TTCT - Thông tin về “triển vọng hợp tác” giáo dục giữa Việt Nam và Phần Lan, với những bàn thảo giữa bộ trưởng giáo dục của hai nước về khả năng “nhập khẩu” chương trình và sách từ Phần Lan đang tạo nên nhiều cuộc tranh luận trên các diễn đàn và mạng xã hội. Minh họa Tôi ủng hộ việc nhập khẩu này, nhưng là nhập khẩu có điều kiện. Khác với sách chuyên khảo, tham khảo thông thường, sách giáo khoa (SGK) là một tài liệu phức tạp hơn nhiều. Phức tạp thứ nhất liên quan đến chủ thể của sách: nếu chủ thể của một cuốn sách thông thường là người đọc duy nhất, thì chủ thể của SGK ít nhất sẽ bao gồm người học và giáo viên (có thể mở rộng sang cả phụ huynh đối với các lớp ở trình độ thấp). Phức tạp thứ hai liên quan đến những thứ kèm theo sách: với sách thông thường, hiếm khi ta có tài liệu kèm theo, nhưng với SGK sẽ có ít nhất một cuốn sách hướng dẫn dành cho giáo viên, chưa kể trong nhiều trường hợp SGK còn kèm slides bài giảng, CD hoặc website hỗ trợ. Tất cả những thứ “đính kèm” này nhằm giúp giáo viên theo dõi và có công cụ để đánh giá người học theo đúng tiến độ chương trình đã đề ra. Với sách thông thường, chắc không có tác giả nào tham vọng theo dõi được tiến độ đọc của người đọc hay đảm bảo người đọc sẽ đọc hiểu giống hệt cách tác giả nghĩ. Ta có đủ năng lực viết SGK hay không? SGK phức tạp là vậy, nên người viết SGK sẽ đồng thời phải có hai điều kiện: vừa có kiến thức chuyên môn sâu vừa có kiến thức về thiết kế sách, thiết kế chương trình. Chính vì vậy, những người viết SGK thường là các chuyên gia đầu ngành. Ngay cả tại các nước có truyền thống một chương trình, nhiều bộ SGK thì thông thường cũng sẽ có 2-3 bộ được lưu hành, phổ biến nhất (ngôn ngữ marketing gọi là các market leaders). Người Việt có đủ năng lực viết SGK không? Trước khi trả lời câu hỏi này, thử điểm qua thực trạng SGK trước: Ở bậc tiểu học, về truyền thống chúng ta chỉ có một chương trình và một bộ SGK. Bộ GD-ĐT là đơn vị chỉ định chuyên gia và tổ chức viết SGK. Về tài liệu kèm theo, ta cũng mới chỉ có sách hướng dẫn của giáo viên. Gần như chưa có trường hợp nào có kèm theo CD, website hỗ trợ học tập hoặc thậm chí đơn giản chỉ là slides bài giảng. Bậc đại học thì các trường được phép tự thiết kế SGK cho riêng mình. Hầu hết các trường hiện nay đều tự xây dựng và lưu hành nội bộ, hoặc phát hành qua các nhà xuất bản. Tuy vậy, rất ít khi ta thấy có những tài liệu kèm theo như sách hướng dẫn của giáo viên, CD, website và slides bài giảng. Các sách loại này cũng thường được làm không kỹ (xét về phương diện sách), ví dụ rất ít sách có phần chỉ mục (index) là phần rất quan trọng của bất kỳ bộ sách nào. Nêu ra thực trạng của SGK tại Việt Nam ở trên, tôi không có ý nói chúng ta không thể làm nổi một bộ SGK. Nhưng rõ ràng chúng ta đang ở trình độ làm SGK thấp hơn nhiều so với thế giới. Vì vậy, nếu có cố làm thì chúng ta sẽ phải tốn nhiều nguồn lực. Và kể cả có đổ nhiều nguồn lực thì chúng ta cũng sẽ rơi vào tình trạng “thiết kế lại cái bánh xe” mà thế giới đã làm. Giáo viên có đủ năng lực để sử dụng sách nhập? Một trong những lo ngại của những người phản đối nhập khẩu SGK là bởi họ e ngại giáo viên Việt Nam sẽ không biết sử dụng và khai thác được sách nhập, bởi sách đó vốn được thiết kế cho giáo viên nước ngoài có trình độ cao hơn (và một không gian tự chủ, toàn quyền lớn hơn). E ngại này là rất hợp lý. Tuy vậy, từ kinh nghiệm của cá nhân tôi tại một chương trình sau đại học ở nước ngoài cho thấy vấn đề này hoàn toàn có thể hóa giải. Khi nhận lời trợ giảng (thực tế là đứng lớp phần lớn thời gian) cùng giáo sư, tôi tương đối “hoang mang” vì sợ mình không có đủ năng lực, bởi thực tế môn học mà tôi tham gia trợ giảng thì tôi cũng mới chỉ được học trước đó một năm. Nhưng sau khi được đọc sách giáo viên và các tài liệu hướng dẫn kèm theo, tôi đã tự tin hơn rất nhiều và thực hiện công việc “tròn vai”. Bài học rút ra ở đây là chính những tài liệu kèm theo sẽ có tác dụng “đào tạo” giáo viên. Và đó cũng chính là tiêu chí của một bộ SGK tốt. Nhập SGK: khi nào nên và khi nào không nên? Với những phân tích ở trên, tôi ủng hộ việc nhập SGK vào Việt Nam ở tất cả các bậc học. Tuy vậy, sẽ có một số môn không nên (và không thể nhập), ví dụ như lịch sử, địa lý, giáo dục công dân... vì đó là những môn mang dấu ấn địa phương cao và nhất thiết phải do người bản địa thực hiện. Quay lại với câu chuyện nhập sách Phần Lan, hiện nay chúng ta chưa có thông tin đầy đủ, nhưng tôi tin rằng sẽ là không hợp lý nếu chúng ta chỉ nhập một số sách duy nhất của một nước duy nhất (ví dụ Phần Lan) và càng không nên/không thể bắt ép cả hệ thống giáo dục phải áp dụng. Kinh nghiệm áp dụng đại trà VNEN hay thông tư 30 một cách vội vã là những bài học lớn mà chúng ta cần rút kinh nghiệm.■ Tags: Sách giáo khoaNhập sách giáo khoaChương trình Phần LanNhập chương trình
Hà Nội trong nhạc điện tử: Từ quan họ trên nền Drum'n'Bass đến 'Electrùnic' XUÂN TÙNG 02/02/2023 1835 từ
50 năm Hiệp định Hòa bình Paris: Ký ức lịch sử của một người phiên dịch ĐINH THÚY NGA 27/01/2023 3890 từ
Lần đầu tiên chọn giám đốc bệnh viện qua thi tuyển: Để nghĩ xa hơn một vùng an toàn HOÀNG LỘC - K.YÊN 23/01/2023 1609 từ
Dịch vụ y tế theo yêu cầu: "Khám giáo sư" và chuyện viện phí đúng, đủ L.ANH - X. MAI - D.LIỄU 23/01/2023 1751 từ
Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 2: Đường xưa Sương Nguyệt Anh - Một cõi yên bình PHÚC TIẾN 04/02/2023 Con đường Sương Nguyệt Anh ấy ngắn thôi, chạy song song với đường Nguyễn Thị Minh Khai (xưa là Hồng Thập Tự) và đường Bùi Thị Xuân, đồng thời nối liền đường Tôn Thất Tùng (Bùi Chu) với đường Cách Mạng Tháng Tám (Lê Văn Duyệt).
Thủ tướng khảo sát dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát NGỌC AN 04/02/2023 Cảng hàng không Phù Cát được giao nghiên cứu hoàn thiện đề án xã hội hóa đầu tư theo phương thức PPP, cũng như trong nhiệm kỳ phải hoàn thành tuyến đường giao thông ven biển Bình Định.
Trung Quốc nói khinh khí cầu xuất hiện ở Mỹ là 'sự cố bất khả kháng' TRẦN PHƯƠNG 04/02/2023 Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích các chính trị gia và truyền thông của Washington lợi dụng 'sự cố bất khả kháng" này để bôi nhọ Bắc Kinh. Washington khẳng định khinh khí cầu đã "vi phạm rõ ràng" chủ quyền của Mỹ.
Kiếm chác, rao bán tài khoản ChatGPT tràn lan tại Việt Nam ĐỨC THIỆN 04/02/2023 Hùa theo "cơn sốt" ChatGPT đang lan rộng tại Việt Nam, dịch vụ tạo, mua, bán tài khoản ChatGPT cũng được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội.
Ông Putin tuyên bố 'bị lừa hoài' nên mới đánh Ukraine NHẬT ĐĂNG 18/01/2023 Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine được phát động nhằm chấm dứt cuộc chiến tại miền đông Ukraine, sau thời gian dài Matxcơva bị lừa liên tục, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin.