Tản mạn về quả bơ

HUY THỌ 16/06/2024 17:02 GMT+7

TTCT - Mùa bơ đã đến, hãy thưởng thức đủ món ngọt mặn ngon và lành từ thứ quả thú vị này…

Ông Nguyễn Văn Dậu bắc thang leo lên cây bơ đầu dòng sản sinh ra giống LĐ034. Ảnh: M.V.

Ông Nguyễn Văn Dậu bắc thang leo lên cây bơ đầu dòng sản sinh ra giống LĐ034. Ảnh: M.V.

Đọc bài "Khi người ta thôi bơ quả bơ" tôi không ngăn được cảm xúc và rồi những thắc mắc từ lâu hiện ra. Chẳng hạn, trái bơ nổi tiếng trong nước - bơ 034 - từ đâu mà ra…

Quả bơ cứu mạng

Khi lên 1 tuổi, tôi bị một trận bệnh thập tử nhất sinh khi cùng một lúc dính hai thứ: viêm phổi nặng và bộ máy tiêu hóa trục trặc. 

Đó là hồi giữa thập niên 1960, thuốc men vừa thiếu vừa chưa tân tiến nên các bác sĩ chật vật cứu chữa, vì dập trụ sinh, bồi dưỡng cho cơ thể để chữa phổi thì bộ máy tiêu hóa tiêu tùng, vgược lại, lo cứu cái bụng thì không cứu được phổi. 

Vì thế, tôi oặt ẹo cả hàng tháng trời. May sao, ba tôi kể, có một vị bác sĩ đã "ra toa": Ôi, thằng nhỏ này còn hên. Đến mùa bơ rồi, giờ chỉ cho thằng nhỏ này ăn mỗi một thứ là trái bơ.

Pleiku lúc ấy (cùng với Buôn Ma Thuột là hai thủ phủ của bơ) không thiếu gì trái bơ. Nó lành cho bộ máy tiêu hóa và đủ dinh dưỡng để cứu lá phổi. Và đúng thế thật. Tôi nhanh chóng bình phục, rồi từ đó, bơ là thứ quả mà ba mẹ tôi cho cả nhà ăn nhiều khi vào mùa.

Nói về chuyện xơi trái bơ thì có vô vàn kiểu. Ăn ngọt thì nào là bơ dầm đá đường, bơ xay với sữa, bơ cắt miếng chấm đường, kem bơ. Ăn mặn thì trộn xà lách dầu giấm, cắt thêm trái bơ vào nữa thì người không thích ăn rau cũng muốn ăn. 

Cầu kỳ hơn chút thì nướng một lát bánh mì, phết lên đó nửa trái bơ dằm rồi một quả trứng kiểu Benedict, rắc ít muối tiêu. Cái giòn của bánh mì, cái béo ngậy của bơ cùng trứng kiểu Benadict mượt mà tạo nên một miếng cắn đầy đặn mê hoặc, vừa ngon vừa lành. 

Sang hơn nữa thì trên lớp bơ thêm một lát cá hồi xông khói…

Đi tìm "cha đẻ" bơ 034

Ngày nay có rất nhiều loại bơ để người Việt lựa chọn, từ bơ sáp, bơ Booth, bơ Mã Dưỡng, bơ Tứ quý đến bơ Fuerte, bơ Hass, bơ 034… Trong số này, phổ biến và được người Việt ưa dùng nhất hiện nay chính là 034 có hình dáng cong dài và lớp vỏ xanh sáng bóng.

Nhưng bơ 034 từ đâu mà ra? Phải chăng là giống ngoại nhập?

Không hề. Bơ 034 là món quà của thiên nhiên ban tặng cho người Việt. Ông Lê Ngọc Báu, nguyên viện trưởng Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết bơ 034 là giống bơ được sinh ra từ việc thụ phấn trong tự nhiên tại Việt Nam, đầy tình cờ. Vậy vì sao có cái tên 034?

Đi tìm câu trả lời, mọi chuyện hóa ra không đơn giản. Trên báo Lâm Đồng từng có một bài viết về nguồn gốc cây bơ 034, trong đó nêu tên một lão nông tên là Nguyễn Đăng Trung ở thôn Tiền Yên, xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. 

"Trong quá trình khảo nghiệm, ông phát hiện cây bơ ngon nhất ngay trung tâm huyện Bảo Lâm. Đó là cây bơ cổ thụ của gia đình bà Tuyết, được trồng từ thời Pháp thuộc. Ông xin cắt một số chồi về ghép. Sau vài lần thất bại, cuối cùng ông cũng thành công khi bơ phát triển tốt, lúc lỉu quả, nhiều quả nặng đến 1,5kg, dài 40cm, trông như quả mướp, thớ màu vàng, mịn và dẻo, hàm lượng chất béo cao. Năm 2009, tại hội thi "cây bơ năng suất cao, chất lượng tốt tỉnh Lâm Đồng lần thứ ba", lão nông Nguyễn Đăng Trung mang hai cây bơ "độc" và "lạ" dự thi và giành luôn hai giải đứng đầu. Từ đây, hội đồng khoa học công nhận, đây là những giống bơ đầu dòng và đặt tên là BLD 034 và BLD 036".

3 quả bơ 034 này có size cỡ trung, dài  25cm, nặng 350gr mỗi quả và đang được bán tại TPHCM với giá chỉ khoảng 20 ngàn đồng 1 kg

3 quả bơ 034 này có size cỡ trung, dài 25cm, nặng 350gr mỗi quả và đang được bán tại TPHCM với giá chỉ khoảng 20 ngàn đồng 1 kg

Nhưng tờ nongnghiep.vn ngày 30-11-2022 thì lại nêu câu chuyện nguồn gốc bơ 034 là từ ông Nguyễn Văn Dậu, ngụ tổ 1, thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) - chủ sở hữu gốc bơ cổ thụ, cây đầu dòng của giống bơ 034. 

Bài báo viết: "Ông Dậu cho biết năm 1991, gia đình ông mua lại khu vườn của một người dân để trồng cà phê và các loại cây ăn quả. Lúc bấy giờ, trên vườn có gốc bơ mọc hoang dại cao khoảng 3m. Đến năm 1993 thì cây bắt đầu ra hoa kết quả. Điều lạ là cây này ra những quả dài thòn, kỳ lạ, không giống với bất cứ dòng bơ nào ở địa phương và có độ thơm ngon đặc biệt nên gia đình ông đã thu hoạch và chia sẻ cho người thân, bạn bè thưởng thức. Về sau, tiếng lành đồn xa, người dân Bảo Lâm và các vùng lân cận tìm đến tận vườn xin giống về trồng. Đến năm 2009, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm chọn những trái bơ kỳ lạ của gia đình ông Dậu để tham gia Hội thi cây bơ năng suất cao, chất lượng tốt tỉnh Lâm Đồng do Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp, cây ăn quả Lâm Đồng tổ chức. Hội thi được tổ chức tại TP Bảo Lộc và những quả bơ dài của gia đình ông Dậu được đánh mã số 034/09".

Tuy nhiên, tôi lại tìm thấy một công trình nghiên cứu khoa học mang tên "Nghiên cứu và phát triển giống bơ LĐ 034 phục vụ chương trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng ở tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên"của Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả tỉnh Lâm Đồng (nay là Trung tâm giống và vật tư nông nghiệp Lâm Đồng) công bố năm 2022 và đoạt giải khoa học của tỉnh này.

Theo đó, công trình nghiên cứu kéo dài từ tháng 5-2003 đến tháng 12-2020. Chủ nhiệm đề tài là TS nông học Phạm S cùng các ông Hồ Tấn Mỹ, Phạm Xuân Trình. Ông Phạm S hiện là phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, sau khi kinh qua các chức vụ như phó giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, giám đốc Sở KHCN Lâm Đồng. Bên cạnh công trình nghiên cứu về bơ LĐ034, ông S còn gắn với công trình nghiên cứu "khai sinh" hai giống chè nổi tiếng là LĐ-97 và TB14.

Tôi gọi điện hỏi ông Phạm S về nguồn gốc của bơ 034 và nhận được câu trả lời: "Đúng là cây bơ đầu dòng ở vườn của ông Nguyễn Văn Dậu. Tuy nhiên, nếu chỉ lấy giống theo kiểu trồng từ hạt hay chiết ghép thì nó khó mà trở thành một loài cây phổ biến như hiện nay. Vì thế, cần đến khoa học kỹ thuật, nghiên cứu để nhân giống vô tính. Từ suy nghĩ đó, tôi cùng các anh Mỹ, Trình bắt tay nghiên cứu từ tháng 5-2003. Từ cây đầu dòng ở vườn ông Dậu, chúng tôi tạo ra 42 dòng và đặt tên theo thứ tự từ LĐ (Lâm Đồng) 001 đến 042. Trong quá trình nghiên cứu, theo dõi, có hai dòng nổi trội là LĐ 034 và LĐ 036. Chính hai dòng này đưa đi thi ở hội thi bơ ngon năm 2009 và cả hai đều đoạt giải cao nhất. Tuy nhiên, sau này thì giống LĐ 034 trội hơn nên nó đã chiếm lĩnh thị trường. Nhờ đó, từ việc 034 có giá 200.000 đồng/kg nay đã còn 20.000 - 30.000 đồng/kg".

Nhiều chuyên gia cho rằng bơ 034 tuy nổi trội nhưng không thể xuất khẩu vì những nhược điểm như vỏ mỏng, chín không đều, trái dài khó vận chuyển. Liệu khoa học có giải quyết được khiếm khuyết này? 

Ông Phạm S cho biết việc nghiên cứu LĐ 034 vẫn đang tiếp diễn, hiện nay đã cho ra giống LĐ 034 trái vụ. Và ông hy vọng các nghiên cứu mới sẽ tìm ra cách khắc phục những điểm yếu này.

Bơ - loại cây đỏng đảnh

Cách đây hơn 5 năm, một doanh nhân vang bóng một thời với thương hiệu "Điện tử Tiến Đạt" - ông Nguyễn Đức Thống cũng lâm bạo bệnh, và ông một mực bảo rằng nhờ trái bơ mà khỏe lên. Thế là ông lên Bảo Lộc thuê 100ha đất, nhập giống bơ Hass về trồng. Khi có trái đầu mùa, ông có tặng tôi một ít dùng thử. 

Nhưng quả là thất vọng khi trái bơ Hass trồng ở Bảo Lộc vừa nhỏ, hột lại to, đầy xơ và phần thịt không dẻo. Dù đổ rất nhiều tiền vào dự án này nhưng kết quả không được như ý, ông đã chuyển qua trồng sầu riêng.

Ngày nay, bơ Hass "made in VN" xuất hiện trong một số siêu thị loại sang, bán với giá khoảng 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những ai từng thưởng thức bơ Hass ở nước ngoài sẽ thấy khoảng cách chất lượng còn rất xa.

Trong một bài báo khoa học của PGS.TS Nguyễn Minh Châu (nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam) về đề tài bơ Hass, có một chi tiết để thấy nó khó như thế nào: "Trong thời gian 20 ngày trước khi cây bơ Hass ra hoa, thời tiết phải có nhiệt độ ổn định vào khoảng 15 độ C".

Ông Nguyễn Văn Hiền - một lão nông vô cùng đắm đuối với cây bơ ở Gia Lai - cũng thảm bại theo hai giống bơ nổi tiếng thế giới là Hass và Booth. Ông phải chặt bỏ hàng ngàn cây vì nó cho quả kém xa với loại Hass của nước ngoài. 

"Thật kỳ lạ, trong vườn bơ của tôi, ruồi vàng đặc biệt thích tấn công vào hai giống Booth và Hass khi vừa đậu trái. Nói chung, cây bơ là giống đỏng đảnh, không riêng gì giống Booth và Hass. Như ở Đắk Mil (Đắk Nông) có giống bơ sáp rất ngon, nhưng mang về trồng ở Gia Lai thì lại chẳng ra gì" - ông nói.

Bơ tuy ngon và bổ, nhưng gần như không thể làm gì khác ngoài ăn tươi. Hiện nay, có một sản phẩm ưa dùng của phụ nữ là kem dưỡng da mặt chiết xuất từ bơ, nhưng số lượng tiêu thụ quả bơ cho lĩnh vực này còn rất thấp.

Nhưng nghĩ mãi chuyện kinh tế cũng đau đầu. Mùa bơ đã đến, hãy thưởng thức đủ món ngọt mặn ngon và lành từ thứ quả thú vị này…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận