Nửa thế kỷ Thương hội Hoa kiều ở Sài Gòn: Phát triển và suy tàn

PHẠM HOÀNG QUÂN 10/04/2019 17:04 GMT+7

TTCT - Từ năm 1959, Thương hội hoạt động suy yếu hẳn, các hội viên ngưng nộp hội phí, Trần Đôn Thăng và ban Lý giám sự phải tự lo trang trải các khoản kinh phí, cố duy trì trên hình thức một cơ quan hội đoàn giàu có và quyền lực bậc nhất của thương nhân Hoa kiều với lịch sử hơn 50 năm

Một hiệu buôn của Hoa Kiều trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi), ảnh của Hội Địa lý Lille, đăng tháng 1-1883. Ảnh: pinterest.com
Một hiệu buôn của Hoa Kiều trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi), ảnh của Hội Địa lý Lille, đăng tháng 1-1883. Ảnh: pinterest.com

Thương hội ban đầu lấy tên “Nam Việt Trung Hoa Tổng thương hội”, cơ quan ngôn luận của Tổng thương hội tự định danh bằng tiếng Pháp là “Le Chambre de Commerce Chinoise de Sud-Vietnam”. Cũng có cách gọi do người Pháp chuyển ngữ là “Chambre de Commerce Chinoise de Cochinchine”.

Hội doanh nghiệp sơ kỳ

Cách dịch Việt ngữ và cách sử dụng phổ biến trong nghiên cứu từ trước đến nay là “Phòng thương mại Hoa kiều”, nhưng đây là tổ chức hiệp hội tư nhân Hoa kiều gồm doanh nghiệp các giới công, thương, dịch vụ, nên khi gọi “Phòng thương mại Hoa kiều” dễ dẫn đến hiểu lầm đây là một tổ chức công, một bộ phận chuyên trách của sứ quán Trung Hoa hoặc một cơ quan chuyên trách của chính phủ sở tại. Đúng thực chất, Tổng thương hội gần giống một câu lạc bộ doanh nhân, một hội doanh nghiệp ngày nay.

Thời gian mấy năm mới hình thành (từ 1903-1910), theo tài liệu của những tác giả Hoa kiều thu thập trong những năm 1950, thì thấy rằng phương thức hoạt động của Thương hội chưa mấy bài bản, quy mô cũng chưa đáng kể, chỉ với khoảng 100 thương hiệu thành viên. Hội chương (điều lệ sinh hoạt) của Thương hội ngày mới thành lập có lẽ là cơ sở tốt nhất để chúng ta hiểu rõ hơn về các hoạt động thương mại của thời kỳ này, đáng tiếc là hiện nay vẫn chưa tìm được.

Thương hội là tổ chức chung của các thương gia, không phân biệt bang nào, với vai trò đầu não về hoạt động kinh tế, ban đổng sự được bầu chọn toàn là bậc cự phú và thường là đầu tàu trong lĩnh vực/ngành nghề kinh doanh của họ.

Năm 1910, Thương hội tổ chức tu đính hội chương, trình lên chính quyền thuộc địa, được phê chuẩn vào ngày 15-7-1910, cũng là mốc thời gian Thương hội chính thức được chính quyền thừa nhận.

Hội chương quy định phàm là Hoa kiều hoạt động mua bán, ngân hàng, công nghiệp, đồn điền... đều được gia nhập Thương hội, làm thành viên. Ban quản trị sẽ căn cứ theo thuế môn bài của các thành viên mà thu hội phí, số tiền thành viên phải nộp mỗi năm nhiều nhất là 50 nguyên, ít nhất là 6 nguyên. 

Điều lệ cũng quy định các thể thức về cơ cấu nhân sự lãnh đạo. Theo đó, hội viên có quyền tuyển chọn 20 người lo việc hội vụ, gọi là Đổng sự hội. Đổng sự hội chọn bầu 1 hội trưởng, 2 phó hội trưởng, 2 bí thư và 1 tài vụ.

Về thành phần 20 người trong ban đổng sự (hội đồng quản trị), quy định 3 bang Quảng Triệu, Triều Châu, Phước Kiến mỗi bang 5 người, bang Hải Nam 3 người, bang Khách Gia 2 người. Về chức danh hội trưởng, chỉ cử người thuộc 3 bang Quảng, Triều, Phước.

Thương hội phát triển và suy tàn

Sau Thế chiến thứ nhất, trong vòng mấy năm việc xuất khẩu gạo đạt lợi nhuận đáng kể, kéo theo sự phát đạt của nhiều ngành kinh doanh khác, nguồn quỹ của Thương hội thu được hơn 70.000 đồng, ban đổng sự Thương hội quyết định xây dựng trụ sở tại khu đất mới mua trên đường Paris (sau năm 1955 đổi tên là đường Phùng Hưng, địa điểm nay là tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng). Mùa đông năm 1923, khánh thành trụ sở mới và đổi tên gọi là Việt Nam Nam Kỳ Trung Hoa Tổng thương hội.

Một bi văn kỷ niệm việc này được hội trưởng đời thứ 7 là Thái Bác Cửu soạn vào năm 1929, kể lại công lao khó nhọc của hội trưởng đời thứ tư Phùng Dần Sơ (Phùng Nhựt), người đã đứng ra thương lượng với Chính phủ Pháp, tạo điều kiện để Hoa kiều khuếch trương, xúc tiến việc xuất khẩu lúa gạo, thu lợi nhuận rất lớn, tạo bước ngoặt mới mẻ cho hoạt động của Thương hội.

Sau khi có trụ sở bề thế, việc mở rộng địa bàn và hội viên cũng được tiến hành. Nguyên trước đây, mặc dù mang danh Tổng thương hội Nam Kỳ nhưng trên thực tế chỉ mới quy tụ được các doanh nghiệp ở quanh vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, lần cải tổ này thực hiện bước kiện toàn là vận động các hiệp hội Hoa kiều khắp các tỉnh Nam Kỳ mỗi tỉnh cử một người vào ban đổng sự, các nghiệp chủ đứng đầu hội đồng nghiệp ở Sài Gòn và Chợ Lớn cũng tham dự.

Như vậy, mạng lưới Thương hội thời kỳ này hầu như đã bao trùm khắp các cơ sở kinh doanh của Hoa kiều trên toàn cõi Nam Kỳ. Việc mở rộng thành phần tham dự Thương hội cùng với đà phát triển của nền kinh tế nói chung đã dẫn đến việc nhận ra sự lạc hậu của bản hội chương 1910.

Khoảng năm 1932, có một vài dự án cải cách hội chương, nhưng vì nhiều lý do khách quan nên không đạt được kết quả. Năm 1937, hội chương bỏ quy định bất bình đẳng “Hội trưởng luân phiên chỉ chọn người của 3 bang Quảng, Triều, Phước”, tức về sau người của bang Hải Nam và Khách Gia cũng được ứng cử chức danh hội trưởng.

Ngày 2-1-1949, Thương hội mở Hội nghị Đại biểu hội viên lần thứ nhất, thông qua hội chương cải tổ. Hội chương gồm 12 chương, 30 điều. Điểm thay đổi lớn trong hội chương lần này là chuyển dịch cơ chế tuyển cử ban quản trị từ 2 cấp lên 3 cấp, thay vì trước đây các đơn vị thành viên trực tiếp bầu chọn ban quản trị Thương hội, từ nay có thêm tổ chức Hội đồng nghiệp (quy vào 5 hiệp hội) đứng trung gian, các thành viên của từng hiệp hội bầu ban quản trị hiệp hội và ban quản trị các hiệp hội công cử ban điều hành Thương hội.

Các hiệp hội chia 5 nhóm gồm: (1) ngân hàng, bảo hiểm và vận tải, (2) thương nghiệp xuất khẩu, (3) thương nghiệp nhập khẩu, (4) thương nghiệp bản địa và (5) công xưởng. Từ nhiệm kỳ này, ban đổng sự được đổi tên gọi là Lý giám sự, hội trưởng gọi là lý sự trưởng, trưởng bộ phận giám sát gọi là giám sự trưởng, từ đây bắt đầu kể lại là nhiệm kỳ 1. Hồng Thanh Lương (người Phước Kiến) - hội trưởng của hai nhiệm kỳ trước - được đại hội cử làm lý sự trưởng, Thái Mậu Chi được cử làm giám sự trưởng.

Các hội thành viên của Tổng thương hội bao gồm những hội đồng nghiệp gồm cả công, thương, dịch vụ. Thành viên của hội đồng nghiệp là các nhà buôn cùng mặt hàng, các nhà kinh doanh xuất/nhập khẩu, tiền tệ, bảo hiểm, hiệp hội các chủ xưởng sản xuất, các nhà chế tác gia công, hiệp hội thương mại, dịch vụ ở hai thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh Nam Kỳ.

Nhìn chung, có thể nói mức độ và phạm vi điều phối hoạt động kinh tế của Thương hội đã được kiện toàn, nâng tầm ảnh hưởng đến hầu khắp các nghiệp chủ Hoa kiều toàn Nam Kỳ. Theo thống kê năm 1949 trong Tây Đề Niên Giám, chỉ riêng khu Sài Gòn - Chợ Lớn có khoảng 80 hội đồng nghiệp. Niên giám 1953 của Tổng thương hội ghi nhận có 5 hiệp hội, 19 thương hội các tỉnh Nam Kỳ, 86 hội đồng nghiệp và công hội.

Theo những bảng kê của Trần Cực Tinh trong Việt Nam Cao Miên Hoa kiều sự nghiệp thì vào năm 1955, tính ra khu Sài Gòn - Chợ Lớn có 92 hội đồng nghiệp với tổng số hơn 3.600 đơn vị thành viên là các thương hiệu, công ty, hãng/xưởng. Nếu so với giai đoạn đầu (1904-1910) với 100 thương hiệu gia nhập Thương hội, đến năm 1955 số đơn vị thành viên đã tăng lên 36 lần.

Sau năm 1955, do ảnh hưởng bởi chính sách của chính phủ sở tại, giới thương gia Hoa kiều gặp nhiều bất lợi, thu nhập sa sút đáng kể. Thương hội vẫn hoạt động nhưng không tổ chức bầu cử hội trưởng nữa, người được đề cử hội trưởng nhiệm kỳ cuối cùng (1955-1957) là Trần Đôn Thăng (người Phước Kiến).

Về sau này, từ năm 1957 đến khoảng năm 1963, tuy không tổ chức công cử nhưng Thương hội vẫn mặc nhiên xem Trần Đôn Thăng là người đại diện tối cao trong những vấn đề liên quan đến chính phủ cũng như nội bộ Thương hội.

Từ năm 1959, Thương hội hoạt động suy yếu hẳn, các hội viên ngưng nộp hội phí, Trần Đôn Thăng và ban Lý giám sự phải tự lo trang trải các khoản kinh phí, cố duy trì trên hình thức một cơ quan hội đoàn giàu có và quyền lực bậc nhất của thương nhân Hoa kiều với lịch sử hơn 50 năm.■

Trong 17 đời hội trưởng của 25 nhiệm kỳ (1904-1957) có 8 người thuộc bang Phước Kiến, còn 9 người kia gồm: 3 người bang Triều Châu, 4 người bang Quảng Triệu, 1 người bang Khách Gia và 1 người bang Hải Nam.

Tổng thương hội tập hợp được ước khoảng 1/2 tổng số Hoa kiều làm nghề mua bán và kinh doanh hãng/xưởng, bộ phận không tham gia Thương hội phần đông là hộ kinh doanh vừa và nhỏ, nhưng vì một số lý do mà nhiều doanh nghiệp lớn cũng không tham gia. Thống kê năm 1956 trong Hoa kiều kinh tế - vấn đề tham khảo tư liệu cho thấy trong ngành mua bán lúa gạo, số doanh nghiệp đăng ký tham gia Thương hội là 64, không tham gia là 76; ngành xay lúa là 35/15; ngành kinh doanh vải sợi là 101/39.

Như vậy, Tổng thương hội tuy không phản ánh toàn bộ tình hình kinh thương của toàn thể Hoa kiều ở Nam Kỳ, nhưng nó là nơi tập hợp đại bộ phận thương nhân thành đạt, những nhà tư bản lớn. Qua lịch trình phát triển Thương hội, những sự kiện và số liệu mà nó lưu giữ được sẽ góp phần lớn và khá quan trọng trong việc nghiên cứu kinh tế Hoa kiều ở Sài Gòn - Chợ Lớn trong giai đoạn 1900-1955.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận