TTCT - Mỗi khi nói đến khủng hoảng kinh tế, các nhà phân tích thường dùng cụm từ “sốc cung” hay “sốc cầu” để chẩn đoán và cho toa chữa trị. “Sốc cung” là khi nguồn cung ứng hàng hóa, đặc biệt là nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện cho các dây chuyền sản xuất bị gián đoạn. Đây là tình huống những tháng đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 hoành hành ở Trung Quốc làm mọi hoạt động kinh tế ở đây đình trệ. Trung Quốc lại là nơi khởi đầu nhiều chuỗi cung ứng lan tỏa khắp thế giới nên sự ngưng trệ ở đấy làm nhiều nơi phải đóng cửa nhà máy theo, dù chưa bị ảnh hưởng gì trực tiếp từ dịch bệnh. Có muốn sản xuất cũng không đủ linh kiện để hoàn chỉnh sản phẩm. Chính vì thế giai đoạn đầu các nhà kinh tế cứ cho rằng đây là khủng hoảng về nguồn cung. Ảnh: LOM Sốc cầu Đến khi dịch corona lan khắp thế giới, nhiều nơi áp dụng biện pháp “cách ly xã hội”, người dân không còn ra đường, nói gì đến chuyện đi du lịch, mua sắm, xem phim, coi xiếc. Đó là hiện tượng “sốc cầu”, khi bỗng dưng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dịch vụ đột ngột giảm sút; doanh nghiệp cung ứng đành phải ngưng hoạt động, sa thải công nhân. Đến lượt họ, công nhân không có thu nhập thì dù có nhu cầu cũng không có tiền mà mua. Ở đây xin mở ngoặc, báo chí đưa tin nhiều về xu hướng làm việc ở nhà, làm việc từ xa khi các doanh nghiệp tìm cách xoay xở. Không thiếu lời tư vấn về phần mềm, tâm lý, cách thức duy trì năng suất khi làm việc ở nhà. Thế nhưng cứ nghĩ đến một lực lượng lớn lao động chân tay, họ làm sao từ nhà thò cờ lê, tuốc vít để lắp ráp xe hơi ở xưởng? Hàng triệu công nhân may mặc, một khi thị trường tiêu thụ bị ngưng trệ, ắt đành chịu thất nghiệp chứ làm sao đem máy về nhà để may! Giờ mà bàn cách làm việc từ xa với những người từng chạy bàn ở các tiệm ăn tại New York chẳng hạn, ắt sẽ nhận được một cái trợn mắt. Khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra, do đó có nguyên nhân cả về “cung” lẫn “cầu”, từ “cung” dẫn đến “cầu” và quay ngược trở lại ảnh hưởng lên “cung”. Chính vì thế cách chống đỡ phải khác hẳn các cuộc khủng hoảng khác. Khủng hoảng tài chính năm 2008 được hóa giải phần nào nhờ chính phủ các nước bơm tiền trực tiếp cho ngân hàng, doanh nghiệp; nay ví dụ ngành hàng không đang phải xếp cánh đội máy bay thì dù được bơm tiền, họ cũng không thể cất cánh - có khách đâu mà bay. Khách sạn, công ty du lịch trên bờ phá sản, dù nhận trợ cấp từ chính phủ cũng khó lòng hoạt động khi nhu cầu không có. Các biện pháp thường sử dụng như hạ lãi suất xuống thấp nhằm kích thích đầu tư, tiêu dùng cũng chẳng có ý nghĩa gì, nhất là khi lãi suất ở các nước phương Tây đã giảm về gần không. Chính vì thế cả tuần qua chúng ta nghe nhiều đến giải pháp chính phủ các nước (và vùng lãnh thổ) phát tiền trực tiếp cho dân. Sớm nhất là Hong Kong phát cho 7 triệu dân, mỗi người 10.000 đôla Hong Kong (khoảng 30 triệu đồng). Mỹ sẽ phát cho mỗi người dân 1.200 đôla Mỹ (28 triệu đồng). Anh cam kết trả đến 80% lương cho người lao động, kể cả ở khối tư nhân. Đức cũng vậy, sẽ trả 60-67% lương cho những người mất việc do dịch bệnh. Úc chi trả 750 đôla Úc (10 triệu đồng) cho mọi người đang hưởng lương hưu và người có thu nhập thấp. Tính chung lại, Ngân hàng Thế giới (WB) tổng kết hơn 25 nước đang có những hình thức chuyển tiền cho dân bằng cách này hay cách khác. Hình thức trả một phần tiền lương cho những ai mất việc là khá phổ biến như ở Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển. Tức họ cho rằng giải pháp là phải từ phục hồi “cầu” trước, rồi “cung” mới hồi phục. Bên cạnh người dân, chính phủ các nước cũng cam kết hỗ trợ doanh nghiệp với quy mô giải cứu ngày càng lớn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa hẹn “không để doanh nghiệp nào, bất kể quy mô, phải đối diện nguy cơ phá sản”. Đức sẵn sàng bơm tiền không giới hạn cho các công ty bị ảnh hưởng. Anh sẽ cấp tín dụng trị giá 330 tỉ bảng Anh (bằng 15% GDP). Gói hỗ trợ của Mỹ lên đến 1.000 tỉ đôla (5% GDP). Đồng tiền đi trước... Câu hỏi đầu tiên là... tiền đâu để phát không một cách dễ dàng như vậy? Mặc dù chưa có số liệu chính thức, dịch Covid-19 đã làm GDP Trung Quốc sụt giảm 10-20% trong hai tháng đầu năm, theo ước tính của tờ The Economist. Nhiều dự báo cũng nói nhiều nền kinh tế lớn từ Mỹ đến Anh đều có thể sụt giảm rất mạnh trong những tháng tới. Ảnh: thedailybeast.com Morgan Stanley dự báo GDP của khu vực sử dụng đồng euro sẽ sụt giảm 12% trong quý 2 năm nay. Giả sử GDP nước Mỹ sụt 2% đã tương đương mức giảm 420 tỉ đôla; nhưng theo một dự báo trên tờ New York Times, GDP năm 2020 có thể giảm 8,4%, tức bằng 1.800 tỉ đôla. Vậy nên chẳng thà tốn tiền trước, phát không cho dân, chặn bớt đà sút giảm GDP, còn hơn không làm gì cả và chịu mức thiệt hại cao hơn nữa. Tiền thì nhà nước cứ in, đưa vào lưu thông bằng cách phát hành trái phiếu. Ví dụ ở Mỹ, Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu không giới hạn cho Cục Dự trữ liên bang, tức ngân hàng trung ương nước này. Nơi này có chức năng tạo ra tiền nên chỉ cần ghi có vào tài khoản của Bộ Tài chính là xong. Sau đó Cục Dự trữ liên bang có thể đưa trái phiếu này ra bán cho giới đầu tư. Trước đây người ta còn lo ngại về mức nợ công, bàn đủ kiểu về tốc độ tăng giảm bao nhiêu là vừa phải; nay nhiều nhà kinh tế cùng chung nhận định, thời điểm chống dịch không phải là thời điểm sợ nợ công tăng cao mà nên tăng bao nhiêu cho đủ. Giáo sư Daniel Susskind, Đại học Oxford, tính toán nếu phát không cho mọi công dân Anh mỗi người 1.000 bảng thì mỗi tháng Anh phải tốn chừng 66 tỉ bảng. Nghe nhiều vậy nhưng chưa bằng một phần của gói giải cứu 500 tỉ bảng Anh mà nước này đã phải chi ra để giúp nền kinh tế không rơi vào suy thoái trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Câu hỏi thứ nhì là phát tiền như vậy e rằng lạm phát sẽ bùng lên dữ dội. Bình thường nỗi lo này là có cơ sở nhưng trong dịch bệnh, e rằng các khoản tiền phát cho dân chỉ đủ cho họ mua lương thực, thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm khác; các hoạt động khác vẫn ngưng trệ, nên nguy cơ lạm phát là rất nhỏ. Cơ chế “in tiền” thông qua trái phiếu cũng ít có rủi ro tạo ra lạm phát phi mã như in tiền theo kiểu cũ. Trước đây các gói giải cứu doanh nghiệp mang danh “nới lỏng định lượng” đã không kéo theo lạm phát, thì nay giải cứu người dân cũng khó lòng kích dậy lạm phát, vốn đang ở mức rất thấp. Thế nhưng vài ngàn đôla tuy lớn, liệu có đủ giúp người dân các nước yên tâm tự cách ly để chống dịch? Với giá cả ở các thành phố đắt đỏ như New York, một hai ngàn đôla chỉ đủ giúp trả một tháng tiền thuê nhà. Thay vì chỉ phát tiền cho dân một hay hai lần nhằm giúp họ chống chọi trong mấy tháng tới, chính phủ các nước đang bàn bạc để áp dụng chính sách cung cấp một mức “thu nhập cơ bản phổ quát” (UBI) cho tất cả mọi người trong một thời gian dài. Đây là chính sách được một số nước thử nghiệm ngay cả khi chưa có dịch và nay được các nhà làm chính sách nêu lên như một giải pháp lâu dài. Dù sao cách trả lương cho những ai bị mất việc do công ty đóng cửa vì dịch bệnh mang tính bền vững hơn cả. Rất có thể các nước sẽ kết hợp gói giải cứu, phát tiền cho người lao động để giảm gánh nặng chi trả lương cho doanh nghiệp với điều kiện họ không được sa thải công nhân.■ Tags: Hạ lãi suấtPhát tiền cho dânKinh tế mùa dịchChống đỡ khủng hoảngKích thích đầu tư
Quốc hội chốt ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT là 200 triệu đồng/năm THÀNH CHUNG 26/11/2024 Luật mới được thông qua quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống sẽ không phải chịu thuế VAT.
Ông Lê Đức Thọ, Đỗ Thắng Hải xin lỗi Đảng và nhân dân TUYẾT MAI 26/11/2024 Chiều 26-11, phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan kết thúc tranh luận.
Clip cận cảnh Đàm Vĩnh Hưng gặp nạn ở Mỹ, chồng ca sĩ Bích Tuyền kiện ngược lại HOÀI PHƯƠNG 26/11/2024 Ca sĩ Bích Tuyền chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng chồng cô là ông Gerard Williams sẽ kiện ngược lại Đàm Vĩnh Hưng. Phía ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vẫn chưa có phản hồi về vụ việc này.
Ông Medvedev: Nga sẽ đáp trả hạt nhân nếu phương Tây chuyển giao vũ khí này cho Ukraine NGHI VŨ 26/11/2024 Theo ông Medvedev, một khi phương Tây chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Matxcơva có thể xem đó là một cuộc tấn công vào Nga.