TTCT - 2016 sẽ là năm chịu tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trao đổi với TTCT, bà Vũ Kim Hạnh - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp - nhận định đây sẽ là năm của bán lẻ với nhiều biến động. Không có chỗ chen chân trong ngày siêu thị Emart (Hàn Quốc) mở cửa hoạt động 28-12 tại TP.HCM -Thanh Tùng Ta biết rằng những gì xảy ra năm 2016 là chuyện đã được “lập trình” trước chứ không hề ập đến một cách tức thời, và các doanh nghiệp cũng đã sắp xếp trước cho mình, tùy điều kiện, tính toán tầm ngắn hay dài. Tôi quan sát thấy nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã gom lại dải sản phẩm, ngành hàng, các lĩnh vực mà họ có đủ lực để tập trung giữ thị trường. Cũng có những doanh nghiệp đang lặng lẽ chuẩn bị chuyển ngành hay bán công ty. Cuộc điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao năm nay cho thấy khá nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có tên tuổi chọn lựa thu hẹp lĩnh vực, ngành hàng thì đứng ổn định, còn những doanh nghiệp đầu tư lan man thì gặp nhiều vấn đề, thậm chí rớt khỏi danh sách bình chọn... Nếu dùng một từ của năm 2016 bà sẽ chọn ngành nào? - Tôi cho rằng 2016 sẽ là một năm của bán lẻ, bởi đây là lĩnh vực rất được quan tâm, vốn là yếu tố quyết định đầu vào, quyết định sản xuất của doanh nghiệp, lại vào năm đầu hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Chẳng hạn Hãng Singha của Thái Lan vừa mới rót hơn 1 tỉ USD vào Masan. Chưa biết sản phẩm của Masan sẽ vào bếp của các gia đình ASEAN như thế nào nhưng hàng Thái sẽ tràn vào Việt Nam thêm qua hệ thống của Masan. Nhiều vụ mua bán và sáp nhập khác, các nhà đầu tư ngoại chủ yếu mua mạng lưới phân phối, bán lẻ của doanh nghiệp. Năm 2016 sẽ có khá nhiều biến động trên thị trường bán lẻ, mấy ngày này đã thấy rồi... Người Thái đã mua mạng lưới bán lẻ rộng lớn của nhiều đơn vị. Nhà đầu tư ngoại ở thế tấn công, sao chúng ta cứ mãi... phòng thủ? - Chưa biết những người quản lý nhà nước về thương mại có sách lược gì không trước làn sóng này. Mấy năm qua, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội khi rất nhiều chuyên gia cảnh báo và khuyên đầu tư cho hệ thống phân phối và mạng lưới bán lẻ. Chẳng hạn, sau mấy năm thực hiện dự án về vẽ bản đồ phân phối, tìm hiểu cách xây dựng mạng lưới bán lẻ rất căn cơ và thành công của các công ty đa quốc gia ở Việt Nam, chúng tôi đã thuyết phục được Bộ Công thương trình ra Chính phủ. Thủ tướng cũng đã ra quyết định 634, có chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới bán lẻ toàn bộ 63 tỉnh thành để trao miễn phí cho doanh nghiệp Việt nhưng tới nay không thấy Bộ Công thương triển khai. Thay vào đó, người ta thi nhau tổ chức hội chợ và với kiểu tổ chức đại trà, thành ra xúc tiến cho... hàng Trung Quốc luôn. Dường như có sự thiếu kiên quyết với những quyết sách đúng và sống còn mà vẫn cứ dễ làm, khó bỏ. Còn với việc thâm nhập thị trường các nước ASEAN, doanh nghiệp vẫn đang tự bơi là chính. Bà Vũ Kim Hạnh -Phi Tuấn Nông nghiệp có vẻ như khá nóng trong thời gian qua khi nhiều đại gia nhảy vào lĩnh vực này? - Việc đầu tư ồ ạt của các đại gia, theo tôi, vẫn còn là một ẩn số. Có thể trên thị trường đang thiếu rau sạch, thịt sạch, cá sạch, gạo sạch... và họ nhìn thấy cơ hội. Nhưng để giáo dục tiêu dùng, cấu trúc lại nông nghiệp, thay đổi tập tính người nông dân... là những vấn đề có tính lịch sử do nông nghiệp của ta chạy theo số lượng, nghiện phân thuốc hóa học, phải mất rất nhiều tài lực và thời gian. Câu hỏi đặt ra là họ sẽ đeo đuổi đến cùng hay không? Tôi mong là họ đủ kiên trì vì nền nông nghiệp cần họ góp sức thay đổi theo xu hướng mới. Bà nhận thấy kinh nghiệm trong việc chuẩn bị cho các FTA từ các quốc gia trong khu vực như thế nào? - Họ làm rất bài bản, công phu vì là chiến lược cấp quốc gia. Thái Lan dù chính trị xáo trộn vẫn giữ chiến lược tận dụng cơ hội từ AEC. Họ đã đầu tư 66 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng để kết nối với các quốc gia ASEAN để Thái thành một trung tâm của AEC. Các bộ ngành của Thái Lan cũng rất nhạy bén và chuẩn bị đầy đủ. Họ quan tâm đào tạo nhân lực và còn phát triển thành dịch vụ, như lập ra một trung tâm đào tạo nghề cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Hoặc người Thái rất mạnh tay đầu tư vào bán lẻ như đã nói, và Việt Nam là tâm điểm của họ vì dân số đông, người tiêu dùng trẻ. Còn ở ta, tiền của đang được đổ vào nhiều lĩnh vực. Gom hết tiền xây trụ sở với quảng trường, tượng đài các tỉnh lại cũng thành khoản đáng kể đầu tư cho chiến lược cạnh tranh AEC chứ. Chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh đó phải là một chiến lược của quốc gia? - Đấy đúng là chiến lược quốc gia, vì trong AEC các chính phủ cũng phải cạnh tranh với nhau chứ đâu chỉ có doanh nghiệp. Trong cuộc cạnh tranh đó, nếu các cơ quan chính phủ không có chiến lược cạnh tranh, không tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, không thực thi các chính sách có lợi cho doanh nghiệp mà vẫn đúng luật chơi, bỏ mặc doanh nghiệp tự bơi thì chỉ có đường thua. AEC hay TPP là chơi theo kiểu mới, mọi thứ “vũ khí” bảo vệ doanh nghiệp nội địa đã biến tướng nhiều, bài toán khắc nghiệt hơn nên tự thân doanh nghiệp đâu đủ sức. Trong các FTA người ta hay thổi phồng lợi ích quá lớn, nhưng nhiều bài học đau thương còn đó cho thấy lợi ích chưa thấy đâu mà chỉ là thiệt hại? - Trong thương mại, chữ cơ hội hay lợi ích luôn đi đôi với cạnh tranh, mà cạnh tranh là giành lấy thắng lợi từ việc vượt qua các thách thức, chứ làm gì có cơ hội từ trên trời rơi xuống. Người ta hay nói rằng cơ hội là trừu tượng, còn thách thức là cụ thể vì cái lợi ích không tự nhiên có, còn thiệt hại thì rất rõ ràng. Chẳng hạn, một doanh nghiệp không bán được hàng sẽ bị hất ra khỏi thị trường. Khi muốn xâm nhập trở lại thì chi phí cao hơn nhiều, mà không giành lại được là thua chắc. Theo bà, đâu là những điểm các doanh nghiệp cần phải chú trọng trong các FTA thế hệ mới trong thời gian tới? - Từ WTO và các FTA thế hệ cũ đến các FTA thế hệ mới, mọi thứ rất khác. Nhưng tôi có cảm nhận dường như chúng ta chưa hoàn toàn có tâm thế mới trong cuộc chơi mới. Đến giờ mà nhiều doanh nghiệp hãy còn xa lạ với khái niệm giá trị thương hiệu. Chúng ta lo định giá tài sản hữu hình như máy móc, nhà xưởng, đất đai, nhưng thế giới lại cạnh tranh bằng thương hiệu, bằng bằng sáng chế. Trong cạnh tranh, cái gì đáng giá thì người ta đầu tư, còn chúng ta đang làm ngược lại, mà muốn làm như họ phải có chuyên môn. Theo bà, Chính phủ nên hỗ trợ các doanh nghiệp như thế nào để vừa có hiệu quả, vừa không vi phạm các quy định quốc tế? - Việc phổ biến nội dung các hiệp ước nhiều mà chưa có hiệu quả, do chưa đúng nhu cầu, đối tượng. Quảng bá nhanh các tài liệu thông tin, trên mạng, phân tích các điểm mới trong các hiệp định, trong cục diện cạnh tranh mới... Thử nhìn các quốc gia khác hỗ trợ doanh nghiệp. Họ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp và làm các chương trình tiếp thị chung cho thương hiệu quốc gia hay xây dựng hệ thống chính sách đúng luật quốc tế nhưng có lợi cho doanh nghiệp nước họ. Chúng ta quá chú trọng đến các rào cản thuế quan trong các FTA, nhưng hàng rào phi thuế quan lại bị buông lơi hay bối rối. Các cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta ở các cấp chừng như đang bối rối và bất cập trước giờ G của hội nhập. Liệu sự bối rối đó sẽ gián tiếp dẫn đến những hệ lụy như bị kiện tụng chẳng hạn? - Giới thương mại quốc tế lúc nào cũng sẵn sàng đi kiện, coi đó là một chi phí đầu tư chứ không phải là phí tổn. Còn ở ta vẫn quan niệm vô phúc đáo tụng đình. Nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh bằng quan hệ chứ không phải bằng năng lực hay hiểu biết về luật lệ. Nắm vững luật, chuẩn bị cơ sở pháp lý để bảo vệ mình mới mong không sa vào chiếc bẫy do mình giăng ra. Vậy các doanh nghiệp đang tìm cách sống với FTA như thế nào? - Tôi thấy khá nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chế biến nông sản đang tìm hiểu sâu và rõ hơn về chuỗi giá trị toàn cầu, về tiêu chuẩn an toàn, dinh dưỡng. Họ lặng lẽ chuẩn bị cho mình đáp ứng tiêu chuẩn đó. Một số doanh nghiệp tuy không lớn về quy mô nhưng trình độ phát triển cao cũng tìm cho mình lối đi. Đó là vì họ đã quen thuộc với chuyện làm ăn với nước ngoài. Điều đáng tiếc là họ không chia sẻ được nhiều về các kinh nghiệm này, một phần cũng bởi tính liên kết ở các doanh nghiệp không cao, hay có thể vì họ phải đương đầu với quá nhiều thách thức hiện tại. Doanh nghiệp nên tích hợp được thành một bộ phận trong chuỗi cung ứng toàn cầu là cách làm hay, cũng đã có một số doanh nghiệp Việt đã và đang làm. Ngoài ra, phải tìm cách để tạo khác biệt từ sản phẩm tới dịch vụ. ■ Tags: Thị trường bán lẻBà Vũ Kim HạnhTác động FTALàm ăn đầu năm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (Giáo viên) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cám ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cám ơn của đứa học trò vừa nhận được học bổng Tiếp sức học bổng đến trường năm 2024.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
'Ông lớn' chứng khoán SSI bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt hàng tỉ đồng BÔNG MAI 23/11/2024 Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa báo cáo với cơ quan lãnh đạo thị trường chứng khoán về quyết định liên quan đến Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).
Ông Medvedev: Phương Tây xác định mục tiêu và dẫn đường cho các tên lửa đánh Nga THANH BÌNH 23/11/2024 Ngày 22-11, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo bất kỳ kịch bản leo thang nào đều có thể xảy ra trong xung đột Nga - Ukraine vì những gì phương Tây đang làm.