TTCT - Thay vì đòi công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, cần chỉnh đốn tiếng Anh đang dùng cho chuẩn đi đã. Đơn giản nhất là cứ sử dụng sách giáo khoa mà người bản ngữ soạn. Những người được đào tạo chính thức để đi dạy tiếng Anhđều biết khác biệt giữa "tiếng Anh như một ngoại ngữ" (English as a foreign language) và tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai ( English as a second language). Nói một cách nôm na, khi họ học tiếng Anh ở một trường đại học sư phạm trong nước, đó là họ đang học tiếng Anh như một ngoại ngữ. Đến khi được đi Úc, đi Mỹ, đi Anh để học sau đại học, lúc đó họ đang tiếp cận tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai. Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai chỉ xuất hiện trong một môi trường tiếng Anh được sử dụng rộng rãi ngoài xã hội. Ở đây có hai trường hợp xảy ra: một là người nước ngoài với tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh đến sống, làm việc, học ở một nước nói tiếng Anh như du học sinh nói trên; hai là ở các nước dù tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh nhưng tiếng Anh vẫn được sử dụng chính thức, rộng rãi trong nền hành chính, tòa án, trường học, như ta thấy ở Singapore... Mong muốn công dân thành thạo tiếng Anh để dễ hội nhập với thế giới bên ngoài là điều tốt, ai cũng mong muốn. Nhưng công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai cụ thể có nghĩa là sao, có gì khác nay khi tiếng Anh đã là ngoại ngữ hàng đầu? Có lẽ người đề xướng việc này muốn tạo ra một động lực mạnh thúc đẩy chuyện học tiếng Anh vì một khi nó là ngôn ngữ thứ hai, không học sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Thứ hai là giả lập một môi trường như kiểu học bơi, đẩy người đi học xuống nước, phải bơi được để sống sót. Người học tiếng Anh khi nó đã là ngôn ngữ thứ hai sẽ có nhiều thuận lợi, sẽ buộc phải sử dụng tiếng Anh để giao tiếp, kiểu như du học sinh nói trên không chỉ học trong trường mà còn học ở bà bán hàng, ông lái taxi, bà chủ nhà thích tán chuyện. Người ta dùng khái niệm “học” với tiếng Anh như một ngoại ngữ; còn với tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai, từ thường dùng là “tiếp nhận”, “hấp thụ”, “tiếp thu” (acquire, acquisition). Học thì vất vả, còn “tiếp nhận” thì “phơi ra” càng nhiều, tiếp nhận càng tốt. Cần tạo thật nhiều cơ hội ngoài trường học để trẻ có thể tự tin ứng dụng những gì đã học vào thực tế. Ảnh: LNM Nhưng để có những thuận lợi như thế phải tạo dựng môi trường bên ngoài lớp học nơi tiếng Anh được sử dụng thường xuyên. Hình dung các lớp dùng tiếng Anh như ngôn ngữ giảng dạy các môn toán, lý, hóa đã khó; làm sao có được chuyện tiếng Anh dùng trong hành chính, trong thương mại, trong sinh hoạt văn hóa? Muốn tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, nó phải được sử dụng trong nhiều lĩnh vực bên ngoài lớp học, dù với tỉ lệ nhỏ hơn nhiều so với tiếng Việt. Hiện chúng ta chưa có năng lực xây dựng một môi trường như thế. Đó là chưa kể có nên xây dựng một môi trường mang tính phân biệt như thế hay không. Thực tế cho thấy tiếng Anh đang được sử dụng ở Việt Nam ở mức độ là một ngoại ngữ phổ biến, không phải là một thứ tiếng Anh chuẩn mực. Sách giáo khoa ở trường là sách do người Việt biên soạn, tiếng Anh trong sách là thứ tiếng Anh thiếu tự nhiên, không theo kịp tiếng Anh hiện đại. Thay vì đòi công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, cần chỉnh đốn tiếng Anh đang dùng cho chuẩn đi đã. Đơn giản nhất là cứ sử dụng sách giáo khoa mà người bản ngữ soạn. Giới trẻ hiện nay đang sống trong một môi trường nơi tiếng Anh là ngôn ngữ chính: thế giới ảo trên mạng. Các em lớn lên cùng máy tính Windows, xài toàn tiếng Anh, chúng mà không biết nghĩa của các từ như “Home”, “Cut”, “Copy”, “Clipboard”, “Help” là coi như lạc hậu với bạn bè. Chúng cũng thành thạo chiếc điện thoại di động dù để ở ngôn ngữ nào. Chúng vào đủ loại trang web, sục sạo khắp nơi mà đâu chịu trở ngại gì dù thế giới mạng đa phần bằng tiếng Anh. Đây là một thuận lợi to lớn nhưng không biết vì sao các nhà giáo dục nước ta chưa tận dụng để dạy tiếng Anh. Lấy một minh họa nhỏ: trên điện thoại di động thông minh, dù dùng hệ điều hành iOS hay Android, người ta có thể kêu Siri hay Google dậy bắt trò chuyện bằng tiếng Anh với mình. Có cách học tiếng Anh nào hay hơn, có môi trường tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai nào tốt hơn chăng? Các em có thể luyện nói cho đến khi Siri nhận đúng câu các em muốn nói: còn gì hay hơn nhìn vào màn hình và biết mình nói sai hay đúng. Các em cứ thử nghĩ vài chục câu hỏi, hỏi Siri hay Google xem nó trả lời như thế nào. Tốt nhất là hỏi những điều các em đã biết để đối chiếu, so sánh kiến thức tiếng Việt và nội dung Siri trả lời bằng tiếng Anh. Với trình độ công nghệ hiện nay, hoàn toàn có thể soạn một ứng dụng chứa sẵn hàng trăm, hàng ngàn câu đối thoại về đủ loại tình huống có thể diễn ra trong cuộc sống bằng tiếng Anh. Các mẫu câu này có thể được kích hoạt để phát ra thành tiếng bằng “shortcut” - có thể là một cụm từ tiếng Việt. Vậy là các em có được chiếc máy dịch tự động trong tay, dù rất thô sơ nhưng chính xác. Thử tưởng tượng một chiếc máy dịch chuyên nghiệp sẽ ra đời trong vài năm tới, đâu phải là chuyện xa vời. Hiện nay Google Translate đã được cải thiện vượt bậc, có thể dịch nguyên một trang web trong chớp mắt. Các ứng dụng dùng điện thoại di động làm vật trung gian để hai người nói hai thứ tiếng khác nhau vẫn có thể giao tiếp dễ dàng đã có trên thị trường. Hàng rào ngôn ngữ sẽ biến mất trong tương lai gần, lúc đó ai mà quan tâm đến chuyện “ngôn ngữ thứ hai hay ngoại ngữ thứ nhất”.■ Tags: Học tiếng AnhHọc ngoại ngữNgôn ngữ thứ hai
Một lịch sử sơ lược địa lý hành chánh Việt Nam: Có bao nhiêu cách gọi tỉnh? PHẠM HOÀNG QUÂN 31/03/2025 2641 từ
Tổng thống Mỹ công bố chính sách thuế quan cao hơn 10% với hàng chục quốc gia DUY LINH 03/04/2025 Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46%, thuộc hàng cao nhất trong số hàng chục nền kinh tế bị áp thuế đối ứng theo sắc thuế được ông Trump ký ngày 2-4 (giờ Mỹ).
Ngày 3-4, Tổng Bí thư Tô Lâm viếng cố Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào Khamtai Siphandone DUY LINH 03/04/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao sang Vientiane ngày 3-4 để viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtai Siphandone.
Jose Mourinho hành động xấu xí, bóp mũi HLV đối thủ HOÀI DƯ 03/04/2025 Rạng sáng 3-4, HLV Jose Mourinho lại trở thành tâm điểm của truyền thông khi ông có hành động xấu xí với HLV của đối thủ.
Tin tức sáng 3-4: Đầu tư bất động sản không thể chỉ dựa vào 'tin đồn'; Chứng khoán Everest bị phạt BÌNH KHÁNH 03/04/2025 Tin tức đáng chú ý: Cơ quan thời tiết ứng dụng AI dự báo, cảnh báo thiên tai; Lưu ý khi đầu tư bất động sản theo tin sáp nhập; Tập đoàn R&H khất nợ lãi lô trái phiếu 2.000 tỉ...