TTCT - Nhân thập kỷ 2010 vừa kết thúc, TTCT giới thiệu một số dự báo xa - trong một thập niên nữa đến năm 2030 - kèm một số dự báo gần cho năm mới 2020 này. Matthew Burrows, nhà phân tích của Tổ chức học giả Atlantic Council, từng có 10 năm thực hiện báo cáo “Các xu hướng toàn cầu” cho Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ. Tài liệu này sau đó được phát triển thành cuốn sách nhan đề Future: Clasified (tạm dịch: Tương lai: Giải mật), dự báo những xu hướng quan trọng nhất xác định diện mạo thế giới đến năm 2030. Tầng lớp trung lưu tăng, nhưng lương thực có thể thiếu Trong vài thập kỷ tới, phần lớn dân số thế giới sẽ không còn nghèo và tầng lớp trung lưu sẽ trở thành khu vực kinh tế và xã hội quan trọng nhất - không chỉ ở phương Tây, mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thế nhưng một trong những vấn đề lớn nhân loại phải đối phó trong 10 năm tới là khả năng thiếu hụt lương thực, nếu các biện pháp phòng xa không được thực hiện. Cái đói từng ám ảnh loài người Nhu cầu thực phẩm sẽ tăng hơn 35% vào năm 2030 nhưng đối với hầu hết các loại ngũ cốc như lúa mì hoặc gạo, tốc độ tăng trưởng trung bình trong sản xuất đã chậm lại từ 2%/năm trong thập niên 1970 và 1980 còn 1%/năm kể từ năm 1990. Trong khi đó, nhân loại đã tiêu thụ nhiều thực phẩm hơn so với thập kỷ trước. Một nghiên cứu quốc tế lớn cho thấy nhu cầu nước hằng năm trên toàn cầu sẽ đạt 6.900 tỉ mét khối vào năm 2030, cao hơn 40% so với nguồn cung cấp nước bền vững hiện nay. Nông nghiệp, tiêu thụ khoảng 3.100 tỉ mét khối nước/năm (khoảng 70% tổng khối lượng trên thế giới hiện nay), sẽ cần 4.500 tỉ mét khối vào năm 2030 trong khi năng suất sẽ không tăng. Khoảng 40% nhân loại sống bên trong hoặc trong vùng lân cận trực tiếp của lưu vực những con sông có tầm quan trọng quốc tế. Trong số các lưu vực này, hơn 200 lưu vực được chia sẻ với từ hai quốc gia trở lên, làm tăng sự phụ thuộc và tính dễ bị tổn thương. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy đến năm 2030, khoảng một nửa nhân loại sẽ sinh sống ở những khu vực thiếu nước nghiêm trọng. Đặc biệt đáng lo ngại là châu Phi. Trái ngược với Nam Á và Nam Mỹ - nơi ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng bình quân đầu người, châu Phi gần đây đã trở lại với những chỉ số của thập niên 1970. Nhìn chung, các nước nghèo phụ thuộc nhập khẩu như Bangladesh, Ai Cập, Djibouti và Sudan sẽ dễ bị tổn thương nhất do lạm phát giá lương thực. Trung Quốc, Ấn Độ và Nga cũng có khả năng phải đối mặt với vấn đề giá lương thực cao hơn, nhưng họ có khả năng tự đứng lên tốt hơn. Công nghệ, robot sẽ tiếp tục giúp ích cho con người trong 10 năm tới? Ảnh: Kaspersky Công nghệ sinh học: con người làm lại chính mình Sau khi đã hiểu về quá trình thông tin trong nền tảng sự sống, con người bắt đầu lập trình lại sinh học của mình để chấm dứt bệnh tật và gia tăng tuổi thọ… Cuộc cách mạng công nghệ sinh học, đặc trưng bởi sự hội tụ và sức mạnh tổng hợp của một số công nghệ quy mô, mà cụ thể là nano, sinh học, công nghệ thông tin, in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu mới và robot, sẽ tiếp tục bước lên tầm cao mới. Chân tay giả có thể sẽ được tích hợp trực tiếp vào cơ thể con người. Cấy ghép võng mạc trong tương lai sẽ cho phép chúng ta nhìn thấy vào ban đêm, và những cải tiến về thần kinh có thể cung cấp cho chúng ta một trí nhớ tốt hơn hoặc suy nghĩ nhanh hơn... Chẳng hạn, với chân tay giả được thiết kế để giúp những người lính bị cụt chi hoặc liệt chân tay, một vi mạch cấy vào não được sử dụng để điều khiển cánh tay robot. “Bộ cấy nhận tín hiệu từ não bệnh nhân, giải mã chúng và thông qua kết nối cáp sẽ di chuyển cánh tay robot - Burrows viết - Trong tương lai, các nhà khoa học hi vọng rằng kết nối này sẽ trở thành không dây”. Tương tự, với tiến trình phục hồi chứng mất thị lực, bệnh nhân có một bộ cấy ghép não kết nối với một thiết bị tương tự như kính râm. Kính sẽ truyền thông tin qua chip máy tính trực tiếp lên não để người mù có cảm giác mình thực sự nhìn thấy thứ gì đó. Bộ xương ngoài. Ảnh: Lockheed Martin/wired.com Bộ xương ngoài (Exoskeleton) là một phát minh nữa mở rộng khả năng thể chất của con người. Chúng bao gồm một khung bên ngoài, được gắn vào chân một người lính. Sử dụng một hệ thống được điều khiển bởi động cơ hoặc thủy lực, binh lính có thể mang tải nặng - lên tới 100kg. Theo thời gian, khi công nghệ pin phát triển, một lượng điện hạn chế sẽ không còn là yếu tố ngăn cản. Giống như cấy ghép não được thiết kế để mở rộng khả năng tinh thần, bộ xương ngoài mở rộng khả năng thể chất. Điều này sẽ cho phép thường dân và binh lính làm việc hiệu quả hơn và trong các môi trường trước đây không thể tiếp cận được. Người cao tuổi có thể được hưởng lợi từ các bộ xương cơ giới giúp các hoạt động đơn giản (đi bộ, nâng tạ). Điều này sẽ cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhóm dân số già. AI: lợi và hại Đầu năm 2014, có tin một trong những siêu máy tính trên thế giới - máy K. của Nhật - đã tạo ra mô phỏng não người chính xác nhất từ trước tới nay, nhưng nó cần tới 40 phút để tái tạo chỉ một giây hoạt động của não người. Các nhà khoa học giả định việc mô phỏng toàn bộ não người có thể thực hiện được khi xuất hiện những máy tính mạnh hơn. Nhiều khả năng điều này sẽ xảy ra trong 10 năm tới! Một chip cấy ghép của BrainGate. -Ảnh: Stanford Neural Prosthetics Translational Laboratory Hiểu biết bộ não người và khả năng tái tạo hoạt động của nó được sử dụng rộng rãi trong y học để điều trị các bệnh như Alzheimer, Parkinson và nhiều chứng rối loạn não khác. Cần chú ý là tiến bộ trong thuật toán lại thu hút ít chú ý hơn sự tăng trưởng của hiệu suất vi xử lý: tốc độ của các bộ vi xử lý tăng 1.000 lần trong giai đoạn từ 1988 đến 2003, trong khi ít ai biết hoạt động của thuật toán được cải thiện gấp 43.000 lần cùng kỳ! Sự kết hợp thuật toán và IoT (Internet của vạn vật) sẽ đóng góp đáng kể cho khoa học, y tế, cho việc sử dụng hợp lý các nguồn lực và những thành phố thông minh. Tuy nhiên, cùng nhau, thuật toán và IoT lại có thể dẫn đến một cuộc tấn công lớn vào thông tin cá nhân. Hơn thế nữa, có thể xuất hiện việc lạm dụng các dự báo bằng thuật toán. “Ngày nay, các công ty bảo hiểm và những ủy ban xem xét việc tạm tha đã sử dụng các thuật toán dự báo để tính toán rủi ro; ở Mỹ ngày càng có nhiều nơi mà cảnh sát làm việc trên cơ sở dự báo dựa vào việc xử lý các dữ liệu của những đường phố, những nhóm người hoặc những con người riêng biệt được chọn làm các đối tượng theo dõi liên tục” - nhà tư duy chiến lược Banning Garrett (Mỹ), chuyên nghiên cứu những vấn đề của thế giới theo hướng thuật toán và những rủi ro liên quan đến nó, cho biết. Garrett giải thích giới hạn chính trong phân tích các thuật toán là ở chỗ các kết quả dựa trên các hệ số tương quan, chứ không phải mối quan hệ nhân quả. Các hệ số tương quan này tốt ở chỗ có thể tìm ra chúng nhanh hơn và rẻ hơn so với quan hệ nhân quả. Thế nhưng hệ số tương quan sai lầm có thể dẫn tới đánh giá sai lầm với tất cả những hậu quả đi kèm. Chẳng hạn việc truy tố các công dân vô tội dựa trên cơ sở dự đoán về xu hướng phạm tội. Thị trường lao động: thay đổi tàn khốc? Ngay cả ở những nước đang phát triển, robot có thể thay thế lao động địa phương trong những lĩnh vực như điện tử, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực lên mức lương. Foxconn, nhà sản xuất ở Trung Quốc các sản phẩm của Apple, lo lắng về chi phí lao động tăng cùng những khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên đáng tin cậy với đồng lương ít ỏi, được biết sẽ thay thế 80% nhân viên bằng người máy. Việc sử dụng người máy sẽ không chỉ giới hạn ở nơi làm việc hoặc trong đời sống hằng ngày. Ôtô không người lái và các phương tiện tự động khác có thể là một sự thay đổi cơ bản trong việc sử dụng xe hơi, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông và việc sử dụng các khu vực đô thị. Các phương tiện không người lái sẽ thúc đẩy việc tổ chức lại và thay đổi lối sống đô thị. Việc robot hóa các phương tiện giao thông và nếu kèm theo đó là việc các mô hình sở hữu và sử dụng chúng cũng thay đổi có thể dẫn tới những hậu quả thảm khốc cho kinh tế toàn cầu, đặc biệt là công nghiệp ôtô. Một số nhà sản xuất có thể hưởng lợi từ tình huống (hoặc các nhà sản xuất mới sẽ xuất hiện), thậm chí định nghĩa thế nào là một chiếc ôtô cũng có thể sẽ thay đổi hoàn toàn, nếu con người bắt đầu đánh giá loại phương tiện này vì sự tiện dụng hơn là vì tính vị thế. Những đột phá lớn trong việc phát triển các công cụ tìm kiếm sẽ là những mối đe dọa lớn cho lao động. Những khả năng đáng kinh ngạc của Google Search hay Microsoft Bing dựa trên các thuật toán đã vượt trội đáng kể so với con người: các công cụ tìm kiếm có thể sàng lọc hàng tỉ điểm dữ liệu để phản hồi các truy vấn. Các thuật toán mạnh mẽ khác có thể thay thế các luật sư bằng chức năng eDiscovery, quét hàng triệu tài liệu pháp lý với tốc độ lớn, với độ chính xác đáng kinh ngạc và chi phí vật chất thấp hơn so với con người thực hiện. Các hình ảnh X-quang được máy tính đọc chính xác hơn bác sĩ X-quang… Nói tóm lại, nhiều ngành nghề hoặc thậm chí các lĩnh vực hoạt động có thể bị loại bỏ hoàn toàn theo thời gian, theo sự ra đời những phần mềm mang tính cách mạng! Điều này đưa con người tới một câu hỏi quan trọng: nhiều việc làm sẽ được tạo ra hay sẽ bị phá hủy? Ngày nay, chưa ai có thể trả lời chắc chắn câu hỏi này. Một báo cáo gần đây của OECD đã cho chúng ta vài thực tế đáng mở mắt: theo một số nghiên cứu, các công nghệ mới chịu 80% trách nhiệm cho việc giảm 4% tỉ lệ GDP của thế giới trong 20 năm qua. Cùng với đó, một số người có trình độ và tài năng trong các lĩnh vực áp dụng những công nghệ mới - cũng như các nhà quản lý và chủ sở hữu công ty - đã tăng tài sản của mình theo cấp số nhân!■ NHỮNG DỰ BÁO GÂY SỐC CỦA SAXO-BANK Đầu tháng 12-2019, Saxo-Bank (Đan Mạch) đã đưa ra một số dự báo thế giới năm 2020, được các phương tiện truyền thông dẫn lại vì tính “gây sốc” của nó. Theo đó: Giá dầu có thể lên tới 90 USD/thùng: Năm 2020, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ giảm do lợi tức đầu tư thấp. OPEC và Nga không bỏ lỡ cơ hội, tuyên bố giảm mạnh sản lượng dầu truyền thống. Brent cuối cùng sẽ trở lại giá 90 USD/thùng (so với 60 USD hiện nay). Hungary sẽ ra khỏi EU? Ảnh: Saxo-Bank Hungary ra khỏi… EU: Kể từ khi gia nhập EU năm 2004, Hungary đã đạt được những thành tựu kinh tế. Nhưng cuộc “hôn nhân” có nguy cơ không kéo dài, theo Saxo Bank. Hơn một năm trước, EU đã thực thi một biện pháp kỷ luật với Hungary dựa trên điều 7 hiệp ước liên minh do Hungary đã tạo một tiền lệ tiêu cực: chính quyền ông Viktor Orban bị chỉ trích thay đổi hệ thống bầu cử có lợi cho chủ nghĩa độc tài, đảng cầm quyền gây sức ép lên các định chế công và nạn tham nhũng. Vì những “tội” này, EU đã tước một số trợ cấp đối với Hungary. Đáp lại, chính quyền Orban đã công khai nói về “tình anh em máu thịt” với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Kết quả, không phải Vương quốc Anh, mà là Hungary sẽ rời khỏi EU! Thụy Điển khổ vì khoan dung: Thụy Điển vốn khoan dung với người di cư, là tấm gương cho các nước láng giềng ở Bắc Âu. Nhưng vào tháng 11-2019, Đan Mạch đã phải đóng cửa biên giới với Thụy Điển, lần đầu tiên kể từ thập kỷ 1950. Nguyên nhân là 13 vụ nổ và số vụ giết người đã tăng gấp đôi ở Đan Mạch, mà thủ phạm được cho là những tay anh chị trong các nhóm nhập cư đến từ quốc gia láng giềng. Riêng tại Thụy Điển, chỉ trong năm 2018, các tội phạm trong số người nhập cư đã thực hiện 160 vụ nổ và giết người. Theo các cuộc thăm dò, tại Thụy Điển đã có tới 25% dân số phản đối người di cư. Xã hội chia rẽ. Những thành công tưởng như không thể lay chuyển của “chủ nghĩa xã hội Thụy Điển” đang bị đe dọa. Đồng đôla bị lấn sân ở châu Á: Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), với sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc, sẽ tạo ra một loại tiền dự trữ mới, Asian Drawing Right - hay ADR. Một ADR, rúp hay nhân dân tệ này ban đầu sẽ bằng 2 USD, khiến nó trở thành đơn vị tiền tệ lớn nhất thế giới. Bước này nhằm loại bỏ USD khỏi thương mại khu vực. Các nước OPEC, đánh giá tầm quan trọng của thị trường châu Á, sẵn sàng tham gia ký kết hợp đồng bằng loại tiền tệ mới. Việc đổi đơn vị tiền tệ một phần đáng kể của thương mại quốc tế sẽ làm giảm giá trị đồng USD, khiến chỉ trong vài tháng đồng USD có thể giảm giá 20%. “Thuế Trump”: Theo Saxo-Bank, 2020 sẽ là một năm khó khăn cho Mỹ, dù nó bắt đầu với sự ổn định tương đối nhờ những thỏa thuận tạm thời giữa Washington và Bắc Kinh về thuế hải quan. Để tăng cường chủ đề bảo hộ, Trump sẽ đề nghị một loại thuế “Nước Mỹ trên hết”: tất cả các loại thuế hiện nay sẽ bị hủy bỏ, thay vào đó là 25% thuế áp dụng cho tất cả các doanh thu gộp tại thị trường Mỹ, nhận được từ việc sản xuất ở nước ngoài. Để tránh thuế này, các công ty có thể chuyển sản xuất trở lại Mỹ. Nói ngắn gọn, hệ thống kinh doanh của Hoa Kỳ sẽ được tổ chức lại theo hướng hoàn toàn có lợi cho sản xuất trong nước. Điều này có thể cứu ông Trump khỏi việc rời chức sớm? Vẫn theo Saxo Bank, không, không thể, nhưng có thể cứu ông ta khỏi cuộc luận tội. Tags: RobotThị trường lao độngCông nghệ sinh họcNạn đóiCấy ghépBộ xương ngoàiDự báo tương lai
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.