Bao giờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thật sự xanh?

QUỐC THANH 29/09/2017 00:09 GMT+7

TTCT- So với trước đây, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở TP.HCM hiện nay đã thay đổi nhiều, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là “con kênh xanh” đúng nghĩa khi thực tế dòng kênh vẫn còn ô nhiễm.

Rác nổi trên mặt nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn qua Q.Tân Bình. -Ảnh: QUANG ĐỊNH
Rác nổi trên mặt nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn qua Q.Tân Bình. -Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

“Bơm oxy” cho kênh: cần hàng trăm tỉ đồng

Khi cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN) chết nhiều do ngộp thở, nhiều người nghĩ đến việc “tiếp hơi” cho cá bằng cách tăng cường lượng oxy hòa vào nước kênh, giống như ở các ao nuôi tôm.

Một nghiên cứu được Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) TP cùng nhiều cơ quan chuyên môn tiến hành ngay sau các đợt cá chết, với kết luận: giải pháp này hoàn toàn thực hiện được về mặt kỹ thuật.

Tuy nhiên, tính toán sơ bộ cho thấy chi phí lắp đặt thiết bị cấp oxy cho kênh tốn đến hàng trăm tỉ đồng. Còn tiền điện để vận hành hệ thống này cũng tốn cả trăm triệu đồng mỗi tháng.

Chính sự tốn kém như vậy, nên theo Sở TN-MT TP là không cần thiết. Đề xuất cấp oxy cho dòng NL-TN đã không hình thành trên thực tế.

Khi khảo sát thực tế ở kênh NL-TN, Sở TN-MT TP đã ghi nhận: tại cống xả khu vực đường Đặng Văn Ngữ có hiện tượng nước xả thải vào tuyến kênh mặc dù trời không mưa.

Ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM - cho biết hiện trung tâm mới tiếp nhận bàn giao tạm từ chủ đầu tư để vận hành. Trung tâm sẽ yêu cầu chủ đầu tư rà soát, đề xuất giải pháp khắc phục.

Ông Long đề nghị để đảm bảo kênh NL-TN sạch, phải kiểm soát nguồn thải từ các hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Ngoài những vấn đề trên, các nhà khoa học cũng chỉ ra điểm bất lợi ở kênh NL-TN là con kênh này gần như không có độ dốc, đầu nguồn Q.Tân Bình và cuối nguồn (sông Sài Gòn) chỉ chênh nhau khoảng 1m.

Sở TN-MT TP cho rằng vì lý do này nên mức độ tự chuyển tải chất thải (khả năng tự làm sạch) ra sông Sài Gòn của kênh rất kém. Nước thải ở kênh chưa kịp thoát ra sông Sài Gòn đã bị thủy triều dồn, ứ đọng vào sâu bên trong và các đường cống, làm cho chất ô nhiễm tích tụ, bồi lắng trong lòng kênh...

Lãnh đạo Sở TN-MT TP khẳng định giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề môi trường ở kênh NL-TN là phải nạo vét lòng kênh.

Trước mắt, sở đề nghị Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP tăng cường hoạt động hệ thống bơm nước thải (công suất 64.000 m3/giờ) trong và sau những cơn mưa lớn để giảm hàm lượng các chất độc hại lưu cữu trong nước kênh.

Trồng cây để hút chất ô nhiễm?

Theo các chuyên gia, việc cải tạo môi trường để kênh NL-TN thật sự sạch, hết ô nhiễm không phải là bế tắc. PGS.TS Phùng Chí Sỹ (chuyên gia về môi trường) cho rằng quan trọng nhất là cắt được nguồn nước thải vào kênh.

Nước thải sinh hoạt của người dân ở khu vực rộng lớn thuộc nhiều quận phải được thu gom, đưa về trạm xử lý sơ bộ ở cuối nguồn, trước khi bơm đẩy ra sông Sài Gòn.

Ngoài ra có thể tác động bằng giải pháp sinh học để thúc đẩy cải tạo môi trường là dọc hai bờ kênh, có thể thiết kế những tiểu đảo xanh, rải rác kết hợp với giếng phun tạo thêm oxy trong dòng nước.

Về việc trồng cây dưới lòng kênh, ông Sỹ khuyến cáo nên chọn những loại cây có thể phát triển nhanh để hút chất hữu cơ, chất ô nhiễm: cây lục bình với lợi thế có bộ rễ dài, hút chất hữu cơ và chất ô nhiễm rất tốt hay một số loại cây có đặc tính sinh học tương tự như rau muống, sen...

Tốt nhất là trồng theo bè, tạo thành những ốc đảo xanh để kiểm soát, không để chúng phát triển tràn lan.

PGS.TS Lê Văn Khoa (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng bất kỳ con kênh nào cũng có khả năng tự làm sạch, chậm hay nhanh còn tùy thuộc vào khả năng của nó, nhưng kênh NL-TN thì khả năng này rất kém.

Bởi vậy, chúng ta không nên chờ đợi, cần có những đầu tư, nạo vét bùn đáy, duy tu bảo dưỡng, kiểm soát xả thải. Còn tôn tạo cảnh quan, cây xanh bóng mát, hoa cỏ... nên để cộng đồng tham gia. Khi được hưởng thụ lợi ích từ đây, trong cộng đồng, ai mà không ủng hộ và bảo vệ con kênh.■

Còn ô nhiễm, cá còn chết

Tháng 5-2013, hơn 200.000 con cá được thả xuống kênh, nhưng chỉ khoảng một năm sau (2014), lượng cá chết thu gom khoảng 15 tấn. Năm 2015, xác cá chết thu gom được khoảng 25 tấn. Năm 2016, ghi nhận có khoảng 100 tấn cá chết được vớt lên từ kênh. Trong năm nay, theo Sở TN-MT TP, dù đã có giải pháp phòng ngừa nhưng cá chết vẫn xảy ra.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận