Cuộc kháng cự với các bảng xếp hạng

PHẠM THỊ LY 14/09/2020 22:09 GMT+7

TTCT - Để hiểu tận gốc rễ tất cả những tranh luận tóe lửa gần đây về chuyện “mua” - “bán” bài báo khoa học, không thể không trở về cội rễ của nó vốn là cuộc đua xếp hạng đại học.

 

Hầu hết các bảng xếp hạng đại học (ĐH) toàn cầu đều rất coi trọng thước đo về thành quả nghiên cứu khoa học. Tiêu chí này có trọng số khác nhau tùy bảng xếp hạng, nhưng đều rất lớn. 

Trong bảng xếp hạng Thượng Hải ARWU, tất cả mọi chỉ báo đều là về hoạt động nghiên cứu, trong bảng xếp hạng THE thì riêng chỉ số trích dẫn đã chiếm 30%, lại thêm 30% về năng suất nghiên cứu, thu nhập từ nghiên cứu và uy tín học thuật, với QS thì chỉ số trích dẫn có trọng số 20%.

Vì thế số lượng và chất lượng bài báo khoa học do một trường ĐH công bố có vai trò quan trọng, thậm chí quyết định đối với thứ hạng của họ trong các bảng xếp hạng toàn cầu này.

Đầu tiên, phải nói ngay: vị trí xếp hạng tốt sẽ kích hoạt hiệu ứng Matthew (người giàu giàu thêm, người nghèo nghèo thêm) nổi tiếng. Trường leo lên bậc thang xếp hạng, tương ứng vô số lợi ích: thu hút nhiều sinh viên và giảng viên giỏi hơn, các khoản đóng góp hiến tặng tăng lên, và ở nhiều quốc gia, được nhà nước tăng cường phân bổ ngân sách.

Thứ hạng cũng được các nhà hoạch định chính trị ưa chuộng vì họ coi đó là ánh chiếu của một nền kinh tế, nền khoa học ngon lành.

Nhưng bảng xếp hạng không nói lên điều gì về chất lượng của một trường đại học, dù các tổ chức đứng sau các bảng xếp hạng này ra sức quảng bá. Và đây là một trò chơi mà rất ít người chơi có đủ năng lực để chơi cho có lợi.

Bảng xếp hạng đầu tiên xuất hiện năm 1870 do một ủy ban trong Bộ Giáo dục Mỹ đưa ra như một báo cáo thống kê để giúp các trường, chủ yếu là cấp khoa, tự đối sánh những thành quả của họ. Nhưng đến khi bảng xếp hạng đầu tiên của US News and World Reports ra đời năm 1983, đó đã là một bảng xếp hạng có tính chất thương mại và là xếp hạng giữa các trường.

Bảng xếp hạng Thượng Hải ra đời năm 2003 đã làm thay đổi hoàn toàn mục tiêu và ý nghĩa của việc xếp hạng ĐH: xếp hạng được coi là một công cụ chính sách để biện minh cho các quyết định chính trị ở tất cả mọi cấp: cấp quốc tế, quốc gia, cấp trường, và cả cấp độ cá nhân.

Thứ hạng đã trở thành biểu tượng đại diện đơn giản cho “chất lượng” và “uy tín” của một trường ĐH dù trong thực tế nó không hề phản ánh đầy đủ những gì mà một trường ĐH phải là.

Vì thứ hạng gắn với túi tiền của tất cả các trường, hoặc dưới hình thức các dự án quốc gia như ở Trung Quốc, hay phân bổ ngân sách hằng năm, hay qua khả năng thu hút sinh viên trong và ngoài nước, cuộc chạy đua giành thứ hạng cao đã bị kích hoạt như một hệ quả không thể tránh và trở nên ngày càng quyết liệt.

Tính đến nay, thế giới có khoảng vài chục bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, chưa kể vô số xếp hạng cấp khu vực hay cấp quốc gia. Mỗi bảng xếp hạng đưa ra những tiêu chí và phương pháp thu thập, xử lý số liệu khác nhau. Tình hình lộn xộn đến nỗi người ta phải đưa ra một bảng “xếp hạng các bảng xếp hạng” vào năm 2017, nhằm đánh giá tính khoa học và khả tín của các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu.

Ảnh chụp màn hình Bảng xếp hạng Thượng Hải (tháng 9-2020)
Ảnh chụp màn hình Bảng xếp hạng Thượng Hải (tháng 9-2020)

Chẳng có gì mà họ không dám làm

Xếp hạng ĐH gây ra một tác động lớn đến nỗi lãnh đạo các trường ĐH thật khó mà xem như không có nó. Năm 2012, Trường University of New South Wales (Úc) đăng quảng cáo tìm người cho vị trí “quản lý chiến lược tạo uy tín”, còn ĐH La Trobe (Úc) thì nêu rõ tìm người làm công việc “quản lý việc xếp hạng nhà trường” với mức lương trên 100.000 USD/năm.

Bản mô tả công việc nói rõ nhiệm vụ của họ là xây dựng mối quan hệ với các tổ chức xếp hạng để “tối đa hóa” hay “tối ưu hóa” thứ hạng của nhà trường. Hiệu trưởng UNSW còn tuyên bố rằng điều quan trọng là các trường phải có đội ngũ chuyên trách việc trình bày các số liệu sao cho đẹp đẽ.

“Trình bày số liệu”, những từ này có ý nghĩa gì? Vì số liệu là do các trường cung cấp cho các tổ chức xếp hạng, người ta đã giấu nhẹm con số giảng viên hợp đồng bán thời gian, để con số giảng viên có biên chế nhìn có vẻ “ấn tượng” hơn.

Năm 2012, tờ báo lớn nhất của Úc Australian công bố danh sách 60 nhà nghiên cứu có chỉ số trích dẫn cao được “bổ nhiệm” làm “giáo sư hợp đồng” ở một trường ĐH Saudi Arabia với mức lương chừng 70 ngàn/người chỉ để đến trường một lần mỗi năm, và đưa tên trường vào các bài báo khoa học của họ.

Đó là giáo sư của các trường đỉnh ở Mỹ, Canada, châu Âu, châu Á và Úc. Chỉ trong vòng hai năm, trường Saudi Arabia này từ chỗ không tên không tuổi tiến thẳng vào danh sách 200 trường hàng đầu của bảng xếp hạng Thượng Hải danh tiếng lẫy lừng (ARWU).

Nhưng câu chuyện không chỉ dừng ở đó. Năm 2020, Mario Biagioli và Alexandra Lipman cho ra đời cuốn sách Gaming the Metrics: Misconduct and Manipulation in Academic Research (tạm dịch: Biến các thước đo thành trò ma mãnh: Những hành vi sai trái và sự thao túng trong nghiên cứu học thuật), trong đó phơi bày tất cả mánh khóe của giới nghiên cứu và giới xuất bản khoa học nhằm thao túng các con số về thành tích, cũng như thảo luận về những tác hại của nó đối với sự phát triển của khoa học và về những giải pháp để thoát ra khỏi tình trạng đó.

Cuốn sách trình bày một bức tranh hầu như không thể tin nổi, nó vượt xa mọi sự tưởng tượng của công chúng. Nếu một nhà khoa học ở thế kỷ trước sống lại và đọc cuốn sách này, hẳn ông sẽ không nói nên lời.

Với sự trợ giúp của trí thông minh nhân tạo, với lợi nhuận khổng lồ của giới kinh doanh xuất bản khoa học, với áp lực đặt ra cho lãnh đạo các trường và cho giới khoa học, người ta đã nghĩ ra đủ loại công cụ để biến các thước đo thành một trò đùa: từ việc dùng phần mềm để viết những bài nghiên cứu vô nghĩa nhưng nhìn rất “hàn lâm”, cho đến việc tạo ra những tập san dỏm, bình duyệt giả mạo, những “băng nhóm” và “kỹ thuật” để tăng chỉ số trích dẫn, tác giả ma, tác giả quà, không có việc gì mà người ta không dám làm.

Ai ăn cả, ai ngã về không ?

Có lợi trực tiếp đương nhiên là giới xuất bản khoa học. Mô hình kinh doanh của xuất bản khoa học là một mô hình kỳ lạ chưa từng có: toàn bộ lao động của giới hàn lâm để tạo ra sản phẩm, từ nghiên cứu cho đến bình duyệt, các nhà kinh doanh này không phải trả một xu nào, nhưng họ có thể thu ấn phí cho việc công bố từ vài trăm đến vài ngàn đôla Mỹ mỗi bài, chưa kể các hợp đồng truy cập triệu đô với các thư viện ĐH.

Nhưng đây là một trò chơi có tổng bằng không. Người gánh chịu thiệt hại trực tiếp trước hết là giới hàn lâm chân chính, và những thiệt hại này kéo theo những mất mát rất nghiêm trọng cho cả xã hội. Một số ít người nghiên cứu ma mãnh được hưởng lợi với cái giá phải trả của toàn bộ giới hàn lâm nghiêm túc.

Áp lực công bố khoa học khiến người ta khó lòng theo đuổi những dự án dài hơi và nhiều rủi ro, ngược lại, phải chiều theo “khẩu vị” của các tập san.

Nghiên cứu khoa học, về bản chất là để tìm kiếm tri thức mới, phát hiện ra các sự thật và quy luật, thì giờ đây chủ yếu nhằm phục vụ cho việc viết bài báo khoa học và công bố trên các tập san có chỉ số tác động cao.

Không mấy ai băn khoăn về việc những bài báo khoa học đó đã đóng góp như thế nào cho kho tàng tri thức: 82,55% tổng số bài báo khoa học trên thế giới chưa bao giờ được trích dẫn, chứ chưa nói tới việc có gì hữu ích cho xã hội. Mỗi năm chỉ riêng Nhà xuất bản Elsevier đã nhận được khoảng 1,5 triệu bài báo, đa số là bị vứt vào sọt rác. Công bố khoa học ngày nay chủ yếu là công cụ đo đếm thành tích cho nhà khoa học và cho các trường.

Đương nhiên vẫn có người làm khoa học nghiêm túc và tìm kiếm những kết quả thực sự có ý nghĩa, nhưng quả là khó cho họ để tìm được nguồn tài trợ và được nhìn nhận công bằng trong bối cảnh này.

Tất cả những việc phục vụ cho tăng hạng đều cần có một nguồn lực khổng lồ. Dù là chi tiền nghiên cứu cho giảng viên của trường hay thuần túy mua danh, thì cũng đều là tiền. Người ta coi đó là chi phí tiếp thị hay đầu tư.

Sẽ rất tốt nếu tiền chi cho nghiên cứu thật, tạo ra kết quả thật, nâng cao năng lực nghiên cứu thật và làm giàu kho tàng tri thức, qua đó sinh viên và cả xã hội cũng được hưởng lợi. Nhưng thật là khủng khiếp nếu như cái mua được chỉ là những bài báo không có mấy ý nghĩa cho xã hội, mà thực chất là làm giàu cho giới kinh doanh ấn phẩm khoa học, với những khoản tiền được tính thẳng vào học phí của sinh viên hay vào ngân sách.

Ở trường hợp Việt Nam, không thể không nhớ lại vài con số: hai nguồn thu chủ yếu đối với các trường ĐH Việt Nam là tài trợ của nhà nước và học phí. Trong đó, nguồn thu từ học phí là 54,4%.

Ảnh: mabecs.com
Ảnh: mabecs.com

Cuộc tranh đấu đã bắt đầu từ lâu

Mặc cho những nỗ lực cải thiện các tiêu chí và phương pháp xếp hạng nhằm phản ánh tốt hơn hoạt động của các trường, vẫn có một làn sóng ngày càng mạnh của giới hàn lâm nhằm phản kháng lại trào lưu này.

Bắt đầu từ năm 2010, các nhà quản lý ĐH ở Pháp đã tổ chức bàn tròn “Quên đi Thượng Hải” để chỉ ra những tác hại của xếp hạng ĐH. Ở Úc có James Cook University tuyên bố không quan tâm tới bảng xếp hạng Thượng Hải, một số trường ở Mỹ và Canada từ lâu đã chấm dứt cung cấp dữ liệu cho các bảng xếp hạng trong nước.

Nhiều hiệp hội chuyên ngành của Đức đang vận động tẩy chay bảng xếp hạng trong nước do Trung tâm Phát triển giáo dục ĐH thực hiện, trong đó có Hiệp hội Tâm lý học Đức, Hiệp hội Sử gia Đức, Hiệp hội Hóa học và Hiệp hội Giáo dục Đức.

Họ yêu cầu các nhà khoa học thành viên, các khoa liên quan không nộp dữ liệu cho các tổ chức xếp hạng. Bốn trường ĐH Đức cũng tuyên bố không nộp bất cứ dữ liệu gì cho mục đích xếp hạng: ĐH Hamburg, Leipzig, Cologne, và Hagen.

Các trường này nói rằng chỉ riêng việc chuẩn bị dữ liệu ấy đã đòi hỏi một nhóm chừng 10 nhân viên chuyên trách, mà họ sẽ không phí nguồn lực cho việc đó nữa, bởi vì nhiệm vụ của trường ĐH là mang lại chất lượng giáo dục tốt nhất cho sinh viên (chứ không phải là chứng minh ta đây đang làm tốt hơn người khác).

Tháng 3-2013, hơn 300 giáo sư kinh tế học Đức tuyên bố phản đối bảng xếp hạng các giáo sư ngành kinh tế do tờ nhật báo chuyên về tin tức kinh tế Handelsblatt đề xướng, bởi vì kiểu xếp hạng đó tạo ra những động cơ không lành mạnh.

Năm 2012, Liên đoàn Hiệu trưởng các trường ĐH châu Mỹ Latin ra một bản tuyên bố nhằm khuyến cáo về tác động tiêu cực của các bảng xếp hạng ĐH quốc tế. Bản tuyên bố này nêu: “Phần lớn các nhà lãnh đạo và công chúng đều xem các kết quả xếp hạng này là thước đo khách quan và toàn diện về chất lượng của các trường.

Nhưng thực tế là không bao giờ có một bảng xếp hạng nào có thể khách quan và toàn diện”. Tuyên ngôn này, có sự đồng thuận của hiệu trưởng và lãnh đạo cấp cao 65 trường ĐH trong 14 quốc gia châu Mỹ Latin, kêu gọi các nhà làm chính sách không sử dụng kết quả xếp hạng như một công cụ để đánh giá kết quả hoạt động của các trường, hoặc để thiết kế chính sách cho hệ thống giáo dục ĐH, phân bổ nguồn ngân sách, hay quyết định chính sách khen thưởng, khích lệ với các trường và với cá nhân giảng viên.

Tuyên bố đó bắt nguồn từ mối lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng mà việc chạy đua theo các bảng xếp hạng đã gây ra.

Nói chung, những ý kiến phê phán tập trung vào luận điểm cho rằng việc chạy đuổi theo thứ hạng đã khiến các trường xao lãng nhiệm vụ giảng dạy và trách nhiệm xã hội của họ. Trong một báo cáo năm 2016 của UNESCO về xếp hạng ĐH và vấn đề trách nhiệm giải trình, các tác giả đã đặt câu hỏi phải chăng việc xếp hạng gây ra nhiều tác hại hơn là mang lại lợi ích.

Tuy vậy, có vẻ như những nỗ lực phản kháng này không đạt được hiệu quả nào đáng kể. Trong số hơn 17.000 trường ĐH trên thế giới, chỉ khoảng 1% được kể tên trong ba bảng xếp hạng ĐH quốc tế nổi bật nhất, nhưng việc xếp hạng thì lại ảnh hưởng đến tất cả các trường còn lại.

Cho dù người ta có nhấn mạnh rằng thứ hạng không nên được coi là nguồn thông tin duy nhất về chất lượng của các trường, cho dù giới hàn lâm nói khản cổ về những tác hại của xếp hạng, cuộc đua vẫn không hề dừng lại.

Lý do rất dễ hiểu. Trong một phóng sự điều tra trên The Guardian ngày 27-6-2017, Stephen Buranyi cho biết lợi nhuận chỉ từ một chi nhánh của Nhà xuất bản Elsevier năm 2010 đã là 724 triệu bảng trên 2 tỉ doanh thu, tỉ suất lợi nhuận là 36%, lớn hơn nhiều so với Apple, Google hay Amazon trong cùng năm.

Các trường ĐH có động lực mạnh mẽ để tăng hạng: nó là yếu tố quyết định để thu hút sinh viên với mức học phí khủng. Các bậc cha mẹ sẵn sàng chi tiền cho con cái vào học các trường có thứ hạng cao với hi vọng sẽ tìm được việc làm tốt. Các nhà tuyển dụng vẫn còn tin vào cái tên trường trên tấm bằng của người xin việc.

John Kelly, giáo sư danh dự của ĐH Dublin, nhấn mạnh tác dụng phá hoại của việc xếp hạng ĐH trong một lá thư gửi báo chí: “Tiêu chí quan trọng nhất của các bảng xếp hạng này là bài báo khoa học. Nó không nói lên bất cứ điều gì về những thành tựu trong giảng dạy và đào tạo.

Các bảng xếp hạng đơn giản chỉ là những doanh nghiệp thương mại và không có chứng cứ nào cho thấy nó có giá trị gì với giáo dục ĐH”. Nhưng ông cũng thừa nhận là giờ đây khó lòng mà tẩy chay được các bảng xếp hạng, vì các trường đã và đang rơi vào một cuộc đua không lối thoát.

Cả thị trường cũng phản kháng

Tuy nhiên, điều này đang thay đổi. Khi sự gian lận phổ biến đã biến một bộ phận trong giới hàn lâm thành cái chợ trời học thuật, biến các thước đo thành những trò đùa lố bịch, ngày càng nhiều tiếng nói nêu ra những bất cập của hệ thống đánh giá nghiên cứu và đòi thay thế nó bằng những hình thức khác thỏa đáng hơn, ví dụ như sáng kiến về tập san mở trực tuyến cho phép bình duyệt công khai, hoặc đề xuất về xếp hạng hệ thống thay cho xếp hạng từng trường, và xếp hạng đa chiều.

Đòn quyết định tối hậu bao giờ cũng là của thị trường. Cũng như đối với mọi thứ khác trên đời, hễ có cầu là có cung. Cái gốc của xếp hạng vẫn là nhu cầu của các bên liên quan. Khi tác động của nó trở thành hủy hoại sự liêm chính trong nghiên cứu khoa học và làm giảm chất lượng đào tạo, tất yếu là nó sẽ ảnh hưởng xấu đến những công ty công nghệ cần nguồn nhân lực kỹ năng cao.

Google, Apple, IBM và 11 công ty Mỹ khác là những doanh nghiệp đi đầu trong việc làm giảm sự sùng bái bằng cấp trong công chúng bằng cách từ năm 2018 đã tuyển dụng nhân sự chuyên môn mà không cần họ có bằng ĐH, kể cả cho các vị trí đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao như kỹ sư phần mềm, quản lý sản phẩm, thiết kế tiếp thị...

Thông điệp họ gửi đi là rất rõ ràng: “Chúng tôi không cần biết anh học trường nào và có bằng cấp gì, chúng tôi chỉ cần biết anh có làm tốt những việc mà chúng tôi cần hay không mà thôi”.

Nếu tất cả các doanh nghiệp đều xử sự như thế thì mọi trò ma mãnh trong lĩnh vực xếp hạng ĐH sẽ không còn đất sống. Tương lai đó có lẽ không còn xa, vì nhu cầu sử dụng nhân lực có kỹ năng cao thực sự là một nhu cầu không bao giờ mất. Khi tấm bằng ĐH không đại diện cho những kỹ năng đó nữa, lại còn quá đắt đỏ, nó sẽ không còn giá trị. ■

Diễn tiến gần đây nhất ở Việt Nam là hệ thống xếp hạng đối sánh mang tên “University Performance Metrics” (UPM). Nó là một công cụ, nên nó tốt xấu như thế nào là do cách ta sử dụng.Nếu nó được coi là phương tiện để các trường thực hiện trách nhiệm giải trình với công chúng, nó có thể có ích. Còn nếu vẫn là một cuộc đua thứ hạng của các trường nhằm tiếp thị - mà điều này không ít thì nhiều, khó tránh khỏi - thì cuộc chiến chống lại “căn bệnh” xếp hạng sẽ càng thêm khó khăn.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận