TTCT - 17h29 thứ năm 14-4, trang Facebook của đương kim Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long loan tin: “Các bộ trưởng đã chọn ông Lawrence Wong [Hoàng Tuần Tài] làm lãnh đạo mới của êkip 4G”, tức êkip cầm quyền thế hệ thứ tư. Việc kế thừa chính trị ở đây tưởng là luôn thuận buồm xuôi gió, nhưng không hẳn như vậy! Ở đất nước mà từ thế hệ đầu tiên lập quốc, các phát biểu nhiều suy gẫm hơn là sáo ngữ, thông báo của Lý Thủ tướng trong cuộc họp báo hôm 16-4 vừa qua hệ trọng trong từng chữ: “Các bộ trưởng đã chọn ông Lawrence Wong làm lãnh đạo. Quyết định này... sẽ đảm bảo tính liên tục và ổn định của vai trò lãnh đạo vốn là những đặc điểm của hệ thống chúng ta”. Tại sao các bộ trưởng chọn? Tính liên tục, ổn định ở đảo quốc 57 năm tuổi này là gì? “Đặc sắc Singapore” ra sao? Ông Lý Hiển Long (trái) và ông Lawrence Wong. Ảnh: Yahoo NewsTừ Heng Swee KeatViệc nội các Singapore nhất trí chọn ông Wong, bộ trưởng Tài chánh, đứng đầu êkip lãnh đạo thế hệ thứ tư của đất nước đồng nghĩa ông sẽ là người kế vị Lý Thủ tướng, người vừa tròn 70 tuổi hôm 10-2, nhằm đáp ứng yêu cầu cáo lão điền viên của ông Lý. Đây là một yêu cầu chính đáng sau khi ông Lý bị bệnh bạch cầu.Được biết tối 21-8-2016, trong khi đang đọc thông điệp Quốc khánh được truyền hình trực tiếp được khoảng 2 tiếng, ông Lý đã bị choáng, phải vịn lấy bục phát biểu, và được dìu ra nghỉ. Khoảng một tiếng sau, ông quay lại đọc nốt bài diễn văn. Sẵn ống kính truyền hình, ông đã nhắc đến chuyện kế nhiệm và một bộ trưởng cũng đang đau yếu như ông là ông Heng Swee Keat (Vương Thụy Kiệt): “Là bộ trưởng hay không, tất cả chúng ta đều là người phàm. Ông Heng Swee Keat gần đây đã khiến chúng tôi lo lắng muốn chết, còn hơn những gì tôi vừa gây ra cho quý vị, tệ hơn nhiều. Tôi rất vui vì ông ấy đã qua khỏi... Các bác sĩ đã cho phép ông ấy làm việc tiếp... Thành ra, tôi đã quyết định rằng Swee Keat tiếp tục chức trách bộ trưởng Tài chánh”.Bấy giờ Bộ trưởng Heng là người mà ông Lý đang nhắm cho chức Thủ tướng, kế nhiệm ông, dù đã biết ông Heng bị bệnh tim nặng phải can thiệp. Tại sao ông Lý và Đảng Cầm quyền hành động nhân dân (PAP) lại “kết” ông Heng đến thế? Có thể do ông Heng là một bộ trưởng Tài chánh giỏi, sau khi giữ chức bộ trưởng giáo dục 2011 - 2015. Trong lĩnh vực tài chánh, ông Heng từng giữ chức giám đốc điều hành Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS, kiểu như thống đốc ngân hàng trung ương) 2005 - 2011, và đã được tạp chí chuyên ngành The Banker bình bầu là Thống đốc Ngân hàng trung ương châu Á - Thái Bình Dương xuất sắc nhất năm 2011.Ngay từ năm đó, cựu Thủ tướng Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống) đã “chấm” ông Heng sẽ là “nòng cốt của thế hệ 4G”. Một lý do khác tế nhị hơn là ông Heng từng là thư ký riêng của ông Lý Quang Diệu trong ba năm nên rành việc quốc gia đại sự hơn ai khác. Đến đây có lẽ cần mở ngoặc đơn về Singapore như là thủ phủ tài chánh, ngân hàng thế giới: không phải cứ nhờ vào địa điểm giao thương toàn cầu ngoạn mục hay cứ nghĩ bỏ tiền xây hết tòa tháp này tới cao tốc kia mà thành được trung tâm tài chánh thế giới, như London, Frankfurt hay Paris. Điểm cốt yếu là đội ngũ làm trong lĩnh vực này ở Singapore có học vấn thật, đúng và đủ, từ đời này qua đời khác, quen với chính sách tự do kinh tế, song song dân trí cao nhờ một nền giáo dục kiểu Anh, không bị “đứt quãng”, trong đó tiếng Anh là “quốc ngữ”, được sử dụng và học đại trà.Tới Lawrence Wong4 năm sau, Lý Thủ tướng còn nhắc lại quá trình chọn ông Heng trong cuộc họp báo hôm 16-4 vừa qua nhân dịp một nhà báo hỏi cụ thể trường hợp ông Heng. Theo ông Lý, do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu Nội các, mà Nội các có trách nhiệm tập thể trong việc điều hành Singapore, nên Thủ tướng phải có sự ủng hộ đầy đủ của các đồng liêu. Tại sao từ ông Heng vào năm 2018 đến ông Wong bây giờ, lại cần các bộ trưởng nhất trí?Theo ông Lý, đó là do trước kia ở thế hệ thứ hai (tức thế hệ ông Goh), Nội các chỉ gồm vài bộ trưởng, còn sang thế hệ thứ ba (tức thế hệ ông Lý Hiển Long), nội các đông hơn, song không cần tất cả các bộ trưởng bầu chọn. Đến thế hệ thứ tư, tức thế hệ ông Heng, thì việc phải tranh thủ sự đồng thuận đông đủ của cả Nội các đã trở nên cần thiết. Điều đó giải thích tại sao nay tới phiên ông Wong, các bộ trưởng cũng tiếp tục bỏ phiếu bầu chọn.Ông Lý nhấn mạnh phương cách bầu chọn Thủ tướng rất “độc đáo Singapore” này: “Điều cốt yếu là Thủ tướng và các bộ trưởng trong Nội các phải có sự tin tưởng tuyệt đối với nhau, và phải hỗ trợ lẫn nhau - hỗ trợ người lãnh đạo, hỗ trợ nhóm, làm việc cùng nhau và họ là một”. Ông Lý nhấn mạnh: “Ở nhiều nước thì không như vậy... Tôi nghĩ ở Singapore, càng duy trì cách chúng ta đã làm trong Nội các, thì càng tốt cho Singapore”.Đã có lúc cuộc chạy đua kế vị diễn ra giữa ba người: Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung (Vương Ất Khang), Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong và Bộ trưởng Giáo dục Chan Chun Sing (Trần Chấn Thanh). Trong cuộc chiến chống COVID-19, ba vị trên đã đảm nhận thêm vai trò lãnh đạo Lực lượng đặc nhiệm đa bộ phòng chống dịch. Với tư cách là đồng chủ tịch lực lượng này, ông Wong trở thành nhân vật đặc biệt nổi bật trong chính sách chống dịch của Singapore, nhận được lời khen ngợi từ truyền thông và giới chức y tế thế giới, qua đó gầy dựng được uy tín chính trị cho bản thân. Cùng với Bộ trưởng Y tế Ong, ông Wong được tiếng là đã chủ động và quyết đoán trong chống dịch.Trong cuộc bỏ phiếu của các bộ trưởng, đã có đến 15/19 phiếu bầu cho ông Wong. Bản thân ông, trong cuộc họp báo ra mắt hôm 16-4 cùng với Lý Thủ tướng, đã giải thích quan niệm của ông về êkip 4G mà sắp tới ông sẽ lãnh đạo: “Mỗi người trong đội hình đều có những khả năng và thế mạnh riêng để đóng góp. Có người đến từ lĩnh vực công, có người từ lĩnh vực tư, và mỗi người đóng góp nhãn quan và ý tưởng khác nhau... Thành ra, cùng nhau chúng tôi là một đội nhóm mạnh và tôi sẽ tiếp tục làm sao để tăng sức mạnh của toàn đội”.Làm sao để làm được điều đó? Ông Wong nhắc lại: “Ngay từ đầu vào năm 1959, mô hình lãnh đạo chính trị của chúng ta chưa bao giờ là một người, mà luôn là đội nhóm. Mỗi chúng ta đóng góp, bổ sung cho nhau, và cống hiến hết mình cho Singapore”. Để hiểu thêm tính “độc đáo Singapore”, có lẽ cần nhắc lại căn dặn của ông Lý Hiển Long: Thủ tướng là “người đứng đầu trong số các đồng liêu” (primus inter pares), chớ không phải “cao nhân” hô mưa gọi gió hay thần phật ngự trên trời, còn cấp dưới cứ thế mà cúi rạp.Có thể nghĩ rằng giới ưu tú Singapore, nhờ vào vốn liếng học vấn đúng nghĩa và đầy đủ, không đứt quãng, nên giữ được văn hóa và tập quán thượng tôn pháp luật Ăng-lê sau khi độc lập. Họ đã đoạn tuyệt bộ áo “quan trên là cha mẹ” (vốn là đặc điểm của người gốc Hoa và cùng hệ), họ hiểu và áp dụng nguyên tắc primus inter pares, không chỉ ở tầng lớp cao cấp mà cả ở cấp thấp nhất trong bộ máy nhà nước, làm cơ sở cho một nền hành chánh và quan trường ít cám dỗ hay tơ hào nhũng nhiễu. Nhờ vào việc các viên chức nhà nước thôi xem mình là quan chức đã từ rất lâu, thôi nghĩ mình là “quan chi phụ mẫu”, mà bộ máy Nhà nước Singapore mới khiêm cung với người dân, thuận thảo với đồng liêu, và lành sạch như bây giờ.Thách thức với PAPNếu như ở một số nước, chuyện thay thế vị trí cầm quyền được diễn ra qua bầu cử giữa các ứng cử viên, có thể là cả chục như ở Pháp hay chỉ hai người đại diện cho hai đảng như ở Mỹ, thì ở Singapore có khác biệt. Tất nhiên, ở đảo quốc do gia tộc họ Lý sáng lập và xây dựng từ năm 1965 tới giờ, cũng do bầu cử Quốc hội mà từ đó lãnh đạo đảng chiếm đa số phiếu sẽ nhậm chức Thủ tướng. Cái khác ở đây là hiện tại các đảng đối lập vẫn là thiểu số “tuyệt đối”, dù trong hai cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất, số ghế họ giành được đã tăng.Ở cuộc bầu cử cách đây hai năm diễn ra ngày 10-7-2020, có tới 11 đảng chính trị tại Singapore tham gia với tổng cộng 191 ứng viên tranh 93 ghế đại biểu Quốc hội khóa 14. Để so sánh, cuộc bầu cử trước đó (năm 2015) chỉ quy tụ 179 ứng cử viên tranh 89 ghế. Năm 2020, trong số các ứng cử viên, có đến 73 người là nhân vật mới, cùng một ứng cử viên độc lập. 2,65 triệu cử tri Singapore đã tham gia bầu cử. Kết quả: Đảng PAP cầm quyền giành đến 83 ghế, Đảng Công nhân đối lập được 10 ghế, các đảng kia không được ghế nào. Sự tham gia của họ vào các cuộc bầu cử, tuy mới là “tượng trưng”, nhiều nhất cũng chỉ hơn 10% số ghế trong Quốc hội, song đã đủ để báo động đảng cầm quyền. Hồi chuông cảnh báo này đã gióng lên trực tiếp với chính ông Heng Swee Keat trong cuộc bầu cử năm 2020, cũng như những ta thán đầu mùa dịch ở các nhà trọ của người lao động nước ngoài, điều khiến ông Heng, lúc đó đã là Phó thủ tướng, phải ngậm ngùi từ bỏ vị trí ứng viên Thủ tướng.Đối phó với thách thức tồn tại này là trọng trách của Lý Thủ tướng và người được chọn kế thừa ông, Bộ trưởng Tài chánh Wong. Cơ bản là đòi hỏi giữ ổn định xã hội và định hướng đúng đắn cho nền kinh tế trị giá 380 tỉ USD này. Đây không phải là những khẩu hiệu sáo ngữ mà là đề bài hóc búa cho cả ông Lý lẫn ông Wong sau hai năm đại dịch khiến nảy sinh nhiều vấn đề mới và làm trầm trọng thêm các vấn đề cũ.Ví dụ, Reuters 19-4 mô tả: “Các ông Lý, Wong và đồng sự cần đảm bảo 80% dân số sống trong các khu nhà ở do chính phủ xây đừng bị đội giá ngoài thị trường, và không để mất cơ hội việc làm cho người nước ngoài”. Ở nước nào cũng thế, nhà ở là một vấn đề nan giải. Có những nước chưa ngó ngàng gì tới nhu cầu sinh sống này của người dân, thậm chí chỗ trọ “tạm ổn”, tiền thuê thấp, chớ khoan nói tới xây nhà giá rẻ bán cho dân, trong khi thị trường bất động sản thì “loạn cào cào”. Cũng có những nước đã lo liệu chuyện này từ rất lâu, như Singapore với chương trình HDB (Nhà ở xã hội) kế tục chương trình tương tự mà chính quyền Anh khởi động từ những năm 1920. Khi 80% dân chúng sống trong nhà do nhà nước đầu tư, xây dựng, và bán lại giá rẻ, thì đất đai nhà cửa muốn sốt cũng khó, khỏi cần mệnh lệnh hành chính.Ai đánh giá ông Wong?Còn chuyện giữ công ăn việc làm cho người Singapore thì nếu làm căng quá, Singapore sẽ thiếu nhân lực và mất đi tính hấp dẫn quốc tế. Bộ trưởng Wong, trong thông điệp ngân sách 2022 đọc trước Quốc hội hôm 2-3 đã cho thấy ông và các đồng sự ý thức điều này: “Hãy xem một số bài báo đã xuất hiện trên truyền thông quốc tế gần đây nêu câu hỏi có phải Singapore đang tự đóng cửa và người dân Singapore ngày càng ít chào đón người nước ngoài hơn không. Nếu các nhà đầu tư toàn cầu kết luận như vậy, Singapore sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn với họ, và chính những người Singapore bình thường sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất”.Bộ trưởng Wong cũng thông báo những điều chỉnh cần thiết sau đại dịch: “Sự thiếu hụt nhân lực được cấp giấy phép lao động hiện nay một phần là do các hạn chế đi lại. Khi chúng ta từng bước mở cửa biên giới, chúng ta sẽ ưu tiên đưa lao động trở lại, điều mà các doanh nghiệp đang cần gấp, đặc biệt là lao động cho các ngành xây dựng, hàng hải và chế tạo. Chúng ta sẽ có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt trong vòng vài tháng tới. Đồng thời, các doanh nghiệp nên tiếp tục tận dụng tối đa các chương trình hỗ trợ thiết kế lại công việc và cải thiện năng suất, để trở nên hiệu quả hơn về nhân lực”.Ông kết luận: “Tôi muốn nói rất rõ một điều: Chúng ta không đóng cửa với dòng người lao động và chuyên gia nước ngoài. Họ đang và vẫn sẽ là không thể thiếu với nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của chúng ta”. Từ những phát biểu đó, có thể thấy ông Wong đang “tập việc” như thế nào. Thêm nữa, công việc bộ trưởng Tài chánh hiện tại của ông là một “sân tập” thích hợp để ông “bao sân” các việc chung của nội các.Ai sẽ đánh giá thời gian “tập việc” của ông Wong? Chính người dân Singapore, và ông Wong hiểu điều đó có nghĩa gì: “Tất cả chúng ta đều biết khi nào thì sẽ tổ chức bầu cử nữa. Tất nhiên, chúng tôi sẽ thảo luận và vạch ra chiến lược cho cuộc bầu cử đó, và sẽ nỗ lực để đấu tranh giành lấy đặc quyền phục vụ người dân Singapore”.Có thể thấy chuyện kế thừa ở Singapore không đơn giản. Đầu tiên không có chuyện cơ cấu, mà là sau khi đã học thật, hành thật, chủ yếu là ở nước ngoài trở về và kinh qua một số vị trí cốt yếu, đảm nhận những công việc với đòi hỏi rõ ràng, thì mới tiếp tục được đặt vào thử thách ở các vị trí cao hơn, tạo ra những nhà lãnh đạo thật sự “kinh bang tế thế”, không chỉ trong lời nói.■Chỉ cần sơ sẩy một chút, Đảng PAP có nguy cơ sẽ mất tiếp thêm một số ghế Quốc hội nữa trong cuộc bầu cử sắp tới, sẽ diễn ra vào năm 2025. Đã có những cảnh báo như trên East Asia Forum 26-3: “Mặc dù những thắng lợi này [của phe đối lập] vẫn chưa đủ để thách thức sự thống trị của PAP trong nền chính trị Singapore, nhưng chúng chỉ ra rằng đảng này cần phải tái cơ cấu để tiếp tục chiếm đa số phiếu phổ thông, đặc biệt là khi các cử tri trẻ tuổi dường như ngày càng bị thu hút bởi phe đối lập”.Ngoài ra, cho dù biết trước là vô vọng, song ngoài các đảng “0 ghế” cũ, vẫn có thêm hai đảng mới tham gia lần đầu trong cuộc bầu cử năm 2020 là Đảng Singapore Tiến bộ (PSP) và Đảng Chấm đỏ thống nhất (RDU). Tham gia chính là hiện hữu, còn giành được ghế không hạ hồi phân giải. Vì thứ gì cũng phải có khởi đầu. Đảng Công nhân đối lập chính là ví dụ. Cuộc tổng tuyển cử năm 2011 được coi là bước ngoặt không chỉ với lịch sử đảng này, mà cả với nền chính trị Singapore: Đảng Công nhân giành được 6/87 ghế Quốc hội, số ghế nhiều nhất mà một đảng đối lập từng giành được cho tới đó trong lịch sử Singapore. Tags: Dân chủSingaporeLý Quang DiệuLý Hiển LongPAPLawrence Wong
Vì sao hàng ngàn người tập trung trước Nhà hát lớn Hà Nội khiến đường tắc từ sáng tới chiều? PHẠM TUẤN 24/11/2024 Từ sáng tới chiều 24-11, tại trước khu vực Nhà hát lớn Hà Nội hàng ngàn bạn trẻ tập trung gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, vì sao?
Sang nhượng suất đạp xích lô, chèo ghe ở Hội An giá 500-700 triệu đồng THÁI BÁ DŨNG 24/11/2024 Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An Phan Phước Tùng cho biết mỗi suất đạp xích lô ở Hội An có giá từ 500-700 triệu đồng nhưng đa phần bà con anh em họ hàng nhượng lại cho nhau để kiếm sống.
Cách đi xe buýt đến ga metro ở TP.HCM CHÂU TUẤN 24/11/2024 Bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi về các tuyến xe buýt đến metro, có loại xe nào khác để kết nối và đi metro có thể đi đâu tiếp.
Vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện Đàm Vĩnh Hưng? HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Trong nội dung livestream mới nhất của bầu sô Dũng Taylor vào trưa 24-11 (theo giờ Việt Nam) hé lộ thông tin vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện ngược lại ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.