Mặt bằng thời kinh doanh qua mạng: Bỏ phố vào hẻm

DƯƠNG NGỌC HÀ 16/07/2020 20:07 GMT+7

TTCT - Thời gian gần đây, rất nhiều tiểu thương, chủ cửa hàng trả mặt tiền nhà phố, thuê nhà trong hẻm có giá rẻ hơn để kinh doanh qua mạng.

Một tiệm cơm nhộn nhịp shipper vào buổi trưa. Ảnh: NGỌC HIỂN
Một tiệm cơm nhộn nhịp shipper vào buổi trưa. Ảnh: NGỌC HIỂN

Các chuyên gia cho rằng trong tương lai, giá thuê nhà mặt tiền sẽ còn giảm sâu, một phần do chịu sức nóng rát mặt trong cuộc cạnh tranh không cân sức với kinh doanh qua mạng.

Rời mặt phố để tiết kiệm

Bà Hồng Nhung từng thuê một căn nhà mặt tiền đường Quang Trung (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đặt cửa hàng được 7 năm, nhưng vừa quyết định trả mặt bằng phố, thuê một căn nhà ba tầng trong hẻm đường số 21 để làm cơ sở bán hàng online, cũng là nơi ở của gia đình.

Bà Nhung cho biết từ cuối năm 2019 đến nay lượng khách mua sắm giảm hẳn, sau thời gian nghỉ dịch Covid-19 thì người mua sắm trực tiếp càng thưa thớt trong khi các đơn hàng qua mạng ngày càng nhiều. Bà đã thông báo cho những khách hàng quen về việc chuyển hẳn sang kinh doanh online, số ít khách hàng thân thiết muốn la cà mua sắm cũng có thể đến cửa hàng trong hẻm để trực tiếp xem và chọn hàng.

Cửa hàng thời trang cũng giảm được hai nhân viên và một bảo vệ do không phải thường xuyên tiếp khách hàng trực tiếp, giảm được khâu mất hàng do không kiểm soát. Hiện chỉ có hai nhân viên giúp bà Nhung chốt đơn hàng, trả lời thắc mắc của khách, đóng gói và giao hàng cho bên vận chuyển…

Giá thuê nhà trong hẻm bằng nửa giá thuê mặt tiền kinh doanh, lại ở được cả gia đình. “Những giai đoạn vắng khách, tôi lo lắng nhất là đến đầu tháng phải xoay tiền trả lương cho bốn nhân viên, một bảo vệ vừa giữ xe và tiền thuê mặt bằng. Mỗi ngày mở mắt ra biết mình chi năm, bảy triệu bạc cho cửa hàng mà không biết nguồn thu có đủ không. Giờ thì không bị mất ăn mất ngủ vì lo tiền trả mặt bằng nữa” - bà Nhung nói.

Minh Hảo, nhân viên một công ty chuyên cho thuê căn hộ mini, cho biết rất nhiều khách hàng của công ty anh là các cửa hàng online với những mặt hàng đa dạng từ quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, đồ điện tử, thức ăn.

Những chủ cửa hàng này thuê phòng trọ dạng căn hộ mini để làm cơ sở kinh doanh, chỉ cần có địa chỉ rõ ràng cho nhân viên giao hàng dễ tiếp cận, không cần tầng trệt, không cần mặt tiền đường lớn…

Giá thuê căn hộ mini rẻ bằng 1/5 giá thuê mặt bằng, lại rộng rãi, dễ tìm, không mất nhiều chi phí. Phía người cho thuê cũng không bị phiền hà bởi chỉ có những người nhận hàng được hẹn trước đến nhận rồi đi, không có khách đến trực tiếp nên không gây ồn ào hay lo lắng về an ninh…

Ngoài việc dời mặt bằng vào hẻm, một xu hướng khác là chuyển sang kinh doanh ở shophouse hay trung tâm thương mại. “Mặt bằng trung tâm thương mại sang trọng, sạch sẽ, khách ổn định, tôi lại không tốn phí thuê bảo vệ, chỗ để xe và phí thuê người giữ xe cho khách hàng nên nhẹ gánh nhiều!” - bà Bảo Nhi, người mới chuyển địa điểm kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu từ một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) về một trung tâm thương mại ở quận 1, cho biết.

Niềm hy vọng neo giá mặt bằng cao

Điều nghịch lý là mặt tiền bỏ trống nhưng giá chỉ giảm nhẹ. Tại khu vực dân cư ở Phú Mỹ Hưng (quận 7), theo các nhân viên môi giới, bình thường mặt bằng kinh doanh ở khu này kín đến 90%, còn thời điểm hiện tại, lượng mặt bằng kinh doanh có khách thuê chỉ từ 50 đến 60%. Tuy nhiên, giá thuê mặt bằng chung chỉ giảm từ 10 đến 20% so với cuối năm 2019.

Một nhân viên công ty môi giới N cho biết nhiều mặt bằng kinh doanh trước đây cho người Hàn Quốc thuê đã để trống từ nhiều tháng nay (người Hàn Quốc về nước rồi không được trở lại Việt Nam do dịch bệnh). Tuy nhiên, chủ nhà vẫn “neo” giá thuê khá cao, từ 5.000 - 6.000 đôla mỗi tháng. Có nơi, chủ nhà chỉ thương lượng giảm giá thuê không quá 500 đôla mỗi tháng.

Nhiều chủ nhà để trống mặt bằng chứ không giảm giá cho thuê vì tâm lý giá thuê nhà chỉ có tăng, không giảm và mặt tiền nhà phố ở nơi đắc địa không nhiều. Chỉ có những mặt bằng ít thuận tiện hơn thì chủ nhà mới giảm từ 10 đến 20% giá thuê mỗi tháng.

Còn tại “con đường thời trang” Lê Văn Sĩ, giá thuê phổ biến cho một mặt bằng khoảng 80m2 (4x20) hiện vào khoảng 40 triệu đồng, nếu thuê nhà nguyên căn có lầu thì giá cao hơn. Các nhân viên môi giới cho biết giá này đã giảm khoảng 10% so với “giai đoạn cao điểm” năm 2018 - 2019.

Tuy giá thuê giảm không nhiều nhưng người thuê có thể thương lượng với chủ nhà các khoản hỗ trợ như 10% giá thuê trong một năm đầu kinh doanh hoặc không tính tiền thuê tháng đầu tiên… Tương tự, giá thuê mặt tiền ở các đường lân cận như Trần Huy Liệu, Cách Mạng Tháng Tám… chỉ giảm nhẹ so với năm 2019.

Các nhân viên môi giới cho biết tâm lý chung của chủ nhà là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các cửa hàng ế khách mới trả mặt bằng. Họ vẫn vững tin là khi hết dịch, nhà nước mở lại các đường bay quốc tế, giao thương trở lại bình thường thì việc buôn bán sẽ trở lại như xưa.

Vì vậy, họ chỉ hỗ trợ người thuê nhà chứ không đồng ý giảm giá thuê. Và thực tế, thị trường mặt tiền nhà phố cho thuê tại TP.HCM cũng chưa bao giờ có xu hướng giảm nên thuyết phục để chủ nhà giảm giá cho thuê mặt tiền là rất khó. ■

Giá thuê nhà mặt tiền sẽ phải giảm

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết: “Thời gian này, nhiều chủ nhà vẫn neo giá cao bởi họ nghĩ rằng sẽ có người khác đến thuê. Nhưng một thời gian nữa, người trả nhà mặt tiền nhiều hơn người đi thuê, mặt bằng bỏ trống lâu ngày thì bắt buộc chủ nhà phải giảm giá thuê, thậm chí giảm sâu mới có khách hàng”.

Ông Đinh Thế Hiển nhận xét xu hướng này là đương nhiên. Việc giảm nhu cầu thuê nhà phố mặt tiền để kinh doanh không chỉ do dịch bệnh mà còn là sự chuyển dịch về mặt bằng bán lẻ.

Những người thuê mặt tiền nhà phố kinh doanh lâu nay chịu giá thuê cao nhưng giao thông TP ngày càng khó khăn, kẹt xe ngày càng nặng, không khí ngoài đường oi bức nên khách hàng ít còn hứng thú lượn lờ xuống phố để mua sắm.

Cửa hàng mặt tiền nhà phố phải tốn tiền thuê người giữ xe, bảo vệ, thuê chỗ để xe cho khách, rất tốn kém. Trong bối cảnh chi phí cao mà “khung giờ vàng” mua sắm bị hạn chế, người kinh doanh chuyển dần qua thuê nhà làm cửa hàng ở những hẻm rộng và kinh doanh trực tuyến.

Số khác sẽ chuyển cửa hàng vào các trung tâm thương mại tập trung. Xu hướng này đang diễn ra rất nhanh ở các cửa hàng kinh doanh thời trang, đồ gia dụng, mỹ phẩm… và các mặt hàng dành cho giới trẻ.

Bên cạnh đó, hiện nay ngày càng nhiều khu đô thị mọc lên với những khu vực dành cho kinh doanh chuyên nghiệp như trung tâm thương mại, shophouse với vị trí thuận tiện, thiết kế hợp lý. Lúc này, nhu cầu thuê nhà mặt tiền chỉ có các cửa hàng ăn uống, những thương hiệu lớn cần thuê mặt tiền lớn để trưng bày hàng hóa hoặc những dịch vụ nhỏ, cửa hàng tiện lợi. Nhu cầu thuê nhà mặt tiền để kinh doanh sẽ giảm đi, cuối cùng, giá thuê mặt bằng phải giảm.

“Nhiều người cứ nghĩ cách mạng công nghiệp 4.0 ở đâu xa nhưng thực tế lại ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống quanh ta. Việc mua sắm chuyển dần sang trực tuyến một cách dễ dàng với việc kết nối mạng ở khắp mọi nơi, hệ thống giao hàng phát triển rất tốt. Người mua hàng online sẵn sàng trả tiền cho người giao hàng để không phải tốn chi phí đi lại.

Thói quen mua sắm trực tuyến hình thành rất nhanh trong giới trẻ và lan sang những đối tượng khác bởi sự tiện lợi mà nó đem lại quá rõ ràng. Dịch Covid-19 chỉ thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi này” - ông Hiển nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận