Không tiền mặt: Từ bán lẻ tới giao thông công cộng

TỊNH ANH 10/06/2019 21:06 GMT+7

TTCT - Những hoạt động đời thường như mua sắm ở cửa hàng tiện lợi, tham gia giao thông công cộng hay đến sân vận động xem thể thao... ở nhiều nơi nay đã bắt đầu nhận thanh toán không tiền mặt.

Ảnh: Fintech Futures
Ảnh: Fintech Futures

Những tin tức quan sát được từ khắp nơi trên thế giới cho thấy không tiền mặt đang là lựa chọn thay đổi trong nhiều lĩnh vực.

Từ chuyện bán mua đến đi lại

Ngày 27-5, 7-Eleven Australia - công ty quản lý chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở Úc - tuyên bố đã dẹp quầy tính tiền tại cửa hàng đặt ở trụ sở chính của hãng tại thành phố Melbourne. Khách hàng tại đây sẽ không dùng tiền mặt hay thẻ thanh toán, chỉ cần dùng smartphone có cài ứng dụng di động của 7-Eleven.

Người mua sẽ dùng app quét mã sản phẩm cho vào giỏ hàng ảo và trả tiền, sau đó cầm hàng thật rời khỏi cửa hàng. Dĩ nhiên để thay thế tiền mặt và thẻ, app đó sẽ hoạt động như một ví điện tử, đòi hỏi người dùng phải tạo tài khoản 7-Eleven và liên kết nó với thẻ ngân hàng của mình.

7-Eleven Australia cho biết mô hình mới này nhằm giảm thời gian khách chờ tính tiền. Cửa hàng vẫn có nhân viên nhưng thay vì bận bịu quét từng món hàng và giao dịch thanh toán, từ nay họ sẽ có toàn bộ thời gian để tập trung chào hỏi và hỗ trợ khách, nhất là để phục vụ các món ăn có tại cửa hàng.

Theo trang tin Which-50 (Úc), nhiều nhà bán lẻ cũng đang thử nghiệm các công nghệ thanh toán thông suốt, không dùng tiền mặt để tăng tiện lợi cho khách hàng. Chẳng hạn chuỗi siêu thị Woolworths đang ứng dụng công nghệ cho phép khách quét mã sản phẩm và rời đi, không cần đứng chờ thu ngân tại cửa hàng ở Double Bay (thành phố Sydney), giống mô hình cửa hàng Go của gã khổng lồ bán lẻ Amazon (Mỹ).

“Chẳng ai thích chờ đợi cả, vì thế dẹp bỏ chuyện xếp hàng là một phần của kế hoạch chuyển sang thanh toán bằng di động của chúng tôi, chấm dứt việc xếp hàng chờ thanh toán” - Angus McKay, CEO 7-Eleven Australia, khẳng định. McKay cho biết khi không còn những chiếc máy tính để thu ngân, cửa hàng sẽ trông rộng rãi hơn và khách hàng sẽ có trải nghiệm mua sắm thông suốt, thay vì phải né hàng người chờ thanh toán hoặc chính mình phải bước vào dòng người chờ đợi đó.

Trong khi đó, ngày 31-5, hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm ở thành phố New York (Mỹ) đưa vào hoạt động hệ thống “chạm là đi”, cho phép người dùng “huơ” thẻ thanh toán hoặc ví điện tử trước máy quét là có thể lên tàu, không cần dừng lại dùng tiền mặt mua vé.

Theo MTA - cơ quan vận hành hệ thống giao thông đô thị lớn nhất nước Mỹ, hình thức mua vé tàu mới có tên OMNY này trước mắt được áp dụng cho một số tuyến tàu điện ở hai ga Grand Central-42nd Street và Atlantic Avenue-Barclays Center, cũng như toàn bộ các chuyến xe buýt ở Staten Island. Theo lộ trình, OMNY sẽ được áp dụng cho tất cả các tuyến xe buýt và tàu điện ngầm ở thành phố New York vào năm 2020.

Công nghệ “chạm là đi” vừa loại bỏ tiền mặt ra khỏi thanh toán vừa tiện lợi cho hành khách vì áp dụng công nghệ thanh toán không cần tiếp xúc (contactless payment), nghĩa là thẻ thanh toán hay smartphone có cài ví điện tử không cần chạm vào máy đọc của hệ thống, khác với việc “cà” thẻ có vạch từ hoặc cho máy “ngậm” thẻ có gắn chip.

Việc một hệ thống giao thông công cộng lớn như ở New York ứng dụng hình thức thanh toán hiện đại như vậy được giới chuyên gia đánh giá sẽ là cú hích cho việc loại bỏ thanh toán tiền mặt và thay bằng các loại thẻ và ví di động, theo Đài CNBC. Để khuyến khích hành khách chuyển sang thanh toán không tiền mặt, các chủ thẻ Mastercard sẽ được hoàn lại tiền vé nếu mua vé theo hình thức này vào thứ sáu mỗi tuần từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7.

Một công ty thẻ thanh toán khác là Visa cũng bày tỏ ủng hộ hệ thống mua vé tàu không tiền mặt. Dan Sanford, giám đốc toàn cầu phụ trách thanh toán không tiếp xúc của Visa, cho rằng những người sử dụng thanh toán không tiền mặt cho việc di chuyển mỗi ngày bằng giao thông công cộng sẽ là động lực lớn để hình thành thói quen ngưng dùng tiền mặt trong đời sống.

“Ứng dụng thanh toán không tiền mặt để mua vé tàu cũng là bước ngoặt thúc đẩy sự phát triển của các hình thức thanh toán không tiếp xúc” - Sanford nói với CNBC.

Rõ ràng khi giới bán lẻ tham gia cuộc chuyển đổi không tiền mặt, có thể vẫn có những người tiêu dùng chưa cảm thấy thôi thúc phải thay đổi thói quen, vì có khi họ không bao giờ sử dụng dịch vụ hay mua hàng từ các doanh nghiệp đó.

Song, một hệ thống giao thông công cộng chắc chắn ảnh hưởng đến rất nhiều người, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. “Bước ngoặt tạo ra từ việc không cần tiền mặt để có thể đi tàu điện hay xe buýt cho phép sự chuyển đổi sang phi tiền mặt có thể thu hút sự chú ý của rất nhiều người cùng một lúc” - Shelle Santana, giáo sư quản trị kinh doanh Trường Kinh doanh Harvard, nói với CNBC.

Đó là chuyện ở Mỹ, còn tại Anh, báo Evening Standard hồi tháng 4-2018 đưa tin chương trình khuyến khích hành khách đi tàu điện ngầm và xe lửa ở thủ đô London dùng phương thức thanh toán không tiếp xúc được đưa ra từ năm 2014 đã bắt đầu cất cánh sau 4 năm.

Tính đến tháng 4 năm ngoái, hành khách đã dùng thẻ và ví di động để mua vé cho 17 triệu chuyến tàu mỗi tuần. “Nửa triệu chuyến tàu xuất phát từ đường Oxford Circus đã được thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc mỗi tuần, tương đương với mỗi phút có 50 người đưa thẻ ra để lấy vé lên tàu” - Evening Standard cho hay.

Vé The 26-30, còn gọi là Millennial railcard, được bán hạ giá 1/3 cho người ở độ tuổi từ 26-30.

Sự đón nhận việc đi tàu không cần mang tiền mặt ở thủ đô nước Anh không có gì đáng ngạc nhiên, vì dân London rất cởi mở với các công nghệ mới và chính họ dự đoán thành phố này sẽ hoàn toàn vắng bóng tiền mặt vào năm 2036.

Yahoo! Finance ngày 30-5 dẫn số liệu từ báo cáo Global Payments Report cho biết 75% người Anh chọn không chi tiền mặt khi giao dịch, từ mua sắm quần áo, thức ăn đến trả tiền taxi, mua vé xem phim.

Tìm giải pháp trung dung

Thế giới vẫn đang trong giai đoạn xây dựng xã hội không tiền mặt, vì thế các quan điểm và cách tiếp cận trái chiều là điều đương nhiên. Song song với những động thái thúc đẩy “phi tiền mặt hóa” là các động thái cẩn trọng hơn của giới hoạch định chính sách, vì sợ nền kinh tế không tiền mặt bỏ lại nhiều thành phần - như người nghèo, người già, người không có tài khoản ngân hàng - phía sau.

Bill Greenlee - ủy viên Hội đồng Philadelphia, thành phố lớn nhất bang Pennsylvania (Mỹ), khi được kể rằng ngay gần tòa thị chính có một quán cà phê và một nhà hàng không nhận tiền mặt - đã cho rằng như vậy là không công bằng.

Với lo ngại một xã hội không tiền mặt sẽ không thể bao trùm mọi thành phần xã hội, hồi tháng 10-2018, Greenlee đã đồng đề xuất đạo luật đề nghị bắt buộc mọi cửa hàng phải chấp nhận tiền mặt. Dự luật này được thị trưởng Jim Kenney ký thành luật hồi tháng 3 năm nay.

Cũng trong tháng 3, thống đốc Phil Murphy đã ký đạo luật cấm các cửa hàng hoạt động phi tiền mặt ở bang New Jersey. Nhiều nơi khác ở Mỹ như San Francisco, New York và thủ đô Washington D.C cũng đang cân nhắc cấm các cửa hàng từ chối tiền mặt.

Mike Wallace, phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh và công nghiệp New Jersey, cho rằng dùng công cụ luật pháp để cấm mô hình cửa hàng không tiền mặt giống như “chính phủ dạy bảo doanh nghiệp phải làm gì”.

Quan điểm của hiệp hội này là để các chủ doanh nghiệp tự quyết định hình thức thanh toán của họ. Wallace cũng lo ngại lệnh cấm sẽ làm cản trở sáng tạo và làm nản lòng các doanh nghiệp định đến New Jersey làm ăn.

Với hai luồng ý kiến trái chiều, đã có những giải pháp trung dung, giải quyết được vấn đề mà vừa lòng đôi bên. “Lời giải cho bài toán ở đây không phải là ngăn chặn phong trào phi tiền mặt hóa, mà phải tìm ra cách để những người chưa có tài khoản ngân hàng vẫn có thể tận hưởng lợi ích của các công nghệ tài chính” - Rivka Gewirtz Little, giám đốc nghiên cứu thuộc Công ty nghiên cứu thị trường IDC, nói với CNET.

Đã có sẵn nhiều ví dụ để các nhà hoạch định chính sách tham khảo. Chẳng hạn tại sân vận động Mercedes-Benz ở thành phố Atlanta (bang Georgia), nơi từ tháng 3 năm nay đã không nhận tiền mặt của người mua vé vào sân, có sẵn các kiôt cho phép đổi tiền mặt lấy thẻ thanh toán có thể sử dụng tại tất cả điểm chấp nhận thẻ Visa.

Chương trình đổi tiền mặt lấy thẻ áp dụng ở sân Mercedes-Benz hoàn toàn miễn phí và Greg Beadles - giám đốc điều hành AMB Sports and Entertainment, công ty quản lý sân - tự hào rằng giải pháp của họ giải quyết được nhiều vấn đề cùng một lúc: những người không có tài khoản ngân hàng vẫn dễ dàng chuyển sang thanh toán không tiền mặt.

Mặc dù chỉ có khoảng 2% khách đến sân phải sử dụng 10 kiôt đổi tiền lấy thẻ, AMB Sports and Entertainment vẫn quyết định giữ lại mô hình này để ai đến sân cũng có thể mua vé và sử dụng dịch vụ.

Theo CNET, Walmart và Amazon cũng phát hành thẻ trả trước cho khách hàng không có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, để họ có thể nạp tiền tại các cửa hàng trong đời thật và dùng chúng để mua sắm online. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận