Tài trợ trong bóng đá: fairplay là phải theo luật

V-League 2023 đã qua hai vòng đấu, nhưng câu chuyện "đụng độ" giữa nhà tài trợ độc quyền mùa giải với nhà tài trợ của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai vẫn tiếp tục nóng.


Hai nhà tài trợ cùng hiện diện trên sân để phục vụ khán giả trong trận Hoàng Anh Gia Lai gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tại V-League 2023- Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Hai nhà tài trợ cùng hiện diện trên sân để phục vụ khán giả trong trận Hoàng Anh Gia Lai gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tại V-League 2023- Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Người yêu thể thao đã quá quen với từ fairplay, khi nó được dùng ngày càng phổ biến trong tiếng Việt. Để được xem là "đẹp", từ "fair" thực ra hàm ý cả lối chơi đúng đắn (right), hợp lý (reasonable), công bằng (equal) và phải theo luật (according to the rule). Câu chuyện về điều kiện kêu gọi tài trợ giữa VPF và CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cận sát ngày khởi tranh giải đấu phơi bày một góc khác về cách làm bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Hành xử theo lối cũ

Câu chuyện bắt đầu khi phía VPF đề nghị HAGL không sử dụng hình ảnh quảng cáo sản phẩm cùng ngành hàng (là đối thủ) với nhãn hàng là nhà tài trợ chính (độc quyền của giải đấu). Đương nhiên, không phải vô cớ mà VPF đưa ra yêu cầu như vậy. Đáng nói là quy định về tài trợ độc quyền của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tồn tại qua hơn chục mùa V-League.

Quy định về kỷ luật của VFF (kể cả bản sửa đổi gần nhất năm 2021 hay những bản trước đó) có quy định về các vi phạm nghĩa vụ đối với nhà tài trợ. Ví dụ điều 79 bản quy định năm 2021 khẳng định các CLB sẽ đối diện với án phạt tiền (thấp nhất là 50 triệu đồng/người/lần vi phạm) nếu "sử dụng sản phẩm, mặc trang phục có chữ, hình ảnh quảng cáo cho đối tượng cạnh tranh với nhà tài trợ độc quyền của giải đấu" tại sân đấu và khu vực quanh sân đấu.

Thực tế cũng cho thấy VPF không dễ vận dụng quy định này trong một nền bóng đá được gọi là chuyên nghiệp. Những tranh cãi vì vậy quanh đi quẩn lại vẫn lại là sự hợp lý và thời điểm trước sau các bên ký hợp đồng tài trợ. Tuy HAGL công bố thông tin về nhà tài trợ sau VPF nhưng thực tế CLB này đã "đi" với nhãn hàng nước tăng lực Redbull hai năm qua.

"Lực" của kinh tế thể thao

Chuyện xung đột về nhà tài trợ trên đậm thêm màu sắc "kinh doanh" của thể thao chuyên nghiệp ở Việt Nam. Vài cuộc "đối đầu" trước đây chủ yếu được giải quyết bằng con đường "dàn xếp" cho thấy bóng đá Việt Nam 20 năm qua chưa sẵn sàng chạy trên trục lộ của kinh tế thể thao (sport economy) và chỉ điều đó thôi cũng đã phần nào kìm hãm quá trình phát triển tính chuyên nghiệp của thể thao nước nhà.

Trong trận chung kết World Cup 2022, áo của Lionel Messi (Argentina) có nhận diện thương mại của Adidas, còn hình ảnh của Nike thì trên áo của Kylian Mbappe (Pháp). Dân kinh doanh có thể xem trận đấu như một cuộc cạnh tranh giữa hai thương hiệu. Cuối cùng, Nike lên ngôi vô địch dù thương hiệu Adidas đính trên áo của viên trọng tài và ngập tràn các bảng quảng cáo ngoài đường piste.

Tham gia cuộc chơi kinh tế thể thao, nhà tài trợ, đội bóng và các bên liên quan khác đều biết được giá trị và thành quả họ có thể đạt được là gì, mong muốn tới đâu và phải trả giá bao nhiêu. Trên đời, tất cả không thể đều trở nên ngây thơ để duy nhất kẻ khôn đắc lợi và... cô đơn. Vì vậy, hợp lý và công bằng trong chia sẻ quyền lợi của kinh tế thể thao là sợi dây kéo các bên đến với nhau.

Ở nhiều nước, thể thao được xem là một ngành lớn, có giá trị hàng tỉ đô. Báo cáo của Ủy ban châu Âu 10 năm trước cho thấy đóng góp của thể thao vào tổng giá trị gia tăng năm 2014 toàn châu Âu là 294 tỉ euro (tương đương 3%). Một nghiên cứu có uy tín khác cho thấy doanh thu ngành thể thao toàn cầu 5 năm sau đó đã đạt 1.333,9 tỉ USD. 

Du lịch thể thao, đồ thể thao, truyền thông, tiếp thị và quảng cáo... có đóng góp quan trọng cùng các hoạt động thương mại thể thao "cứng" khác, như xây dựng và duy trì các cơ sở thể thao, đào tạo, dịch vụ sử dụng các cơ sở thể thao và thậm chí là tổ chức sự kiện (đặc biệt là các sự kiện thể thao lớn).

Nhà tài trợ của Hoàng Anh Gia Lai vẫn hiện diện tại sân Pleiku trong trận mở màn V-League 2023.  Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Nhà tài trợ của Hoàng Anh Gia Lai vẫn hiện diện tại sân Pleiku trong trận mở màn V-League 2023. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Thương mại thể thao cũng có đường piste

Có được món "hời" vậy ai mà chả ham! Thương mại hóa trong thể thao chuyên nghiệp từ lâu đã phát sinh nhiều vấn đề và không phải lúc nào cũng fair. Trong đó, sự độc tôn của ban tổ chức giải và sức mạnh chi phối của các đội bóng lớn thường là tâm điểm đáng chú ý. Bên cạnh các lề thói kinh doanh thương mại thông thường, pháp luật về chống độc quyền dễ xuất hiện trong các tình huống này.

Ở Việt Nam, VPF và các doanh nghiệp, đơn vị "bầu sô" đều là chủ thể kinh doanh đồng sàng đồng vị. Nhưng VPF đang là đơn vị "độc quyền" tổ chức giải.

Nếu việc yêu cầu các đội bóng không sử dụng hình ảnh, quảng cáo (đồng nghĩa với việc không ký hợp đồng tài trợ) của sản phẩm cùng ngành hàng là của nhà tài trợ thì quả thật rất nguy hiểm. 

Tuy nhiên, trong xung đột giữa VPF và HAGL gần như không thấy "phát ngôn" của nhà tài trợ chính, ngoại trừ có nguồn tin cho rằng họ sẵn sàng nhường vị trí cho chính là tài trợ của HAGL kèm theo một trong số điều kiện không thể cũ và khúc khuỷu hơn nữa: Nhà tài trợ thay mới của V-League cam kết đồng ý để 14 CLB tham gia V-League được sử dụng hình ảnh quảng cáo nước tăng lực, hình ảnh quảng cáo sản phẩm trùng với ngành hàng của nhà tài trợ này?!

Các mục tiêu quan trọng trong kinh tế thể thao của EU:

- Cải thiện việc giám sát và dự báo dữ liệu thể thao để tác động đến chính sách kinh tế và xã hội.

- Xác định tiềm năng kinh tế của thể thao và chia sẻ các phương pháp hay nhất về các biện pháp tài chính.

- Hỗ trợ pháp luật trong các lĩnh vực chống độc quyền, kiểm soát sáp nhập và viện trợ nhà nước theo luật cạnh tranh châu Âu.

- Xác định các lựa chọn tốt nhất để tài trợ công và tư cho thể thao ở cấp cơ sở.

- Tạo nhận thức về các tác động kinh tế và xã hội liên quan đến thể thao và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

(Nguồn: Ủy ban châu Âu)

Các thông tin cho thấy VPF là bên phát công văn cho HAGL và có vẻ xuất phát từ việc họ đã "tự nguyện" cam kết với nhà tài trợ. Cam kết đó, theo logic, mang lại hợp đồng có giá trị lớn hơn. 

Công chúng có thể cho rằng đó là cách VPF tận dụng được cơ hội kinh doanh tốt. Nhưng với người làm chính sách, điều đó không chấp nhận được vì đã chặn đường tiếp cận cuộc chơi và thị trường của các nhãn hàng đối thủ, và cuối cùng người tiêu dùng phải chịu thiệt vì họ có thể chỉ biết đến sản phẩm của nhà tài trợ độc quyền.

Tương tự, pháp luật về chống độc quyền của nhiều nước trên thế giới, Luật cạnh tranh Việt Nam cả phiên bản cũ (2004) và mới (2018) đều không chấp nhận điều đó. Điều này đã từng được nhắc đến nhiều trong các vụ việc giải quyết cuộc chiến giữa các hãng bia ở Việt Nam trong các năm trước. 

Thậm chí quy định hiện tại còn "chặt" hơn khi không chấp nhận các hợp đồng có nội dung loại bỏ doanh nghiệp đối thủ hay ngăn cản việc tiếp cận thị trường, phát triển kinh doanh của doanh nghiệp khác như vậy, ngay cả khi đó là kết quả của một sự thương lượng thống nhất của đôi bên.

Lối thoát cuối cùng cho VPF là Quy định của... VFF như đã nói ở trên.

Tuy nhiên, điều 8 Luật cạnh tranh 2018 cũng đã đề cập đến các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh. Theo đó, quy định này cấm "tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh".

Việc VFF trao cơ hội duy nhất cho đơn vị độc quyền tổ chức giải nhận tài trợ độc quyền một... ngành hàng và ngăn sông cấm chợ các đội bóng là thành viên của VFF là "unfair". Độc quyền trong nhận tài trợ cần được hiểu đúng với bản chất pháp lý là đơn vị nhận tài trợ không được gọi tên ai khác là nhà tài trợ chính ngoài nhà tài trợ chính hay đồng tài trợ chính. 

Quy định VFF cần được thay đổi trước khi giải quyết hàng loạt các vấn đề pháp lý khác trong thể thao chuyên nghiệp hay kinh tế thể thao như truyền thông, quyền sở hữu trí tuệ và hàng loạt vấn đề về kiểm soát độc quyền và sáp nhập doanh nghiệp...

Một nét đặc trưng của văn hóa Việt là sự linh hoạt và khả năng biến hóa. Cho đến giờ, V-League 2023 vẫn diễn ra và HAGL vẫn mặc áo đấu có nhà tài trợ của mình mà không phải bỏ giải. 

Nhưng ngoài các hàm ý khác, cần phải được nhắc lại rằng, "according to the rule" cần được xem như một trong những chuẩn mực quan trọng của fairplay trong thể thao và thương mại hóa thể thao. Bóng đá chuyên nghiệp nên giảm thiểu cung cách ứng xử đợi đến khi có chuyện rồi ngồi lại, dàn xếp thậm chí là gây áp lực và cầu viện mệnh lệnh của cấp trên!■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận