Thăm một trong những thành phố của “Vòng cung vàng” Moskva: Đi và tìm thấy

PHAN XUÂN LOAN 11/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Tour du lịch ngắn đến một trong những thành phố thuộc “vòng cung vàng” của Moskva: Uglich và các vệ tinh của nó: Kalyazin, Myshkin và làng Martynovo, khiến tôi nhớ truyện vừa của nhà văn Nga A. Varlamov Ngôi nhà ở làng quê. Truyện kể về một nhà văn đi tìm mua một căn nhà gỗ ở làng quê Nga, và những gì ông đã thấy...

“Tháp chuông trôi” ở thành phố Kalyazin, tỉnh Yaroslav
“Tháp chuông trôi” ở thành phố Kalyazin, tỉnh Yaroslav

Ly rượu nhà Smirnov

Tháng 9-2019, chúng tôi được ngắm sự chuyển mùa đó trên cung đường tham quan ở tây bắc nước Nga, từ Kalyazin đi Uglich, đến Mushkin rồi Martynovo. Những gam màu đổi thay ngoạn mục điểm tô cho hành trình kể lại nhiều điều về lịch sử và xã hội Nga.

Trên đường từ Moskva tới Uglich, khách tham quan dừng chân ở thị trấn cổ Kalyazin (tỉnh Tver) để ngắm “tháp chuông trôi” (cao 74,5m) giữa bể nước mênh mông trên sông Volga. Đó là vào năm 1940, một phần lãnh thổ của thị trấn Kalyazin này bị nhận chìm trong hồ nước để xây đập thủy điện Uglich.

Nhà thờ Nikolsky nằm trên phần đất cũng chịu chung số phận, chỉ còn chiếc tháp chuông ngơ ngác đứng đó, trải qua bao nhiêu thăng trầm cùng nước Nga: lúc đầu nó trở thành hải đăng cho phà chở hàng qua lại, đến năm 2016 tháp được lắp năm chiếc chuông mới, phụng lễ vào mùa hè. Số phận của chiếc tháp chuông biến nó trở thành điểm thu hút du khách quanh năm.

Câu chuyện về những Dimitry giả mạo sau đó (có tới hàng chục người) và chiếc chuông đồng bị đày đi Siberia trước khi được khoan hồng trở lại thánh tích, càng khiến cảm giác trên đè nặng.Tại Uglich, bạn sẽ bắt gặp lại cảm giác này khi tham quan thánh tích “Dmitry đổ máu”, được xây dựng tại nơi hoàng tử nhỏ Dmitry, con út của Sa hoàng Ivan hung đế chết vì dao khi mới 8 tuổi. Dù nguyên nhân chính dường như là Dmitry nghịch dao, nhưng bích họa của các họa sĩ Nga cuối thế kỷ XVIII trong nhà thờ lại kể về âm mưu ám sát Dmitry bởi thuộc hạ của nhà quý tộc ham mê quyền lực Boris Godunov. 

Tại Uglich, bạn sẽ gặp “Bảo tàng nếp sống thành phố thế kỷ XIX”, nơi kể về lối sống, truyền thống của thị dân Uglich hai thế kỷ trước, ngắm trang phục, nội thất, bếp núc... của họ. Người nghệ sĩ guitar ở đó cất lên những bài tình ca của người hát rong, trong đó có bài hát quen thuộc với nhiều người Việt, Tình ca du mục.

Ca sĩ guitar đồng quê này, cùng với ban nhạc ngũ tấu tuyệt vời “Con tàu Noe” với balalaika nhỏ và balalaika - contrabass ở nhà thờ Chúa cứu thế Uglich, cho thấy một nỗ lực khiến bảo tàng không chỉ là thánh đường của những hiện vật rêu phong.

Nhưng điểm tham quan bất ngờ là Bảo tàng lịch sử vodka Nga nằm gần quảng trường chính thành phố. Ông vua vodka Nga Pyotr Arsenyevich Smirnov xuất thân từ chính vùng đất này. Sau cách mạng, gia tộc Smirnov lưu vong sang Pháp, thương hiệu Smirnoff giờ thuộc một công ty Mỹ, khiến chắt trai của dòng họ, Boris Smirnov, vẫn đang vất vả trong cuộc chiến giành lại.

Ở đây người ta thấy được một hiện vật độc đáo: “huy chương” bằng gang “Vì say rượu” do Sa hoàng Pyotr I ban hành. “Huy chương” nặng 6,8kg chưa tính dây xích, được đeo lên cổ kẻ say rượu, trong một tuần (có người lại bảo là cho đến khi kẻ khốn khổ bỏ rượu) mới được tháo xuống!

Tôi mỉm cười trước bình rượu rắn VN có mặt ở tủ các loại rượu trên thế giới gửi tặng bảo tàng. Trong bảo tàng này, sản phẩm từ 95 nhà máy trên toàn Nga, với hơn 850 loại vodka được trưng bày.

Khi ngoài trời nhiệt độ hạ xuống còn 4oC, những ly vodka làm những du khách ban đầu có phần xa lạ, trở nên cởi mở. Tới lúc ấy, người ta hiểu ra vì sao vô số sắc lệnh, chỉ thị cấm rượu ở Nga qua các thời kỳ (cũng được trưng bày trong bảo tàng) khó lòng hiệu lực.

Tượng cảm ơn chuột thí nghiệm của TP Novorossisk (Nga)
Tượng cảm ơn chuột thí nghiệm của TP Novorossisk (Nga)

Bảo tàng chuột ở thành phố Chuột...

Sau Uglich là Myshkin - thành phố nằm bên bờ Volga, cái tên có gốc từ chữ Mysh (con chuột). Trong nhiều truyền thuyết về cái tên này, được nhắc nhiều nhất là truyền thuyết liên quan đến công tước Fyodor Mikhailovich Mstislavsky (mất năm 1537), kể rằng nhà quý tộc đang nằm nghỉ bên bờ Volga thì bị một chú chuột bò lên mặt. Đầu tiên ngài nổi giận, nhưng sau phát hiện chính chú chuột đã cứu mình khỏi một con rắn đang trườn tới.

Myshkin vẫn là một thành phố nhỏ, 6.000 dân, nhỏ đến độ... chẳng có trụ đèn giao thông nào, phương tiện giao thông công cộng duy nhất trong thành phố là chiếc xe buýt mini, chạy đúng một tuyến chính trong thành phố và... nghỉ chạy vào chủ nhật.

Nhưng Myhskin lại có hàng chục điểm tham quan, ngoài những nhà thờ cổ may mắn còn lại hoặc được trùng tu, là các bảo tàng điêu khắc gỗ, bảo tàng xe đạp, bảo tàng lanh, bảo tàng ủng valenki...

Đặc biệt là Cung điện Chuột, một bảo tàng tương tác xuất hiện cách đây không lâu, thu hút rất đông trẻ em. Bảo tàng kết hợp các loại tương tác: từ thể loại kịch ngắn để giới thiệu cuộc sống khó nhọc của những gia đình chuột, đến “nói chuyện với chuột” qua điện thoại.

Bản sao các tượng đài vinh danh họ chuột cũng được quy tụ về đây: từ tượng đài tỏ lòng biết ơn chuột thí nghiệm ở Novorossisk (Nga) đến tượng đài chuột... vi tính ở Trung Quốc. Ai không sợ chuột thì xuống tầng hầm để tận mắt nhìn cuộc sống của chúng. Sự xuất hiện của bảo tàng tương tác mới này cho thấy nỗ lực thu hút du khách của một thành phố mà cách đó không lâu, xác xơ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Điện thoại để “trò chuyện” cùng chuột
Điện thoại để “trò chuyện” cùng chuột

Phương ngữ như một hạng mục bảo tàng

Chuyến tham quan chốt lại với ngôi làng Martynovo, nằm ở cực tây tỉnh Yaroslav, cách Myshkin một giờ xe buýt. Con sông Kadka chảy qua ngôi làng, những người dân sống bên bờ Kadka được gọi là người Katskar, họ nói tiếng Nga với phương ngữ Katskar, và phương ngữ này đã trở thành một... hạng mục tham quan Martynovo.

Martynovo là một ngôi làng Nga điển hình, với dăm chục nóc nhà, mỗi nhà có hàng rào bện bằng cây bạch dương non, giếng nước, nhà gỗ với cửa sổ hoa văn, vườn hoa phía trước và vườn rau phía sau, công trình vệ sinh tách biệt khỏi nhà.

Khác với nhiều ngôi nhà gỗ Nga xiêu vẹo, xập xệ trong những ngôi làng tồi tàn lướt nhanh qua cửa xe trong suốt hành trình, những căn nhà gỗ ở đây vẫn giữ được sinh khí và sự ấm áp. Nhà gỗ - bảo tàng đã phục dựng cuộc sống nông dân Nga thế kỷ XIX.

Các chủ nhà mời khách ăn bữa trưa với những món ăn nông dân Nga: xúp củ cải đỏ “Borsh” đặc trưng, khoai tây nghiền với thịt gà ninh và bánh nướng nhân táo. Trong lúc ăn, chủ nhà sẽ trao đổi với khách bằng tiếng Nga đậm phương ngữ khiến khách phì cười. Sau cuộc chiêu đãi là phần làm việc: du khách được “nhờ” giúp cho cừu, bò, dê, vịt... ăn.

Chốt lại là màn kịch nói của chính các chủ nhà, tiết mục giúp du khách vừa cười sảng khoái, vừa có thêm vốn từ Katskar độc đáo. Ra về, khách có thể ghé quầy hàng nhỏ, bày đầy phô mai dê, sữa dê, nấm muối đóng hộp, bánh táo, giày lapti đan bằng vỏ bạch dương, quà lưu niệm từ lông cừu..., sản phẩm của chính dân làng.

Tác giả mô hình bảo tàng làng này là thầy giáo Nga văn Vladimir Nikolayevich của trường làng Martynovo. Từ một nhóm nhỏ học sinh do thầy tổ chức, thu thập tư liệu về đời sống của làng Nga thế kỷ trước, bộ sưu tập của nhóm dần đầy thêm nhờ sự đóng góp của các làng lân cận: nơi góp cây đàn balalaika của ông mình, nơi góp bàn máy may của bà mình...

Khi những hiện vật ngày càng nhiều, thầy ngỏ ý muốn lập một bảo tàng làng, được thống đốc tỉnh đồng tình và mua hẳn căn nhà gỗ này để trưng bày. Khi trường làng Martynovo phải đóng cửa vì còn quá ít học sinh (chúng được chuyển sang học ở ngôi trường lân cận), thầy Vladimir Nikolayevich thất nghiệp, thành hướng dẫn viên du lịch cho bảo tàng làng.

Ngày nay chỉ còn 80 hộ những người Katskar trong làng Martynovo, so với con số 2.000 người vài thập niên trước đó. Nếp sống nông dân và phương ngữ Katskar đã giúp dân làng Martynovo vực dậy đời sống kinh tế. Nhưng điểm sáng nhỏ này trên một nước Nga rộng lớn sẽ cháy được bao lâu? ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận