TTCT - Lâu nay đã thành thói quen cố hữu, khi nói về ngành dược thì chỉ nói đến các công ty dược và giá thuốc, thay vì phải là công nghiệp dược.

Đã hết thời thuốc “mì ăn liền”
Cần nghĩ đúng về thuốc nội

Phóng to
Cần có một chiến lược rõ ràng cho phát triển ngành công nghiệp dược. Trong ảnh: dây chuyền sản xuất thuốc tại nhà máy của Công ty cổ phần Dược phẩm dược liệu Pharmedic - Ảnh: Thanh Đạm

Có không một ngành công nghiệp?

Một ngành công nghiệp chỉ thật sự phát triển khi có đường hướng đúng đắn và lành mạnh, có hàng rào luật pháp vừa mang tính chất bảo vệ vừa giúp các thành phần trong nó phát triển và đặc biệt phải có ngành công nghiệp phụ trợ. Sản phẩm có chất lượng tốt không, có được khách hàng tiếp cận một cách dễ dàng không..., tất cả những yếu tố còn lại cũng mất rất nhiều công sức và tiền của.

Ai từng làm ngành dược đều biết rõ đôi khi những chi phí khác còn vượt xa so với chi phí sản xuất ra chính sản phẩm đó. Chi phí cho nghiên cứu sản phẩm mới bao gồm nghiên cứu từ phòng thí nghiệm, sau đó đầu tư trang thiết bị máy móc tương thích, chưa tính đến kiểm nghiệm thành phẩm, chi phí thử tương đương sinh học. Sau khi được sản xuất, thuốc cần được bảo quản một cách nghiêm ngặt. Một kho chứa thuốc đạt chuẩn GSP (thực hành bảo quản thuốc tốt), một hệ thống phân phối thuốc tốt GSP, GPP (phân phối thuốc tốt, thực hành nhà thuốc tốt) và nhiều chi phí khác sẽ đội giá thành lên cao.

Chính vì ngành công nghiệp dược có nhiều thành phần như vậy nên khi phân tích cần có cái nhìn thấu đáo, tường tận, tránh tình trạng “thầy bói xem voi” và đổ lỗi hoàn toàn “tại sao thuốc nội giá thấp vậy mà không ai dùng?”.

Bênh vực “con ruột”

Chúng ta quyết tâm phát triển nền kinh tế thị trường thì phải chấp nhận những quy luật của thị trường mà sự điều tiết bằng công cụ hành chính đôi khi có những kết quả ngoài mong đợi. Thử phân tích cả hai trường hợp thuốc kê toa và thuốc bán không cần toa. Các bác sĩ và dược sĩ dùng thuốc trước hết vì cái lợi của chính bản thân mình (được vật chất, được uy tín, được chăm sóc, được trọng vọng...), sau đó mới tính đến cái lợi cho người bệnh.

Đây là quy luật bình thường theo tháp nhu cầu Maslow (một khi các nhu cầu vật chất được thỏa mãn thì những nhu cầu khác cao cấp hơn mới được nghĩ đến). Chính các lợi ích tưởng chừng bình thường này nhưng các công ty dược trong nước không quan tâm đến.

Có thể đơn giản nghĩ rằng giá thành sản phẩm là 3 đồng thì bán ra chỉ được 4 đồng và không được bán cao hơn? Nhưng chính sự chênh lệch chi phí đó là giá trị gia tăng và chi phí của dịch vụ. Nếu công ty dược nào đó bán quá cao không phù hợp, thì đương nhiên “tự giết chết mình” vì còn có nhiều thuốc khác cạnh tranh và chực chờ thay thế. Giá cao nhưng vẫn bán được nghĩa là chính sách đó đang “thỏa mãn” một lợi ích nào đó và nhiệm vụ của nhà quản lý là tạo môi trường sạch để sự cạnh tranh là lành mạnh, công bằng.

Chúng ta cứ bênh cho “con ruột” là thuốc nội, nhưng đứa con đó biếng nhác, không tìm tòi, sáng tạo thì có cho bao nhiêu cũng không đủ!

Chúng ta đang hòa nhập ngày càng sâu vào thị trường thế giới, các quy luật cạnh tranh hay “bảo hộ” hàng trong nước phải được dùng với sự cân nhắc cao độ, tránh vi phạm luật vì đã không còn chỗ cho sự thiếu chuyên nghiệp. Bước ra biển cả thì phải tự trang bị cho mình kỹ năng bơi, không thể biện hộ theo kiểu “xin lỗi, do tôi không biết!”.

Có ý kiến cho rằng để thuốc nội vào được bệnh viện nhiều hơn, khi tổ chức đấu thầu cần quy định điểm ưu tiên cho các sản phẩm thuốc nội và có thể cho phép cơ quan bảo hiểm thanh toán theo “sàn” là giá thuốc nội, còn nếu sử dụng thuốc ngoại đắt tiền thì bệnh viện và bệnh nhân chi trả phần chênh lệch. Quả thật, quản lý kiểu hành chính và thiếu thấu đáo như thế thì có khi “lợi bất cập hại”.

Bệnh viện càng lớn thì chi phí sử dụng thuốc ngoại càng cao. Quá đúng! Bệnh nhân có bệnh nặng mới đến bệnh viện tuyến cao hơn, hay do chuyển viện từ bệnh viện tuyến dưới. Tâm lý bác sĩ tuyến cao hơn phải chứng minh mình giỏi hơn. Một trong những phương pháp chứng minh đẳng cấp là thuốc ngoại.

Theo khảo sát của chính tác giả thì một số giáo sư đầu ngành lại là những người thích dùng thuốc ngoại nhất để tránh mất uy tín do chất lượng “chập chờn” của thuốc nội. Nhiều dược sĩ “kêu trời” vì khi gọi hàng các công ty phân phối trong nước có khi cả tuần mới được giao hàng.

Chính phủ nên có chương trình phát triển toàn diện ngành công nghiệp dược và phải có người đứng đầu để điều phối vì không chỉ dừng lại ở Bộ Y tế mà còn liên quan nhiều bộ ngành khác.

Điều quan trọng nhất hiện nay là ngành công nghiệp dược cần được quy hoạch và phát triển theo hướng dài hạn, tránh những quy định hành chính mang tính chất “tạm bợ”, không điều chỉnh mà trái lại còn “bóp méo” thị trường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận