TTCT - Một giáo viên có mức lương và phụ cấp 2,1 triệu đồng vào năm 2009, đến năm nay giáo viên đó nhận được 7,8 triệu đồng. Tuy con số có tăng, đó vẫn là một mức lương không thể đủ sống. Giáo viên Trường tiểu học Bích Sơn, Bắc Giang "vượt khó" với lớp 1. Ảnh: Vĩnh Hà Nhiều nhiệm kỳ, một lời hứaKhi gửi đi bức thư kêu gọi hỗ trợ giáo viên khó khăn vào tháng 1-2009, đề nghị các tỉnh, thành phố vận động doanh nghiệp giúp các thầy, cô giáo có “mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên, có được chiếc áo mới cho cha mẹ, con cái, có được chiếc bánh chưng, bánh tét ăn ngày mùng một Tết”, tác giả bức thư - ông Nguyễn Thiện Nhân, bộ trưởng Bộ GD&ĐT - lúc đó gây ra hai luồng phản hồi khác nhau. Nhiều nhà giáo nói rằng họ cảm thấy bị tổn thương vì dù đang gắn bó với nghề với mức lương rất thấp nhưng không đến mức họ không lo được mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết. Nhưng cũng có những người chia sẻ và hy vọng, bởi họ nhớ lời hứa của ông Nhân khi nhậm chức vào năm 2006: trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương để năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng lương.Ở thời điểm ông Nhân làm bộ trưởng Bộ GD&ĐT, lương giáo viên vùng khó khăn có thâm niên sau 5 năm công tác trở lên, sau khi đã cộng mọi khoản phụ cấp, là trên 5 triệu đồng/tháng/giáo viên.Tại hai thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng năm 2009-2010, lương giáo viên đứng lớp có trên 5 năm thâm niên, tính cả phụ cấp là trên 2 triệu đồng/tháng/người. Đó là mức thu nhập không đủ để người giáo viên nuôi chính họ, đừng nói tới lo cho gia đình hay những mục tiêu sang cả hơn như “tái tạo năng lượng, nâng cao trình độ” để phục vụ công việc.Nhiệm kỳ bộ trưởng kế tiếp, 2010-2016, ông Phạm Vũ Luận tiếp tục phát biểu “xin chia sẻ với những khó khăn” của giáo viên. Nhưng đó là phát biểu, và không thấy sự “chia sẻ” ấy được cụ thể hóa bằng chương trình, hành động và những động thái tích cực nhằm thúc đẩy thay đổi chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo. Ông Luận có lần phân trần với báo giới, rằng vấn đề lương phải xem xét trong một tổng hòa mối quan hệ và tương quan với các ngành nghề khác”, rằng ông cũng chỉ hy vọng “vấn đề tiền lương sẽ có những điều chỉnh mang tính lâu dài”.Nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kéo dài từ năm 2016-2021. Trong một phát biểu năm 2017, ông Nhạ cũng có lời hứa “sẽ đồng hành, tăng lương cho giáo viên”. Ông tỏ ra chi tiết hơn: “Tất nhiên Bộ GD&ĐT không quyết định được vấn đề lương giáo viên nên bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ để cùng thống nhất vấn đề thang bảng lương, để làm sao triển khai thật tốt nghị quyết 29 của trung ương, để giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất” trong một phát biểu với báo giới tại kỳ họp Quốc hội tháng 11-2017.Thế rồi, ông Nhạ rời chức. Các giáo viên tiếp tục đợi.Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khi nhậm chức tháng 4-2021 cũng đã chọn điểm nhấn là “cải thiện đời sống người thầy” trong một trả lời phỏng vấn báo chí. “Điểm nhấn” này tạo hiệu ứng tích cực khiến nhiều người thiện cảm với ông.Nhưng ông cũng lặp lại ít nhiều điều ông Nhạ từng nói: “Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện. Trình độ của người thầy tiếp tục được nâng cao tương ứng với yêu cầu thời đại. Song việc này không chỉ mình Bộ GD&ĐT giải quyết được”. Nay ông đã nhậm chức 7 tháng. Bộ GD&ĐT sẽ làm gì cho điều bộ trưởng mong muốn? Vẫn chưa thấy đường nét cụ thể nào.Và thế là, nếu tính từ mốc 2006 - thời điểm bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có lời hứa “nhà giáo sống được bằng lương”, đã 15 năm trôi qua, với 4 thời bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Giáo viên đang sống thế nào?“Năm 2009, thu nhập của tôi là 3.216.000 đồng/tháng, bao gồm cả lương, phụ cấp và chưa trừ bảo hiểm. Năm 2021, tôi được xếp giáo viên THPT hạng 2, thu nhập của tôi được trên 12.300.000 đồng/tháng, bao gồm cả lương, phụ cấp trách nhiệm (hiệu trưởng), phụ cấp thâm niên. Với 28 năm công tác trong nghề, mức lương của tôi có thể nói chỉ tạm đủ sống một cách tiết kiệm so với giá cả thị trường hiện thời và nhu cầu sống ở mức trung bình của một gia đình” - một hiệu trưởng trường THPT ở TP Hải Phòng tổng kết lại chuyện lương của mình sau hơn 1 thập niên.Cô H., một giáo viên THCS ở Hà Nội thuộc thế hệ giữa 8X, cho biết thời điểm 2009-2010, thu nhập của cô là trên 2,1 triệu đồng/tháng, bao gồm tất cả các khoản theo quy định của Nhà nước. Hiện thời, cô nhận được gần 7,8 triệu đồng/tháng. Cũng tại Hà Nội, giáo viên lâu năm nhất của một trường THPT có mức thu nhập hơn 10 triệu đồng, giáo viên trẻ nhận được 3-4 triệu đồng/tháng, bao gồm cả lương, phụ cấp thâm niên và phụ cấp đứng lớp.“Là hiệu trưởng, có những việc không quá nghiêm trọng liên quan tới việc giáo viên làm thêm để tăng thu nhập, tôi phải tạm bỏ qua hoặc tìm cách dung hòa. Đó là cách để tôi giữ người, giữ nhiệt tình của giáo viên, để họ biết lãnh đạo cũng thấu hiểu, chia sẻ. Còn cứ cứng nhắc áp quy định, xử lý thì nhiều người sẽ bỏ, vì mức lương giáo viên hiện tại vẫn thấp quá, còn lâu mới đạt được mục tiêu sống đủ bằng lương” - cô N., hiệu trưởng THPT ở Hà Nội nói. “Nước mắt chảy xuôi” - nhiều giáo viên ngậm ngùi nói về lương của họ như vậy, nghĩa là khổ thì họ tự thấm, kêu ngược lên thì khó quá.Thay đổi nhỏ, khó khăn lớnTheo ông Vũ Minh Đức - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), hiện nhà giáo được hưởng các chế độ chính sách chung gồm: lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có), phụ cấp khu vực, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên...Trong đó, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhận được thêm vài ưu đãi: hưởng phụ cấp ưu đãi với mức cao hơn so với các nhà giáo dạy ở đồng bằng, thành phố; hưởng thêm một số chế độ phụ cấp, trợ cấp khác (phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ phép hoặc nghỉ tết hằng năm, phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, nước sạch; phụ cấp lưu động, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo các nghị định của Chính phủ).Trong giai đoạn ông Phạm Vũ Luận làm bộ trưởng, Bộ GD&ĐT đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ quyết định cho bảo lưu phụ cấp thâm niên trong 3 năm đối với các nhà giáo được điều động lên làm công tác quản lý ở sở, phòng GD&ĐT. Điều này là để giải quyết một bất cập: nhiều người giỏi không muốn làm quản lý vì mất phụ cấp, giảm thu nhập. Nhưng ngoài ra, về cơ bản, chính sách tiền lương giáo viên không có thay đổi lớn.Trong nhiệm kỳ của ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT có một số nỗ lực trong điều chỉnh quy định về nhà giáo mà theo mô tả của một lãnh đạo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thì “cực kỳ phức tạp và khó khăn”.Năm 2020-2021, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên, giảng viên, trong đó bỏ quy định giáo viên, giảng viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Tháng 3-2021, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức ngành giáo dục. Và rồi, Chính phủ đã ban hành nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hướng giảm số lượng chứng chỉ bắt buộc; xây dựng lại nội dung bồi dưỡng thường xuyên hằng năm theo hướng thiết thực, hiệu quả.Dẫu không tác động trực tiếp vào cải thiện đời sống vật chất của nhà giáo nhưng những nỗ lực trên đã cởi trói cho nhiều giáo viên, giải thoát họ khỏi cảnh chật vật, tốn kém để “chạy chứng chỉ” một cách hình thức, vô nghĩa để hợp thức hóa hồ sơ.Khi Luật giáo dục số 2019 được ban hành, có thêm một thay đổi nữa liên quan chuyện lương giáo viên: xác định trình độ chuẩn giáo viên mầm non là cao đẳng; tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông là đại học. Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo này là cơ sở để tăng mức lương khởi điểm của giáo viên mầm non (từ 1,86 lên 2,10), giáo viên tiểu học (từ 1,86 lên 2,34) và giáo viên trung học cơ sở (từ 2,10 lên 2,34). Gỡ từng vướng mắc nhỏ như thế, nhưng theo lãnh đạo Cục Nhà giáo, vẫn động đến nhiều quy định chồng chéo, liên quan tới các bộ, ngành khác nên “rất khó khăn”.Căn vào Luật giáo dục 2019 thì thấy chính sách tiền lương giáo viên sẽ có những thay đổi đáng kể. Nhưng thay đổi có đồng nghĩa với việc giúp “giáo viên sống được bằng thu nhập từ nghề” hay không, không ai đảm bảo.Theo đó, việc tính lương sẽ không lấy hệ số nhân với lương cơ sở mà tiền lương được tính toán theo vị trí việc làm. Giáo viên sẽ được đánh giá theo bộ chuẩn về năng lực và phẩm chất.Với cách làm này, không phải cứ làm lâu năm thì lương cao hơn, do vậy có thể giải quyết được bất cập về việc “cào bằng” theo hệ số cấp bậc. Ưu điểm của thay đổi này là lương giáo viên mầm non, tiểu học, THCS sẽ tăng, giáo viên mới vào ngành sẽ được chi trả theo đúng công sức lao động, vị trí việc làm.Nhưng Luật giáo dục (có hiệu lực từ tháng 7-2020) hiện vẫn phải chờ các quy định, hướng dẫn về chính sách cải cách tiền lương, do vậy tới tháng 7-2022 mới thực hiện cách tính lương mới. Câu chuyện lương cho giáo viên vì thế đang ở “thời kỳ quá độ”.Và hơn 1,2 triệu nhà giáo trên cả nước vẫn tiếp tục chờ. Đó là sự chờ đợi đơn giản nhất về sự “đủ sống” của đồng lương, chưa nói tới “cải thiện đời sống nhà giáo” hay “tạo động lực”...Báo cáo của Bộ GD&ĐT trong khoảng 3 năm trở lại đây cho biết thu nhập của giáo viên, cán bộ giáo dục trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập dao động ở mức 3 triệu tới trên 10 triệu đồng/tháng. Trong đó, giáo viên trẻ mới vào ngành lương tầm 3-4 triệu đồng/tháng, giáo viên có thâm niên 18-20 năm cũng chỉ đạt 7-8,5 triệu đồng/tháng. Tags: Lương giáo viênLời hứa tăng lương giáo viênThu nhập của giáo viênBộ trưởng giáo dục
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Điểm thi IELTS phổ biến nhất của thí sinh Việt Nam là 6.0 TRỌNG NHÂN 15/10/2024 Thống kê từ IELTS cho thấy điểm thi phổ biến nhất của thí sinh Việt Nam là 6.0, trong khi đó chỉ 1% thí sinh đạt trên điểm 8.5.
Đến lượt Temu, Taobao đổ bộ thị trường Việt Nam CÔNG TRUNG 15/10/2024 Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đang tạo ra một cơn sốt hàng giá rẻ tại Việt Nam.
Ông Kim Jong Un triệu tập họp an ninh quốc gia, chỉ đạo 'hành động quân sự ngay lập tức' THANH BÌNH 15/10/2024 Cuộc họp có sự tham dự của các quan chức an ninh cấp cao Triều Tiên, trong đó ông Kim Jong Un chỉ ra các nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành trong hoạt động răn đe chiến tranh.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú nhận huân chương Cành cọ hàn lâm của Pháp NGUYÊN BẢO 15/10/2024 GS.TS Nguyễn Hữu Tú, hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, vừa được Chính phủ Pháp trao tặng huân chương Cành cọ hàn lâm vì những đóng góp trong sự phát triển hợp tác y khoa giữa hai nước.