TTCT - Khi quy mô gia đình ngày càng thu hẹp, hình mẫu chủ yếu hiện nay là bao gồm cha mẹ với 1-2 con, có một “chủng loài người” biến mất: đám con thứ (được hiểu là tất cả đứa con sinh sau đứa con đầu và sinh ra trước đứa con út). Sự thể hóa ra nghiêm trọng hơn người ta tưởng: xã hội đâm ra thiệt thòi vì vắng bóng “chủng loài người” này. Trong một bài viết đăng trên tạp chí New York, Adam Sternbergh kể một câu chuyện: Naomi có một anh trai và một em trai. Khi còn bé, chú của Naomi giáo dục các cháu bằng cách cho tích điểm thưởng mỗi khi cháu có hành vi tốt. Bé út Blake 5 tuổi mãi vẫn còn đái dầm, mỗi khi bé vào kịp nhà tắm để không tiểu ra quần, bé được điểm thưởng. Anh lớn Mike 10 tuổi bảo rằng thế là không công bằng. Mike thắc mắc: “Cháu không bao giờ đái dầm thì cháu không xứng đáng được điểm thưởng sao?”. Ông chú đùa bảo Mike không đái dầm là chuyện quá dễ dàng, đái dầm mới khó chứ, nên nếu mày đái được ra quần chú cho mày điểm thưởng. Và Mike đã làm được! Còn lại Naomi, 8 tuổi, vật vã trước một lưỡng đề. Em biết rằng mình có không đái dầm thì cũng không được điểm như thằng út Blake. Cách duy nhất để có điểm là bắt chước anh Mike, cũng đái dầm. “Thế là hôm sau tôi làm hết sức để đái ra quần - Naomi nhớ lại - Nhưng tôi không được điểm nào mà còn bị mắng một trận. Và đó là định nghĩa thế nào là thân phận một đứa con thứ, ít nhất là trong gia đình tôi”. Mẹ của ba anh em nhà Crain nhận xét thứ tự sinh đã ảnh hưởng đến tính cách của các con bà: “Harry, 13 tuổi, là người lãnh đạo, thích thể hiện sự che chở. Joshua, 10 tuổi, không thích mặc đồ thừa của anh nhưng cháu dễ tính và linh hoạt. Max, 9 tuổi, thì hơi được nuông chiều nhưng cháu yêu các anh mình và thích được các anh chú ý”. Ảnh: kidsnews.com.au Một vị trí thiệt thòi? Mục sư người Mỹ Tullian Tchividjian là con thứ trong số bảy đứa con. Ông bảo: “Tôi thấy làm con thứ thật khó. Tôi không hình dung được mình là đứa bé nhất trong đám con lớn, hay là đứa lớn nhất trong đám con bé. Tôi rơi vào vị thế không ai muốn: vừa là một đứa con bé vừa là một đứa con lớn”. Con thứ, theo tác giả Adam Sternbergh, là thứ con được bao quanh bởi bầu không khí xao nhãng của mọi người. Đó không phải là cậu cả được đề cao, kỳ vọng nối nghiệp thành công; đó càng không phải là đứa út nhõng nhẽo, “em bé của cả nhà”, là đứa nhận được sự quan tâm không biết mệt của các phụ huynh nay đã giàu kinh nghiệm và đầy đủ. Con thứ chính là... con thứ, là người bị bỏ quên, bị tước một cách thô bạo những điều ưu tiên vì đã có em, bị dạy phải nhịn anh lớn và nhường em nhỏ, bị nhồi vào vai trò hòa khí, hòa giải cho đám anh chị em. Theo các nghiên cứu, con thứ nói chung nhận được trợ giúp về tài chánh và tình cảm từ cha mẹ ít hơn con cả và con út. So với các anh chị em khác, con thứ thường ít thân với bố mẹ hơn, bù lại hướng ngoại hơn và nhiều bạn bè hơn. Gắn với con thứ là những gì mang tính thiệt thòi. Trong một nghiên cứu, người ta đề nghị người tham gia chọn những từ gắn với trẻ con là con cả, con út và con thứ. Cả ba đều nhận được những từ tích cực như “biết quan tâm”, “có hoài bão”; riêng với con thứ lại có thêm các từ tiêu cực như “không được ngó ngàng”, “hoang mang”. Nhưng quan trọng hơn, không ai dùng từ “hư vì được nuông chiều” cho con thứ. Người ta phần lớn tin rằng con cả là những trẻ ổn định, có trách nhiệm, biết vâng lời. Con út là những trẻ tình cảm nhưng ham chơi, không vâng lời. Còn con thứ thường hay ganh tị, tủi thân và thiếu những phẩm chất để có thể tự tin. Một người con thứ “kinh điển” thường sẽ kín đáo hơn các anh chị em mình, do nó muốn xây dựng một thế giới nội tâm của riêng nó. Nó độc lập nên càng hay bị bỏ quên. Một nhân vật là con thứ trong bảy anh em kể với tác giả: “Chẳng ai chụp ảnh tôi khi tôi còn bé tí. Mãi đến bốn mươi tuổi tôi mới nhận ra điều đó...”. Bruce Hopman là một người con thứ “kinh điển”, chủ tịch điều hành Hội Con thứ thế giới do chính ông lập ra, chủ nhân một blog chuyên về con thứ, một cuốn sách về con thứ và cả một vở sitcom trên CBS về con thứ. Với Hopman, con thứ trước tiên khác các loại con khác ở nhu cầu không biết mệt mỏi muốn được quan tâm, muốn được nổi bật. Đó là những bậc thầy về làm trò quái để người xung quanh chú ý. Joey Chestnut - vô địch thế giới về ăn hot-dog, cũng là con thứ - đã thú nhận: “Tôi sẽ tọng một lúc thật nhiều hot-dog vào miệng để mẹ tôi phải chú ý!”. Một "chủng loài" dần biến mất Nhưng ngày nay, "thể loại con thứ" dần biến mất. “Mỗi gia đình chỉ nên có từ một đến hai con” (như mô hình lý tưởng (ở nước ta) là: hai con - chị cả và em trai út). Bài báo của Adam Sternbergh dẫn một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew vào năm 1976 cho thấy thời đó, mỗi bà mẹ Mỹ trung bình có hơn ba con. Tức là vào những năm 1970, cách đây gần 50 năm, mỗi gia đình Mỹ phổ biến là có bốn con. Khi ấy, 40% các bà mẹ tuổi 40-44 có từ bốn con trở lên, 25% có ba con, 24% có hai con và chỉ 11% sinh con một. Ngày nay, con số đó gần như đảo ngược. Khoảng 2/3 các bà mẹ chỉ có một hay hai con, tức là út và cả, không con thứ. Gia đình với một hoặc hai con là chuẩn thông thường hiện đại. Đám 8X, 9X... ngày càng lập gia đình muộn, phụ nữ nấn ná mãi mới sinh con và ngày càng khó có thai. Nhà cửa, học phí ngày càng đắt đỏ. Trái đất, môi trường ngày càng cạn kiệt, nguy hiểm. Nhìn một cặp vợ chồng trẻ có ba con đã thầm ái ngại. Đến bốn con thì có cảm giác gì đó... bất thường. Họ giỏi thế? Họ giàu thế? Thời gian đâu để họ chăm đều các con? Cứ đà này, theo Adam Sternbergh, con thứ - thành phần vốn là đông đảo nhất suốt lịch sử nhân loại - sẽ chẳng mấy chốc thành ít ỏi nhất, thậm chí “tuyệt chủng”. Thì sao nào? Nói về một loài động vật, thực vật sắp biến mất, người ta tiếc rẻ, ân hận. Nhưng bảo “chủng loại con thứ sắp biến mất”, người ta lại thờ ơ. Trong khi đó, con thứ đích thực là một “chủng loại riêng”, mang những nét đặc thù của “thân phận” và những nét đặc thù ấy đóng góp không nhỏ cho sự đa dạng của phát triển xã hội. Việc “chủng loại” con thứ rồi sẽ biến mất khiến chuyên gia con thứ Bruce Hopman rất buồn. Buồn nhất là dường như chẳng ai quan tâm tới điều này. “Tôi chắc nhiều người sẽ nói một cái chết không tránh khỏi thế cũng tốt thôi. Các thế hệ tương lai sẽ vui vì thoát khỏi sự than thở và tranh đấu không ngừng của đám con thứ như chúng tôi. Nhưng thế giới sẽ lặng lẽ hơn và đáng chán hơn khi không còn những người con thứ”. Không chỉ Hopman nghĩ thế. Kevin Leman, tác giả một cuốn sách về con thứ (The Birth Order Book: Why You Are The Way You Are) hồi năm 1985 từng bán được 1 triệu bản, cũng nói: “Việc không còn con thứ ra đời sẽ không tốt cho tất cả chúng ta. Con thứ như bơ đậu phộng, như mứt trét trong ổ bánh mì kẹp. Nếu bạn thích ăn bánh mì kẹp mà không có gì trên đó thì cứ ăn, xin mời”. Bị (hay được) kẹp giữa hai lát bánh cả và út, con thứ thường mang phẩm chất ngoại giao khôn khéo hơn. Lớn lên, họ được mô tả là những người bạn, người yêu trung thành và lãng mạn, do từ bé họ đã khát khao có được những mối liên kết thân thiết và sẵn sàng thỏa hiệp để duy trì các mối quan hệ. Người ta tin rằng con thứ có óc sáng tạo hơn do thoát khỏi (phần nào) sự kiểm soát và kỳ vọng của cha mẹ. Con thứ mềm dẻo linh hoạt. Con thứ dám liều. Con thứ luôn đấu tranh cho công lý. Con thứ kiên nhẫn. Con thứ thích chăm sóc mọi người. Toàn những đặc điểm sẽ biến mất khi các gia đình tương lai chỉ sinh con cả, con út hay con một. Mà trong một thế giới ngày càng hỗn loạn, công nghệ và mạng xã hội cho phép ai cũng có thể là một ông trời con, những đặc tính của “con thứ kinh điển” lại cần hơn bao giờ hết. Có người bảo các gia đình co lại cũng tốt vậy, đỡ nạn nhân mãn. Vả lại bố mẹ ít con thì chăm sóc con tốt hơn, quan tâm nhiều hơn đến con, hoàn toàn có thể dạy con cả, con út hay con một những phẩm chất “biết điều” của con thứ. Tuy nhiên, trớ trêu thay, những phẩm chất ấy là nhờ con thứ “ít bị” quan tâm, nhờ bị bỏ quên nên tự do, tự lập. Những thể loại con khác vẫn có thể mang những đặc tính ấy của con thứ nhưng không phải do trật tự sinh quyết định, không phải do hoàn cảnh tạo nên như với những người con thứ của một thời xa xưa - những đứa con đã biết tự tôi luyện âm thầm suốt cả cuộc đời.■ (*) lược dịch theo bài viết của tác giả Adam Sternbergh, tạp chí New York) Hãy cho tôi biết anh là con thứ mấy trong nhà... Alfred Adler (1870 - 1937) - nhà tâm lý học người Áo, cùng thời với hai “tay tổ” phân tâm học Sigmund Freud và Carl Jung - là một trong những người đầu tiên cho rằng thứ tự sinh ra có ảnh hưởng tới nhân cách, để lại những ấn tượng “không chối đâu được” trên cách cư xử của một người trong tình yêu, tình bạn và công việc. Theo Adler, con đầu là những người bị tước vương miện khi đứa con thứ hai chào đời. Sự mất đặc quyền cũng như vị trí độc tôn này cộng với khuynh hướng cầu toàn, thích làm gương và thích được động viên lớn lên thường trở thành những người chu toàn, trí thức, làm chủ trong mọi hoàn cảnh sống. Con út thường ích kỷ và phụ thuộc, nhưng ngược lại có thể rất tự tin, có khả năng mua vui và an ủi cho các thành viên khác trong gia đình. Con một nhận được sự quan tâm toàn phần, sẽ gặp khó khăn khi bị người ta nói “không” và khi đi học không thuộc dạng quan tâm của thầy cô. Ngược lại, con một có thể già dặn, thoải mái hơn khi giao tiếp cùng người lớn so với trẻ con có anh chị em. Con thứ thường cảm giác mình bị bỏ lơ, không được ngó ngàng, từ đó sinh ra cái gọi là “hội chứng con thứ” ở một số người (cảm giác không được yêu, không tin ai, hay tức giận với các anh chị em khác, thấy mình vô dụng, thích phản kháng hay chơi nổi để được chú ý). Ngược lại, con thứ có thể rất uyển chuyển, dễ sống, tự lập và dĩ hòa vi quý. Những người con thứ nổi tiếng Diễn viên điện ảnh Chris Hemsworth Tổng thống Mỹ Donald Trump Ngôi sao nhạc pop Katy Perry Người sáng lập Microsoft Bill Gates Nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King Jr Tags: Con thứCon giữaQuy mô gia đình
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Hơn 1.000 tỉ đồng ủng hộ đồng bào thiệt hại do bão số 3 THÀNH CHUNG 14/09/2024 Các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 1.001 tỉ để ủng hộ đồng bào thiệt hại do bão số 3.
Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất TTXVN 14/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết chiều tối nay, khu vực Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-15mm, có nơi trên 40mm.
Cảnh báo lũ trên sông Đồng Nai - La Ngà, người dân khu vực này cần chú ý LÊ PHAN 14/09/2024 Do mưa lớn ở đầu nguồn, nước trên hệ thống sông Đồng Nai - La Ngà đang lên, cơ quan khí tượng cảnh báo người dân cần chú ý.
Toàn cảnh thảm khốc Làng Nủ: Cha đi tìm con giữa tan hoang lũ quét 14/09/2024 Thảm khốc ấy ập đến khi người dân Làng Nủ còn đang ngủ. Lũ quét đi tất cả. Bao gia đình tan hoang, con mất mẹ, chồng mất vợ, tang thương bao trùm lấy ngồi làng nghèo giữa đại ngàn bao phủ.