TTCT - Các hãng bán lẻ thời trang online như Boohoo và Missguided đang có doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh, nhưng những người chỉ trích cho rằng có nhiều chi phí đắt đỏ không được tính vào giá bán những món hàng thời trang này. Và cả thế giới đang phải trả cho những chi phí ấy. Đấy là những món đồ kích cỡ từ 6-16, phù hợp mọi hình thể, mọi hoàn cảnh, từ làm việc ban ngày tới tiệc tùng ban đêm, theo quảng cáo hấp dẫn của nhà bán lẻ thời trang Boohoo. Kiểu cách và màu sắc không có gì nổi bật, nhưng giá bán quá rẻ, chỉ có 5 bảng Anh (chưa tới 150.000 đồng)/cái đầm, rồi giảm giá chỉ còn 4 bảng, khiến hàng ngàn khách hàng trong số 5 triệu khách hàng của hãng click chuột “nhặt” vội món đồ bỏ vào giỏ, bấm nút trả tiền ngay lập tức. Sản phẩm và mức giá đó đang giúp Boohoo tăng lợi nhuận ở mức kỷ lục: 59,9 triệu bảng Anh, đi ngược xu hướng tồi tệ (thua lỗ, đóng cửa hàng loạt) đang xảy ra với các cửa hàng thời trang cao cấp ở khắp nước Anh. Thời trang của Boohoo giới thiệu cho thị trường Úc. Sản xuất ở Anh, trong các nhà máy ở Leicester và Manchester, chiếc đầm 5 bảng Anh là điển hình của ngành thời trang tiêu dùng nhanh đang đổ ra thế giới hàng trăm bộ sưu tập mới trong một thời gian rất ngắn với giá rất rẻ. Những gương mặt quảng cáo nhãn hiệu là các ngôi sao, khiến nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Trung bình, mỗi chiếc đầm như thế chỉ được dùng trong vòng 5 tuần rồi bị vứt đi, người ta sẽ đi mua ngay chiếc khác thay thế. Missguided, một đối thủ của Boohoo, cũng sản xuất hàng ở Leicester, thậm chí còn đưa ra mức giá choáng hơn, khi giảm giá chỉ còn 1 bảng Anh/bộ bikini. Món hàng này được yêu thích tới mức website bị sập luôn vì số lượng người mua quá nhiều. NHỮNG CÁI GIÁ ĐÍCH THỰC Nhưng đằng sau những mức giá đó là những chi phí về môi trường và xã hội - thứ không đưa vào. “Chi phí bị ẩn giấu chính là chi phí con người trong chuỗi cung ứng và môi trường - Sass Brown, giảng viên tại Viện Thời trang Manchester nói - Mức giá đó rẻ đến mức không thể là sự thật được”. Báo cáo của Ủy ban Kiểm toán môi trường - EAC (của Nghị viện Anh) đưa ra năm 2019 về ngành thời trang cho thấy: Về mức độ hủy hoại môi trường, ngành dệt may tạo ra 1,2 tỉ tấn CO2/năm, nhiều hơn cả ngành vận tải tàu biển và hàng không cộng lại, lượng nước sử dụng cực lớn, tạo ra ô nhiễm hóa chất và ô nhiễm nhựa. Khoảng 35% vi nhựa được tìm thấy trong đại dương đến từ vải tổng hợp. Thời trang nhanh (fast fashion) là cụm từ mô tả những loại quần áo rẻ tiền, được sản xuất với tốc độ nhanh do các nhà bán lẻ dành cho thị trường đại chúng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận xu hướng mới nhất của người tiêu dùng. Loại thời trang này được nhanh chóng đưa từ sàn diễn thời trang vào các cửa hàng để bắt kịp và tạo ra các xu hướng mới. Do đó, chúng ta thường xuyên, liên tục nhìn thấy xu hướng và mẫu mã mới từ những thương hiệu thời trang nhanh như Zara, H&M hay Forever 21, với các chiến lược thúc đẩy khách hàng mua thêm, mua nữa. Thông thường trong quá khứ, thời trang chỉ có 4 mùa trong năm. Ngày nay, mỗi tháng có vài mùa. Có vài yếu tố thúc đẩy điều này: 1/ Nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng, tạo áp lực cho các thương hiệu phải đưa ra thêm nhiều thiết kế. 2/ Tình hình kinh tế khá lên, khách hàng ngày càng muốn mua nhiều hơn và rẻ hơn. 3/ Những người tạo ảnh hưởng (influencers) trên mạng xã hội thường xuyên trông có vẻ mới mẻ, điều đó khuyến khích những người theo dõi bắt chước để thay đổi theo. Vòng đời của thời trang nhanh gần như không tồn tại, vì chất lượng của chúng không được làm ra để dùng lâu bền. Cứ 1 trong 3 nữ thanh niên - đối tượng tiêu thụ lớn nhất của sản phẩm này - cho rằng quần áo mà mặc một hoặc hai lần là bị coi là cũ. Người tiêu dùng ở Anh đã đổ ra 300.000 tấn vải từ quần áo để đốt hoặc chôn lấp năm 2018. Nếu không cải tổ nhanh chóng, ngành thời trang, mà hiện do thời trang nhanh thống trị, có thể tạo ra 1/4 lượng khí thải carbon trên Trái đất vào năm 2050. Phía sau quyền năng chi trả dễ dàng của người tiêu dùng thời trang nhanh là những cái giá đắt cho môi trường. Ảnh: ozy.com Về mặt xã hội, sự bùng nổ của thời trang nhanh thường gắn liền với những mức lương thấp và điều kiện làm việc tệ hại đối với những công nhân làm việc tại các nhà máy thuê ngoài ở những nước đang phát triển, thậm chí ngay cả trong nhà máy tại các thành phố ở Anh như Manchester, Birmingham, London và Leicester. Dẫu chưa tìm được bằng chứng cụ thể cho thấy chuỗi cung ứng cho các hãng như Boohoo và Missguided trả mức lương bất hợp pháp, song một số công nhân tại Leicester chỉ nhận trung bình 3 bảng Anh/giờ, thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu, theo báo cáo mà các nghị sĩ Anh có được. Luật nô lệ hiện đại không đủ mạnh tay để ngăn chặn tình trạng trả lương thấp này tại các nhà máy của Anh, cũng thiếu những biện pháp chế tài, khiến các nhà máy vẫn trả lương sai luật mà không bị sờ gáy. Tại Anh, mức sử dụng quần áo của một người cao hơn bất kỳ một nước châu Âu nào, và gấp 5 lần so với những năm 1980. Điều này tạo ra 1,3 triệu tấn chất thải mỗi năm, trong đó 350.000 tấn chôn lấp hoặc đốt. Dù có những bằng chứng rõ ràng về những tác hại tới môi trường do EAC đưa ra, các bộ trưởng của Anh vẫn bác bỏ những khuyến nghị nhằm giải quyết những vấn đề môi trường trong ngành thời trang, trong đó có việc cấm thiêu đốt hay chôn lấp các mặt hàng có thể tái chế được, và cộng thêm 1 xu đối với mỗi sản phẩm, để có thể thu được thêm 35 triệu bảng Anh mỗi năm nhằm thu gom và phân loại sản phẩm sau sử dụng tốt hơn, cách làm mà nhiều người trong ngành ủng hộ. Chôn lấp quần áo cũ đang là vấn nạn nghiêm trọng cho môi trường (Ảnh: Citysmart) Dẫu Chính phủ Anh đang có nhiều kế hoạch, như đầu tư nhiều triệu bảng Anh để tăng cường tái chế vải vóc và bao bì nhựa, nhưng nhiều đại diện trong ngành vẫn lên tiếng phản đối việc chính quyền không có động thái nào đáng kể để ngăn chặn những tác hại của các mô hình sản xuất gây hại tới môi trường, cũng như khai thác nhân lực với chi phí thấp. Phoebe English, nhà thiết kế người Anh, cho rằng Chính phủ Anh đã không nhận định được hậu quả thực sự của ngành thời trang hiện nay, vốn đã kéo dài từ rất lâu. “Trái đất và con người đang bị khai thác và gây hại ở mọi phần của chuỗi cung ứng, điều này đã tạo ra những ngọn núi không thể tưởng tượng nổi của những món đồ dư thừa, đồ hư hỏng không biết làm gì ngoài chôn lấp hay thiêu hủy”. Phoebe English cũng cho rằng những người hoạt động trong ngành phải ngồi lại để đưa ra những quy định tự giám sát, và cần khẩn cấp ngưng những cách làm sai. Tuy nhiên, những giải pháp mang tính tự giác này khó có thể thực hiện khi có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các thương hiệu và các nhà sản xuất, dẫn tới tình trạng bóc lột nhân công và để lại ảnh hưởng lớn về môi trường trong quá trình thương mại. “Kiến thức đã có sẵn. Chúng ta ai cũng biết quy mô của những ảnh hưởng, và ta biết một số giải pháp - TS Mark Sumner, giảng viên ngành bán lẻ và thời trang tại ĐH Leeds nói - Cái chúng ta cần là chính phủ phải có chính sách rõ ràng, dù là quy định bắt buộc hay các sáng kiến mang tính tự giác để khiến các nhãn hiệu bắt đầu thay đổi cách hành xử”. NHỮNG CHIÊU NÉ TRÁNH Trước những nhận định ngày càng chát chúa đó, các hãng thời trang nhanh bắt đầu tìm cách quảng bá những cách làm “đạo đức” của mình. Hãng Boohoo quảng bá về thương hiệu tái chế For the Future, sử dụng chất liệu được làm từ chất thải tổng hợp lấy từ bãi rác. Tuy nhiên, tỉ lệ tái chế chỉ chiếm con số siêu nhỏ, trong khi công đoàn vẫn chưa có mặt tại doanh nghiệp này. Carol Kane, đồng sáng lập Boohoo, cãi rằng chiếc váy 5 bảng Anh được bán với giá lỗ vốn chỉ để thu hút người mua hàng. Carol nói công ty thuê 3 người ở Manchester, 3 người ở Leicester và 10 người ở Trung Quốc để kiểm toán tại các nhà máy sản xuất hằng tháng để đảm bảo các điều kiện lao động phù hợp. Nhưng PGS Nikolaus Hammer (ĐH Leicester), người đã thực hiện nghiên cứu về ngành thời trang tại Leicester, nghi ngờ cái gọi là “các giải pháp xanh” mà các thương hiệu đưa ra hòng có vẻ đạo đức hơn, trong khi vẫn kinh doanh dựa trên mô hình thời trang nhanh. Nghiên cứu của ông cho thấy các công nhân làm việc trong môi trường tồi tệ, không có hợp đồng lao động, lương trung bình 3 bảng/giờ. Đó là vì các thương hiệu sở hữu quyền lực để áp đặt lên các nhà sản xuất, buộc họ cắt giảm chi phí. “Các chi phí môi trường và xã hội không được tính đến. Chi phí môi trường và nguyên liệu hầu hết là ở các nước ngoài biên giới nước Anh. Việc sản xuất tại Anh thường chỉ trả cho công nhân một nửa lương tối thiểu hợp pháp” - ông kết luận.■ Tiêu dùng tối giản (*) Đó là tựa tiếng Việt cuốn sách A life less throwaway của Tara Button. Không quá lời khi nói rằng các nhãn hàng và các doanh nghiệp sẽ không ưa Tara Button, CEO và là người sáng lập trang Buymeonce.com, vì cô đã bóc tách rất nhiều “chiêu trò” bán hàng đầy mê hoặc của họ, lật tẩy những tư duy ngắn hạn, chỉ muốn bán cho thật nhiều, thật nhanh mà không để ý tới hậu quả và tác hại tới môi trường và xã hội của họ. Từng hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực quảng cáo trước khi trở thành nhà vận động tích cực về tiêu dùng bền vững, có tầm ảnh hưởng đối với nhà sản xuất và các tín đồ yêu thích mua sắm, trong cuốn sách này, Tara đã dành một phần viết về những cách mà các nhà sản xuất “bẫy” người dùng cuốn vào vòng xoáy “mua, sử dụng thật nhanh, vứt đi, mua mới”. Các thương hiệu đưa ra các sản phẩm với kế hoạch rõ ràng: thời điểm nào sản phẩm sẽ hư, không thể sửa chữa, buộc khách hàng phải mua mới. Điều tồi tệ là những thứ “lỗi thời định trước” đó càng ngày càng lỗi thời nhanh hơn. Không những thế, những ảnh hưởng từ quảng cáo liên tục, tiếp cận mọi giác quan của khách hàng (và càng lúc càng chính xác) đã ảnh hưởng lớn tới tư duy, hành vi mua sắm và tiêu dùng của chúng ta. Chiêu thức marketing với các thông điệp “trẻ hơn”, “sành điệu hơn”, “gợi cảm hơn”, sử dụng các gương mặt ngôi sao hay người mẫu “hoàn hảo không tì vết” nhờ chỉnh sửa hình ảnh thúc đẩy nỗi khao khát thèm muốn của khách hàng. Chưa kể tới cách “reo rắc nỗi sợ hãi” về việc ta có thể bị lạc hậu so với thời đại... Tara giúp bạn hiểu được áp lực khiến bạn mua sắm mà không cân nhắc kỹ càng, sau đó giúp bạn trau dồi các chiến thuật để thoát khỏi áp lực đó. Thế giới hiện vẫn tiếp tục phát triển dựa vào sự vận hành của mô hình kinh tế liên tục sản xuất, liên tục tiêu thụ. Nhưng những áp lực lớn về môi trường khiến Trái đất sẽ sụp đổ trong thời gian có thể nhìn thấy được do tình trạng tiêu thụ quá mức như hiện nay của loài người. Vì thế, những cuốn sách như Tiêu dùng tối giản của Tara sẽ làm từng người tiêu dùng bình tĩnh nhìn nhận lại cách mua sắm và tiêu thụ của mình, nhận ra “ta đã bị bẫy quá nhiều lần” để mà tự sửa mình ngay từ bây giờ. (*): Nguyên tác A life less throwaway, dịch giả Song Thu (NXB Dân Trí) Làm thế nào để giảm thiểu tác hại cho môi trường khi bạn yêu thời trang? • Cam kết mặc mỗi món đồ ít nhất 30 lần. Nếu tăng gấp đôi số lần mặc, ta đã cắt giảm khí thải thời trang 44%. • Hiểu biết về sợi: các loại cotton và chất tổng hợp rẻ tiền gây ra các vấn đề môi trường rất lớn. Cotton sử dụng lượng nước và thuốc trừ sâu không bền vững. Hãy chọn vải hemp làm từ cây gai dầu trộn với cotton hữu cơ và lụa, và lyocel/modal, loại vải sinh học làm từ bột gỗ và vật liệu vải sinh học được làm từ cellulose tái chế từ cây sồi. • Coi cotton là loại sợi xa xỉ. Mua sản phẩm có chứng nhận hữu cơ để không gây hại cho môi trường do thuốc trừ sâu, và dùng chúng trong nhiều năm. • Bớt giặt quần áo: Trung bình vòng đời của bột giặt thải vô số vi nhựa vào nước. • Sử dụng dịch vụ cho thuê quần áo và trang sức như Hurrcollective.com và byrotation.co.uk (nhằm giải quyết số lượng hàng hóa trị giá khoảng 30 tỉ bảng Anh được treo trong tủ quần áo). • Xóa các ứng dụng mua sắm khỏi điện thoại của bạn, tắt các trang thời trang, mua đồ tận cửa hàng để cảm nhận được chất liệu và chắc chắn là bạn mặc vừa. • Kiểu giặt khô truyền thống có hại cho đất, không khí và nước. Sử dụng loại nước giặt thân thiện với môi trường. Tags: Môi trườngThời trang nhanhQuần áo cũThời trang giá rẻChôn lấp quần áo cũTiêu dùng tối giản
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.