Thế chân vạc, từ San Francisco đến Matxcơva

DANH ĐỨC 26/11/2023 09:38 GMT+7

TTCT - 33 năm sau Chiến tranh lạnh, thế giới trong tình trạng "phi chiến, phi hòa", với những mâu thuẫn dai dẳng không hồi kết.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Những hội nghị vẫn đều đều khai diễn, các diễn văn vẫn bóng bẩy, những hứa hẹn vẫn bao la, song thực tế vẫn những cuộc tỉ thí quyền lực, khi công khai, lúc ngấm ngầm. Thượng đỉnh APEC San Francisco hay BRICS trực tuyến mới đây là những minh họa rõ ràng.

Các thành viên APEC vẫn tề tựu đông đủ tại San Francisco trong hai ngày 16 và 17-11. Ba "ông lớn" Mỹ, Trung, Nga vẫn ra sức thể hiện vị thế của mình, kể cả ông Vladimir Putin, dù vì "lý do kỹ thuật", phải cử người đi thay. Cũng không sao, bởi chỉ bốn ngày sau, ông đã lại có cơ hội "nổi bật" ở thượng đỉnh BRICS trực tuyến về Trung Đông.

Chiến tranh biến mất trong tuyên bố chung APEC 2023

Năm ngoái, Thượng đỉnh APEC Bangkok 2022 diễn ra khi chiến tranh mới chớm ở Ukraine, nên tuyên bố chung nhắc nhiều đến chiến tranh, thậm chí tỏ thái độ rõ ràng, như qua đoạn: 

"Hầu hết các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh nó đang gây ra đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu - hạn chế tăng trưởng, gia tăng lạm phát, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm gia tăng tình trạng mất an ninh năng lượng và lương thực cũng như làm tăng rủi ro về ổn định tài chính".

Nói cho ngay, tôn chỉ và mục đích của APEC vốn là một diễn đàn kinh tế mà mục tiêu chính là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Và có thể vì rút kinh nghiệm năm ngoái mà năm nay, tuy chiến tranh vẫn dữ dội ở Ukraine và lại mới nổ ra tại Trung Đông, Tuyên bố chung APEC San Francisco dài 1.898 từ lại tuyệt nhiên không nhắc tới chiến tranh. Các địa danh Ukraine hay Gaza cũng vắng bóng, hậu quả chiến tranh không được đề cập, kể cả gián tiếp.

Có phải do chính nước chủ nhà Mỹ, do nắm bắt mong muốn của các thành viên APEC là không muốn dây vào chuyện chính trị và chiến tranh giữa phe này, phe kia, đã chủ ý cho thấy một Thượng đỉnh APEC San Francisco yên tĩnh hơn bao giờ hết? 

Và qua đó, phải chăng ông Joe Biden muốn gửi đến các nhà lãnh đạo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông điệp Mỹ muốn nuôi dưỡng các mối quan hệ kinh tế trên toàn khu vực, chứ không thúc ép các đối tác phải chọn phe? 

Phải chăng cũng vì vậy mà trong phát biểu trước các CEO khu vực, ông Biden đã khoe: các thành viên APEC đã đầu tư 1,7 ngàn tỉ USD vào nền kinh tế Mỹ, hỗ trợ khoảng 2,3 triệu việc làm cho người Mỹ; và ngược lại, các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư khoảng 1,4 ngàn tỉ USD vào các nền kinh tế APEC?

Ảnh: Foreign Policy

Ảnh: Foreign Policy

Cạnh tranh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

Có thể nghĩ rằng ông Biden đang muốn vạch ra một lối đi khác so với các người tiền nhiệm, như "xoay trục lại châu Á" của ông Barack Obama hay "sáng kiến tái đảm bảo" (ARIA) cho Đông Á và Đông Nam Á của ông Donald Trump, nhằm phát triển tầm nhìn chiến lược dài hạn và toàn diện, đa diện cho chính sách của Mỹ ở khu vực.

Sự phát triển của Mỹ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tất nhiên giao cắt với sự triển khai và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt ở khu vực Thái Bình Dương. Đương nhiên, Bắc Kinh không vui vẻ gì, như có thể thấy thái độ trên China Daily 16-11: "Mỹ cần chuyển từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở lại châu Á - Thái Bình Dương".

Ngay ở San Francisco, thông tấn xã AP 17-11 ghi chép các hoạt động của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: "Ông Tập Cận Bình đã có một loạt cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương... vào thời điểm cạnh tranh ngày càng gay gắt với Hoa Kỳ. Ông Tập đã hội đàm cá nhân với các nhà lãnh đạo Mexico, Peru, Fiji, Nhật Bản và Brunei, tất cả đều bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC".

Với Tổng thống Peru Dina Boluarte, ông Tập nói về tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, hỗ trợ Peru làm chủ nhà của thượng đỉnh APEC năm tới, và khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tham gia các dự án lớn ở nước này. 

Với Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, ông Tập cam kết đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới, và nói tới hợp tác trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tài chính, và xe điện. 

Cần nhắc là những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, do thuế quan và các hạn chế khác từ Mỹ, đã ồ ạt chuyển hoạt động sản xuất sang Mexico. Còn khi gặp Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka, ông Tập long trọng tuyên bố "Bắc Kinh coi Fiji là người bạn tốt và đối tác tốt" ở nhóm bán cầu Nam.

Bối cảnh những cuộc gặp đó có thể giúp hiểu rõ hơn nhận xét của ông Tập rằng "hành tinh Trái đất đủ lớn để hai quốc gia thành công và thành công của quốc gia này là cơ hội cho quốc gia kia", khi nói về quan hệ Trung - Mỹ.

Ảnh: Brics 13

Ảnh: Brics 13

Hành tinh đủ lớn cho bao nhiêu cường quốc?

Trong khi hai ông Biden và Tập thong dong phó hội APEC San Francisco, thì ông Putin phải ở nhà - như ông từng ở nhà không đến Nam Phi dự thượng đỉnh BRICS hôm 23-8, do kẹt lệnh truy nã của Tòa Hình sự quốc tế liên quan cuộc chiến tại Ukraine. 

Đó cũng có thể là một phần lý do khiến cuộc họp chung bất thường của BRICS về tình hình Trung Đông ở Gaza do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, trong vai trò chủ tịch BRICS, triệu tập hôm 21-11, đã diễn ra bằng hình thức trực tuyến. 

Cùng tham dự còn có lãnh đạo các nước khách mời Saudi Arabia, Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, UAE và cả Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres.

Đó là đối ngoại, còn về đối nội, nhiều hãng tin tuần rồi đồng loạt đưa tin ông Putin sẽ ra tranh cử tiếp trong cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2024.

"Bầu cử là điều thể chế dân chủ đòi hỏi và bản thân Putin đã quyết định sẽ tổ chức bầu cử, nhưng trên lý thuyết thì chẳng cần bầu cử làm gì", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói với RBC Daily. "Vì rõ ràng Putin sẽ đắc cử. Đó tất nhiên hoàn toàn là ý kiến cá nhân của tôi".

Ông Putin năm nay 71 tuổi, và cuộc bầu cử tổng thống Nga tiếp theo, cho một nhiệm kỳ 6 năm, dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 3-2024. Các cuộc thăm dò dư luận do tổ chức độc lập Trung tâm Levada tiến hành cho thấy tỉ lệ tín nhiệm với ông Putin trong cử tri Nga lên tới 82% vào tháng 10 vừa rồi. Tỉ lệ này đã duy trì ở mức xấp xỉ 80% kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra tháng 2-2022.

Ảnh: Chatham House

Ảnh: Chatham House

"Xét tình hình hiện tại, hệ thống của Nga vẫn rất vững vàng, vững vàng hơn nhiều so với chúng ta nghĩ một năm rưỡi trước vào đầu cuộc chiến. Nghịch lý là sự vững vàng này không chỉ là về chính trị, mà cả kinh tế lẫn xã hội. Ông Putin có vẻ đang kiểm soát tình hình và vẫn khỏe mạnh", Đài Mỹ CNBC dẫn lời học giả và sử gia nổi tiếng về Nga Sergei Medvedev.

Dù chính ông Putin chưa xác nhận, một số động thái đã cho thấy khả năng ông ra tranh cử. 

AP 22-11 cho biết tổng thống Nga vừa thông qua các quy định mới về việc chỉ nhà báo có hợp đồng chính thức với hãng tin có đăng ký mới được phép đưa tin về các cuộc họp của ủy ban bầu cử, cấm đưa tin hoạt động của ủy ban bầu cử ở các căn cứ quân sự và những vùng thiết quân luật nếu không có lệnh của chính quyền quân sự sở tại, cấm hoạt động tranh cử trên "các nguồn bị cấm", bao gồm Facebook và Instagram...

Quy định về bầu cử ở vùng thiết quân luật cũng cho thấy ông Putin có khả năng sẽ cho tổ chức bầu cử tổng thống tại những vùng sáp nhập vàolãnh thổ Nga của Ukraine - Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia. 

Hành động này "cho thấy quyết tâm của ông Putin muốn biến việc sáp nhập này thành điều không thể đảo ngược và là tín hiệu cho thấy chuyện này sẽ không được đưa ra đàm phán trong các cuộc hòa đàm tương lai", theo báo Mỹ The Washington Post.

Trong một tình thế như vậy, sự hòa hoãn Biden - Tập ở San Francisco, dù là tạm thời, lại càng trở nên dễ hiểu.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận