TTCT - Chỉ khi nào người dân, nhất là giới trẻ, ý thức được rằng khoa học là nguồn tri thức không thể thiếu, thắp sáng con đường đi lên văn minh, đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan, mà trong đó sách khoa học là công cụ chủ yếu trang bị tri thức cho chúng ta, thì mới mong đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu. Trong nhiều thập niên, các nhà xuất bản (NXB) đã chú ý tới một mảng sách tri thức khoa học dành cho độc giả đại chúng. Ở đây xin giới hạn trong phạm vi khoa học tự nhiên. TÌM ĐƯỜNG CHO TRI THỨC KHOA HỌC VÀO ĐẠI CHÚNG Nó không phải là sách giáo khoa, giáo trình hay chuyên ngành khoa học kỹ thuật, cũng không phải mảng khoa học thường thức, hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt và phục vụ đời sống. Chức năng của mảng sách này là khai trí, thỏa mãn khao khát hiểu biết về tự nhiên của con người. Ngôn ngữ của nó nói chung không quá chuyên sâu, tránh dùng công thức, nhất là những công thức phức tạp của toán cao cấp, mà giảng giải sinh động và dễ hiểu. Nó là công cụ đắc lực cho việc tự học, tự tìm hiểu, tự trang bị kiến thức, thậm chí đến mức cao hơn là giúp chế tạo ra những máy móc, thiết bị từ đơn giản đến phức tạp. Trước đây, loại sách này thường được gọi là sách phổ biến khoa học kỹ thuật, nhưng tên gọi này không có ranh giới rõ ràng với sách khoa học thường thức. Có người gọi nó là sách phổ biến kiến thức khoa học hay sách khoa học phổ thông. Mảng sách này hiện nay chủ yếu là sách dịch. Vào thập niên 1980-1990, NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật tuy là đơn vị chủ lực về sách khoa học (khi mà hầu hết các NXB khác của các trường và khối đại học chưa ra đời) nhưng mảng sách tri thức dành cho độc giả đại chúng ở đây vẫn còn chập chững. Có lẽ đáng kể nhất là bộ sách Mười vạn câu hỏi vì sao gồm nhiều tập, biên dịch từ tiếng Trung theo ấn bản mới, có bổ sung. Thỉnh thoảng có những cuốn sách dịch gây tiếng vang, như Ba phút đầu tiên (Steven Weinberg, bản dịch in năm 1982), Lược sử thời gian (Stephen Hawking, 1995), Giai điệu bí ẩn (Trịnh Xuân Thuận, 2001), Hỗn độn và hài hòa (Trịnh Xuân Thuận, 2003)… Lúc đó “nguồn sống” của đa số các NXB, trong đó có cả NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật, vẫn là lợi nhuận từ việc làm lịch bloc (được Nhà nước phân bổ số lượng). Sang đầu thế kỷ 21, nguồn sống đó bị cắt khi lịch bloc được cho làm tự do, nhiều NXB bắt đầu rơi vào khó khăn. Trước đó, sách truyền bá khoa học cho đại chúng chủ yếu dịch từ tiếng Nga, một số cuốn được in ở Liên Xô, như Trái đất và bầu trời, Con người trở thành khổng lồ, Nguồn gốc loài người, Vật lý vui, Chuyện kể về kim loại, Khoáng vật học giải trí vẫn còn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng những độc giả trẻ thời bấy giờ. SÁCH CHO THIẾU NHI ĐƯỢC QUAN TÂM Khi các công ty xuất bản tư nhân lần lượt ra đời, thị trường sách từ từ chuyển mình, trong đó có mảng sách kiến thức khoa học đại chúng. Đầu năm 2001, bộ Kho tàng tri thức nhân loại cho thiếu niên đã được Công ty Elicom cho biên dịch từ tiếng Nga, gồm nhiều tập, khi thấy bên Nga ra hàng chục tập loại này và bán khá chạy. Tuy nhiên, mãi đến năm 2006 mới ra hai cuốn đầu tiên là Thiên văn (1.024 trang) và Vật lý (1.256 trang) đều khổ lớn 16x24cm, dưới mác NXB Giáo Dục. Hai cuốn tiếp theo ra đời năm 2009 là Kỹ thuật (908 trang) và Toán học (1.068 trang) lại đứng tên NXB Lao Động. Và rồi bộ sách kết thúc, mặc dù bản thảo những tập tiếp theo đã được dịch. Phát triển mạnh nhất là sách khoa học dành cho các độc giả nhỏ tuổi và thanh thiếu niên, vì kiến thức không quá sâu, nói chung là dễ làm và dễ bán. NXB Kim Đồng cho ra đời các tủ sách như Thế giới động vật - Những điều kỳ diệu, Thiên nhiên bí ẩn và kỳ thú, sau gộp thành tủ sách Kiến thức thế hệ mới đồ sộ với số đầu sách lên đến trên 70 cuốn, ngoài lĩnh vực khoa học tự nhiên còn bao gồm cả lịch sử, nghệ thuật, trang phục và thể thao… Những tủ sách tiếp theo ra đời như Khoa học và công nghệ thế kỷ 20 hay Các nguồn năng lượng không gây tiếng vang bằng. Các công ty tư nhân cũng đua nhau ra sách khoa học cho thiếu nhi, dễ nhất và có lẽ “ăn nhất” là cho lứa tuổi 9-10 tuổi trở xuống. Có cả những cuốn sách có nội dung xào xáo dựa vào sách nước ngoài nhưng do không rành về kiến thức nên bê nguyên cả những chi tiết mà nước ta không có ra để kể, như thể điều đó xảy ra ở nước ta, hoặc dùng thuật ngữ không đúng, không chuẩn. Ngoài ra, nếu bạn đọc nhiều sách khoa học cho thiếu nhi thì sẽ thấy bão hòa, thậm chí thấy nhàm vì kiến thức đơn giản và lặp lại, chẳng hạn vì sao trời mưa, có mấy loại mây, hay cấu tạo hệ mặt trời… Thách thức lớn hơn, khó nhằn hơn là sách kiến thức khoa học cho người lớn nhưng lại kén người đọc, vì dân ta không nhiều người say mê mảng này. Tôi vẫn nhớ những cuốn như Vượn trần trụi và Vườn thú người của cùng một tác giả là nhà sinh học nổi tiếng Desmond Morris do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn xuất bản năm 2010 và 2011 nhưng bán chậm. NXB Tri Thức mạnh dạn xông vào địa hạt này với các tác phẩm như Loài tinh tinh thứ ba (Jared Diamond, bản dịch in năm 2007), Con người và gen (Albert Jacquard, 2010), Nguồn gốc các loài (Charles Darwin, 2011), Gen vị kỷ (Richard Dawkins, 2011), Từ xác định đến bất định (F. David Peat, 2012). NXB Trẻ có tủ sách Khoa học và khám phá (từ năm 2009), gồm hơn 30 đầu sách với các tác phẩm như Thế giới lượng tử kỳ bí (Silvia Arroyo Camejo), Bảy nàng con gái của Eva (Bryan Sykes), Mật mã - từ cổ điển đến lượng tử (Simon Singh), Định lý cuối cùng của Fermat (Simon Singh), Năm phương trình làm thay đổi thế giới (Michael Guillen)… Nói đến sách kiến thức khoa học, không thể không nhắc đến loại sách tri thức bách khoa, nghĩa là trong một cuốn sách có tri thức tổng hợp của nhiều ngành, hoặc kiến thức đa dạng trong một lĩnh vực nào đó, toát lên cái chất “bách khoa” của nó. Loại sách này có hình thức thể hiện phong phú, từ loại từ điển bách khoa với các mục từ cho đến loại giống sách hơn, xa từ điển hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam chủ yếu vẫn là loại sách dành cho thiếu nhi hoặc thanh thiếu niên, từ điển bách khoa cho người lớn thì gần như không có. VẤN ĐỀ DỊCH THUẬT VÀ CHẤT LƯỢNG Trước khi Việt Nam gia nhập Công ước Bern, một số đầu nậu đã lác đác tổ chức cóp nhặt, tập hợp hoặc dịch sách tri thức bách khoa, nhưng trình độ học thuật và quy chuẩn chưa cao. Nổi tiếng nhất là cuốn Almanach những nền văn minh thế giới của tư nhân đứng tên NXB Văn Hóa - Thông Tin bán chạy như tôm tươi, trở thành hiện tượng hiếm có trong ngành xuất bản. Tuy nhiên bố cục cuốn sách lộn xộn, thông tin chỗ rườm rà, chỗ ngắn gọn không theo quy chuẩn, và kiến thức không tinh của nó cho thấy bước đi vụng về, chập chững của loại sách bách khoa do các tác giả Việt Nam sưu tầm, biên soạn. Sau khi Việt Nam gia nhập Công ước Bern (2004) và phải mua bản quyền sách nước ngoài, tình hình đã khởi sắc. Công ty Đông A in nhiều tập Bách khoa cho trẻ em mỏng theo từng chủ đề cho dễ bán, sau đó tập hợp thành một cuốn đồ sộ. Cuốn Bách khoa tri thức bằng hình của công ty này (liên kết với NXB Dân Trí) bán khá chạy, được tái bản nhiều lần. Dường như Nhã Nam, một trong những công ty đi tiên phong trong mảng sách bách khoa, lại không hanh thông lắm với mảng này: hai cuốn Bách khoa thư lịch sử Kingfisher (2009, NXB Từ Điển Bách Khoa) và Bách khoa thư thiếu niên Kingfisher (2010, NXB Dân Trí) được xuất bản rồi thôi. Nhưng ngược lại, Bách khoa thư DOKÉO dịch từ tiếng Pháp của NXB Kim Đồng lại được tái bản đều đều, về sau lấy tên mới là Bách khoa thư thế hệ mới. Tuy vậy, tất cả những sách trên vẫn chỉ là sách dành cho độc giả thanh thiếu niên. Nếu không tính bộ Từ điển bách khoa Việt Nam (4 tập) do Việt Nam biên soạn thì cuộc huy động nhân lực, tài lực quy mô nhất để dịch một cuốn từ điển bách khoa là của NXB Giáo Dục với bộ Từ điển bách khoa Britannica (2 tập) ra đời năm 2014. Có thể kể thêm ví dụ về sách khoa học phổ thông dành cho cả người lớn như Lịch sử tự nhiên (nhiều tác giả, NXB Dân Trí) và Atlas giải phẫu cơ thể người (BS Alice Roberts, NXB Y Học) của Công ty Đông A, Tế bào gốc (Paul Knoepfler, NXB Dân Trí) của Công ty Omega. Tuy nhiên, các từ điển bách khoa chuyên ngành và sách khoa học phổ thông dành cho người lớn vẫn thiếu và chưa đa dạng. Hãy nhìn những thành tựu kỳ diệu ngày nay, từ máy tính, điện thoại di động đến tàu vũ trụ, từ các loại robot đến xe hơi tự lái, đều là những kết quả cụ thể của khoa học và công nghệ. Nhà trường chỉ trang bị được một số kiến thức ít ỏi, vì thế tự học qua sách vở là công việc lâu dài cả đời. Đúng như nhan đề của một cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt, Thế giới bị quỷ ám: Khoa học như ngọn nến trong đêm (Carl Sagan, NXB Thế Giới và Công ty Omega, 2014). Và chính Sagan đã nói: “Khoa học không chỉ là một khối kiến thức, nó còn là cách tư duy”. Đó là cách tư duy chặt chẽ, mọi lý giải hay giả thuyết phải luôn được kiểm nghiệm bằng thực tế. Chỉ khi nào người dân, nhất là giới trẻ, ý thức được rằng khoa học là nguồn tri thức không thể thiếu, thắp sáng con đường đi lên văn minh, đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan, mà trong đó sách khoa học là công cụ chủ yếu trang bị tri thức cho chúng ta, thì mới mong đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu.■ Tags: Khoa họcDịch thuậtXuất bản sách khoa họcTri thức khoa học
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Ukraine THANH HIỀN 21/11/2024 Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo công dân Việt Nam không đi sang Ukraine, trừ trường hợp thật sự cần thiết.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.