Tìm hướng ra cho các khu đất thể thao

DƯƠNG NGỌc HÀ 05/09/2022 06:46 GMT+7

TTCT - Các dự án đầu tư cho thể dục thể thao (TDTT) đỉnh cao đang chạy như "rùa" bởi nhiều nguyên nhân…

Tìm hướng ra cho các khu đất thể thao - Ảnh 1.

Khu đất quy hoạch khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc đã nằm im lìm 28 năm. Ảnh: Quang Định

Nguồn tin từ Sở VH-TT TP.HCM cho biết lạc quan nhất thì đến năm 2025, TP.HCM có thể hoàn thành dự án xây dựng mới trung tâm đào tạo vận động viên năng khiếu thể thao (số 2 Đinh Tiên Hoàng) và dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông nội bộ trường đua Phú Thọ. Còn các dự án khác đều thăm thẳm bóng chim tăm cá.

Dùng dằng dự án BT nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Đến nay, TP.HCM vẫn đang loay hoay tìm cách thực hiện dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức BT. Đây là một trong số ít dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện theo hình thức BT. Theo chủ trương ban đầu, nhà đầu tư dự án được giao lô đất 2.358m2 ở số 257 Trần Hưng Đạo (Trung tâm đào tạo VĐV TDDC trước đây) để đối ứng.

Tuy nhiên, sau đó vốn đầu tư của dự án tăng lên nên UBND TP giao các sở ngành tìm thêm quỹ đất giao cho chủ đầu tư. Nhiều khu đất vàng đã được chủ đầu tư và cơ quan chức năng "để mắt" thanh toán cho dự án này như khu đất 902m2 số 3-3bis Phan Văn Đạt (Sở TDTT TP.HCM trước đây), khu đất 30.000m2 ở trường đua Phú Thọ hay hai lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm... 

Nhưng đến nay UBND TP chưa trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về quỹ đất thanh toán cho dự án. Vì vậy khu đất kim cương bốn mặt tiền của nhà thi đấu Phan Đình Phùng vẫn bỏ hoang sau 5 năm ngưng hoạt động và đập bỏ trong sự tiếc nuối của người dân TP.

Một quan chức ngành thể thao TP.HCM cho hay: lô đất ở đường Trần Hưng Đạo đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý để TP.HCM thanh toán cho nhà đầu tư xây dựng lại nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Tuy nhiên, chi phí dự kiến cho công trình trên hơn 1.900 tỉ đồng nhưng giá trị của khu đất chỉ khoảng 400-500 tỉ. Lãnh đạo UBND TP.HCM phải tìm thêm đất để thanh toán cho nhà đầu tư.

Vấn đề là nếu dùng thêm một lô đất khác để thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư thì UBND TP.HCM lại phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất quỹ đất để thanh toán, nhưng UBND TP.HCM vẫn chưa trình xin ý kiến Thủ tướng. 

Vị này cho biết thủ tục thêm đất để thanh toán cho nhà đầu tư sẽ rất nhiêu khê và chưa chắc được chấp nhận.

Các đơn vị tư vấn đưa ra thêm một phương án khác cho dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Đó là định giá đầy đủ khu đất 257 Trần Hưng Đạo. Tiền xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng cao hơn bao nhiêu thì ngân sách TP.HCM sẽ trả. 

Tuy nhiên, hiện việc định giá khu đất để thanh toán BT trên đường Trần Hưng Đạo chưa thực hiện được vì nhiều lý do. Đến giờ, UBND TP chưa quyết định các phương án để tiếp tục xây dựng dự án này.

Khu Rạch Chiếc: Bế tắc với tiền đền bù

Dự án khu thể dục thể thao Rạch Chiếc thuộc TP Thủ Đức ban đầu rộng hơn 400ha, nhưng đến nay chỉ còn gần 188ha, do TP lấy một phần đất chuyển cho các công trình khác. Hiện khu Rạch Chiếc (thuộc Sở VH-TT) đã trình UBND TP đồ án quy hoạch 1/2.000, đang chờ thẩm định. 

Sau khi được duyệt quy hoạch 1/2.000 rồi mới tính chuyện bồi thường giải phóng mặt bằng. Một lãnh đạo ngành thể thao TP.HCM cho biết trở ngại lớn nhất của dự án là vấn đề... "đầu tiên". Cách đây 5 năm, số tiền cần để bồi thường khu này đã vào khoảng 8.000 tỉ đồng, nhưng với tình trạng giá nhà đất tăng chóng mặt thời gian qua, thì nay không biết là bao nhiêu nữa.

Hiện quy định nhà nước không cho xã hội hóa các công trình thể thao, nên dự án chỉ trông chờ vào ngân sách. Mà ngân sách cần cho nhiều việc cấp bách hơn, nên khó bố trí cho dự án TDTT. 

Gần đây, UBND TP Thủ Đức kiến nghị xin UBND TP giao cho Thủ Đức bồi thường giải phóng mặt bằng để giữ đất do để lâu thì đất sẽ lên giá nữa. Tuy nhiên, được biết UBND TP chưa duyệt kiến nghị này.

Phú Thọ chờ quy hoạch ngầm

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, tại trường đua Phú Thọ cũ hiện có 4 dự án liên quan đến thể thao: khu hành chánh - khoa y học thể dục thể thao, nhà tập luyện 01 và 02 - trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Phú Thọ, và dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông nội bộ khu trường đua Phú Thọ. 

4 dự án này đều đã được giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, nguồn vốn từ ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, chỉ có dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông đã được hoàn thiện hồ sơ để trình UBND TP báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. 3 dự án còn lại đang chờ Sở VH-TT lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Một cán bộ Sở VH-TT cho biết các dự án tại Phú Thọ hiện còn chờ quận 11 làm quy hoạch ngầm nhằm kết nối các tuyến metro đi qua. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đang lập quy hoạch 1/500 khu vực này nên các dự án tuy đã được bổ sung vốn đầu tư, nhưng sẽ khó triển khai sớm.

Còn dự án Trung tâm đào tạo vận động viên năng khiếu thể thao ở số 2 Đinh Tiên Hoàng (tức sân Hoa Lư) với quy mô 2 tầng hầm, 1 trệt và 3 lầu đã được UBND TP giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025. 

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 210 tỉ đồng đang được Sở VH-TT làm hồ sơ trình cơ quan chức năng thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

"Đến năm 2025, hy vọng TP.HCM có được dự án ở sân Hoa Lư, giải phóng mặt bằng một phần khu Rạch Chiếc, hoàn thành quy hoạch ngầm và quy hoạch 1/500 khu vực Phú Thọ", vị quan chức Sở VH-TT đặt mục tiêu.■

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn:

"Đầu tư lớn phải có mục đích rõ ràng"

Công trình TDTT là một phần và là hạng mục quan trọng trong hạ tầng xã hội. Đầu tư cho hạ tầng xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý đô thị. Phải nhìn nhận đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của nhà quản lý và quyền lợi của người dân.

Với những sân vận động, khu liên hợp thể thao lớn được xây dựng đi kèm sự kiện thể thao lớn như tổ chức SEA Games, nguồn kinh phí của Nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đại hội thể thao sẽ tính vào kinh phí sự kiện. Sau khi sự kiện diễn ra, địa phương sẽ có được cơ sở vật chất để phục vụ cho VĐV, người dân tỉnh nhà. Tuy nhiên theo tôi, cơ sở vật chất phục vụ thể thao chuyên nghiệp chỉ nên đầu tư xây dựng khi có mục tiêu rõ ràng để sử dụng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (trưởng phòng Quản lý Quy hạch chung, Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM):

Đất công dễ bị "chuyển màu" khi xã hội hóa

Trước giờ có nhiều vướng mắc trong việc xã hội hóa TDTT, cụ thể là nguy cơ đất công bị "chuyển màu" trong hợp tác công tư. Vì vậy, xã hội hóa ở lĩnh vực này bị dừng lại. Muốn xã hội hóa để đẩy nhanh các công trình TDTT, cần cơ chế hợp tác rõ ràng, đất nào là đất nhà nước, hợp tác, cổ phần hóa hay thuê đất xây dựng công trình, khai thác ra sao, hợp tác đến thời điểm nào thì nhà đầu tư trả đất công cho Nhà nước. Nhà đầu tư phải cam kết thời hạn trả đất, cam kết phục vụ cho xã hội, sử dụng đúng mục đích…

TP.HCM đang lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, sẽ rà soát nhu cầu về văn hóa thể thao, xem xét có mở rộng thêm hay không. Các huyện ngoại thành còn quỹ đất rộng sẽ được cơ cấu để tăng chỉ tiêu về TDTT trên đầu người cho TP.

Để quy hoạch khả thi thì cần gắn với hạ tầng, có kế hoạch đầu tư, chủ thể đầu tư và cơ chế hợp tác để triển khai. Đồ án quy hoạch sắp tới phải giải quyết những vấn đề đó thì quy hoạch mới khả thi, không bị treo, ý chí của Nhà nước thành hiện thực.

Thể thao chuyên nghiệp thường tốn nguồn lực rất lớn, kể cả ở những nước phát triển, họ chỉ xây sân vận động hay trung tâm thể thao lớn khi tổ chức những sự kiện thể thao tầm cỡ như Olympic hay World Cup. Thường thì ngân sách của quốc gia sẽ đổ vào xây dựng chứ không xã hội hóa vì hoạt động này không sinh lời, mà số tiền bỏ ra rất lớn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận