Thất thoát nước sạch cao, sao dân phải trả?

QUANG KHẢI 06/08/2016 00:08 GMT+7

TTCT - Liên sở Tài chính - Giao thông vận tải - Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM vừa đề xuất lộ trình tăng giá nước sạch giai đoạn 2016 - 2020. Điều băn khoăn là trong cơ cấu tính giá nước sạch lần này, gần như tỉ lệ thất thoát nước sạch trên thực tế đều được đưa hết vào giá nước.

Tỷ lệ thất thoát nước cao góp phần đội giá nước cao. Trong ảnh: công nhân khắc phục sự cố bể ống nước trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM năm 2014. Ảnh Quang Khải
Tỷ lệ thất thoát nước cao góp phần đội giá nước cao. Trong ảnh: công nhân khắc phục sự cố bể ống nước trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM năm 2014. Ảnh Quang Khải


Như vậy, người dân phải gánh toàn bộ lượng thất thoát nước sạch trên thực tế hiện nay lên đến 29%.

Đưa hết thất thoát vào giá nước sạch

Nhiều năm qua, thất thoát nước sạch là một trong những yếu tố tính trong cơ cấu giá nước. Tỉ lệ thất thoát nước cao càng làm cho giá nước sạch bị đội lên.

Đây là điều bất hợp lý. Vì vậy, từ năm 2008, khi tỉ lệ thất thoát nước ở TP.HCM lên đến 42,54%, lãnh đạo TP yêu cầu chỉ được đưa 28% vào giá nước sạch cho lộ trình tăng giá nước 2009 - 2013 (quyết định 103 năm 2009 của UBND TP).

Đồng thời kèm điều kiện: mỗi năm phải giảm tỉ lệ thất thoát nước sạch 0,5% để kết thúc lộ trình giá nước sạch (năm 2013) với tỉ lệ thất thoát nước sạch ở mức 26%. Căn cứ chỉ đạo trên, đến nay (năm 2016), tỉ lệ được đưa vào giá nước sạch phải ở mức 24,5% mới hợp lý.

Tuy nhiên, trong phương án được chọn đề xuất giá nước lộ trình 2016 - 2020, liên sở thống nhất với đề xuất của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) đưa tỉ lệ thất thoát 29% để tính giá nước, bằng tỉ lệ thất thoát trên thực tế hiện nay.

Giải thích điều này, liên sở cho rằng đây là phương án tối ưu, có giá nước thấp nhất trong các phương án và khắc phục nhược điểm của các phương án trước đó cũng như tiếp thu góp ý của Ủy ban MTTQ TP và thường trực HĐND TP.

Cũng theo phương án này, tỉ lệ giảm thất thoát nước sạch trong những năm tới sẽ là 1,5%/năm (gấp 3 lần so với trước đó), để khi kết thúc lộ trình tăng giá nước vào năm 2020, tỉ lệ thất thoát nước còn 23%.

Không thể để dân gánh toàn bộ

Phải thừa nhận công tác chống thất thoát nước sạch trong những năm gần đây của Sawaco đã phát huy hiệu quả (kéo giảm được 13,54% so với năm 2008), nhưng con số 29% vẫn còn quá cao, dù thời gian qua đã có nhiều dự án giảm thất thoát nước (sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á lên đến hàng ngàn tỉ đồng).

Việc đưa tỉ lệ thất thoát nước sạch quá cao vào giá nước đã được nhiều chuyên gia phản ứng tại các cuộc họp góp ý đề án tăng giá nước do Ủy ban MTTQ TP tổ chức. Thường trực HĐND TP cũng cho rằng đề án giá nước (trình tháng 5-2015) cần phấn đấu kéo giảm tỉ lệ thất thoát nước trong lộ trình xuống mức 22-25%.

Việc cho rằng đưa tỉ lệ thất thoát nước vào giá nước mới có tiền tái đầu tư, chống thất thoát nước sạch cũng chưa thuyết phục được mọi người. Ngoài nhiệm vụ công ích, Sawaco còn có hoạt động kinh doanh (nhiều công ty con của Sawaco đã cổ phần), đã kinh doanh thì “lời ăn, lỗ chịu”, sao bắt người dân phải gánh thay phần lỗ của mình? 

Đại diện Sawaco từng giải thích cơ cấu tính giá nước dựa theo nghị định 117, phải tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất hợp lý, giá thành toàn bộ trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ... để các đơn vị cấp nước duy trì và phát triển.

Mặt khác, thất thoát nước gắn với việc cung cấp nước, không ở đâu có cung cấp nước mà không có thất thoát. Còn tỉ lệ thất thoát lớn hay nhỏ tùy thuộc vào lịch sử hình thành ngành cấp nước, sự phức tạp của hệ thống cấp nước và những yếu tố chủ quan của các đơn vị cấp nước...

Cũng theo đại diện Sawaco, quy định đưa tỉ lệ thất thoát 28% vào giá nước là áp dụng cho lộ trình cũ (2009 - 2013), do trước đó tỉ lệ thất thoát nước cao.

Còn theo quy hoạch cấp nước TP.HCM được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025 tỉ lệ thất thoát nước mới giảm còn 25%. Nếu đưa tỉ lệ thất thoát nước thấp vào giá nước thì lấy tiền đâu để đầu tư chống thất thoát nước sạch.

Mặc dù đưa tỉ lệ 29% vào giá nước sạch nhưng tốc độ giảm tỉ lệ thất thoát trong những năm tới nhanh hơn so với quy hoạch. Với việc giảm 1,5% mỗi năm thì đến năm 2020 chỉ còn 23%. Điều này tạo áp lực cho các đơn vị ngành nước nhưng lại tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư bên ngoài vào việc chống thất thoát nước sạch...

Ông Nguyễn Văn Rớt - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Q.2, người từng tham gia góp ý về đề án giá nước sạch tại TP - cho rằng việc đưa toàn bộ tỉ lệ thất thoát nước vào cơ cấu giá nước là không hợp lý. Quá trình tiếp xúc, người dân trên địa bàn đã nhiều lần phản ảnh vấn đề này.

Chưa kể dù đã được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng nhưng hiệu quả chống thất thoát nước sạch thời gian qua chưa được như mong muốn. Liệu với việc giảm 1,5% mỗi năm trong thời gian tới có khả thi hay chỉ là những “con số đẹp” để dễ dàng thuyết phục cơ quan thẩm quyền thông qua đề án giá nước sạch?■

Mỗi ngày mất gần 3 tỉ đồng

Tổng công suất phát nước tại TP.HCM hiện nay gần 2 triệu m3/ngày gồm các nhà máy nước: Thủ Đức và Bình An công suất 850.000 m3/ngày; Tân Hiệp: 300.000 m3/ngày; Thủ Đức 2: 300.000 m3/ngày; Kênh Đông: 200.000 m3/ngày; BOO Thủ Đức: 300.000 m3/ngày. Nếu lượng nước trên được phát hết công suất thiết kế và tỉ lệ thất thoát nước sạch hiện nay là 29% thì mỗi ngày TP mất hơn 565.000 m3. Với mức giá thấp nhất trong định mức của đối tượng sinh hoạt hiện nay là 5.300 đồng/m3 (chưa VAT) thì mỗi ngày TP mất gần 3 tỉ đồng vì thất thoát nước sạch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận