TTCT - Ngày càng nhiều cặp chọn cách sống gắn bó mà không chung nhà. Bằng cách nào? Tranh của họa sĩ Aoki TetsuoKhi Brittany (28 tuổi) và Ben (27 tuổi) đi làm về, như mọi cặp đôi, họ thích nấu ăn cùng nhau và kể nhau nghe những chuyện trong ngày. Món họ nấu có thể thay đổi, nhưng nhịp điệu quen thuộc đã thành nếp: Ben nấu với công thức sẵn có trong đầu, nguyên liệu nhặt từ tủ lạnh, gia vị lấy từ hàng kệ. Brittany đóng vai phụ bếp, cứ theo các chỉ dẫn dịu dàng của Ben mà chuẩn bị và thái rau.Nhưng từ một năm nay, không còn giống phần lớn các cặp đôi khác: nấu ăn xong, họ bày thức ăn nóng ra đĩa trong bếp Ben rồi mang lên tầng trên, vào căn hộ của Brittany mà chén.Một tối kia, tác giả bài viết là Julia Sklar hỏi họ sao không nấu và ăn cùng một nơi. Giữa tiếng xèo xèo của bông cải áp chảo, họ bảo trong mối quan hệ này Ben là người nấu ăn giỏi hơn, lại có đủ thiết bị nhà bếp với thực phẩm nhưng họ ăn trên lầu vì Brittany có một cái bàn to hơn, được trang trí rất thẩm mỹ và ấm cúng. Từ một năm nay, họ chung nhau một địa chỉ IP nhưng không chung nhau địa chỉ gửi thư.Julia Sklar nhận ra hai người ấy đang thu được những gì hay ho nhất từ cả hai thế giới riêng: vẫn có được ích lợi của việc kết đôi mà không phải hi sinh chủ nghĩa cá nhân của mỗi người. Như nhà tâm lý học xã hội Bella DePaulo từng viết: “Có hai thứ mà ai cũng muốn, tuy rằng tỉ lệ nhiều ít khác nhau: muốn có thời gian cùng người khác và muốn có thời gian cho chính mình”.Tuy nhiên, Brittany và Ben khẳng định đây không phải là một trạng thái vĩnh viễn, mà chỉ như một bước chuyển tiếp thêm vào chuyện bồ bịch của hai người, trên đường “tiến lên” lý tưởng hôn nhân dị tính, rất căn bản và “tầm thường”, là hai con người ngủ chung một giường trong cùng một nhà. Và khi Julia Sklar còn đang theo đuổi câu chuyện này, lối sống này, họ thông báo cho cô rằng đã thôi không sống trong hai căn hộ “sinh đôi” nữa, dời vào sống cùng một căn.LAT - Mô hình “tách ra bên nhau”“Mất” cặp đôi này, Julia Sklar tìm hiểu thêm các cặp tương tự, sống đủ gần để cùng nhau duy trì nếp sống mỗi ngày nhưng vẫn có được không gian tách biệt, và cô nhận ra có cả một thế giới những người yêu nhau sẵn sàng sống kiểu ấy mãi mãi, rất khác với nhiều cặp miễn cưỡng phải sống xa nhau (do cách trở về địa lý, công việc hay các hoàn cảnh khác), hoặc nhiều cặp chỉ muốn sống xa nhau ra cho khuất mắt nhưng lại không đủ điều kiện làm thế.Lội vào Google tìm các bài viết về chủ đề này, có cơ man các bài viết dẫn ra các tấm gương người nổi tiếng từng sống thế, như cặp minh tinh - đạo diễn Gwyneth Paltrow và Brad Falchuk, như cặp họa sĩ tạo hình Frida Kahlo và Diego Rivera… Và thực ra chẳng đợi đến bây giờ, người ta đã sống kiểu đó từ nhiều thế kỷ trước, dù danh sách lý do ngày càng nhiều và bản chất quan hệ không ngừng biến đổi; thí dụ như thời nay, muốn sống được lâu dài với nhau là phải biết ưu tiên tính cá nhân và những lúc muốn được cô đơn của mỗi người, thay cho mô hình truyền thống là hai cục đá to ngáng đường nhau.Theo một bài báo, các nhà xã hội học gọi loại quan hệ này là “tách ra bên nhau” và hóa ra thành phần sống theo mô hình này nhiều nhất lại là những người đã qua tuổi trung niên, cái tuổi ham muốn đã giảm mà thói xấu cứ thế tăng lên, chỉ mình chịu được mình.Lấy một ví dụ mà Julia Sklar kể: từ tám năm nay, cặp trung niên Linda (53 tuổi) và Chris (52 tuổi) mỗi người sống một căn hộ ngay trên đầu nhau trong cùng một tòa nhà ở Boston. Thay vì Chris phải lái xe 30 phút tới thăm Linda, thì nay chỉ cần đi một tầng thang máy. Họ không dọn vào sống chung vì Linda chỉ muốn “gần” ở mức thế thôi. Chị thấy việc thiếu riêng tư là rất kỳ cục.Ban đầu, Chris đề nghị dùng căn hộ mình như phòng làm việc, dùng căn hộ Linda để ăn và ngủ nhưng Linda phản đối. Cuối cùng, họ thỏa thuận khi nào xem tivi thì xuống chỗ Chris, tối thì ngủ ở chỗ Linda. Còn ăn ở đâu? Họ không ăn cùng nhau.Linda thích nấu ăn, nhưng thấy cái viễn cảnh phải về đúng giờ để nấu một bữa cho ai đó thực không có gì hấp dẫn. Mỗi khi đi làm về, chị chỉ nấu cho mình mình, trong khi biết chắc Chris đang phải ăn vớ vẩn thứ gì đó cho xong bữa tối. Mặc dù trong giọng Linda rõ ràng có sự biết lỗi, nhưng chị nói với Julia Sklar: “Tớ chịu thôi!”.Nhà tâm lý học Bella DePaulo giải thích: “Nếu phụ nữ thích sống tách ra là vì điều đó giúp họ chống lại các vai trò truyền thống của phụ nữ. Nếu không sống cùng nhà với một ông, ta không cảm thấy bắt buộc phải rửa chén dĩa, nhặt tất rơi của ông ấy… Dù sao chén dĩa bẩn ấy là trong bồn rửa nhà ông ấy”.Trường hợp của Linda với nhiều người có thể là ích kỷ, là cực đoan, nhưng có lẽ là mẫu mực cho “tách ra bên nhau”: tôi yêu anh (hoặc tôi yêu cô), chúng ta làm những việc muốn làm cùng nhau và được quyền KHÔNG làm những gì mình KHÔNG muốn (và không ảnh hưởng đến ai). Vì sao phải “tách ra mà vẫn bên nhau”?Thuật ngữ “Tách ra bên nhau” (Living Apart Together hay LAT) lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1978, do nhà báo Hà Lan Michel Berkiel nghĩ ra. Đến năm 2004, trong một tạp chí về xã hội học, tác giả Irene Levine gọi đó là “một hình thái gia đình mới có tính lịch sử”.“Trước kia người ta nghĩ lấy nhau là để về sống cùng nhau, rằng chỉ có đám cưới mới biến một cặp đôi thành đôi thực thụ… Nhưng giờ đây thành đôi không còn phụ thuộc vào việc ở chung một nhà” - Levine viết.Theo Levine, một mối quan hệ kiểu LAT cần có ba điều kiện: tự họ coi họ là một cặp, người ngoài coi họ là một cặp, họ sống ở hai nhà riêng biệt. Nếu giấu giấu giếm giếm thì dĩ nhiên phải sống khác nhà; nếu tự mình không coi nhau là một cặp thì việc gì phải sống chung nhà; và nếu đã là một cặp lại còn sống chung nhà thì “thường” quá rồi, có gì để nói?Nhà tâm lý học môi trường Sally Augustin cho rằng việc yêu mến nhau nhưng ở tách nhau ra là một ý hay. “Chúng ta ai cũng vậy, thông qua việc cá nhân hóa ngôi nhà mà truyền đạt được những gì mình cho là quan trọng. Những thứ mà ngôi nhà nói về ta càng rõ nét hơn hết khi nhà chỉ thuộc về một mình ta”. Sống chung thể nào cũng có chuyện một trong hai bản sắc bị đè nén. Nền tảng khác nhau, thẩm mỹ khác nhau, cách chi tiêu khác nhau…, những mâu thuẫn ấy có thể giết dần tình yêu.Chưa kể mỗi người còn có quan niệm khác nhau về tổ chức việc nhà. Một cặp sống chung dần dần có thể nhiễm tính nhau, nhưng sâu xa vẫn có độ khác biệt về gọn gàng, vệ sinh. Anh vứt tất chân ra sàn phòng tắm là tôi không chịu được. Cô uống cốc nước nào cũng dở dang là tôi không chịu được. Những thói xấu, khác biệt sẽ là nhỏ nhoi khi cái mới của quan hệ còn lấn át. Một khi mọi thứ đã vào guồng, tình dục đã thành no đủ, những thứ “nhỏ nhoi” kia sẽ là chủ đề chính của mâu thuẫn sống chung. Cần phải có chút tiềnTuy vậy, để có thể ở gần mà vẫn tách biệt được với bồ hay với người phối ngẫu đòi hỏi kinh tế cũng phải khá, nhiều thì mua được nhà riêng cạnh nhau, thuê được nhà cạnh nhau; ít hơn thì làm được nhà có hai đơn nguyên riêng biệt, không phải cứ xông vào là được, nhưng đảm bảo cho những khi bất đồng về quan điểm, chính kiến hay kinh tế thì không ai phải ra sô-pha co quắp ngủ.Hai chị em kiến trúc sư Jenny và Anda French nghĩ một phần của vấn đề là do thiếu các mô hình nhà để sống như vậy. Hiện xưởng French 2D của họ tập trung chủ yếu vào đề tài này: giúp các cá thể sống chung vừa có đơn vị sống riêng vừa được nối với các không gian chung. Jenny bảo một trong những nhiệm vụ của các cô là “lạ hóa các chuẩn mực thông thường về sống chung” và họ tự áp dụng luôn: xưởng của họ ngăn với nhà mẹ bằng một bức vách nhưng không có cửa để qua lại; các cô cần phải ra khỏi nhà, đi vòng qua một con đường để sang nhà mẹ. Như thế là có được sự cân bằng giữa “sống và làm việc”.Nhưng còn sự cân bằng giữa “yêu đương và sống”? Jenny nói: “Kiến trúc không bắt kịp sự tiến hóa của các mối quan hệ. Mọi việc nhà sinh ra quanh một cuộc hôn nhân dị tính về căn bản (và theo công thức) là trong một căn hộ gia đình”. Trong khi đó, ngày càng nhiều người chỉ muốn sống gần nhau ở một mức nào đó. Một phòng ngủ lớn đôi khi là vô nghĩa khi mỗi người đều muốn đêm về được nằm riêng, không phải nghe tiếng nhau ngáy hoặc cựa mình.Cái gì cũng có mặt tráiNgười Việt có câu “Xa mặt cách lòng”. Tây lại có câu “Cách mặt nặng lòng”. Nhưng theo tác giả Marcia Sirota, trong trường hợp sống kiểu LAT, “cách mặt chưa chắc khiến lòng nặng hơn”.Theo Marcia, mô hình LAT chỉ có hiệu quả nếu cả hai đồng lòng muốn thế, còn nếu chỉ một người muốn, người kia sẽ là bị động, tủi thân, cảm giác mình chẳng thuộc về đâu, sinh nghi ngờ chẳng hiểu kẻ kia làm gì khi vắng mặt mình. Thế rồi giận dỗi, chiến tranh lạnh, “chơi mưu” để nửa kia lo âu… Lại còn áp lực xã hội, áp lực gia đình, thắc mắc vì sao đã thành đôi mà còn không chung một mái nhà.Vì vậy, với những cặp sống LAT, nếu khó khăn quá thì nên có lúc trở lại sống với nhau, rồi yên ả lại tách ra, mỗi người một thế giới.Tóm lại, mô hình LAT vẫn còn là một lý tưởng hấp dẫn nhưng khó đạt. Chắc chắn là không thể áp dụng đại trà, nhưng theo Marcia, lý tưởng đó, vào thời đại này, tâm tư hiện đại này, nếu có điều kiện và sống đủ thanh xuân rồi, kể ra cũng nên xem xét.■(*) Tổng hợp và dịch từ nhiều nguồn. Tags: Gia đìnhChung sốngMô hình gia đình mớiLAT
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.