Thành phố sách nơi đầu giới tuyến

NGUYỄN VIỆT LONG 19/10/2016 21:10 GMT+7

TTCT - Chúng tôi đến thành phố sách Paju chỉ như một sự tình cờ. Trong chương trình hội thảo “Những xu thế mới trong thể loại phi hư cấu” của ngành xuất bản do Hội Xuất bản Hàn Quốc (KOPUS) tổ chức cuối tháng 9-2016 có mục ghi ngắn gọn: Thăm Trường biên tập Paju ở thành phố sách Paju trong hai tiếng rưỡi (không tính thời gian đi xe buýt khoảng 1 giờ).

Nguyễn Việt Long
Ảnh: Nguyễn Việt Long

 Ban đầu, tôi chỉ nghĩ “thành phố sách Paju” là một lối nói tu từ bóng bẩy. Đâu ngờ, đó dường như là một đô thị sách độc nhất vô nhị trên thế giới.

Bất ngờ thứ hai là cái trường biên tập kia lại là một thực thể “vô hình”, không có cả trụ sở lẫn bộ máy của riêng mình. Xuống xe, chúng tôi đi bộ qua những ngôi nhà tương đối thoáng đãng, thưa thớt và không cao quá với các kiểu kiến trúc độc đáo, lạ mắt để tới Trung tâm Văn hóa và thông tin xuất bản châu Á, địa điểm trung tâm của thành phố sách.

Đó là một tổ hợp kiến trúc gồm các không gian văn hóa và tổ chức sự kiện hoặc thư giãn khác nhau như hội trường lớn, các phòng hội nghị và phòng đọc, quán cà phê, tiệm ăn, thư viện...

Hôm đó là ngày thứ hai trong một khóa giảng bài kéo dài ba ngày, bàn luận về “thế hệ thiên niên kỷ” (sinh ra trong khoảng từ thập niên 1980 đến sau năm 2000 một chút), xem họ tương tác với một thế giới như thế nào, họ đọc gì, họ thích những thể loại sách nào và những định dạng nào (sách in hay điện tử)...

Ảnh: Nguyễn Việt Long
Ảnh: Nguyễn Việt Long

 Thành phố nhằm khôi phục tính nhân văn đã mất

“Thành phố sách Paju” là cách gọi theo tiếng Anh (Paju Bookcity hoặc Paju Book City), chứ tên gốc của nó trong tiếng Hàn là “thành phố xuất bản Paju” (파주출판도시, Paju chulpan dosi, “quy đổi” sang âm Hán Việt là “Pha Châu xuất bản đô thị”).

Điều thú vị là tiếng Triều Tiên (tức tiếng Hàn) có tới 60% từ gốc Hán hoặc Hanja (Hán tự) đọc theo âm bản địa Hàn Quốc, tương tự chữ Hán đọc theo âm Hán Việt của ta, do đó có thể truy tìm hoặc suy đoán âm Hán Việt cho nhiều từ và tên riêng Hàn Quốc khi đã biết đánh vần theo bảng chữ cái tiếng Hàn hoặc thông qua phiên âm Latin của từ đó.

Gọi là thành phố nhưng thật ra đây chỉ là một khu đô thị mọc lên từ vùng sình lầy ven con sông Hán Giang, cách Seoul khoảng 30km và cách giới tuyến khoảng 10km. Về mặt địa lý, khu đô thị này thuộc thành phố giới tuyến Paju, gọi là Paju thị (Paju-si), thuộc tỉnh Gyeonggi (Kinh Kỳ) bao quanh thủ đô Seoul, nhưng khu đô thị sách chịu sự quản lý của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hàn Quốc.

Paju có dân số ngót nửa triệu người, gồm cả thành thị lẫn nông thôn, mà trung tâm hành chính của nó còn ở xa hơn nữa về phía bắc, nằm ven sông Imjin (Lâm Tân) chảy qua khu phi quân sự và ở ngay sát phía nam địa danh lịch sử Panmunjeom (Bàn Môn Điếm).

Chiến tranh đã lùi xa hơn sáu thập niên nhưng vẫn thấy dư âm của nó nơi này. Một số căn cứ quân sự của quân đội Mỹ đóng tại thành phố Paju, nơi đây thường diễn ra các cuộc tập trận chung của quân đội Hàn Quốc và Mỹ nhằm rèn luyện khả năng tác chiến.

Trong ba năm qua, hài cốt của những binh sĩ quân tình nguyện Trung Quốc “kháng Mỹ viện Triều” chôn tại một nghĩa trang ở Paju tiếp tục được hồi hương theo thỏa thuận đạt được giữa hai nước nhân chuyến thăm Trung Quốc năm 2013 của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.

Ý tưởng về một thành phố xuất bản nảy sinh trong đầu ông Yi Ki Ung, chủ tịch Công ty xuất bản Youlhwadang (Duyệt Thoại Đường), khi cảm giác bức bối tăng lên trước sự phát triển ào ạt, lộn xộn của Seoul nhắm tới sự hùng vĩ, hoành tráng nhưng mất dần cái hồn xưa cũ.

Thành phố dự kiến không chỉ là nơi tập trung các nhà xuất bản, nhà in, đại lý phát hành mà phải mang những giá trị văn hóa và đóng vai trò “khôi phục tính nhân văn đã mất”.

Mùa hè năm 1988, tám công ty xuất bản, trong đó có Youlhwadang, đã thảo luận về những vấn đề và thách thức nảy sinh trong ngành xuất bản, nhất là hệ thống phát hành yếu kém, đề ra ý tưởng xây dựng một thành phố công nghiệp chuyên biệt về xuất bản và thuyết phục các công ty xuất bản khác hưởng ứng kế hoạch này.

Tháng 9-1989, khoảng 200 công ty xuất bản đã đại hội để thành lập Ủy ban Xúc tiến xây dựng thành phố xuất bản của Hàn Quốc và bầu ông Yi Ki Ung làm chủ tịch. Mỗi công ty liên quan đến xuất bản đã đóng góp với mức 10.000 đôla Mỹ cho công việc này.

Tiếp đó là quá trình nghiên cứu tiền khả thi, lập dự án đi đôi với kế hoạch hiện đại hóa ngành xuất bản, tập hợp thêm đội ngũ và vận động chính phủ đồng ý.

Đến đầu năm 1991, 360 đơn vị xuất bản đã lập ra Hợp tác xã thành phố xuất bản để xúc tiến công việc. Toàn bộ thành phố xuất bản phải là một triển lãm về kiến trúc, hòa hợp với thiên nhiên. Do đó mỗi tòa nhà phải có một hình dáng riêng không lặp lại.

Đây cũng phải là một thành phố thân thiện về mặt sinh thái, là thành phố giáo dục, với tham vọng vươn tầm ảnh hưởng ra ngoài biên giới. Ông Yi ví von: “Nó cũng giống như thể chúng ta đang biên tập một cuốn sách khổng lồ và đẹp đẽ gọi là “Thành phố sách” trên một dải đất dài rộng”. Quá trình chuẩn bị tương đối lâu, huy động một đội ngũ kiến trúc sư có tiếng, có người đã tu nghiệp ở phương Tây, thậm chí có cả những tên tuổi ngoại quốc.

Ngày 20-11-1998, những nhát cuốc đầu tiên trong lễ động thổ đã bổ xuống khu đất làng Munbal trước sự chứng kiến của thủ tướng Hàn Quốc, bắt đầu quá trình xây dựng thành phố xuất bản. Tổng diện tích xây dựng là 1.560.708m2, được chia làm hai giai đoạn.

Từ năm 2005, các sự kiện liên quan đến sách bắt đầu được tổ chức tại đây và đến năm 2006, giai đoạn 1 với diện tích xây dựng là 874.042m2 và hơn 100 tòa nhà hầu như đã hoàn thành, hình thành các khu nhà xuất bản, khu nhà in và khu các công trình hỗ trợ.

Năm 2007, một xưởng in kiểu sắp các con chữ rời tái hiện lịch sử ngành in được hoàn thành. Lịch sử in ấn của Triều Tiên có những thành tựu được quốc tế ghi nhận: 78 năm trước khi Gutenberg phát minh ra máy in sắp chữ rời ở châu Âu, tại Triều Tiên năm 1377, hòa thượng Baegun (Bạch Vân) đã in cuốn sách Phật Jikji, tên đầy đủ là Jikji simche yojeol (Trực chỉ tâm thể yếu tiết), và nó được coi là cuốn sách cổ nhất được in bằng con chữ kim loại rời.

Năm 2008, 20 nhà ngoại giao từ tám quốc gia đã đến thăm thành phố sách Paju và thảo luận về việc mở rộng quan hệ quốc tế của thành phố sách. Năm 2012, Quỹ Văn hóa thành phố sách đã nhận “Giải thưởng sách Sheikh Zayed” về thể loại “Công nghệ tốt nhất trong lĩnh vực văn hóa” trị giá khoảng 200.000 đôla Mỹ cho thành phố sách Paju do Tổng cục Văn hóa và di sản Abu Dhabi trao tặng.

Trung tâm Thông tin xuất bản và văn hóa châu Á -pajubfc.org
Trung tâm Thông tin xuất bản và văn hóa châu Á -pajubfc.org

 Tương lai nào cho thành phố sách ?

Nhưng cho dù trên trang web về du lịch của CNN có nêu “5 lý do để đến thăm thành phố sách Paju”, đến nay vẫn còn những trở ngại và thách thức đối với tương lai của thành phố sách như hạn chế về kinh phí xây nhà ở, giá thuê nhà, nơi ở không thuận tiện cho cả gia đình... nên thành phố sách Paju chỉ hơi nhộn nhịp vào ban ngày, khi màn đêm buông xuống, nó tĩnh mịch quá đỗi: trong khoảng 1 vạn người làm việc tại đây, đa số vẫn hằng ngày sáng sáng đi từ thủ đô tới đây làm việc, đến 6 giờ tối tan sở lại hối hả quay về với gia đình ở thủ đô.

Tâm lý ngại đi xa tới một nơi chưa đầy đủ về hạ tầng cơ sở cũng khiến một số người, một số công ty không chuyển hẳn lên đây. Dường như nó vẫn còn tách biệt với đời sống văn hóa của thủ đô.

Giai đoạn 2 của công cuộc xây dựng đã kéo thêm các đơn vị trong lĩnh vực đa phương tiện, sản xuất trò chơi điện tử (video game), các hãng phim để thành phố sách trở thành thành phố đa phương tiện, thúc đẩy việc chuyển thể các tác phẩm văn học sang phim ảnh.

Những người khởi xướng ra thành phố sách đang đau đầu nạp thêm những ý tưởng mới để nghĩ về giai đoạn phát triển thứ ba của Paju Book City trong thời đại kỹ thuật số.■

Một tác phẩm điêu khắc ở Paju Letterpress Workshop-stephruejournal.wordpress.com
Một tác phẩm điêu khắc ở Paju Letterpress Workshop-stephruejournal.wordpress.com

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận