TTCT- Trong quá trình tạo lập của Thương hội Hoa kiều, triều đình Mãn Thanh đã ít nhất ba lần tìm cách can thiệp trực tiếp vào nhân sự cấp cao và việc tổ chức Thương hội ở Sài Gòn, nhưng các thương nhân Hoa kiều bản xứ đã rất nỗ lực để thực sự xây dựng cho họ một tổ chức độc lập với quyền lực chính trị Bắc Kinh. Chùa Ông Bổn, tức Nhị Phủ miếu, từng là nơi đặt Phước Kiến công sở, trụ sở điều hành của nhóm Hoa thương gốc Phúc Kiến. Địa chỉ 264 Hải Thượng Lãn Ông, P.14, Q.5, TP.HCM.-Ảnh: NGUYỆT NHI Nguồn tư liệu về lịch sử Thương hội không nhiều, ngày nay có thể căn cứ là Tây Đề niên giám 1949 và Việt Nam Hoa kiều thương nghiệp niên giám do Phòng thương mại Trung Hoa ở Nam Việt xuất bản năm 1953.3 lần can thiệpNiên giám 1953 viết là vào năm Quang Tự thứ 26 (1900), triều đình nhà Thanh cử Vương Đại Trinh đảm nhiệm chức vụ Nam Dương Hoa kiều tuyên úy sứ, đi tìm hiểu thực trạng kinh thương của Hoa kiều trong vùng Đông Nam Á.Theo đường biển, Vương ghé Sài Gòn và được nhiều thương gia tiếp đón nhiệt tình, hai bên bàn bạc phương án thành lập Hoa kiều thương hội, tuy nhiên do các thương gia không thống nhất quan điểm nên sự việc không thành.Đến năm 1903, Hồ Duy Đức nhậm Trú Pháp công sứ (Đại sứ Trung Hoa tại Pháp) trên đường đến nhiệm sở đã ghé Sài Gòn, lại xướng khởi việc thành lập thương hội, nhưng vẫn vấp phải nhiều điểm bất đồng nên không xúc tiến ngay được. Khi sang Pháp, Hồ Duy Đức lại đánh điện về Sài Gòn chỉ định hai thương gia Lý Trường (cha Lý Lập) và Lưu Lục (Lưu Ái Xuân, cha Lưu Tăng) đảm nhiệm chánh, phó hội trưởng thương hội, lo việc khai mở hội nghị để bố cáo thành lập.Lý và Lưu thừa lệnh triệu tập hội nghị thương gia tại Quảng Triệu công sở (trụ sở của bang Quảng Đông), nhưng cuối cùng vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng nên việc lập hội phải tạm gác lại. Đến tháng giêng năm 1904 thì chính thức thành lập, Trịnh Chiêu Minh nhậm hội trưởng đầu tiên.Vai trò quan trọng của Trịnh Chiêu Minh đối với việc thành lập thương hội càng đáng phải nói đến như một sự kiện nổi bật khi chúng được liên kết với hai sự kiện tổ chức thiết lập thương hội nhưng bất thành vào năm 1900 và 1903.Về sự kiện 1903, Tsai Maw Kuey (Thái Mao Quý) trong Les Chinois Au Sud-Vietnam 1968 đã ghi nhận khác với Hoa kiều chí 1956, Tsai viết rằng Lý Trường và Lưu Lục triệu tập hội nghị vào tháng giêng năm 1904 với khoảng 100 thương gia tham dự, bầu Trịnh Chiêu Minh vào ghế chủ tịch thứ nhất.Hoa kiều chí thì viết rằng năm 1903, Lý Trường và Lưu Lục triệu tập hội nghị nhưng việc lập thương hội bất thành, đến năm 1904, Trịnh vận động thành công.Mặc dù vào năm 1900 và 1903, được sự dàn xếp và hậu thuẫn của các quan chức cấp cao Thanh triều như Vương Đại Trinh và Hồ Duy Đức, thương hội rốt cuộc đã không lập được, vài chi tiết về thời kỳ chuẩn bị thành lập thương hội và lý do thất bại, trong nhiều nguyên nhân, có thể nghĩ, hoặc là phần đông các thương gia Hoa kiều thành đạt không muốn có sự can thiệp của thế lực chính trị nơi xứ sở họ - triều đình Mãn Thanh; hoặc là có sự tranh chấp giữa các bang trong vai trò lãnh đạo tổ chức thương hội.Một năm sau khi thương hội thành lập, lại có sự kiện cho thấy các mối quan hệ lấn cấn khác. Theo Việt Nam du lịch ký của Nghiêm Cừ viết năm 1905, kể lại việc Nghiêm theo viên quan tham tán sứ quán Pháp (họ Tôn) được nhà Thanh cử đến Việt Nam để ngầm vận động các thương gia Hoa kiều ở Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn - Chợ Lớn lập thương hội và mở học hiệu. Việc ở Hà Nội và Hải Phòng thất bại.Ở Sài Gòn - Chợ Lớn, khi đến, người đầu tiên Tôn gặp là Lý Lập (Trọng Trác), chủ hiệu An Xương, người bang Quảng Triệu, và sau đó ưu tiên gặp những thương gia bang Quảng Triệu.Trong nhật ký của Nghiêm Cừ, Trịnh Chiêu Minh được gọi là “Tổng bang trưởng” thay vì phải gọi “Tổng lý thương hội”, đây là hai chức danh của hai tổ chức khác nhau, và “Tổng lý thương hội” với địa vị bao trùm thương giới của 5 bang dĩ nhiên là quan trọng hơn “Tổng bang trưởng”. Vào thời điểm ấy, Trịnh Chiêu Minh vừa là bang trưởng Phước Kiến vừa là tổng lý thương hội.Tuy nhiên, qua các ghi chép liên quan thì thấy hầu như Nghiêm không đề cập đến vai trò tổng lý thương hội của Trịnh.Ngày 3-11-1905 - một ngày trước khi xuống tàu rời Sài Gòn - tham tán họ Tôn dự cuộc họp của 3 bang Quảng Triệu, Quỳnh Châu và Gia Ứng (Khách Gia/Hakka/Hẹ) để công cử tổng đổng sự thương hội, và Lý Hựu Tông (chủ hiệu Phú Nhuận) đắc cử tổng đổng sự, Lý Diễn Đình (cổ đông và đương là tổng lý nhà máy xay lúa Di Xương) cùng Lưu Ái Xuân (tức Lưu Lục, cổ đông và đương là tổng lý nhà máy xay lúa Nam Long) làm phó đổng sự thương hội. Ngày hôm sau, Lưu Ái Xuân cùng đi Hương Cảng với tham tán Tôn.Những khúc mắc còn lạiSự kiện này đáng phải đặt nhiều vấn đề, nhất là việc bầu lại một ban quản trị thương hội mà không triệu tập đủ thương gia của 5 bang (thiếu bang Phước Kiến và Triều Châu), và càng khó hiểu hơn về sự vắng mặt của thủ lãnh đương nhiệm Trịnh Chiêu Minh. Lý Hựu Tông tức Lý Trường, là người cùng với Lưu Lục (Lau Luk, tức Lau Tse Tsun/Lưu Ái Xuân) từng được đại sứ Hồ Duy Đức chỉ định làm chánh và phó hội trưởng hồi năm 1903 mà bất thành.Tham tán Tôn lại là cấp dưới của Hồ Duy Đức, tình tiết trên đây cho thấy có sự chủ ý dựng lập thương hội theo cơ cấu do nhà Thanh chọn lựa, và các thương gia Quảng Triệu có thể cùng nhóm lợi ích với nhóm đại sứ Trung Hoa tại Pháp.Theo ghi chép của Trần Đạt - ký giả Trung Hoa từng đến nhiều nước Đông Nam Á - trong dịp ghé Chợ Lớn:“Ngày 28-2-1935, các ông Lưu Cảnh, Hứa Diệc Tiên, Lý Đào Dân kể: Hồi năm 1904, nhân sĩ quan hải quân Huỳnh Đại Trân đến Sài Gòn, người Hoa nhân đó bàn kế hoạch thành lập Thương hội Trung Hoa. Đến năm Dân Quốc thứ 12 (1923) xây cất hội sở” (Lãng tích thập niên, Thương Vụ ấn thư quán, 1946).Lời kể trên cách sự kiện chỉ mới 30 năm, tính ra thì quá sơ lược và chỉ khớp với những tư liệu khác ở thời điểm xây dựng trụ sở mới vào năm 1923.Trần Đạt không ghi chức danh những người kể, nhưng theo bảng danh sách các đời hội trưởng tổng thương hội chép trong niên giám 1953 thì thấy Lưu Cảnh là hội trưởng đời thứ 9 (nhiệm kỳ 15: 1935-1937). Khi tiếp xúc với Trần Đạt thì Lưu Cảnh là đương kim hội trưởng, nhưng khi kể về lịch sử thương hội chỉ nhắc đến vai trò xúc tiến của Huỳnh Đại Trân mà không nhắc đến Hồ Duy Đức hay tham tán Tôn.Lưu Cảnh là người bang Triều Châu, nếu kết nối với sự kiện hồi năm 1905 tham tán Tôn chủ trì buổi công cử tổng đổng sự thương hội, lúc ấy 2 bang Phước Kiến và Triều Châu không có đại diện tham dự, đây là điểm đáng lưu ý.Trước giờ người ta thường hay nhắc đến đặc tính tạo thế mạnh cho thương giới Hoa kiều là sự liên kết chặt chẽ trên thương trường, qua các thủ đoạn tạo sự khan hiếm giả, sự ấn định giá thị trường, sự phân chia địa bàn thu mua... nhằm đối phó với những cộng đồng thương nhân khác người Hoa. Còn trong nội bộ thương nhân người Hoa thì sao, qua số tư liệu ít ỏi nói trên, với một vài chỗ lấn cấn từ các nguồn, đã phần nào để lộ tình trạng chia rẽ bất đồng giữa thương gia các bang. ■Các đời hội trưởng tổng thương hội (từ mới thành lập 1904 đến 1957)1/ Trịnh Chiêu Minh, bang Phước Kiến, liên nhiệm 2 kỳ đầu (1904-1907)2/ Nguyễn Lục, bang Khách Gia, nhiệm kỳ 3 (1907-1909)3/ Châu Minh, bang Quảng Triệu, nhiệm kỳ 4 (1909-1910)4/ Phùng Dần Sơ, bang Quảng Triệu, liên nhiệm 3 kỳ 5, 6, 7 (1910-1919)5/ Diệp Bá Hành, bang Quảng Triệu, liên nhiệm 3 kỳ 8, 9, 10 (1919-1925), và tái nhiệm kỳ 13 (1930-1932)6/ Tào Duẫn Trạch, bang Phước Kiến, nhiệm kỳ 11 (1925-1927)7/ Thái Bác Cửu, bang Triều Châu, nhiệm kỳ 12 (1927-1930)8/ Hồng Đường Vân, bang Phước Kiến, nhiệm kỳ 14 (1932-1935)9/ Lưu Cảnh, bang Triều Châu, nhiệm kỳ 15 (1935-1937)10/ Trần Lập Củ, bang Quảng Triệu, nhiệm kỳ 16 (1937-1939)11/ Trương Chấn Phàm, bang Phước Kiến, nhiệm kỳ 17 (1939-1941)12/ Châu Kế Hưng, bang Triều Châu, nhiệm kỳ 18 (1941-1943)13/ Hà Lương La, bang Phước Kiến, nhiệm kỳ 19 (1943-1946)14/ Lâm Ngạn Tráo, bang Phước Kiến, nhiệm kỳ 20 (1946-1947)15/ Hồng Thanh Lương, bang Phước Kiến, nhiệm kỳ 21 (1947-1949), và nhiệm kỳ 1 cải tổ (1949-1951)16/ Phù Lâm Anh, bang Hải Nam, nhiệm kỳ 2 cải tổ (1951-1953)17/ Trần Đôn Thăng, bang Phước Kiến, liên nhiệm 2 kỳ 3, 4 cải tổ (1953-1957). Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Thương hội hoa kiều nam kỳ nửa đầu thế kỷ 20 Tiếp theo Tags: Phạm Hoàng QuânThương hội Hoa kiều
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận đượ'".