Khi nhà văn không còn là chúa tể của tư duy

TƯỜNG ANH 09/04/2019 23:04 GMT+7

Khi bản tiếng Việt Tình yêu ở toa thứ bảy (1) chuẩn bị in ở Việt Nam thì cũng là lúc nữ tác giả Olga Slavnikova nhận tin vui: bà được tặng giải thưởng văn học nổi tiếng Nga Yasnaya Polyana 2018. Nhân dịp cuốn sách đầu tiên của nữ tác giả được giới thiệu ở Việt Nam, TTCT đã có cuộc trao đổi với nữ nhà văn.

Ảnh: M.N.
Ảnh: M.N.

Cuốn sách của bà Tình yêu ở toa thứ bảy là một trong số chưa nhiều những tác phẩm văn học Nga hiện đại được giới thiệu ở Việt Nam thời gian gần đây. Bà nghĩ gì về việc này? Bà có đặt cho mình câu hỏi vì sao lại là tuyển tập truyện ngắn, mà không phải là những tiểu thuyết nổi tiếng khác của bà?

- Olga Slavnikova: Tôi rất vui khi sách của mình được dịch ở Việt Nam. Quả thật điều đó không như thông lệ: giới thiệu một tác giả chưa được biết đến ở Việt Nam không phải bằng tiểu thuyết, mà bằng một tuyển tập truyện ngắn. Vì như được biết, tiểu thuyết luôn bán tốt hơn. Tôi nghĩ có thể điều đó được giải thích bởi truyền thống phương Đông: thấy tiểu tiết trong cái lớn và thấy điều phổ quát trong cái riêng. Truyện ngắn như một thể loại nhỏ, có thể được độc giả Việt Nam hình dung không kém hàm súc hơn tiểu thuyết. Tuy vậy, tôi cũng muốn tiểu thuyết của mình được dịch ở Việt Nam.

Có thể đặt trong một tổng thể thì sự chọn lựa đó phần nào xuất phát từ mong muốn giới thiệu một bức tranh đa dạng các tác giả Nga hiện đại, trong đó bà, từng đoạt Booker Nga 2006, được nhận định là “người kể chuyện tuyệt vời”? Nhưng như một độc giả, tôi quan tâm thể loại trong tuyển tập của bà: sự pha trộn các thể loại. Để làm gì sự pha trộn này? Đáp ứng thị hiếu độc giả hay để tự do thể hiện ý tưởng nhà văn?

- Tất cả truyện ngắn trong cuốn sách đều gắn với đường sắt. Đường sắt là tuyến chủ đề thần thoại quan trọng của Nga. Không gian Nga rất rộng lớn và chính tuyến hỏa xa vào thời của mình đã nối những không gian đó vào một thể thống nhất. Nhiều cốt truyện văn học Nga đã được triển khai trên đường sắt này. Để giới thiệu đầy đủ hiện tượng - đường sắt - ấy, cần tiếp cận nó từ các phía khác nhau. Trong các truyện ngắn của tôi có những số phận hành khách được mô tả chân thực, có sự thần bí và cả hư cấu. Vâng, trước tiên đó là tự do của nhà văn.

Hiện nay không phải là thời kỳ tốt đẹp nhất của nước Nga xét trên bình diện quan hệ quốc tế, khi Nga phải chịu đựng sự cô lập của các nước phương Tây. Ở các truyện ngắn Viên đạn NgaVật chất của tuyển tập trên dường như thống trị ý tưởng “Chỉ có Chúa mới cứu được nước Nga”. Bà có thể nói rõ thêm ý này? Bà có bi quan?

- Nước Nga từng lâm vào những thời kỳ khó khăn hơn nữa kia. Các bạn cứ tưởng tượng xem người Liên Xô nghĩ gì về mùa đông năm 1941, khi đội quân phát xít Đức đã tiến gần đến Matxcơva. Lịch sử của chúng tôi đã dạy chúng tôi rằng những cuộc khủng hoảng rồi sẽ được khắc phục và sức mạnh cho việc đó sẽ được tìm thấy. Và, ừ thì Chúa, dĩ nhiên rồi, đang cứu nước Nga. Trong những truyện ngắn của tôi, phép mầu đã được thực hiện vào khoảnh khắc cuối cùng. Và không, tôi không phải là kẻ bi quan.

Vậy hãy kể một chút về cuốn sách bà đang viết 2050 đi. Nước Nga ở thời điểm đó ra sao? Bà dự báo những chấn động nào?

- Theo giả thuyết của tôi, đến năm 2050 nước Nga sẽ dần thoát khỏi sự cô lập. Để tương thích với các chuẩn mực quốc tế, nước Nga đã biến một chương trình máy tính hiệu quả thành tổng thống của mình - như ở tất cả các quốc gia phát triển. Nhưng chương trình này - hấp thu tất cả thông tin của nước Nga, trong đó có hàng triệu số phận qua mạng xã hội - dần trở thành một con người với tất cả vực thẳm thiện và ác đặc trưng của tâm hồn Nga. Dĩ nhiên đó cũng chỉ là một tuyến chủ đề của tiểu thuyết.

Trở lại với tuyển tập, tôi rất thích thiên nhiên trong Chị em Cherepanova: rực rỡ, trong sáng, tươi đẹp. Nhưng thú thật ngôn ngữ của bà rất phức tạp, nhất là đối với độc giả nước ngoài. Tôi đọc được các nhà phê bình Nga gọi bà là nhà văn - nhà phong cách. Đó là gì, thí nghiệm của bà hay phong thái tự nhiên?

- Tôi tin rằng phong cách là bẩm sinh. Đó là đặc tính của một con người, cũng giống như âm sắc của giọng nói hay màu mắt vậy. Và tôi viết văn xuôi dày đặc ẩn dụ chẳng mấy khó khăn. Trái lại, tôi nhận được nhiều vui thích từ cái phong phú của những liên kết, của những hình tượng, từ sự đa sắc của thế giới mà tôi có thể truyền đạt thành lời. Tôi hiểu kiểu văn xuôi đó rất khó dịch, và không phải độc giả nào cũng có thể tiếp nhận nó. Nhưng nếu người đọc điều chỉnh sự cảm thụ của anh ta và đọc chậm hơn anh ta từng quen đọc, anh ta cũng có thể nhận được sự thỏa mãn mà loại văn xuôi viết một cách đơn giản không thể trao cho.

Nhà văn Olga Slavnikova. Ảnh: ruspekh.ru
Nhà văn Olga Slavnikova. Ảnh: ruspekh.ru

Trả lời báo giới khi nhận được giải Yasnaya Polyana năm 2018, bà đã chỉ ra một nghịch lý: từ một phía, văn xuôi hiện nay về mặt kỹ thuật đã cao hơn văn học hậu Xô viết, nhưng từ phía khác, vị trí nhà văn hiện nay lại gần bằng con số 0. Thực chất của nghịch lý đó là gì?

- Văn xuôi thời Xô viết có những đỉnh cao của mình, ở đó đã có những bậc thầy vĩ đại. Nhưng văn xuôi Nga ngày nay đã trở nên phong phú đáng kể nhờ kinh nghiệm của chủ nghĩa hiện đại và đa nguyên hậu hiện đại. Nó tinh tế hơn, đa dạng hơn so với văn học kinh điển Xô viết. Và tự do hơn, điều đó cũng rất quan trọng.

Ở Nga hiện nay, mỗi năm nhiều cuốn sách tuyệt vời đã được xuất bản. Nhưng nhà văn thì, quả thật, không còn là một nhân vật có vị thế. Thị trường sách đã đặt những tác giả sách nghiêm túc ngang hàng với những tác giả sách giải trí: nhuận bút lệ thuộc vào số bản in. Kết quả là những nhà văn nghiêm túc không thể sống bằng thù lao văn học. Không có một khoản đảm bảo nào cho nhà văn. Và trong xã hội tiêu thụ mà chúng ta đã trở thành, vị thế của một con người phụ thuộc vào thu nhập của anh ta. Và còn nữa: thời tôi còn trẻ, đã là xấu hổ nếu không đọc loại văn chương phức tạp. Còn ngày nay mọi người có quyền muốn là ai cũng được, kể cả là người nguyên thủy hay ít hiểu biết. Trình độ của công chúng đọc bị hạ thấp. Vì lý do đó mà, hỡi ôi, nhà văn không còn là chúa tể của tư duy.

Còn bà đọc ra sao, mỗi ngày? Lúc nào? Những tác giả Nga nào bà thích? Những tác giả nào bà muốn giới thiệu với độc giả Việt Nam?

- Vâng, tôi đọc mỗi ngày, thường khoảng một tiếng, một tiếng rưỡi trước khi ngủ. Nếu được rảnh rỗi trong những ngày nghỉ, tôi thích dành nó cho một cuốn sách. Tôi thích nhiều nhà văn lắm, không nhất thiết phải cùng phong cách hay đề tài với mình. Đặc biệt tôi thích Aleksei Ivanov (2), mặc dù dịch sách của ông hẳn còn khó hơn dịch sách tôi.

Tôi giới thiệu với các bạn tiểu thuyết mới của Guzel Yakhina (Giải thưởng Sách lớn và Yasnaya Polyana 2015 - ND) Những đứa con của tôi. Đó là một áng văn xuôi giàu có, đầy tính liên hợp, dựa trên văn học dân gian của người Đức gốc Nga ở vùng sông Volga.

Tôi cũng đề nghị các bạn quan tâm tới truyện ngắn của Yuri Buida (giải thưởng Sách lớn 2013 - ND) và Vladislav Otroshenko (Giải thưởng Chính phủ Nga trong lĩnh vực văn hóa năm 2014 - ND). Tôi hi vọng truyện ngắn Nga sẽ được độc giả Việt Nam ưa thích.

Cảm ơn bà và chúc bà tiếp tục gặt hái thành công.■

CHÚ THÍCH:

(1) Tình yêu ở toa thứ bảy, Olga Slavnikova. Phan Xuân Loan dịch, NXB Văn Hóa Văn Nghệ, tháng 3-2019.

(2) Aleksei Ivanov (sinh 1969): nhà văn, tác giả kịch bản. Giải thưởng Chính phủ Nga trong lĩnh vực văn hóa (2017) và nhiều giải thưởng khác. Nổi tiếng với loạt sách về Ural (Trái tim của Parma...) và phim tài liệu truyền hình Sơn hệ nước Nga năm 2010, được chiếu trên kênh 1 truyền hình Nga.

Olga Aleksandrovna Slavnikova sinh năm 1957 tại Sverdlovsk (hiện là Yekateringburg - Liên bang Nga), giải thưởng Booker Nga (2006) và Yasnaya Polyana (2018). Tốt nghiệp khoa báo chí Đại học Tổng hợp quốc gia Ural năm 1981, làm việc một thời gian trong ngành xuất bản trước khi bắt đầu viết cuối thập niên 1980. Hiện là điều phối viên mảng văn xuôi của giải thưởng văn học trẻ “Debut”. Bà đang sống và làm việc ở Matxcơva.

Các tác phẩm: Chuồn chuồn, lớn bằng con chó (1997, chung kết Booker Nga), Một mình trong gương (1999, giải thưởng tạp chí Thế Giới Mới), Bất tử (2001, giải thưởng Gorki 2012), 2017 (giải Booker Nga năm 2006), Tình yêu ở toa thứ bảy (chung kết giải “Sách lớn” 2008), Nhảy xa (giải thưởng Yasnaya Polyana 2018)...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận