Thấy Việt Nam ở các bảo tàng Nhật bản

VÂN PHAN 06/01/2013 21:01 GMT+7

TTCT - Thăm Nhật Bản, nhiều người khuyên nên dành thời gian đến các bảo tàng, bởi ở đó có rất nhiều cổ vật Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu cổ vật, Nhật Bản là quốc gia xếp thứ tư (sau Pháp, Đức, Anh) trong danh sách các quốc gia lưu trữ nhiều cổ vật Việt Nam.

Phóng to
Bộ sưu tập rối nước Việt Nam tại Bảo tàng Quốc gia dân tộc học Osaka (Nhật Bản) - Ảnh: Vân Phan

Không được may mắn đi hết các bảo tàng ở Nhật Bản để ngắm những hiện vật Việt Nam, nhưng trong chuyến du khảo ở vùng Kansai và Kyushu tôi đã có dịp tham quan một số bảo tàng Nhật Bản, và ở đó tôi đã gặp những hình ảnh hiện vật Việt Nam khá bất ngờ.

Tìm thấy việt nam qua con rối nước

Là người công tác trong ngành bảo tàng, tôi thật sự ngợp khi thăm Bảo tàng Quốc gia dân tộc học (người Nhật thường gọi là Minpaku) ở Osaka. Bảo tàng này thành lập năm 1974, mở cửa đón khách năm 1977. Đây là bảo tàng nghiên cứu toàn diện với khoảng 60 chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về dân tộc học và các lĩnh vực liên quan. Minpaku thu hút nhiều khách tham quan với 250.000 hiện vật sưu tập từ khắp nơi trên thế giới. Bước vào mỗi gian trưng bày của bảo tàng này chúng ta như được “sống thật” với từng ngõ ngách của thế giới.

Sau nhiều giờ “lang thang” từ châu Phi sang châu Âu, rồi đến vùng Trung Đông với thế giới của lạc đà, lều bạt, mạng che mặt… chúng tôi đã đến Đông Nam Á với các bộ sưu tập nông cụ, áo quần, nón lá, tiếng cồng chiêng… Rồi cuối cùng chúng tôi đã “thấy” Việt Nam qua bộ sưu tập rối nước với các cô tiên, chú tễu, rồng nước, con lân, con trâu, tứ linh, đàn vịt…

Ở góc ẩm thực châu Á, thật ngạc nhiên khi thấy nhiều loại mì gói Việt Nam bên cạnh các gói mì của một số nước khác. Trong góc trưng bày này, mì gói của Việt Nam gần như đủ mặt những tên tuổi phổ biến. So với các nước khác, mì gói Việt Nam chiếm số lượng lớn hơn và phong phú hơn. Đây còn là một điều thú vị bởi mì gói Việt Nam hiện diện ở bảo tàng danh tiếng của Nhật, đất nước “khai sinh” ra thực phẩm ăn liền tiện dụng này.

Phóng to
Hiện vật của Bảo tàng Gốm sứ Kyushu - Ảnh: T.Đ.A.S.

Và chiếc trống trong góc khuất

Những ngày đầu năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đang gấp rút hoàn tất thủ tục chuẩn bị đưa 130 cổ vật Việt Nam thời kỳ cổ trung đại sang trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu, Nhật Bản tham gia triển lãm “Việt Nam - câu chuyện vĩ đại”. Các hiện vật trưng bày lần này rất đa dạng thuộc các vùng văn hóa khác nhau của Việt Nam như Óc Eo, Sa Huỳnh, Đông Sơn… Đặc biệt là bộ sưu tập gốm sứ từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 12, bộ sưu tập hiện vật cung đình Nguyễn với nhiều sắc phong, cổ vật kim loại quý.

Rời Osaka, chúng tôi đi ngược về phía nam đến với thành phố Hakata, thuộc Fukuoka Prefecture để đến Bảo tàng Quốc gia Kyushu. Đây là một trong bốn bảo tàng quốc gia của Nhật Bản. Bảo tàng Quốc gia Kyushu là một trong những bảo tàng danh tiếng ở Nhật với kiến trúc độc đáo cùng những bộ sưu tập đặc sắc.

Bảo tàng Quốc gia Kyushu là nơi trưng bày rất nhiều hiện vật, thuộc nhiều chủ đề. Ở gian cổ vật, thật độc đáo với rất nhiều loại trống đồng được trưng bày ở đây. Ở góc bên phải của gian là trống đồng Đông Sơn với bốn khối tượng cóc và vành chim lạc bao quanh ngôi sao ở giữa mặt trống. Trống đặt ở góc khuất, du khách nào tinh mắt mới phát hiện chiếc trống đồng độc đáo này của Việt Nam. Nhưng không hiểu vì sao lại không thấy có ghi chú, hỏi nhân viên của bảo tàng thì được xác quyết “của Việt Nam”.

Mặc dù vậy, thật tình cờ gần như cùng lúc đó, những du khách Đài Loan khi quan sát chiếc trống này lại chỉ trỏ, xì xầm: “Talu” (có nghĩa là Đại lục). Biết bao nhiêu khách đã nhầm lẫn như vậy và mất bao nhiêu cơ hội để du khách biết đến trống đồng Việt Nam?

Số lượng hiện vật Việt Nam ở các bảo tàng Nhật Bản tương đối lớn, đặc biệt là các cổ vật. Riêng loại hình gốm sứ, ở Nhật Bản có khoảng 20 bảo tàng sưu tập đồ gốm Việt Nam, nhưng những món đồ quý nhất phần lớn thuộc về Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka và Bảo tàng Gốm sứ Kyushu. Hai bảo tàng này hiện lưu giữ nhiều cổ vật thuộc các dòng gốm Việt Nam thời Bắc thuộc, gốm men ngọc và gốm hoa nâu thời Lý - Trần, gốm hoa lam thời Lê, gốm xanh trắng và gốm màu Chu Đậu, gốm thời Mạc và nhiều món đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và thời Nguyễn...

Có lẽ du khách Việt Nam khi đến thăm các bảo tàng này đều không khỏi chạnh lòng, bởi so với các nước Đông Nam Á khác, hiện vật Việt Nam khá nghèo nàn và được đặt ở vị trí tương đối khiêm tốn trong các gian trưng bày. Hầu hết hiện vật đều không được chú thích đầy đủ về nguồn gốc, đơn vị sưu tầm và không có các thiết bị hỗ trợ như ảnh chụp hoặc video như gian trưng bày của các nước khác.

Không hiểu vì lý do gì việc sưu tầm và trưng bày các hiện vật Việt Nam ở các bảo tàng Nhật Bản, đặc biệt là các hiện vật thuộc về đời sống của cộng đồng đương đại chưa được phong phú như các nước Đông Nam Á khác.

Phóng to
Hiện vật tại Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka - Ảnh: T.Đ.A.S.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận