Sinh ra trong nhà thổ - Vào đời bằng tình thương

HỒNG VÂN 27/03/2008 22:03 GMT+7

TTCT - Born into brothels (Sinh ra trong nhà thổ), bộ phim tài liệu của Ross Kauffman và Zana Briski, đã đoạt giải Oscar cho phim tài liệu xuất sắc nhất lần 77 năm 2004 tại Mỹ.

Phóng to
TTCT - Born into brothels (Sinh ra trong nhà thổ), bộ phim tài liệu của Ross Kauffman và Zana Briski, đã đoạt giải Oscar cho phim tài liệu xuất sắc nhất lần 77 năm 2004 tại Mỹ.

Những đứa trẻ trong nhà thổ

Bên dưới cái âm u, ẩm thấp của một khu đèn đỏ nhếch nhác ở Calcutta (Ấn Độ), nơi những người phụ nữ tuổi xế chiều đã có một hoặc nhiều con vẫn đang kiếm sống bằng thân xác của mình, những đứa trẻ dường như chẳng bao giờ cười. Chúng là những trẻ em sinh ra trong nhà thổ.

Chúng thuộc về nơi đây và có những đóng góp nhất định: rửa chén bát, xách nước, chạy các việc lặt vặt, lau chùi, mua đồ ăn lúc nửa đêm. Chúng bị đánh mà chẳng biết lý do. Chúng không được học hành. Với những đứa bé trai, nhiệm vụ của chúng là khi có những người đàn ông đến đây, thỏa mãn rồi quịt tiền công lao động của mẹ chúng, chúng phải lẵng nhẵng đi theo họ và đòi bằng được vì đó là nguồn tiền duy nhất một gia đình ở đây có thể kiếm được.

Ít nhất có một điều tử tế mà mẹ của chúng đã làm cho chúng. Đó là không phơi bày trần trụi cảnh bán thân của bà để kiếm chén cơm với những người đàn ông cũng thuộc dạng bần cùng. Đám trẻ nói về công việc của những người phụ nữ trong khu đèn đỏ: “Những bức rèm cửa ngăn chúng tôi không thấy được những gì bên trong. Khi mẹ làm việc trong phòng, chúng tôi đi chơi trên mái nhà, xem các bạn khác thả diều”.

Không ước mơ nào của đám trẻ bay cao hơn nóc nhà thổ. Chúng không nghĩ mình sẽ giàu có và bằng lòng cuộc sống buồn với nhiều đau khổ. Các bé gái chấp nhận sự mặc định là khi lớn lên sẽ nối tiếp công việc của bà hay mẹ của chúng ở khu đèn đỏ - đơn giản là chờ đàn ông đến mua dâm chính mình. Chúng ngập ngừng lo sợ về một tương lai sẽ tàn úa cuộc đời trong nghiện ngập hoặc phạm pháp, nhưng chúng còn quá nhỏ để biết mình phải làm gì để thoát ra.

Born into brothels được các tạp chí Newsweek, Newsday, Entertainment Weekly nhận xét là: đã kể một câu chuyện điển hình, đầy tính nhân văn, thôi thúc mỗi cá nhân hành động (cho một xã hội tốt đẹp hơn).

Zana đã đến với lòng nhân ái và tình yêu thương

Zana Briski, một phụ nữ nước ngoài giàu lòng nhân ái, đã bước vào cuộc đời lũ trẻ sinh ra trong nhà thổ bằng những chiếc máy ảnh. Ít nhất là những trẻ em trong bộ phim đã có cuộc đời hoàn toàn khác: được học hành và mơ ước. 7/8 cô, cậu bé đi học ở các trường trung học hay trường nội trú tại Calcutta hoặc Hoa Kỳ.

Bộ phim Sinh ra trong nhà thổ đi hết một câu chuyện và không dừng lại ở đó, nó có sức sống sau màn ảnh lâu bền với việc thành lập dự án “Kids with cameras” (Trẻ em với máy ảnh). Trang web http://www.kids-with-cameras.org/bornintobrothels/ vẫn cung cấp các thông tin về những bước chân vào đời của các em, gây quĩ giúp đỡ các em, tiếp tục truyền cảm hứng và thôi thúc chúng ta hành động xây dựng một thế giới tươi đẹp và hòa bình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận