Influencers giả

NGUYỄN VŨ 30/06/2019 22:06 GMT+7

TTCT - Giờ đây, nhiều người đã biết đến từ “influencers” - chỉ những người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội mà các nhãn hàng thường thuê để quảng bá sản phẩm hay dịch vụ cho họ. Nhưng thuê influencers người thật thì đắt, tính khí lại không dễ chiều chuộng, đi kèm là rủi ro những người này rơi vào chốn thị phi, ảnh hưởng xấu ngược trở lại nhãn hàng. Thế là ra đời influencers giả, ngày càng được ưa chuộng trong thế giới marketing.

 

Hãng Balmain thuê nhiếp ảnh gia Cameron-James Wilson sáng tạo ra ba người mẫu kỹ thuật số, từ trái Margot, Shudu và Zhi. Nguồn: Hãng Balmain
Hãng Balmain thuê nhiếp ảnh gia Cameron-James Wilson sáng tạo ra ba người mẫu kỹ thuật số, từ trái Margot, Shudu và Zhi. Nguồn: Hãng Balmain

Một quảng cáo gần đây của Calvin Klein bị phê phán dữ dội (và hãng này phải xin lỗi) với bức hình chụp hai phụ nữ hôn nhau thắm thiết: một người là Bella Hadid, người mẫu xinh đẹp được biết không phải là người đồng tính.

Thiên hạ phê phán vì quảng cáo như thế là lừa dối khách hàng. Vấn đề là cô gái thứ hai - Miquela Sousa - còn được biết dưới tên Lil Miquela, xinh đẹp không kém, lại là đồ giả. Cô là một sản phẩm của máy tính, được “dựng lên” với nguồn gốc Brazil, có đám bạn sôi động và cuộc sống hào nhoáng.

Hiện Lil Miquela có 1,6 triệu người theo dõi trên Instagram, nhạc của cô trên Spotify có 80.000 người nghe. Cô làm việc với nhãn hàng thời trang Prada, trả lời phỏng vấn báo chí... như một người mẫu 19 tuổi đầy tiềm năng.

Không ai biết cô là người giả, chỉ tồn tại trên không gian ảo. Mãi đến năm ngoái, người ta mới tiết lộ thân phận của cô. Sự thành công của Lil Miquela làm nhiều hãng sực tỉnh: sao phải thuê người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên điện ảnh làm influencers trên mạng xã hội, sao không tạo ra một đại sứ hình ảnh kỹ thuật số?

Thế là nhãn hàng thời trang Balmain năm ngoái thuê nghệ sĩ người Anh Cameron-James Wilson thiết kế ba người mẫu kỹ thuật số, gồm một cô da trắng, một cô da đen và một cô gốc Á. Sau đó, nhiều nơi khác bắt chước làm theo.

Và người giả đang tồn tại khắp nơi trong cuộc sống của chúng ta, chủ yếu ở dạng giọng nói. Cô gái Alexa trong chiếc loa Echo của Amazon hỏi gì đáp nấy là một ví dụ. Người giả như thế được chấp nhận như một phần của cuộc sống, bởi nghe giọng nói trên Google Maps hướng dẫn cách lái xe thì ít ai thắc mắc đó là giả hay thật.

Hỏi chuyện Siri trên iPhone hay gần đây là thư ký - trợ lý ảo trên Google Assistant, ta đã coi đó là chuyện bình thường, như thể ta đang nói với một người thật.

Nay bên cạnh giọng nói còn cả hình ảnh và video. Phần lớn được thiết kế theo khuôn mẫu định sẵn, như Shudu được sáng tạo như một búp bê Barbie Nam Phi, mà theo mô tả của tờ The New Yorker là “sự phóng chiếu hình ảnh một cô gái đẹp da đen trong trí tưởng tượng của một gã đàn ông da trắng”.

Hiện nay, Mỹ chưa có luật lệ gì chi phối việc sử dụng influencers giả, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ chỉ nhắc nhở các doanh nghiệp sử dụng người kỹ thuật số trong quảng cáo phải bảo đảm mọi điều về sản phẩm là đúng với sự thật, không cố ý sai lệch hay nói quá.

Nói cho đúng, influencers ảo, theo nhận xét của The New York Times, cũng không khác lắm so với người nổi tiếng được thuê làm influencers. Khi xuất hiện như đại diện của nhãn hàng, những người nổi tiếng này trình ra một cuộc sống giả tạo đầy hào nhoáng, xa hoa, không chút tì vết để dụ dỗ khách hàng.

Tuy nhiên, dùng influencers giả có nguy cơ bị khách hàng nghi ngờ, bởi người đã giả thì làm sao tin vào thông điệp được rao giảng? Alexis Ohanian, người đồng sáng lập Reddit, nhận xét: “Mạng xã hội đến nay chủ yếu là lĩnh vực của người thật sống giả. Nhưng các avatar (hình nhân) mới là tương lai của tương tác”.

Cô gái ảo Lil Miquela “sống” thật trên đời suốt hai năm mới được tiết lộ thân phận giả. Công ty sáng tạo ra cô, Brud, cũng bí mật không kém. The New York Times cho biết công ty này đăng ký doanh nghiệp tại một địa chỉ ở Silver Lake, nhưng thật sự hoạt động ở thành phố Los Angeles.

Brud tự giới thiệu như một studio truyền thông trên nhiều nền tảng chuyên sáng tạo ra các nhân vật kỹ thuật số. Họ khoe Lil Miquela cũng thật chẳng kém gì Rihanna.

Cách tiết lộ thân phận của Lil Miquela cũng là một chiêu trò PR khôn khéo của Brud. Đầu tiên, tài khoản của Lil Miquela bị một cô gái tên là Bermuda chiếm đoạt. Cô này xóa hết thông tin, tuyên bố chỉ trả lại tài khoản nếu Lil Miquela nói lên sự thật.

Bằng cách hé mở dần dần như thế, cô này kể câu chuyện Lil Miquela là robot được một kẻ thiên tài chế tạo như một người phục vụ trong nhà, sau đó được Brud giải thoát và lập trình lại để sống đời người mẫu.

Thoạt tiên, Lil Miquela thề sẽ trả thù Brud vì đã bán cô cho nhiều thương hiệu, nhưng sau đó lại tha thứ... Câu chuyện không lừa được ai, nhưng thu hút nhiều người theo dõi. Cứ tưởng tượng có ngày Lil Miquela có thêm trí tuệ nhân tạo để tương tác với từng người, có lẽ lúc đó không influencers thật nào qua mặt cô được nữa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận