Sữa học đường: Còn rất nhiều băn khoăn

LAN ANH 05/12/2019 23:12 GMT+7

TTCT - Chương trình Sữa học đường đang gây không ít tranh cãi, đặc biệt là những băn khoăn về lượng vi chất bổ sung vào sữa.

 

Đằng sau những lo ngại và phản đối

Một chương trình như Sữa học đường, nói ra đã thấy là “có công” và đặc biệt quan trọng. Và từ năm 2011, chương trình 641 về nâng chiều cao và tầm vóc người Việt của Chính phủ cũng đã dành một phần riêng cho sữa học đường, hi vọng người Việt sẽ dần “thoát lùn” ở Đông Nam Á. Nhưng khi triển khai lại có không ít lo ngại, thậm chí phản đối từ phía phụ huynh. Vì sao vậy?

Giữa tuần trước, trung tâm y tế một quận của Hà Nội nhận được kết quả xét nghiệm mẫu sữa họ gửi kiểm nghiệm. Mẫu này được lấy tại một trường học trên địa bàn. Qua kiểm tra, đơn vị xét nghiệm “tá hỏa” khi tìm thấy vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn trong sữa. Ngoài có trong lợn bệnh, vi khuẩn này còn có ở bò bệnh, và người ta cho rằng có thể vi khuẩn bắt nguồn từ vú bò.

Mặc dù đã qua hơn 1 thập niên có những thí điểm thực tiễn, và có 16 tỉnh thành đã triển khai chương trình Sữa học đường, nhưng cho đến tận bây giờ Bộ Y tế vẫn chưa có thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn sữa học đường.

Thông thường ở các quốc gia khác, sữa học đường cũng chỉ cần đạt tiêu chuẩn sữa nói chung. Nhưng ở VN, do có ý kiến cho rằng vì đặt mục tiêu sữa học đường là chương trình giúp nâng chiều cao và tầm vóc người Việt nên phải bổ sung vi chất vào sữa. Rắc rối bắt đầu từ đây.

Bổ sung bao nhiêu vi chất, bổ sung ở mức độ nào... thì Bộ Y tế lại chưa có văn bản hướng dẫn. “Trước đây, Bộ Y tế nói là tháng 8-2019 sẽ có hướng dẫn này, nhưng giờ là tháng 11 vẫn chưa có”, đại diện một doanh nghiệp sữa tham gia cung cấp sữa học đường cho biết.

Và theo vị đại diện doanh nghiệp này, tùy từng địa phương có có cách chi trả cho sữa học đường khác nhau. “Địa phương nghèo thì ngân sách chi trả 50% tiền sữa, doanh nghiệp góp 50%. Có nơi Nhà nước, doanh nghiệp, cha mẹ các cháu cùng đóng góp. Năm nay, riêng Hà Nội có 4.000 trường tham gia chương trình Sữa học đường, trong khi thời điểm bắt đầu triển khai chỉ có 1.800 trường”.

Do việc bổ sung vi chất vào sữa còn gây tranh cãi nên TP.HCM, địa phương vừa hoàn tất đấu thầu cho chương trình Sữa học đường, sẽ sử dụng loại sữa không có thêm vi chất như loại ở Hà Nội.

Như vậy, cùng một chương trình Sữa học đường, cùng sử dụng trên thể trạng trẻ em Việt, nhưng sữa học đường (trường hợp này là của một nhà cung cấp cho học sinh 2 thành phố) lại khác nhau. Những lo ngại về chất lượng sữa, về việc bổ sung bao nhiêu vi chất là vừa, việc chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn sữa học đường... không phải là không có lý.

Giải thích của Bộ Y tế

Bộ Y tế giải thích việc vẫn chưa ban hành được quy chuẩn chính thức của sữa học đường là do... lắm ý kiến khác nhau trong việc bổ sung bao nhiêu vi chất vào sữa học đường. Có ý kiến đề nghị bổ sung 3 vi chất, có ý kiến đề nghị bổ sung tới 18, thậm chí 21 vi chất.

Từ năm 2016, khi ban hành quyết định 1340 phê duyệt chương trình Sữa học đường, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình này. Nhưng trong quy định tạm thời của Bộ Y tế lại hướng dẫn sản phẩm dùng trong chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn quốc gia về sữa tươi nguyên liệu.

Như vậy, ban đầu Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế xây dựng và ban hành quy định cho sản phẩm sữa tươi phục vụ sữa học đường, nhưng có thời điểm, bộ này lại đề nghị sữa phục vụ chương trình là sữa dạng lỏng, tức là các loại sữa bột pha có thể tham gia cung cấp cho sữa học đường.

Rắc rối này chỉ chấm dứt khi năm 2018, Chính phủ đã có quyết định rõ ràng: sữa học đường phải là sữa tươi.

Dẫu vậy, quy chuẩn chính thức về sữa học đường (như có bổ sung vi chất hay không, nếu có thì bổ sung bao nhiêu vi chất) vẫn chưa được ban hành. Văn bản đã được ban hành cho đến nay chỉ là... logo của chương trình sữa học đường. Do chưa rõ ràng về hướng dẫn nên trong thời gian qua đã xảy ra nhiều cuộc tranh cãi liên quan đến sữa học đường, chủ yếu do các nhà cung cấp sữa khơi mào.

Nơi giàu thừa sữa, nơi nghèo không biết lấy đâu ra tiền mua

Theo ông Nguyễn Đức Vinh - vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), ngoài 16 tỉnh thành đã triển khai chương trình Sữa học đường, các tỉnh thành còn lại chưa triển khai bởi không thể huy động được kinh phí.

“Bộ Y tế đã có hướng dẫn, nhấn mạnh chương trình này cần triển khai rộng rãi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, nơi tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao - ông Vinh cho biết - Nhưng nhìn vào danh sách các tỉnh thành đã triển khai chương trình Sữa học đường thì thấy đây đều là các địa phương có kinh tế khá, thậm chí Hà Nội và TP.HCM có tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì rất cao".

Hiện tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi ở VN là khoảng 23,8%; ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, tỉ lệ này ở một số vùng có thể lên đến 35%.

Nếu tính về yêu cầu triển khai chương trình Sữa học đường chính thức, trên diện rộng thì hiện Tây Bắc, Tây Nguyên, Đông Bắc đều chưa có địa phương nào làm được.

Riêng ở miền Trung, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên triển khai, nhưng đây cũng lại là một thành phố giàu, có nhiều trẻ em thừa cân, béo phì.

Vì vậy, những mục tiêu của Chính phủ về tăng chiều cao vào giai đoạn 2025-2030 không rõ có thể thực hiện được hay không, vì những “đầu tàu” có số lượng trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi vẫn chưa có can thiệp trên diện rộng.

Một báo cáo gần đây của các nhà dinh dưỡng cho biết VN thuộc nhóm 4 nước có chiều cao thấp nhất Đông Nam Á. Có nhiều cách giúp tăng chiều cao thông qua cải thiện dinh dưỡng, gia tăng vận động thể chất, bằng chăm sóc trẻ từ giai đoạn bào thai... Nhưng thực tế, các chương trình này cũng chưa tới được với trẻ em ở các tỉnh thành nghèo.■

                                                                                                                    

Ông Nguyễn Đức Vinh. Ảnh: Tùng Dương
Ông Nguyễn Đức Vinh. Ảnh: Tùng Dương

Hỗ trợ các tỉnh miền núi tham gia chương trình Sữa học đường

Giải thích vì sao 16 tỉnh thành đã và đang triển khai chương trình Sữa học đường đều là các tỉnh thành khá giả, trẻ em được cung cấp nguồn dinh dưỡng khá tốt, trong khi khu vực miền núi lại chưa triển khai, ông Nguyễn Đức Vinh - vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà và mẹ trẻ em (Bộ Y tế), đơn vị đang chủ trì xây dựng hướng dẫn về sữa học đường - cho biết: một phần là do địa phương không huy động được nguồn kinh phí.

Theo ông Vinh, một số tỉnh như Kon Tum, Sơn La, Cao Bằng... Kon Tum đã triển khai ở một vài xã rất nghèo. Và nếu triển khai được thì sau 6 tháng, các trẻ em tham gia chương trình đã có thể có thay đổi về chiều cao. Đánh giá chu kỳ 5 năm đối với những trẻ được uống sữa đều cho thấy các cháu có thay đổi về chiều cao, sức bền...

Trước chất vấn với tình hình như vậy, mục tiêu của chương trình là cải thiện chiều cao, sức bền, thể lực cho các địa phương có tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi cao khó mà đạt, ông Vinh cho biết: "Chúng tôi đang sắp xếp để có thể mời các địa phương cùng họp bàn về chương trình này, tìm những biện pháp tháo gỡ, giải pháp để có thể có thêm nhiều địa phương có điều kiện ngân sách và khả năng đóng góp của cha mẹ cũng như quy định để hỗ trợ triển khai.

"Tôi cho rằng những tỉnh thành miền núi khó khăn, kinh phí không có thì Nhà nước cần hỗ trợ. Bên cạnh đó là tìm các dự án để những địa phương này có thể tham gia. Hiện nay chúng tôi đang trình Chính phủ chương trình “1.000 ngày đầu đời”, hỗ trợ để cải thiện sức khỏe, chiều cao cho trẻ em từ giai đoạn bào thai đến khi trẻ 2 tuổi. Nếu hỗ trợ giai đoạn này thì hiệu quả can thiệp sẽ rất rõ ràng" - ông Vinh thông tin thêm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận