Quản lý CCTV:  Mỗi nơi một vẻ

TRẦN PHƯƠNG 17/11/2019 21:11 GMT+7

TTCT - Hệ thống CCTV được kỳ vọng là “viên đạn bạc” trong việc đảm bảo an ninh tại các khu vực công cộng, giúp nâng cao khả năng phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, cùng lúc, các quy định quản lý CCTV dường như luôn chậm nhịp so với việc triển khai công nghệ.

Đa số hệ thống CCTV hiện nay đều cần nhân sự quan sát và kiểm soát. Ảnh: kenvisiontechniks.com
Đa số hệ thống CCTV hiện nay đều cần nhân sự quan sát và kiểm soát. Ảnh: kenvisiontechniks.com

Keith Spiller, nhà nghiên cứu tại trường kinh doanh Open University Business School (Milton Keynes, Anh), hồi năm 2015 từng thực hiện một thử nghiệm nhỏ là gửi yêu cầu lên cơ quan quản lý CCTV trên một tuyến đường ông đi qua để xem lại hình ảnh của ông trên máy quay.

Nhưng sau khi gửi đi 37 lá thư, gọi 31 cuộc và đóng 60 bảng Anh tiền phí, ông chỉ được hình ảnh từ 6/17 CCTV mà ông yêu cầu, theo báo The Guardian.

Trường hợp của Spiller cho thấy tình trạng thiếu các quy định quản lý hệ thống CCTV tại Anh, thậm chí là việc thu thập dữ liệu từ hệ thống này. “Đây là một vấn đề cấp thiết về việc thông tin của chúng ta đang được quản lý bởi bên thứ ba như thế này - ông Spiller nói với The Guardian - Đây cũng sẽ là một trong những tranh cãi lớn trong tương lai”.

Mỗi nơi một kiểu

Thật ra Anh có quy định rõ ràng về việc quản lý CCTV và các thành phố đều tuân thủ các quy định liên quan như luật bảo vệ thông tin, quy tắc về CCTV, máy quay giám sát, luật tự do thông tin... Chẳng hạn tại thủ đô London, cảnh sát thông báo rõ về quy tắc quản lý hệ thống 100 máy quay lắp đặt tại các khu vực công cộng, theo trang web của cảnh sát London.

Hệ thống này bao gồm các máy quay trên khắp thành phố có khả năng xoay 360 độ và đặt tại những nơi không xâm phạm khu vực riêng tư. Bên dưới mỗi máy quay đều có thông báo sự hiện diện của máy quay và thông tin liên lạc để yêu cầu truy cập hình ảnh.

Dữ liệu từ CCTV sẽ được lưu trữ trong 31 ngày trước khi bị xóa tự động, nhưng một số trường hợp hình ảnh cần sử dụng làm bằng chứng hay trong các vụ kiện tụng, có thể được lưu lại trong tối đa 12 tháng. Ngoài ra, bất cứ hành động can thiệp hay tiếp cận dữ liệu nào, thậm chí là từ chính phủ, cũng cần phải được tòa án chấp thuận.

Trong quy tắc về CCTV của Anh, trách nhiệm quản lý thông tin chia đều cho các cơ quan liên quan, chẳng hạn giữa chính phủ và bên thứ ba được giao quản lý hệ thống CCTV. Các quy định chồng chéo và không rõ ràng như thế này thường gây khó khăn khi phải xác định trách nhiệm thuộc về ai.

Trong khi đó, trên khắp châu Âu, việc quản lý CCTV tại nhiều nước áp dụng chung Luật bảo vệ thông tin (GDPR) 2018 với mức phạt lên đến 20 triệu euro cho các vi phạm. Điều này giúp các nước châu Âu nằm trong nhóm những quốc gia bảo mật thông tin cá nhân cao nhất.

Bên ngoài khối châu Âu, trong khi một số nước như Canada áp dụng các luật tương tự như GDPR, Mỹ không có chính sách liên bang về quản lý hệ thống máy quay giám sát, ngoại trừ một số biện pháp bảo vệ chung trong Tu chính án thứ 4 của Hiến pháp.

Điều đó có nghĩa quy định quản lý sẽ tùy thuộc vào từng bang. Nhiều thành phố lớn có mạng lưới CCTV rộng khắp như New York, Washington DC, Chicago có vài chính sách quản lý nhưng nhiều thành phố khác thì không.

Mỗi nơi ứng dụng hệ thống CCTV công cộng đều có các quy định kiểm soát khác nhau.  Ảnh: netwatchsystem.com
Mỗi nơi ứng dụng hệ thống CCTV công cộng đều có các quy định kiểm soát khác nhau. Ảnh: netwatchsystem.com

Thất bại của Ấn Độ

Trường hợp của Ấn Độ - một trong những quốc gia có hệ thống giám sát công dân lớn nhất thế giới và có nhiều quy định về việc quản lý hệ thống CCTV - là ví dụ cho thấy có luật quản lý là một chuyện, thực thi nó có hiệu quả như mong muốn hay không lại là chuyện khác.

Quy định của thủ đô New Delhi về quản lý CCTV ban hành năm 2018 đặt ra nhiều yêu cầu, chẳng hạn việc lắp đặt CCTV phải chịu sự quản lý của chính quyền địa phương và các máy quay lắp đặt tại nơi công cộng phải thông báo mục đích, số lượng và việc xử lý thông tin thu được. Người sở hữu và kiểm soát CCTV cũng phải thông báo về sự có mặt của máy quay tại nơi công cộng và chịu trách nhiệm sửa chữa cũng như bảo vệ hệ thống.

Tuy nhiên, các quy định khác vẫn còn mập mờ như việc lưu trữ dữ liệu chỉ được quy định phải đảm bảo an toàn và không được lưu ở nước ngoài, và không được can thiệp bởi những người không có thẩm quyền. Các vi phạm được xử lý theo các luật liên quan khác như luật công nghệ thông tin, luật cảnh sát, luật hình sự mà không có quy định riêng.

Đây là lý do khiến Ấn Độ vẫn được đánh giá là thất bại trong việc đảm bảo sự riêng tư cá nhân, theo khảo sát của Tổ chức Compritech có trụ sở tại Anh hồi tháng 10-2019. “Hệ thống CCTV không được quản lý và luật bảo vệ quyền riêng tư đi kèm rất mập mờ và để mở khả năng bị can thiệp” - Compritech đánh giá.

Luật pháp ở Ấn Độ đang bắt đầu thay đổi để bảo vệ dữ liệu riêng tư nhưng vẫn chưa thể bắt kịp công nghệ. “Việc theo dõi lén sẽ bị cấm trong luật bảo vệ dữ liệu mới chuẩn bị được áp dụng tại Ấn Độ - Compritech đánh giá - Tuy nhiên, các kỹ thuật giám sát và sinh trắc học đang vượt quá xa, điều đó đặt ra câu hỏi liệu luật pháp có thể thay đổi được những gì”.■

Cần luật và minh bạch

Sự thiếu rõ ràng trong quản lý hệ thống CCTV công cộng tạo ra khả năng lạm dụng, theo Jay Stanley - một nhà phân tích chính sách cao cấp của Tổ chức Liên minh tự do dân sự Mỹ (ACLU).

Các thành phố và sở cảnh sát đang áp dụng các công nghệ mới với tốc độ nhanh hơn nhiều so với sự phát triển của quy định quản lý việc sử dụng chúng. “Chúng ta đang chứng kiến sự ra mắt ồ ạt của các hệ thống máy quay do chính phủ quản lý, và nhìn chung không có chính sách thực sự áp dụng cho hầu hết các hệ thống này” - Stanley nói với The Guardian.

Các tổ chức như ACLU và Constitution Project đã kêu gọi các chính sách cụ thể hơn và mỗi nhóm đã xây dựng luật mẫu mà các thành phố có thể sử dụng để đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ hơn khi họ đưa ra các công nghệ mới này.

Scott Roehm, phó chủ tịch phụ trách chương trình và chính sách thuộc Constitution Project, chỉ ra rằng việc xây dựng các quy định và tiêu chuẩn ngay từ đầu là chìa khóa để bảo vệ các quyền hiến pháp và quyền tự do dân sự của cộng đồng một khi triển khai các máy quay giám sát.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận