LTS: Bị ghét vì “đã học giỏi lại còn ngoan”, bị dè bỉu vì trả lại của rơi, bị tai nạn vì... dừng đúng vạch đèn đỏ. Muốn hay không thừa nhận, đó đã trở thành một phần thực tế của xã hội chúng ta. Vì đâu nên nỗi? TTCT mời bạn tham gia Câu chuyện cuộc sống kỳ này, bắt đầu với tâm sự của hai độc giả. Minh họa: Bích Khoa 1. Con gái tôi đi học xa. Một lần cháu gọi điện về kể: Sáng đó, lúc đứng chờ đèn đỏ, bên cạnh cháu là một cặp vợ chồng. Người vợ đang có thai. Đèn xanh vừa sáng, một chiếc xe máy từ sau chạy vụt qua vũng nước văng bắn hết lên người vợ. Người chồng tức quá chạy nhanh theo xe kia và hai người đàn ông đứng lại đôi co, bất ngờ người đàn ông kia rút ra con dao và hỏi người chồng muốn gì? Lúc đó người vợ sợ rúm ró, chỉ còn thiếu điều quỳ xuống lạy người kia xin tha mạng. Xung quanh mọi người đứng nhìn mà không ai biết phải làm gì. Cuối cùng, nhờ những giọt nước mắt van xin của người vợ, người đàn ông kia hằm hằm bỏ đi sau khi buông lời đe dọa: liệu hồn, lần sau không tha! Ở xa, nghe con kể, tôi rất lo sợ bảo với con: “Thời buổi ghê quá, ra đường gặp đám đông ồn ào, dao kéo thì tránh đi cho nhanh kẻo vướng lụy vào thân”. Con tôi mới nói: “Nếu tất cả mọi người đều như vậy thì khi mình gặp chuyện ai sẽ giúp mình đây hả mẹ?”. Tôi nợ con một câu trả lời! Đến khi con trai đi học xa, sợ cháu bị bạn bè lôi kéo, tôi dạy cháu “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”, gặp chuyện thì cố mà tránh đi, không tham gia những tranh chấp không liên quan đến mình, lỡ sa vào thì (nhớ lời mẹ) tỉnh táo tìm cách thoát ra, gặp cướp thì buông hết và chạy hay xin tha mạng... Biết là hèn nhưng tôi có cách chọn lựa nào khác? Trong tôi luôn có một suy nghĩ thôi thì hên - xui. Trong bối cảnh xã hội phức tạp, ở cái thời người ta rất dễ nổi nóng, chỉ cần một va chạm nhẹ hay một câu nói không vừa ý có thể biến thành xô xát hay thậm chí đổ máu. Mà khi đã nổ ra bạo lực thì đám đông có thể dửng dưng theo dõi chứ không hề can thiệp dẫu thấy rõ chuyện bất bình, chỉ còn một động thái “tích cực” và rất thụ động là “tránh voi chẳng xấu mặt nào”! Con người dè chừng với nhau không chỉ hoài nghi về điều tốt đẹp mà còn là sự ganh ghét, tị hiềm. Ai cũng phải (bắt buộc) thủ thế để sống, có quá lên không khi kết luận niềm tin, cái đẹp ngày càng xa vời? Đi tìm thời gian đã mất càng thấy tiếc nuối khi nhớ về những điều nhẹ nhàng mà con người cư xử với nhau trong quá khứ. Tại sao? 2. Ở thời điểm mà con người còn băn khoăn về lòng nhân ái (cho tiền một người ăn xin chẳng hạn mà phân vân không biết họ thật hay giả); thắc thỏm lo sợ mỗi khi ra đường, mình đang đi bình thường vậy mà tai họa ở đâu bỗng dưng ập đến chỉ vì mình đi đúng luật; hay chờ đèn đỏ cũng phấp phổng, bỗng đâu một chiếc xe chạy bạt mạng đâm vào... Những tai họa như trên trời rơi xuống chẳng ai lường được. Kẻ xấu dàn cảnh lợi dụng lòng tốt người qua đường để làm điều khuất tất... Tâm trạng ai nấy căng như sợi dây đàn, không kiềm chế dễ thành mồi lửa. Áp lực từ công việc, môi trường thay đổi (lòng người, sự việc, cảnh quan...), học hành, con cái, thực phẩm không đảm bảo chất lượng... Đi đến một cơ quan hành chính tiếng là phục vụ dân mà cũng mang về nhà sự bực mình vì bị chờ chực, lời nặng nhẹ, hạnh họe. Dễ nổi khùng khi nghĩ Nhà nước đã chi biết bao nhiêu tiền cho việc đổi mới, phục vụ người dân lại khiến người dân không thoải mái? Chúng ta cũng đổ lỗi cho giáo dục, những quy chế thi đua từ trên ép xuống, cô thầy mỏi mệt, uể oải, cuối cùng “dùi đánh đục/đục đánh săng”, con cái đến trường áp lực bài học, phong trào, cha mẹ lãnh đủ với bao thứ phải chi nếu muốn con được yên ổn học hành. Người ta dễ chế nhạo nhau hơn mà ít muốn nói lời động viên, cảm ơn... Một hành động tốt đẹp cũng khiến người ta đặt câu hỏi đằng sau sự việc ấy là ý đồ gì? Nếu thật sự được đánh giá tốt đẹp cũng gợn chút hoài nghi phải chăng đó là một hành động “tự đánh bóng”? Thôi thì tốt nhất hồn ai nấy giữ. Mỗi người cố gắng trong khả năng của mình không gây nhiễu xã hội đã là động thái tích cực rồi! 3. Xem ra con người thời hiện đại nỗ lực “cày cuốc” kiếm tiền để nâng cao chất lượng sống, cuối cùng đáp số đúng nhất cho bài toán chỉ là làm sao cho cuộc sống yên ổn, không động chạm ai. Thú thật, là một người mẹ, tôi cũng chỉ biết nói với con những điều như vậy và không biết khi nào mới trả lời được câu hỏi của con: “Khi mình gặp chuyện ai sẽ giúp mình đây?”. Tags: THỜI XA LẠ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Đại cử tri đoàn chính thức bầu ông Trump làm tổng thống Mỹ: Không có sự 'phản bội' nào TRẦN PHƯƠNG 18/12/2024 Cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn Mỹ khớp với kết quả truyền thông đưa tin sau cuộc bầu cử tháng 11, qua đó chính thức bầu ông Trump là tổng thống tiếp theo.
Đàm Vĩnh Hưng đổi luật sư, vụ kiện chồng của ca sĩ Bích Tuyền được phục hồi? HOÀI PHƯƠNG 18/12/2024 Bầu sô Dũng Taylor - chồng ca sĩ Thu Phương - vừa thông tin diễn biến mới nhất vụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện ông Gerard William, chồng ca sĩ Bích Tuyền.
Chuyên gia: Vụ ám sát Trung tướng Nga Igor Kirillov có 2 mục đích chính THANH BÌNH 18/12/2024 Ukraine dường như muốn gửi đi 'thông điệp rõ ràng' tới những ai chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Nhìn thành phố từ buồng lái: Cảm nhận đặc biệt của nữ lái tàu metro CHÂU TUẤN 18/12/2024 Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu đầu tiên của tàu điện tuyến metro số 1 - đã chia sẻ những cảm nhận của mình.