TTCT - Ngày xưa có một cô công chúa nhạy cảm đến nỗi có thể phát hiện dù chỉ một hạt đậu ẩn dưới 13 lớp nệm. Ngày nay cũng có những cô công chúa nhạy cảm, tự làm tổn thương mình vì nỗi đau bé xíu như hạt đậu. Nhưng đằng sau những hành động đó tiềm ẩn sự cô đơn không đáy. TTCT giới thiệu loạt bài về những người trẻ cô đơn này, mà một số họ đã tìm đến sự tự hành xác để giải thoát. Năm qua, cộng đồng mạng xôn xao về các clip tự tử của các bạn học sinh còn quá trẻ. Clip tự tử của nữ sinh một trường THPT ở Cần Thơ vì áp lực học hành hay cảnh đòi tự tử của một nữ sinh thất tình... Dường như các bạn trẻ đang tìm đến cái chết quá dễ dàng vì những rắc rối mà nhiều người khác hoàn toàn có thể vượt qua được. Phóng to Ảnh: flickr.com Không chỉ tự tử, một xu hướng khác thấy được là việc tự hành hạ thân xác, cơ thể mình. Từ những lý do có thể hiểu được như áp lực thi cử, bạn bè tẩy chay, thất tình... cho đến những lý do không thể hiểu như thần tượng của mình bị tẩy chay, truyện tranh trên mạng kết thúc không theo ý muốn... Tất thảy đều có thể trở thành nguồn cơn khiến bạn trẻ đem bản thân ra để hành hạ. Các bạn thậm chí còn quay clip cảnh mình cắt tay, cắt chân chảy máu rồi tải lên các forum (diễn đàn trên mạng). Tìm hiểu thông tin, người ta có thể thấy các bạn trẻ này đang chịu tác động của một trào lưu mang tên “lối sống emo”. Giải thoát khỏi nỗi buồn Chưa từng một lần tìm hiểu lý do, chưa bao giờ khám phá mình đang sống theo “lối sống emo”, M.A. (16 tuổi) chỉ đơn giản gọi những hành động tự hành xác là “cách giải thoát nỗi buồn”... “Sinh ra, lớn lên và đi học bình thường như bao bạn gái đồng trang lứa, đôi khi tôi còn cảm thấy tự mãn vì cuộc sống quá đầy đủ của mình. Bước vào ngưỡng cửa cấp III, tôi là hình tượng đáng mơ ước của nhiều nữ sinh cùng trường. Ngoại hình dễ nhìn, gia đình lại có điều kiện nên tôi sớm “sành điệu” với tất cả chiêu thức trang điểm, tạo dáng. Chẳng khó để tôi lọt vào mắt xanh của một anh lớp trên điển trai, galăng và đặc biệt luôn biết cách chiều chuộng bạn gái. Chúng tôi nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của cả trường, ngay đến chuyện chúng tôi ăn sáng món gì hôm nay cũng được truyền tai nhanh chóng. Nếu trước đây bạn bè đồng lứa ganh tị một thì đến khi tôi quen anh mức độ ganh tị phải lên đến mười. Nhưng tôi muốn sự ganh tị đó lên đến một trăm. Tôi muốn mình là đỉnh cao mà mọi người chỉ có thể ngước nhìn, hoàn hảo không tì vết. Mỗi cuối tuần, anh đều qua nhà đón tôi, chở tôi dạo vòng qua các trung tâm thương mại để mua sắm những món hàng hiệu đắt tiền. Khi tôi quen anh, gia đình vẫn cung cấp cho tôi đầy đủ nhưng chỉ là tiền. Còn tôi, tôi cần thời gian, cần sự quan tâm của bố mẹ. Chưa bao giờ bố mẹ hỏi tôi dùng tiền để làm gì, chỉ hỏi còn hay hết, có muốn thêm nữa không. Anh hoàn toàn khác. Anh cuốn hút tôi bởi sự lịch lãm luôn giành phần trả tiền, sự từng trải trong cách kiểm soát hóa đơn nhưng luôn biết boa cho phục vụ và mỉm cười khi chăm sóc, hỏi han tôi. Tôi nói dối với mọi người rằng tất cả món đồ đắt tiền trên người tôi là do anh mua tặng. Không hiểu sao cảm giác bị bạn bè ganh tị làm tôi rất sung sướng, điều đó chứng tỏ tôi đã sớm có thứ mà họ không bao giờ dám mơ ước, cho tôi một cảm giác VIP (được làm người quan trọng) tuyệt vời. Tôi không ngại dành tất cả thời gian của mình cho anh. Tôi đến trường ít hơn, thay vào đó bị cuốn theo anh học “bay” (dùng thuốc kích thích và nhảy cuồng loạn trong vũ trường), học “bão” (tụ tập đua xe). Tôi hãnh diện tham gia nhóm bạn anh, thế giới của những cô cậu đại gia. Những cuộc chơi kéo dài đến nửa đêm trong quán bar, tiếp theo với nhiều màn tụ tập “đi bão” mà chưa bao giờ tôi và anh vắng mặt. Nhiều lúc tôi giật mình, từ nhỏ đến lớn tôi chưa ngồi sau lưng bố đi đâu ngoài thành phố, chưa biết có nơi tuyệt vời thế này như lúc ngồi sau xe của anh. Nghĩ thế, tôi hét lên sung sướng, còn anh càng hưng phấn hơn. Lời ra tiếng vào trong trường ngày càng nhiều. Ganh tị với tôi chán, họ chuyển sang công kích anh, bạn thân cũ còn bảo tôi phải cảnh giác với lòng tốt của anh, có lẽ đó không phải là yêu thương hay vô tư như tôi tưởng. Nhưng họ không làm tôi suy suyển. Rồi cái ngày tôi phải trả giá cho tất cả những gì tôi phải nhận cũng đã đến. Hôm đó anh và tôi cùng dự tiệc sinh nhật của một người bạn ở quán bar, mọi người uống và quậy hết mình. Tôi vì nể mặt anh nên đã phải uống khá nhiều ly rượu do bạn bè mời đến lúc thiếp đi và không còn biết gì nữa. Khi thức dậy, tôi thật sự hốt hoảng khi bên cạnh tôi là những “thằng bạn chiến hữu” của anh, trên người tôi không một mảnh vải che thân, tôi bật khóc trong hoảng loạn vì biết mình đã bị “bán” vào đêm qua... Thế giới đầy tiếng thét Cú sốc đầu đời quá lớn khiến tôi không thể tập trung vào việc học. Tôi sợ hãi và nhục nhã đến mức không dám hé răng với bất kỳ ai. Đến trường lại bắt gặp những ánh nhìn soi mói của bạn bè cùng sự lạnh nhạt của anh ta. Lúc đầu, với sự căm hận cùng cực, tôi đã tìm đến và chửi rủa hắn, dọa sẽ nhờ bố mẹ can thiệp và kiện ra tòa nhưng tôi chỉ nhận được những lời dọa dẫm ngược lại và sự cười nhạo từ phía hắn. Hắn quá rõ tình cảnh của tôi, hiểu cả sự quan tâm ít ỏi mà gia đình dành cho tôi. Hắn dọa sẽ tung clip lên mạng và thông tin cho toàn trường biết. Tôi sợ hãi, giam mình trong phòng nhiều ngày liền để khóc và trên hết là cảm giác bất lực. Chưa bao giờ tôi ý thức được sự đơn độc của bản thân trong ngôi nhà của chính mình như bây giờ. Bố mẹ mải mê với công việc làm ăn bên ngoài, chị gái duy nhất đã đi du học xa, tôi chẳng còn ai, thật sự chẳng còn ai để đứng lên bảo vệ mình hay ít ra ngồi lại lắng nghe và cho tôi lời khuyên. Ý định tự tử luôn thường trực trong tôi vào lúc này, tôi nghĩ đủ cách và nhiều lần cầm dao lam lên nhưng lại không đủ can đảm để chết. Tôi khóc thét lên trong căn nhà trống và rạch lên tay từng nhát một đến chi chít, rồi khắc chữ lên đó. Tôi chụp hình lại cánh tay còn rỉ máu và gửi đến hắn để dọa hắn sợ, không ngờ tấm hình đó đã được tung lên Facebook với dòng chú thích: “Một nữ sinh quyết tâm tự tử vì tớ không chịu quen cô ấy...”. Tất cả bạn bè hắn vào cười nhạo và sỉ nhục. Những kẻ không quen biết bình luận không tiếc lời, còn bạn bè biết chuyện tôi và hắn thì nghi ngờ, rồi khinh bỉ, xa lánh tôi. Số ngày nghỉ học cứ tăng dần, tôi cắt đứt mọi liên lạc với bạn bè. Bố mẹ đi công tác Hà Nội. Tôi ở nhà một mình, một mình đối phó với tất thảy sự biến kinh hoàng khi đang ở cuối lớp 10. Quan trọng gì kia chứ, đã từ lâu sự hiện diện của bố mẹ chẳng còn mấy ý nghĩa với tôi. Nhưng chính sự cô đơn lạnh lẽo này khiến tôi càng không thể chịu đựng hơn được nữa. Tôi quyết tâm làm đau cơ thể mình bằng mọi cách, từ bấm lỗ tai đầy kín đến bấm lỗ mũi và miệng, mặc dù rất đau nhưng vẫn không bằng thứ cảm giác mình bị “bán” trong đêm hôm đó cùng những lời sỉ nhục của hắn. Những cơn đau kéo dài khắp cơ thể, các lỗ bấm xuất hiện càng chi chít trên lưng và tay nữa. Sau đó, để thay đổi cảm giác tôi tìm đến xăm. Những hình xăm nhỏ bắt đầu xuất hiện rồi lan ra nhiều, những vết sưng tấy đỏ chảy máu khiến tôi thích thú. Càng xăm càng nghiện, tôi dường như chai sạn với cảm giác đau, sống vô cảm với mọi người xung quanh. Bố mẹ đi về có hỏi, tôi cũng chỉ bảo đó là vẽ bình thường rồi họ cũng chẳng quan tâm, cứ như hỏi cho trọn bổn phận. Nhiều lúc tôi tự hỏi mình sống trên đời này còn ý nghĩa gì khi đến bố mẹ - những người sinh ra mình còn chẳng quan tâm đến mình nữa?... Tôi đâu cần những đồng tiền vô cảm kia. Hằng đêm, tôi cởi bỏ chiếc áo tay dài ngụy trang của mình, ngắm nghía những hình xăm, những lỗ xâu và rạch thêm vào đó đến đau nhói rồi ngủ thiếp đi trong nhà tắm. Dường như trong tôi, khi máu chảy là lúc nỗi đau tinh thần được xoa dịu, giải thoát. Tôi không còn cách nào khác để giải thoát mình khỏi nỗi buồn vô đáy ngoài việc chìm đắm trong thế giới đầy tiếng thét...”. Che một mắt để khóc, để cảm xúc Lối sống emo (Emo style) xuất phát từ một phong cách chơi nhạc rock mạnh mẽ và giàu tính thể hiện. Ra đời vào giữa những năm 1980 ở Washington D.C, Mỹ, emo là một phản ứng thông qua âm nhạc với những bức xúc về trào lưu chính trị bạo lực gia tăng. Âm nhạc của emo rock hấp dẫn bởi sự phá vỡ biên giới gò bó bằng tiếng đệm guitar, giai điệu biến hóa, lời hát sâu sắc và trên hết là đậm cá tính của người thể hiện. Emo thịnh hành từ đầu những năm 2000 và đến nay còn trở thành một lối sống, thời trang, văn hóa, từ phương Tây nhanh chóng lan sang Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước trên thế giới. Những người theo ”lối sống emo“ ban đầu là giới nghệ sĩ chơi rock emo, sau truyền cảm hứng đến người hâm mộ về một lối sống thể hiện sự nhạy cảm, dễ đổ vỡ về mặt tinh thần. Thời trang emo nổi bật với mái tóc thẳng che một mắt hoặc có khi cả hai mắt với ý nghĩa cuộc sống đầy khổ đau, chỉ muốn nhìn cuộc sống bằng một mắt, mắt còn lại để khóc, để sống với cảm xúc. Ngay cả những nghệ sĩ rock cũng không rõ nguồn gốc của từ emo hay đưa ra định nghĩa chính xác về lối sống này, nhưng tương đối emo là lối sống mà người khi theo nó trung thực hoàn toàn với cảm xúc của bản thân. Sau này emo còn được liên hệ với lối sống khép kín, nhạy cảm và giải quyết căng thẳng, bế tắc bằng cách tự làm đau cơ thể, dùng nỗi đau thể xác để vượt lên nỗi đau tinh thần.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Bạn đọc Tuổi Trẻ đề cử các gương mặt tiêu biểu nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước HOÀI PHƯƠNG 14/12/2024 Độc giả báo Tuổi Trẻ nhiệt tình đề cử nhiều gương mặt tiêu biểu trong xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn từ năm 1975 - 2025. Trong thời gian ngắn đã có hơn 70 đề cử, trong đó có nhiều nghệ sĩ.
Tìm thấy thi thể nạn nhân đưa về nhà xác trong vụ ô tô tông sập lan can cầu Đồng Nai rơi xuống sông A LỘC 14/12/2024 Đến 23h, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã đưa thi thể nạn nhân lên bờ và chuyển về nhà xác để điều tra.
Người đàn ông ở Quảng Nam cứu 3 học sinh bị nước cuốn trôi LÊ TRUNG 14/12/2024 Một người đàn ông nghe tiếng kêu cứu đã vội ra ứng cứu 3 em học sinh ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.
Video: Thủ môn Malaysia mắc sai lầm, 'tặng' bàn thắng duy nhất cho tuyển Thái Lan THANH ĐỊNH 14/12/2024 Thủ môn Haziq Nadzli của Malaysia mắc sai lầm tai hại khiến đội chủ nhà thua sát nút trước tuyển Thái Lan.