Thường xuyên hơn, khắc nghiệt hơn

HỒNG VÂN 21/10/2020 06:10 GMT+7

TTCT - Từ Trung Quốc, Ấn Độ đến Việt Nam, hàng triệu người đang đối mặt với khó khăn kinh tế trong những năm tới, khi biến đổi khí hậu diễn biến leo thang ở châu Á.

Đường phố ngập nặng ở Gwangju (Hàn Quốc) tháng 8-2020. Ảnh: EPA

Những nhận định trong bài “Châu Á ngập lụt” của tạp chí Nikkei Asia Reviewhồi trung tuần tháng 10 được đưa ra trong bối cảnh miền Trung Việt Nam oằn mình với các cơn bão, và trên khắp châu Á, nhiều nước sẽ khép lại năm 2020 với những trận bão, lũ kinh hoàng.

Một năm bất thường được báo trước

Từ đầu năm 2020, dựa vào các hình thái thời tiết, các cơ quan khí tượng thủy văn đã dự báo năm nay sẽ là một năm mưa nhiều bất thường. Càng gần về mùa mưa, các dự báo càng mang tính khẳng định.

Tháng 7-2020, chương trình quan sát Trái đất của NASA (earthobservatory.nasa.gov) dự báo lượng mưa trong mùa mưa năm nay tại khu vực châu Á sẽ phá vỡ kỷ lục ở nhiều nơi. Đến giữa tháng đó, lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến hàng triệu người ở Nam và Đông Á, trong đó Ấn Độ đón lượng mưa đặc biệt cao.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiều vùng ở miền trung, bắc và đông bắc Ấn Độ có lượng mưa nhiều hơn bình thường khoảng 15cm. Bang Assam (đông bắc Ấn Độ) có tổng lượng mưa tích lũy 89cm, tính từ từ ngày 1-6 đến ngày 22-7, nhiều hơn bình thường khoảng 20%. Mưa nhiều gây lũ lụt chết người, chia cắt các bản làng và hàng nghìn người phải bỏ nhà cửa di dời đến nơi an toàn. Thậm chí, còn có báo cáo về tình trạng một số loài động vật, trong đó có cả tê giác một sừng quý hiếm bị chết đuối khi mực nước dâng cao trong Vườn quốc gia Kaziranga ở Assam.

Trước đó, vào tháng 6-2020, các hệ thống thời tiết ổn định (hệ thống thời tiết được dự báo không có sự thay đổi nhiều theo thời gian) đã mạnh bất thường, thường xuyên gây ra các cơn bão với lượng mưa lớn đổ xuống miền trung nam và đông Trung Quốc, làm cho mực nước của nhiều sông hồ dâng cao kỷ lục. Hồ Bà Dương (Poyang) có mực nước dâng lên đến mức cao kỷ lục 22,6m vào ngày 13-7, vượt qua mức cao nhất trung bình hằng năm là 19,2m. Lũ lụt và sạt lở đất đe dọa các ngôi làng và ảnh hưởng đến hàng triệu người. Riêng tại Trung Quốc, 2,7 triệu người đã phải sơ tán và ước tính khoảng 63 triệu người bị ảnh hưởng do lũ lụt năm 2020.

Mưa lớn cũng xảy ra với Nhật Bản. Chỉ một tuần đầu tháng 7-2020, các khu vực phía tây Nhật Bản chịu lượng mưa gấp ba lần lượng mưa thường thấy của cả tháng. Tình trạng “đại hồng thủy” đã gây ra lũ lụt và lở đất với số người chết do mưa lũ cao nhất trong hơn ba thập niên qua.

Tại Việt Nam, báo cáo năm 2009 về biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và môi trường ước tính tổng lượng mưa hằng năm sẽ tăng lên trong những thập niên tới ở tất cả các khu vực trên cả nước. Mức tăng này sẽ diễn ra không xuyên suốt trong cả năm. Thay vào đó, lượng mưa sẽ giảm vào mùa khô, và trong mùa mưa sẽ xuất hiện những trận mưa dữ dội hơn và thường xuyên hơn. 

Tác động ngày càng gay gắt

Mùa mưa và sự thay đổi theo mùa trong các mô hình hoàn lưu khí quyển là điều quen thuộc xảy ra tại các nước ở các vĩ độ trung bình. Năm 2020, hệ áp suất thấp của gió mùa mùa hè ở châu Á đặc biệt mạnh và ổn định, tạo điều kiện cho chúng hấp thụ nhiều hơi ẩm hơn từ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và đưa nó vào đất liền, gây mưa to.

“Nhiều mô hình dự báo đều cho thấy có sự nhất quán, trong đó biến đổi khí hậu ở châu Á sẽ làm lũ lụt thường xuyên hơn và mùa mưa nhiều mưa hơn” - Homero Paltan Lopez, chuyên gia về nước và nhà nghiên cứu của Đại học Oxford, nói với Nikkei Asia Review.

Các nhà khoa học đã chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa xu hướng gia tăng độ ẩm trong khí quyển với tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra. Trên toàn cầu, số lượng các trận mưa kỷ lục đã tăng lên đáng kể trong những thập niên gần đây do hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Những chuyển biến về thời tiết như nhận định của Lopez sẽ ảnh hưởng trên một phạm vi rộng, gồm những khu vực bị ảnh hưởng bởi gió mùa, làm cho lượng mưa trong mùa mưa tập trung nhiều hơn gây lũ lụt, trong khi mùa khô kéo dài hơn gây hạn hán. Đó chính xác là những gì đang xảy ra và đang tàn phá nhà cửa cũng như cướp đi nhiều sinh mạng của người dân ở Việt Nam, Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nepal hay Pakistan, Ấn Độ, Mông Cổ, khiến hàng triệu người đã phải sơ tán và hàng trăm người chết vì mưa lũ.

Khoa học khí hậu và mô hình hóa hiện nay đã rất phát triển, cho phép các nhà khoa học ước tính với độ tin cậy ngày càng cao về mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến các sự kiện thời tiết cụ thể. Chẳng hạn, họ có thể tính toán lượng mưa của bão Harvey, cơn bão làm ngập lụt nhiều khu vực của Texas, Mỹ vào năm 2017, cao hơn ít nhất từ 15 đến 19% là do biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu cũng làm tăng khả năng xảy ra các cơn bão tàn khốc như thế lên ba lần.

“Với công nghệ mới, điều chúng ta biết chắc chắn là những nơi lũ lụt sẽ càng bị lũ lụt hơn và những nơi khô hạn sẽ càng khô hơn - Abhas K Jha, quản lý chương trình rủi ro thiên tai và đô thị của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhận xét - Tuy nhiên, mặc dù nguy cơ mưa lớn bất thường có thể tăng lên, nhưng không có nghĩa là năm nào cũng xảy ra lũ lụt mà có thể là những biến tướng khó lường hơn của quy luật thủy văn”.

Lũ lụt ở Bangladesh tháng 7-2020. Ảnh: AFP

Ảnh hưởng kinh tế lớn

Một báo cáo của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey Global vào tháng 8-2020 nêu bật rủi ro: “Đến năm 2050, 75% các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt trên toàn cầu nằm ở châu Á. Ấn Độ và các vùng lãnh thổ ven biển Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.

Các nghiên cứu khác cũng xác nhận cảnh báo này. Cụ thể, nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications năm 2019 ước tính khoảng 300 triệu người sống ở những nơi có thể xảy ra lũ lụt do khí hậu gây ra vào năm 2050; những người dễ bị tổn thương sống ở các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam.

Nghiên cứu đăng vào tháng 7-2020 trên tạp chí Scientific Reports cho thấy với mật độ dân số cao tại các cộng đồng ven biển ở châu Á, trong 80 năm tới, nhóm dân số có nguy cơ cao với lũ lụt là người sinh sống ở lục địa này.

Các thành phố ở châu Á đã có thêm 200 triệu dân trong 10 năm kể từ năm 2000 do sự di cư. Chuyển động này diễn ra rõ nhất ở Trung Quốc, nhưng ở Pakistan, Indonesia và Ấn Độ, tốc độ phát triển cũng ngày càng nhanh chóng. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, Bangkok, Jakarta và nhiều thành phố lớn của Indonesia, nơi có sự tập trung hàng triệu người, là một trong những ví dụ điển hình về di cư và sụt lún đồng bằng trong 25 năm qua.

Nhiều người, nhiều cơ sở hạ tầng hơn tập trung ở các thành phố có nguy cơ lũ lụt cao sẽ khiến thiệt hại tiềm ẩn do lũ lụt cao hơn. Ngay cả khi không tính đến biến đổi khí hậu, những thay đổi do con người, như tàn phá rừng ngập mặn ven biển để nuôi trồng thủy sản cũng làm nhiều thành phố châu Á dễ bị ngập lụt hơn.

Ngoài ra, việc phá rừng và xây dựng nhiều đập thủy điện thượng nguồn như các đập thủy điện dọc sông Mekong, các đập thủy điện nhỏ dọc sông Thu Bồn, Trà Khúc, sông Hương ở miền Trung Việt Nam đã làm thay đổi điều kiện tự nhiên cũng như gia tăng nguy cơ lũ lụt dưới tác động của biến đổi khí hậu.■

Ngày 5-10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam phát “Bản tin về hiện tượng La Nina”, cho biết có xu thế nhiệt độ mặt nước biển tiếp tục lạnh đi và “xác định hiện tượng La Nina đã xuất hiện”. Trung tâm dự báo hiện tượng La Nina sẽ còn kéo dài trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Cũng trong ngày 5-10, báo Malay Mail (Malaysia) dẫn nhận định của chuyên gia khí tượng Fredolin Tangang cho biết mưa lớn và giông tại nhiều vùng ở nước này trong thời gian qua là do ảnh hưởng của không chỉ gió mùa mà còn của hiện tượng La Nina đang quét qua Đông Nam Á ở cấp độ vừa phải. Fredolin cho rằng hiện tượng này đã gây ảnh hưởng lên Malaysia trong nhiều tháng qua và sẽ còn tiếp tục đến cuối năm nay hoặc sang cả năm sau.

Trong khi đó, tờ Inquirer của Philippines ngày 11-10 dẫn thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng Hoa Kỳ nhận định có 85% khả năng La Nina sẽ tiếp tục ở bắc bán cầu từ mùa đông năm 2020 sang năm 2021, và 60% sẽ kéo dài đến tháng 2 hoặc tháng 4-2021.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận