Quan hệ kinh tế Nhật Bản - Đông Nam Á: Đối tác tất yếu

CHIÊU VĂN 23/10/2020 23:10 GMT+7

TTCT - Ngay cả gác qua yếu tố chính trị, hợp tác kinh tế và thương mại sâu sắc hơn giữa Nhật Bản và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam như một trụ cột, là đòi hỏi tất yếu với cả hai phía.

Các toa tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cập cảng Khánh Hội, TP.HCM sáng 8-10. Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các toa tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cập cảng Khánh Hội, TP.HCM sáng 8-10. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bên lề chuyến thăm rất được chú ý của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tới Việt Nam và Indonesia vừa diễn ra, ngày 20-10, Nikkei Asian Review loan đi một tin tức vừa thực tế vừa có tính biểu tượng: Hai ngân hàng hàng đầu Nhật Bản đã chuyển văn phòng từ Hong Kong và London sang Đông Nam Á để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp của họ trong khu vực này.

Theo đó, Gunma Bank, có trụ sở ở Tokyo, sẽ mở văn phòng đại diện tại TP.HCM trong năm tài khóa này để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ Việt Nam. Còn Ngân hàng Yokohama đã đóng cửa văn phòng ở London và mở chi nhánh tại Singapore vào tháng 8.

“Những động thái này diễn ra khi chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích các hãng sản xuất chế tạo trong nước xây nhà máy ở Đông Nam Á, một động thái được nhìn nhận rộng rãi là nhằm giảm bớt sự phụ thuộc thái quá vào Trung Quốc”, Nikkei bình luận.

Những sự dịch chuyển này là dễ hiểu sau khi chính quyền Suga công bố kế hoạch hỗ trợ có thể lên tới một nửa tổng chi phí đầu tư cho các công ty lớn của Nhật Bản đầu tư vào ASEAN, và có thể tới 2/3 cho các doanh nghiệp nhỏ hơn. Bản thân Thủ tướng Suga cam kết rất lớn với kế hoạch này.

“Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác với ASEAN để tăng sự linh hoạt cho các chuỗi cung ứng và xây dựng những nền kinh tế châu Á đủ sức chống chọi khủng hoảng”, ông Suga nói trong một bài phát biểu tại Đại học Việt Nhật, theo Nikkei.

Không chỉ Nhật Bản mới cần đa dạng hóa. Dữ liệu thương mại của ASEAN trong 10 năm qua cho thấy khối này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Tổng thương mại hai chiều tăng lên 2,8 nghìn tỉ đôla năm 2019 từ 1,9 nghìn tỉ đôla vào năm 2009, và tỉ lệ thương mại với Trung Quốc của cả khối tăng từ 11,6% lên 18% trong cùng kỳ.

Dù thương mại ASEAN - Nhật Bản khiêm tốn hơn - khoảng 237 tỉ đôla vào năm 2018, rất nhiều công ty Nhật đặt cơ sở sản xuất và cung cấp dịch vụ trong vùng. Quan hệ gần gũi của Tokyo với Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là lợi thế cho các đối tác của Nhật Bản trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ về kinh tế và thương mại đang rất căng thẳng.

Ngoài sự đa dạng, Đông Nam Á cũng là điểm đến hấp dẫn hơn cho các hãng sản xuất chế tạo Nhật Bản từ góc độ chi phí. Lương trung bình năm của một công nhân lĩnh vực này ở Indonesia là gần 6.000 đôla và Việt Nam là hơn 4.000 đôla, so với gần 10.000 đôla ở Trung Quốc, theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản.

Ngay từ trước khi lên làm thủ tướng, trong vai trò chánh văn phòng nội các của người tiền nhiệm Shinzo Abe, khi đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản, ông Suga đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu phải xử lý sự phụ thuộc thái quá của chuỗi cung ứng sản xuất vào bất kỳ quốc gia nào.

Ông dẫn ra ví dụ các hãng xe hơi Nhật đã phải đóng cửa nhà máy, chịu thiệt hại kinh tế lớn khi các hãng cung ứng phụ trợ ở Trung Quốc không thể hoạt động vào đầu dịch virus corona.

Riêng với Việt Nam, Nhật Bản lại càng là một đối tác kinh tế quan trọng đặc biệt. Còn nhớ năm 2017 khi ông Abe thăm Việt Nam, ông và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi đi một thông điệp ý nghĩa khi cùng nhau dạo chơi phố cổ Hội An, từng là một hải cảng tấp nập nơi các thương nhân người Nhật tới buôn bán và hình thành một cộng đồng “Nhật kiều” đáng kể giai đoạn thế kỷ 16, 17.

Trước đó, Hà Nội cũng là điểm dừng chân đầu tiên của ông Abe trong chuyến công du Đông Nam Á năm 2013, sau khi ông trở lại nắm quyền thủ tướng vào tháng 12-2012.

Đi kèm các động thái ngoại giao là hành động thực tế: từ 2014 tới 2018, Nhật Bản đã hỗ trợ khoảng 280 tỉ đôla tiền vay ODA cho Việt Nam để phát triển hạ tầng, quản trị nguồn nhân lực, cũng như các dự án môi trường, năng lực quản trị công... và là nhà tài trợ ODA số 1 của Việt Nam.

Việt Nam cũng là điểm đến ưu tiên của chương trình Đối tác vì sáng kiến cơ sở hạ tầng chất lượng (Partnership for Quality Infrastructure Initiative, PQII), với số vốn đầu tư dự kiến 110 tỉ đôla cho giai đoạn 2016-2020.

Trong cả tên gọi và cách thức triển khai, có thể thấy đây là một nỗ lực tạo ra đối trọng với Vành đai con đường (BRI) của Trung Quốc, một dự án mà nhiều nước Đông Nam Á thấy còn lưỡng lự chưa muốn tham gia vì nhiều lý do.■

Tính tới trước đại dịch, bất chấp những ồn ào của BRI, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư hạ tầng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng vốn cam kết gần gấp rưỡi so với Trung Quốc, theo dữ liệu của Fitch Solutions công bố cuối năm 2019.

Các dự án hạ tầng có vốn Nhật Bản ở sáu nền kinh tế lớn nhất ASEAN - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - tổng trị giá 367 tỉ đôla, so với 255 tỉ đôla của Trung Quốc. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính các nền kinh tế Đông Nam Á cần 210 tỉ đôla mỗi năm để đầu tư cho hạ tầng giai đoạn 2016 - 2030 thì mới duy trì được nhịp tăng trưởng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận