Thi và tuyển sinh: Áp lực còn đến bao giờ?

NGUYỄN QUANG THÂN 10/07/2011 00:07 GMT+7

TTCT - Ròng rã mấy mươi năm, cứ đến mùa hè nóng nực là xã hội lại phờ phạc đưa con em đi thi tốt nghiệp trung học, rồi thi vào đại học. Hơn 1,2 triệu học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông, hơn 1 triệu thí sinh thi đại học với bao nhiêu tiền của gia đình. Các trường đại học vừa tổ chức thi vừa lo lỗ lãi. Mà rõ ràng không chỉ là chuyện tốn tiền...

 
 

 Nhiều khi ta tự hỏi: sao xã hội ta lại có nhiều nan vấn đến thế! Hình như ở đâu cũng gặp con “nhân sư” (sphinx) với những câu hỏi không ai có thể giải đáp ngay được. Đặc biệt là chất lượng ngành giáo dục và tình trạng thi cử, tốn bao nhiêu bút mực và mồ hôi của mọi người mà vẫn chưa thấy một lối ra khả quan, vẫn là chuyện phải bàn “thường ngày ở huyện”. 

Không phải vì dân có định kiến hay hiếu sự với giáo dục mà vì quá quan tâm, bởi đây là chuyện quá thiết thân, không ai có thể bàng quan! Lo âu học hành, thi cử vì vậy vào tận bữa cơm, giường ngủ mọi nhà, mọi người.

Xã hội mệt mỏi

Chỉ cần quan sát mấy ngày qua, khi hơn 1 triệu sĩ tử chen chúc nhau thi tuyển sinh đại học làm Hà Nội, TP.HCM và nhiều thành phố phát sốt. Giao thông quá tải, “cháy” xe “cháy” tàu, đường phố tắc nghẽn, giá hàng hóa, dịch vụ, nhà trọ tăng vọt do nạn “chặt chém” vô cảm. Gia đình nông thôn có con em đi thi đôn đáo lo âu chuyện tiền bạc, một trẻ mang lều chõng về thủ đô luôn có hai ba người kèm, gây ra hiện tượng “toàn dân đi thi”.

Trước đó, các lò luyện thi đã hoạt động hết công suất, đã thấy không ít trò “mèo” lừa con em lấy tiền với những lời hứa hẹn của phường mãi võ bán thuốc cao đơn: không đỗ xin trả lại tiền!

Rồi không hiểu sao xã hội đang hiện đại hóa mà lại ngày càng xuất hiện nhiều trò cầu may. Cha ông ta xưa dù vẫn tin học tài thi phận cũng chưa từng có cảnh sĩ tử trẩy kinh vào Văn Miếu sờ đầu rùa hoặc đội bát hương xin Trời Phật giúp thi đỗ! 

Căng thẳng đẻ ra mê tín vì quá nhiều người mất tự tin vào kiến thức phổ thông dù tấm bằng tú tài chưa ráo mực trên tay, ai cũng hãi khi bước vào cuộc đấu một chọi mười, chọi hai mươi, ba mươi để kiếm được một chỗ học đại học. Có lẽ không mấy quốc gia trên thế giới có cảnh thi cử trần ai vừa căng thẳng vừa gây cơn sốt như nước ta.

Các trường lo lỗ nặng

Ngoại trừ ngành giao thông vận tải bận rộn với chuyện tăng thêm toa nên giảm được 10% vé tàu cho thí sinh, các trường đại học, cao đẳng năm nay đều hồi hộp, lo âu chuyện lỗ, lãi theo đúng nghĩa kinh tế học. Hơn 1 triệu thí sinh mà tới 30% là thí sinh ảo, phòng thi vẫn phải đi thuê từ trước.

Nên những than vãn như lời ông Giang Văn Kịp, hiệu trưởng Trường cao đẳng Tài chính hải quan, là không hiếm: “Năm ngoái, trường phải bù lỗ gần 100 triệu đồng, năm nay trường đã thuê 936 phòng thi với mức giá tăng 10-20%, thí sinh càng đông trường càng lỗ nặng”. 

Hay như lời ông Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng đào tạo Đại học Kinh tế quốc dân: “Thí sinh ảo chiếm tới gần nửa, quá nhiều. Lệ phí thi tăng nhưng không thể bù đắp nổi chi phí”.

Ở một trường như Đại học Thương mại cần 965 phòng thi, phải huy động tới 2.200 cán bộ coi thi, trong đó có 1.450 giám thị là sinh viên. Hay một trường cao đẳng như Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM, thù lao cho cán bộ coi thi cũng ở mức 400.000-500.000 đồng/người/đợt thi, chưa kể in sao đề thi - “khoản chi nặng nhất mà trường phải gánh” như lời ông hiệu trưởng, năm ngoái là hơn 1 tỉ đồng. 

Chuyện tiền này ám ảnh tới mức có nhiều hiệu trưởng nghĩ đến việc kiến nghị Bộ GD-ĐT “nên chỉ đạo các đơn vị in sao đề thi thu phí in sao đề thi ở mức hợp lý, vì các đơn vị này vẫn tính lãi tăng đều hằng năm” và “nếu tiền in đề thi đúng giá thì các trường đỡ khổ”. 

Tiền lấy ở đâu? Theo các trường thì vừa từ ngân sách vừa do thí sinh đóng lệ phí vừa là “lấy nguồn thu học phí hằng năm để bù lỗ”, cộng thêm việc phải tiết kiệm tối đa chi phí.

Lối ra bế tắc?

Hiện tượng “toàn dân đi thi” là biểu hiện truyền thống hiếu học hiếm có của dân tộc? Là sự phát triển đáng mừng của giáo dục phổ thông và đại học? Hay là sự lúng túng của một người lớn quá nhanh luôn phải sắm áo mới mà không kịp? Vì lâu nay người ta muốn giảm căng thẳng đầu vào bằng cách nơi nơi mở trường đại học, hễ cứ có vốn là dễ dàng mở trường. Gần 400 trường đại học mà có vẻ chưa đủ. 

Ngay diễn đàn Quốc hội cũng phát sốt về chất lượng trường đại học (nhất là trường dân lập), dù chưa có văn bằng trường nào cấp mà được quốc tế chấp nhận, chưa có trường nào nằm trong tốp 1.500 của thế giới, nhưng những người “lạc quan” và các quan chức giáo dục vẫn cổ vũ phát triển số lượng.

Tìm ra nguyên nhân của chuyện thi cử luôn gây sốt này của nước ta khá đơn giản. Nhưng lắm lý giải mà vẫn bế tắc lối ra. Chuyện giữ hay bỏ kỳ thi đại học đã được xã hội nêu ra và bàn thảo từ lâu, ngay ngành giáo dục từng ghi nhận đề nghị chính thức của ông Trương Song Đức (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) từ năm 2004, cho địa phương này đi đầu trong việc áp dụng quy chế mới: tuyển chọn sinh viên qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học. 

Loay hoay ngần ấy năm, kết quả là vẫn thi, thi y như nếp cũ.

Đúng là dân ta có truyền thống hiếu học hiếm có, đúng là chúng ta đang cố gắng tột bậc để thoát nghèo thoát dốt. Nhưng vì chặc lưỡi cho qua những chuyện như 11 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long soạn đáp án chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông “ngoài luồng”, “bầy cá chép” được công nhận một cách tắc trách qua các kỳ thi trung học phổ thông đã ùn lên “vũ môn” gây áp lực nặng nề cho tuyển sinh đại học và cao đẳng.

Có chuyên gia đã nói thẳng về sự phá sản của “phong trào hai không” năm nay khi tỉ lệ thi đỗ tốt nghiệp huy hoàng khắp các vùng miền, có tỉnh 1.000 học sinh chỉ có một em rớt tú tài - con số lý tưởng cho bất kỳ quốc gia nào, kể cả Pháp lẫn Mỹ. Và vì vậy kỳ thi tuyển vào đại học vẫn nguyên là một vấn nạn cho tất cả chúng ta và hơn 400 trường đại học vẫn oằn lưng dưới gánh nặng và sức ép đầu vào.

Xã hội nào cũng là một thực thể phức tạp. Có quyền học nhưng học được hay không, học như thế nào là những chuyện rất khác nhau. Cuộc chọn lọc tuy không hề dễ dàng nhưng cần phải làm nghiêm túc và có thể làm được trong các bậc thang giáo dục, khi chúng ta thật sự “làm giáo dục” chứ không phải làm dự án giáo dục hoặc “buôn giáo dục”, khi chúng ta trừ bỏ được thói giả dối trong giáo dục. 

Cuối cùng, bốn chữ “chất lượng giáo dục” vẫn là câu trả lời và cũng là thách thức cho mọi lối ra trong tình trạng hiện nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận