Thể thao điện tử: Sàn diễn của Lọ Lem

DƯƠNG LIỄU 07/11/2021 18:10 GMT+7

TTCT - Khó có một môn thể thao nào mà người hâm mộ có thể chứng kiến được những câu chuyện cổ tích về sự bứt phá, từ vô danh đến vinh quang nhiều như trong thể thao điện tử (esports). Một đội tuyển esports Nga vừa viết nên chuyện cổ tích ở một giải đấu quốc tế, được cả tổng thống chúc mừng. Đây là tín hiệu tích cực mới nhất trong tiến trình esports được công nhận là một môn thể thao đích thực, dần tách khỏi mác trò chơi giải trí đơn thuần.

 
 Một sự kiện esports năm 2019. Ảnh: Getty Images

Thập niên 2010 đã chứng kiến quá trình chuyên nghiệp hóa của thể thao điện tử, với các đội tuyển chuyên nghiệp - dành toàn thời gian để luyện tập và thi đấu các trò chơi thể loại chiến đấu, bắn súng, đánh bài và chiến thuật. Các giải đấu esports quốc tế ngày càng nở rộ, giải thưởng có thể lên tới hàng chục triệu đôla, thu hút được cả khán giả lẫn nhà tài trợ. Hãng phân tích ngành công nghiệp game Newzoo ước tính doanh thu esports vào khoảng 1 tỉ đôla vào cuối năm nay, tăng 15% so với năm ngoái.

Chơi game được tổng thống khen

Ngày 18-10, báo chí đồng loạt đưa tin về bức điện của Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời khen cho đội thể thao điện tử Team Spirit, trong thư có đoạn: “Xin chúc mừng các bạn với một chiến thắng thuyết phục tại The International 10 - Giải Dota 2 thế giới”. Đây là giải đấu thể thao điện tử lớn nhất thế giới với tổng giá trị giải thưởng hơn 34 triệu đôla Mỹ, và môn thi đấu là Dota 2, một trong những trò esports phổ biến nhất hiện nay.

Dota 2 là game chiến thuật với mỗi đội có 5 người chơi, bắt đầu từ hai góc bản đồ và nhiệm vụ chính là đến được góc bên kia và đánh sập căn cứ chính của đối phương. Game có đến hơn 100 nhân vật để chọn lựa, mỗi nhân vật có khoảng 4 kỹ năng để sử dụng, ngoài ra còn có hơn 200 vật phẩm trong game để gia tăng thuộc tính cho nhân vật.

Phải lựa chọn nhân vật nào, sử dụng kỹ năng nào, vật phẩm nào và quan trọng hơn là dùng khi nào là một bài toán gần như không có điểm dừng. Với lượng tài nguyên giới hạn trên bản đồ, các thành viên phải có chiến thuật hợp lý để nhường nhịn, hỗ trợ lẫn nhau vào thời điểm thích hợp, hoặc tham gia giao tranh để chiếm lấy tài nguyên của đối phương. Đôi lúc phải có thành viên cố tình làm mồi nhử và hy sinh để bảo vệ cho đồng đội.

Ngoài sự kết hợp ăn ý, nhanh tay nhanh mắt để phán đoán những thời khắc chỉ có một phần ba giây, game còn đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề dứt khoát và cả sự bình tĩnh gan lì nếu lỡ bị lép vế lúc đầu. Và Team Spirit đã có tất cả những điều đó để bước lên ngôi vô địch.

Những chàng trai trẻ Team Spirit vốn là cái tên chẳng mấy ai biết tới, phải chật vật mới tranh được một vé vớt vào tham dự giải đấu triệu đô. Vậy mà họ đã đánh bại những hạt giống khổng lồ của giải, trong đó ở trận chung kết đã gặp ứng cử viên vô địch, đội PSG.LGD (Trung Quốc), và thắng với tỉ số sát sao 3-2. Đúng là một câu chuyện Lọ Lem thời hiện đại, đủ sức làm xôn xao khắp các diễn đàn mạng và để ông Putin phải biểu dương.

 
 Các chàng trai Team Spirit

Từ vô danh đến vinh quang

Trước khi đến với giải đấu, Team Spirit có lúc còn không có nhà tài trợ. Đội tuyển có tuổi trung bình chỉ 21, trong đó thành viên Illya Mulyarchuk (tên trong game: Yatoro) mới chỉ 18, trẻ nhất giải, và mới bắt đầu tham gia chơi game chuyên nghiệp vào năm ngoái. Trong cả năm qua, Team Spirit chỉ lặn ngụp ở những giải nhỏ lẻ chẳng mấy tiếng tăm. Sau khi trầy trật vượt qua vòng loại khu vực The International 10, họ còn bị nhận xét là đã ăn may, không xứng đáng để tham gia giải đấu quốc tế này.

Đến The International 10 ở vị trí gần chót bảng, họ được chú ý đến đầu tiên là vì bị phân biệt đối xử khi bị ban tổ chức sắp xếp cho một chỗ ở cực kỳ chật chội. Không có cả chỗ ngồi, họ phải chen chúc với nhau ở nhà bếp, ghế ngồi tụt sát vào bàn, toilet không có giấy vệ sinh, máy tính thì còn chưa cài Windows, thậm chí còn không có cả Internet trong khi chỉ còn chút nữa là đến giờ tập luyện. Thành viên Miroslaw Kolpakov (Mira) người Ukraine hài hước nhận xét: “Ban tổ chức khiến mình nhớ trường đại học quá, ký túc xá mình ở cũng chẳng có chỗ trống nào, cũng cái bếp tí teo thế này. Nhưng mà ở đây họ (ban tổ chức) quan tâm đến mình lắm đấy, nên họ còn cho tụi mình một cái lò vi sóng”.

Sau khi quản lý của đội quay video clip và đăng lên mạng, tố cáo ban tổ chức khi không đối xử công bằng với các đội tham gia khi những đội ở vị trí cao hơn thì có phòng to đẹp hơn, cuối cùng sự việc cũng được xử lý. Team Spirit thoát khỏi căn phòng nhỏ nhưng họ chưa thoát khỏi chông gai. Họ bị đẩy xuống nhánh thua, phải đối đầu với nhiều đối thủ mạnh, trong đó có cả đương kim vô địch, đội đã hai lần vô địch giải. Có những trận đấu kéo dài đến cả tiếng đồng hồ cam go nhưng không quật ngã được sự bền bỉ của những chàng trai trẻ.

Chướng ngại cuối cùng của họ trước trận chung kết là Team Secret, đội tuyển được đánh giá là mạnh nhất châu Âu, với kỷ lục mười năm liên tiếp tham dự The International. Khi gặp nhau ở vòng bảng, Team Secret đã thắng đàn em Team Spirit chóng vánh chỉ trong vòng chưa đầy hai tiếng với tỉ số 2-0. Dù gặp lại kẻ đã đánh bại mình ở bán kết và chỉ cần thua là sẽ bị loại ngay lập tức, Team Spirit không vì thế mà áp lực, ngược lại còn cho thấy sự tỉnh táo trong những lúc căng thẳng nhất. Sau mỗi pha giao tranh thành công, họ lùi về sau để kiểm soát bản đồ và tăng cường sức mạnh chuẩn bị cho lần tiến công kế tiếp, thay vì hăng máu lao lên vội vã và dễ rơi vào cái bẫy của đối thủ.

Sau khi gỡ hòa Team Secret với tỉ số 1-1, ở trận đấu quyết định, Magomed Khalilov (Collapse) của Team Spirit đã chọn cho mình nhân vật Magnus. Đây là nhân vật có kỹ năng húc và đẩy đối thủ sang vị trí khác, có tác dụng phá thế trận địch và đẩy đối phương vào vòng vây của đội mình. Nhưng nếu không tìm được đối thủ và nếu bị hạ gục trước thì Magnus cũng vô dụng. Đối diện với ông vua của các giải đấu châu Âu, Magomed Khalilov đã cho thấy một cảm quan nhạy bén khi luôn đoán được đường đi của địch thủ, và khiến cho Team Secret nhanh chóng vỡ trận. Việc anh luôn phán đoán chính xác vị trí đối phương trong bóng tối đã khiến mọi người vỡ òa và niềm hy vọng bước lên ngôi vô địch đã đến với Team Spirit.

Chung kết: David vs. Goliath

Một trong những vấn đề gây tranh cãi khi xem chơi thể thao điện tử là nó có gì hấp dẫn, có đòi hỏi trí tuệ gì không hay chỉ cần nhanh tay lẹ mắt? Những gì diễn ra trong trận chung kết The International 10 giữa Team Spirit và PSG.LGD là ví dụ cho thấy esports đòi hỏi nhiều ở vận động viên/game thủ hơn thế.

Trung Quốc là nơi sản sinh ra rất nhiều đội tuyển mạnh. Trong suốt sáu năm đầu tổ chức, một nửa chức vô địch The International thuộc về các đội tuyển của Trung Quốc. Với riêng PSG.LGD, họ đã một lần á quân, hai lần hạng ba, một lần hạng tư. Cơ hội giành danh hiệu duy nhất còn thiếu đã đến khi PSG.LGD đang ở phong độ vững mạnh nhất, đả bại tất cả các đối thủ với tỉ số áp đảo để vào chung kết gặp một đội vô danh. Đến sát giờ chung kết, đa số vẫn đặt cược vào chiến thắng của PSG.LGD.

Trước mỗi trận game, mỗi đội sẽ được quyền cấm đối thủ chọn sáu nhân vật. Sau màn biểu diễn như có thể đọc được suy nghĩ của đối thủ của Collapse với nhân vật Magnus, có nhiều suy đoán rằng PSG.LGD sẽ đưa Magnus vào danh sách cấm. Nhưng PSG.LGD đã khiến mọi người bất ngờ khi không làm vậy, và kết quả là bị Team Spirit đả bại hai trận liên tiếp. Đến trận đấu thứ ba, PSG.LGD đã có những lựa chọn mới, với hai nhân vật có bộ kỹ năng chống lại Magnus, khiến Team Spirit chịu áp lực dồn dập từ đầu đến cuối game và phải chịu thua. Sang game đấu thứ tư, chính Collapse cũng nhận ra bài tủ của mình đã bị đối phương hóa giải, anh chọn một nhân vật khác. Dù cố gắng xoay trở, Team Spirit vẫn bị PSG.LGD dồn ép vào đường cùng bằng lối đánh bài bản chặt chẽ.

Ở game đấu cuối cùng quyết định thắng thua, Collapse mạnh dạn chọn lại Magnus, nhân vật anh chơi tốt nhất và tự tin nhất. PSG.LGD tự tin họ sẽ khóa được Magnus như ở trận đấu trước, bình tĩnh chọn tung ra chiến thuật tủ mà họ chỉ từng để thua đúng một lần trước kia. Hai bên giằng co nhau, đội tuyển mạnh nhất Trung Quốc cho thấy sự dày dạn kinh nghiệm của mình. Team Spirit dần bị ép vào thế dưới. Nhưng PSG.LGD đã phạm sai lầm. Họ có vài màn kết hợp không ăn ý, tham gia giao tranh quá sớm khi đối thủ vẫn còn đầy đủ kỹ năng tham chiến, xuất hiện hớ hênh ở nơi Team Spirit có tầm nhìn. Và với một trận đánh quyết liệt, toàn bộ các thành viên của PSG.LGD đã bị hạ gục. Họ cố gắng chống đỡ yếu ớt và cuối cùng phải chấp nhận thua.

 
 Team Spirit tại The International 10. Ảnh: Valve

Chuyện đời, chuyện game

Đối với Team Spirit, một đội tuyển trước kia chưa hề được đánh giá cao, cho dù dừng ở vị trí á quân vẫn là điều không thể tưởng với họ. Thế mà họ đã giành chiến thắng và nhận về vinh quang lẫn số tiền thưởng kếch xù 18,2 triệu USD (414 tỉ đồng). Chiến thắng này có ý nghĩa đặc biệt với nhiều thành viên, vì nó cho thấy con đường game thủ chuyên nghiệp của họ là không sai lầm.

Alexander (Torontotokyo) đã từng có một đội game chơi ăn ý với mình. Trớ trêu thay, một đội chuyên nghiệp đến tuyển dụng tất cả mọi người, trừ anh. Bị bỏ lại một mình, phải bắt đầu và tìm kiếm những đồng đội mới, có lẽ Torontotokyo không nghĩ được đến việc sẽ có ngày mình thắng giải đấu lớn nhất hành tinh. Sau trận chung kết The International 10, anh ôm tấm khiên vô địch nằm lăn ra sàn đấu trong sự xúc động.

Đồng đội của Alexander, Illya Mulyarchuk (Yatoro) cũng không may mắn hơn là bao. Chàng trai cũng đi thử việc ở chính đội chuyên nghiệp kể trên và bị loại. Trong khi đó, Collapse từng vấp phải sự phản đối của gia đình khi bỏ trường y để chơi game chuyên nghiệp. Anh từng dự định sẽ giải nghệ nếu sự nghiệp không có gì khởi sắc.

 
 Ảnh: Valve

Cũng như mỗi trận bóng đá quan trọng đều kết thúc với những giọt nước mắt - hạnh phúc cho đội thắng và cay đắng của đội thua, khi Team Spirit ngập tràn sung sướng là lúc PSG.LGD ngậm ngùi thất vọng khi một lần nữa không thể chạm đến ngôi vương và đáp lại cơn khát của người ủng hộ tại quê nhà. Thất bại năm nay còn buồn hơn với PSG.LGD vì lịch sử trớ trêu đã lặp lại với họ. Tại The International 8, PSG.LGD cũng đã có trận thua với tỉ số 3-2 trước OG, bất chấp đối thủ có một đội hình phải chắp vá vào giờ chót.

Số là chỉ vài ngày trước giải đấu quan trọng, 2 thành viên của OG là Tal Aizik (Fly) và Gustav Magnusson (s4) bất ngờ bỏ đội để gia nhập một hàng ngũ mạnh hơn, phản bội lại tình bạn 9 năm với đội trưởng Johan Sundstein (N0tail). Johan phải tìm mọi cách xoay xở và tạo ra một đội hình chắp vá để kịp tham dự The International. Anathan Pham (ana) khi đó đang tạm nghỉ chơi game được kêu gọi quay trở lại gấp. Topias Miikka (Topson) chưa bao giờ chơi game chuyên nghiệp trước kia. Sébastien Debs (Ceb) từ vị trí huấn luyện viên khoác áo thi đấu của tuyển thủ. Vậy mà họ đã thắng đối thủ mạnh từ Trung Quốc.

Tính luôn thất bại gần nhất, 5 năm rồi Trung Quốc chưa có thêm một chức vô địch The International nào nữa. Ngay sau giải đấu kết thúc, trên mạng xã hội Weibo tràn ngập những bài chửi rủa đội tuyển. Thậm chí còn có những tin đồn tố cáo thành viên bán độ, đối xử tệ với vợ con. Đáp lại những lời chỉ trích lẫn động viên, đội tuyển PSG.LGD thông báo vẫn sẽ tiếp tục bên nhau và sẽ trở lại cho kỳ International năm tới.

Với Team Spirit, họ chắc chắn sẽ có mặt ở giải đấu năm sau. Giờ đã trở thành triệu phú ở tuổi 18, điều đầu tiên Yatoro làm là mua một căn nhà đồ chơi cho con mèo của mình. Torontotokyo thì đã lỡ hứa sẽ mua một căn hộ ở trung tâm Matxcơva cho em gái nhỏ 11 tuổi. Collapse, người được đánh giá là chơi Magnus hay nhất trong lịch sử, thì còn chưa biết sẽ phải làm gì với số tiền khổng lồ này. Nhờ màn biểu diễn của anh mà sau trận chung kết, tỉ lệ chọn Magnus trong game Dota 2 tăng hơn 10%.

Từ thập niên 1980 và 1990, đã có những giải đấu điện tử mang tầm vóc quốc gia tại Mỹ. Nhưng trong suốt hơn hai thập niên, game vẫn chỉ gói gọn trong nghĩa trò chơi điện tử và tầm ảnh hưởng của nó hoàn toàn kém xa so với các môn thể thao chính thống.

Sự hình thành của “thể thao điện tử” gắn liền với Hàn Quốc và khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Tỉ lệ thất nghiệp cao, nhiều thanh niên Hàn đã đổ thời gian vào tựa game chiến thuật StarCraft, khiến nó nhanh chóng trở thành một phần trong văn hóa đại chúng, đến mức có những kênh truyền hình chỉ dành để chiếu và phân tích StarCraft.

Năm 2000, Hiệp hội Thể thao điện tử Hàn Quốc, trực thuộc Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch được thành lập. Năm 2013, tuyển thủ StarCraft II Kim Dong Hwan là tuyển thủ thể thao điện tử đầu tiên được nhận visa dành cho vận động viên khi đến Mỹ tham gia thi đấu. Các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines... cũng lần lượt ghi nhận thể thao điện tử.

Theo trang esports.net, quốc gia gần nhất công nhận esports là thể thao là Ukraine, vào tháng 9-2020. Giải đấu The International 10 dự kiến được tổ chức tại Thụy Điển nhưng nước này không công nhận thể thao điện tử, khiến cho việc xin visa và hoàn thành các công tác tổ chức gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù đội vô địch The International 3 lại là một đội đến từ Thụy Điển, và quốc gia này cũng có rất nhiều tuyển thủ thành công ở các môn khác.

Mặc dù esports vẫn chưa đặt chân vào ngôi đền của các môn thể thao Olympics, Đại hội thể thao châu Á (Asian Games), sự kiện được Ủy ban Olympic quốc tế công nhận, đã bắt đầu chào đón thể thao điện tử từ kỳ Á vận hội 2018 ở Indonesia, với 6 môn (game) thi đấu biểu diễn (có trao huy chương nhưng không tính vào thành tích của quốc gia tham dự). Đại hội kế tiếp, Hàng Châu 2022, sẽ là cột mốc lịch sử với 8 môn được đưa vào danh sách thi đấu chính thức và 2 môn biểu diễn.

Cơ hội cho thể thao điện tử

Giải đấu năm nay được tổ chức ở sân vận động quốc gia tại Romania. Do tình hình COVID-19, toàn bộ 50.000 chỗ ngồi đều trống nhưng gần 3 triệu khán giả toàn thế giới đã theo dõi chiến thắng ngược dòng ngoạn mục của Team Spirit qua màn hình. Mạng xã hội lan truyền cảnh người Nga vừa ngồi trên xe buýt vừa theo dõi trận đấu. Báo chí Nga giật tít “Game thủ trở thành thần tượng giới trẻ”, lời chúc mừng đội tuyển của Tổng thống Putin được đăng trên trang web chính thức của chính phủ. Trên trang nhà của Team Spirit, toàn bộ hàng lưu niệm đã “cháy” hàng.

Không gì khiến mọi người hào hứng hơn câu chuyện kẻ yếu thế lội ngược dòng, mà trớ trêu thay PSG.LGD đã hai lần đóng vai kẻ mạnh thất bại. Team Spirit lẫn giải The International đã là một lời giải thích rõ ràng cho lý do tại sao thể thao điện tử đang ngày càng thu hút người trẻ và đạt được sự quan tâm lẫn công nhận của thế giới. Bởi thật khó có một môn thể thao nào mà chúng ta có thể chứng kiến được những câu chuyện cổ tích về sự bứt phá nhiều như trong thể thao điện tử. Không cần đòi hỏi chục năm luyện tập với hàng tấn tiền đầu tư, luôn dễ dàng tiếp cận ở mọi nơi mọi lúc, những “anh hùng” vẫn có thể xuất hiện ở bất cứ đâu.

Ngay tại Việt Nam, chúng ta cũng có Trần Hồng Phúc, người đã mang về cho Việt Nam tấm huy chương đồng tại Asiad 2018 và SEA Games 2019. Tất cả những gì Phúc có chỉ là một dàn máy tính, mạng Internet để chơi game, và đam mê với bộ môn mình yêu thích. 

Giống như những môn thể thao khác, thể thao điện tử cũng có những vấn đề riêng như bán độ, dùng chất kích thích, và nhất là sức khỏe của thành viên các đội game chuyên nghiệp. Theo esports.net, game thủ có thể là nạn nhân của các hợp đồng bóc lột, điều kiện làm việc không phù hợp, kiệt sức và khủng hoảng tinh thần. Đây là thực tế còn tồn tại, mặc dù nhiều game thủ chuyên nghiệp có lịch trình luyện tập, chế độ dinh dưỡng bài bản và khoa học như vận động viên thể thao thông thường. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận