác nhân nước ngoài đang tìm cách khiến chính sách đối ngoại của Romania rời xa các liên minh phương Tây". Đặc biệt, Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý rằng bất kỳ thay đổi nào như vậy trong chính sách đối ngoại sẽ "gây ra hậu quả tiêu cực nghiêm trọng đối với sự hợp tác của Mỹ với Romania trong lĩnh vực an ninh". Ngày 5-12, Ủy ban châu Âu (EC) cũng thông báo mở điều tra riêng về quá trình bầu cử Romania. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Chiến sự Nga - Ukraine Tiếp theo Tags: RomaniaBầu cửTổng thốngNATOChâu Âu
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh gọn bộ máy là vấn đề khó, phải khách quan, thận trọng, dân chủ THÀNH CHUNG 16/12/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ phải làm tốt công tác tham mưu, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Công an TP.HCM bắt trọn đường dây mua bán, vận chuyển hơn 42kg ma túy do người Trung Quốc chỉ đạo ĐAN THUẦN 16/12/2024 Công an TP.HCM vừa khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can do có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Qua đó thu giữ hơn 42kg ma túy các loại.
TP.HCM đề xuất miễn học phí cho toàn bộ học sinh các cấp HOÀNG HƯƠNG 16/12/2024 Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đề xuất miễn học phí cho học sinh mầm non, THPT, học viên hệ giáo dục thường xuyên từ năm học 2025 - 2026.
VAR ‘tàng hình’ ở trận Việt Nam thắng Indonesia QUANG THỊNH 16/12/2024 VAR không lộ diện khiến nhiều khán giả đặt câu hỏi liệu trận đấu Việt Nam thắng Indonesia 1-0 ở bảng B ASEAN Cup 2024 có sử dụng VAR như thông báo trước đó hay không.