Tại sao Người đẹp yêu Quái vật?

LÊ QUANG 08/05/2017 19:05 GMT+7

TTCT - Có lẽ ít ai biết đến cái tên Gabrielle-Suzanne Barbot de Villeneuve, song nhất định đã nghe hoặc thậm chí thổn thức khi thưởng lãm tác phẩm cổ tích Người đẹp và Quái vật, sau vô số lần được chuyển thể, phổ biến nhất là qua xưởng hoạt hình của Disney.

Cảnh trong Người đẹp và Quái vật do Disney sản xuất
Cảnh trong Người đẹp và Quái vật do Disney sản xuất

 Nhưng ta sẽ không sa đà vào nội dung cũng như tính thẩm mỹ đã được bàn đến nát bét của tác phẩm này, mà đau đầu bởi một ý tưởng được nó gợi ra về quan hệ giữa hai giới tính: Tại sao (thiên hạ hay nghĩ) phái yếu ưa đàn ông gai góc, tại sao các định kiến xã hội truyền thống về giới săn bắn và giới hái lượm còn có đất đứng ở thế kỷ 21?

Tại sao cái “Ác” có sức hút?

Các sự kiện trong thời gian gần đây có nhiều điểm chung hơn ta thoạt tiên muốn tin. Sự kiện thứ nhất là clip quảng cáo cho sản phẩm mới của Disney, phim Người đẹp và Quái vật với Emma Watson và Dan Stevens.

Đoạn trailer này được tung ra hồi tháng 5-2016 ngay sau mục thời sự “Good Morning America”, chỉ sau 24 tiếng đã được xem 127 triệu lượt. Đây là kỷ lục thế giới áp đảo, đè bẹp các con số ngất ngưởng trước đó như 50 sắc thái - Đen (114 triệu lượt) hay Chiến tranh giữa các vì sao 7 - Thần lực thức tỉnh (112 triệu).

Sự kiện thứ hai, dù mới được lôi ra từ đống rác lịch sử nhưng không kém phần thời sự: William Emker, một cựu sĩ quan Mỹ, nhặt được ở đại bản doanh của Hitler khoảng 8.000 thư tình gửi đến cho quốc trưởng, trong đó có những dòng nồng nàn xin quốc trưởng một đứa con.

Sự kiện thứ ba là Richard Ramírez, một tử tù từng giết ít nhất 13 người và hãm hiếp 11 người, ngồi sau song sắt của nhà tù San Quentin (California) vẫn nhận được vô số thư tỏ tình và xin cưới. Trước khi chết vì viêm gan trong tù, hắn cưới nữ phóng viên Doreen Lioy xinh đẹp.

Câu hỏi không thể tránh khỏi là: Tại sao người đẹp lại ưa quái vật? Để lý giải thực tế khó tin đó, có lẽ phải viện dẫn Người đẹp và Quái vật. Không phải vô cớ mà các nhà xã hội học khi phân tích thường dẫn chiếu phim bom tấn và sách best-seller, vì chúng luôn là tấm gương phản ảnh thước đo giá trị được thử thách và vẽ ra cả cấu trúc xã hội.

Tại sao chuyện ngày xưa giống ngày nay?

Phải thừa nhận là trong những tác phẩm mang tính đại chúng ấy luôn hiện ra những tâm trạng - cả lo âu lẫn vui mừng - bắt nguồn từ kinh nghiệm xã hội.

Chúng được đông đảo quần chúng đón chào không chỉ vì “hay” theo các thước đo nghệ thuật thông thường, mà vì chúng thường đem lại những giải pháp tượng trưng cho nỗi sợ hãi vô thức hay cho các biến cố trong mối quan hệ vốn rối rắm giữa người và người.

Đó là điểm đồng thuận cao trong vô số nghiên cứu các tác phẩm best-seller nhằm lựa ra cái gọi là “công thức chung” tạo ra thành công nghệ thuật. Người đẹp và Quái vật là một ví dụ điển hình.

Khởi thủy là câu chuyện La belle et la bête từ một ngòi bút nữ hồi năm 1740: Gabrielle-Suzanne Barbot de Villeneuve (1685-1755).

Dù cách thời đại ta đang sống rất xa và khai thác một chủ đề phổ thông từ thời Trung Cổ, câu chuyện vẫn hàm chứa nhiều khía cạnh rất đại diện cho quan hệ dị giới, cả ở năm 2017 này.

Ai ưa đọc cổ tích châu Âu sẽ thấy khá nhiều dị bản rải rác khắp châu lục, ở nhiều dân tộc khác nhau, nhưng đều có nguồn từ hình tượng Amor (thần Tình yêu) và Psyche (Tâm hồn).

Psyche là cô gái có sắc đẹp ngạt thở, bị thần Tình yêu Amor giam cầm và cấm không cho nàng nhìn thấy mặt mình. Dù vậy, nàng vẫn mê đắm vị thần và suốt ngày lủi thủi ngồi đợi bạo chúa của mình trong lâu đài vắng.

Một nguồn cảm hứng khác cho La belle et la bête là một truyện cổ tích Ý từ thế kỷ 16 khá phổ biến thời ấy, được Giovanni Francesco Straparola đưa vào bộ sưu tầm “Le piacevoli notti” (Những đêm vui thú), kể về ba chị em nghèo, lần lượt phải lấy một hoàng tử sinh ra ở dạng con lợn hôi thối kinh hoàng.

Hai cô đầu tiên bị hoàng tử hạ sát ngay đêm tân hôn vì tỏ vẻ kinh tởm. Cô út vốn nhân hậu và vị tha, yêu hoàng tử thật lòng và phần thưởng là chàng lợn biến thành hoàng tử đẹp trai, nối ngôi vua cha rất sớm và đưa nàng lên đỉnh cao hạnh phúc.

Trong La belle et la bête thì một người cha đi kiếm quà cho ba con gái mình. Đang hái một đóa hồng cho cô út thì quái vật hiện ra và dọa giết, trừ phi một con gái của ông vào lâu đài sống chung với hắn. Belle, cô gái xinh nhất trong ba chị em, chấp nhận tới lâu đài để cứu cha khỏi cái chết.

Ở đó cô sống trong nhung lụa và chỉ được tiếp xúc người duy nhất là ông chủ lâu đài. Dần dần, nỗi khiếp đảm nhường chỗ cho cảm xúc mến thương. Một lần đi xa, nhìn vào gương thần, cô thấy thần chết đang lại gần để đón quái vật đi.

Cô vội quay về với quái vật xấu xí và hôn hắn nồng nàn trước khi chết. Nào ngờ những giọt lệ của cô biến quái vật thành một hoàng tử đẹp ngời ngời, đồng thời cũng giải phóng hoàng tử khỏi lời nguyền xa xưa.

Nhìn chung, các ngụ ngôn trên - cũng như các dị bản Ả Rập và châu Á khác - tụ họp nhiều tuyến động cơ giống nhau. Nó được dựng thành kịch, phim, ca kịch khắp châu lục, chứng tỏ đã chạm được vào các giá trị cơ bản của văn hóa loài người.

Người đọc mê say bởi hai yếu tố khá phổ quát dính chặt với quá trình tiến hóa của loài người: nỗi sợ hãi của đàn bà hái lượm trước đàn ông săn bắt, và trí tưởng tượng của đàn bà hướng đến cách hóa giải sự yếu nhược đó.

Tranh vẽ thần Cupid và nàng Psyche của họa sĩ François Gérard -Gallerix.ru
Tranh vẽ thần Cupid và nàng Psyche của họa sĩ François Gérard -Gallerix.ru

 Tại sao không có cân bằng quyền lực giữa các giới tính?

Giờ thì hãy tạm thống nhất với nhau một khía cạnh có tính văn hóa hiểu theo nghĩa rộng, đó là định nghĩa về dị tính luyến ái.

Bỏ qua mối liên quan ít nhiều đến tình dục, trong quan niệm cũ về một quan hệ dị tính bao giờ cũng có sự chênh lệch về quyền lực giữa đàn ông và đàn bà, với cán cân nghiêng về phía đàn ông. Đàn ông nắm trong tay phần áp đảo về quyền lực chính trị và sức mạnh kinh tế.

Và hình dung nguyên thủy về nam tính cũng là khả năng thực thi và lan tỏa quyền lực. Sự vượt trội ấy cũng được thể hiện trong phân vai xã hội truyền thống: đàn ông chủ động khơi mào chuyện tình dục, chủ động cưa kéo, chủ động cầu hôn.

Thêm nữa: đàn ông khô khan, còn đàn bà nắm trong tay dụng cụ cảm xúc. Ta sẽ không thể hiểu bản chất của dị tính luyến ái nếu không ý thức được sự lệch cán cân quyền lực và các dạng đấu tranh về quyền lực đó.

La belle et la bête, ra đời trước chúng ta mấy trăm năm, chứa đựng các mẫu đặc trưng của cái gọi là “văn chương đàn bà lãng mạn”, trong đó đàn ông thì hung hãn, lạnh lùng và manh động.

Cái đuôi lê thê của hình thái văn chương đó còn ngọ nguậy đến tận Jane Austen (Kiêu hãnh và định kiến, Lý trí và tình cảm), Emily và Charlotte Brontë (Đồi gió hú, Jane Eyre)..., và chẳng ngẫu nhiên khi những tiểu thuyết ấy đều trở thành kịch bản phim yêu thích.

“Quái vật” chỉ là một trong vô số ví dụ về đàn ông dưới dạng sinh vật lạnh lùng, nhưng đôi khi cái vỏ xù xì ấy che giấu trái tim đa cảm.

Christian Grey trong bộ ba tiểu thuyết 50 sắc thái là một tân binh xuất sắc trong hàng ngũ kể trên. Grey có khác gì Quái vật hay Amor đâu: ai cũng muốn giam giữ một gái đồng trinh yếu ớt tội nghiệp cả! Cả ba chỉ thể hiện được cảm xúc của mình đối với tù nhân bằng cách thống trị nó.

Tại sao định nghĩa về đức hạnh phụ nữ sống dai vậy?

Cái kết có hậu của câu chuyện là dòng lệ và nụ hôn của Belle không những đã cứu thoát Quái vật, mà còn giật lại cho hắn cuộc đời hoàng tử đẹp trai.

Tựu trung Belle nắm lấy vị thế truyền thống mà lẽ ra là hoàng tử cứu công chúa và đưa nàng quay về cuộc sống tươi đẹp (như Thạch Sanh của ta).

Nhưng việc đảo lại vai trò, để người phụ nữ thấy mình và tình yêu của mình là cứu tinh cho đàn ông thì lại làm cho thông điệp cơ bản được lọt tai các đại diện của chế độ phụ hệ hơn: đó chính là cơ cấu xã hội cho phép đàn ông giám sát các điều kiện tiến hành thương vụ kinh tế và cảm xúc với đàn bà.

Giống như các nhân vật chủ đạo của dòng “văn chương đàn bà lãng mạn”, La belle et la bête dạy cho đàn bà về vai trò “dành cho họ”: phụ nữ phải biết hi sinh. Chỉ tình yêu của họ mới làm tan chảy sự tàn bạo hoặc/và lạnh lẽo của đàn ông.

Đàn bà thì phải đẹp, nhưng cũng phải chấp nhận sự xấu xí của đàn ông. Khi đàn bà làm được tất cả những điều đó, họ sẽ được coi là có đức hạnh - bất kể trong Amor và Psyche, trong Hoàng tử Lợn, hay trong La belle et la bête.

Chính vì vậy mà hai cô chị chê con lợn hôi thì phải chết, đó là bài học đạo lý của câu chuyện. Đức hạnh phụ nữ được định nghĩa qua khả năng chịu đựng được sự tàn bạo và xấu xí của đàn ông, chấp nhận tù tội trong nanh vuốt của quái vật.

Nhưng cũng phải hỏi, cái gì làm cho cảnh tù tội ấy dễ chấp nhận? Những quái vật cung cấp cho phụ nữ kiểu Belle những thứ mà ta vẫn quen thấy đại gia cung phụng cho chân dài: trang sức, hàng hiệu, nhà cửa, ôtô, người hầu..., nói cách khác, công thức cơ bản của thương vụ dị tính là kinh tế được đảm bảo, cuộc sống an toàn và xa xỉ để đổi lấy tình cảm vô điều kiện của phụ nữ đẹp.

Rốt cuộc câu chuyện Người đẹp và Quái vật - cũng như nhiều mảng trong văn hóa phụ hệ - chỉ là để đưa ra thông điệp nhắc ta cố chung sống với quái vật, chấp nhận cái xấu xí của nó và phấp phỏng trông mong rằng dưới cái vỏ lạnh lùng ấy, biết đâu ẩn chứa một tâm hồn đẹp!?

Than ôi, Emma Watson - vai nữ chính trong phim Người đẹp và Quái vật - là một nhà hoạt động nữ quyền đình đám hiện nay đấy.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận