Muốn nên sự nghiệp lớn…

HUY ĐĂNG 22/11/2020 00:11 GMT+7

TTCT - Không phải thể lực, cơ bắp, tốc độ hay kỹ thuật đỉnh cao, những VĐV hàng đầu thế giới ngày nay chọn cách phát triển những năm đầu sự nghiệp trên nền tảng của khoa học tâm lý.

Swiatek là một trong những nhà vô địch Roland Garros trẻ nhất lịch sử. Ảnh: Getty Images
Swiatek là một trong những nhà vô địch Roland Garros trẻ nhất lịch sử. Ảnh: Getty Images

Tầm quan trọng của những bác sĩ tâm lý với VĐV chuyên nghiệp từ lâu đã không còn là chủ đề phải bàn cãi. Có thể kể ra một danh sách dài những ngôi sao lớn từng làm việc với bác sĩ tâm lý như Kobe Bryant, Michael Jordan, Tiger Woods…

Gánh nặng của những môn thể thao cá nhân

Ở một số môn thể thao cá nhân như quần vợt, tầm quan trọng của bác sĩ tâm lý càng được nhấn mạnh. Simona Halep là một trong những tay vợt nổi tiếng nhất về việc cải thiện sự nghiệp thông qua bác sĩ tâm lý.

Người hâm mộ quần vợt có lẽ không quên giai đoạn đen tối của tay vợt người Romania cách đây hơn 2 năm. Nói một cách chính xác, Halep đã chơi rất ổn định kể từ khi nổi tiếng cách đây 6 năm - thời điểm cô khoảng 23 tuổi. Suốt một giai đoạn khoảng 4 năm, Halep luôn tiến sâu ở các giải Grand Slam cũng như giành danh hiệu đều đặn. Vấn đề của cô là bản lĩnh trong những trận chung kết lớn.

Trước khi giành danh hiệu Grand Slam đầu tiên ở Roland Garros 2018, Halep đã trải qua 3 thất bại ở chung kết Roland Garros 2014, 2017 và Úc mở rộng 2018, ngoài ra còn có 2 lần lọt vào bán kết ở Wimbledon 2014 và Mỹ mở rộng 2015.

Trong trận chung kết Grand Slam đầu tiên của Halep, người ta dành nhiều lời ngợi khen cho cô vì đã chơi quật cường trước đàn chị dày dạn kinh nghiệm Maria Sharapova.

Nhưng 3 năm sau - khi đã 26 tuổi, Halep lại tiếp tục gác vợt trước Jelena Ostapenko cũng trong một trận chung kết Roland Garros, dù đối thủ chỉ là một “cô nhóc” mới đôi mươi. Đó là thời điểm người ta bắt đầu nhận ra những vấn đề tâm lý của Halep.

Cô leo lên vị trí số 1 thế giới, nhưng bị xem là “nữ hoàng không danh hiệu”. Ngoài 3 trận chung kết Grand Slam, Halep còn thất bại ở chung kết WTA Finals và 5 giải đấu lớn khác trong giai đoạn đó.

Darren Cahill - HLV chính của Halep - mô tả về học trò: “Cô ấy phải vật lộn với những tham vọng của mình. Khi những kỳ vọng xuất hiện ngày càng dày đặc, Halep cảm thấy như quên mất niềm đam mê.

Halep là một tay vợt có cá tính, cô ấy thường đá vào không trung, gào thét vào mặt HLV và khán giả và cũng hay tự mắng mỏ bản thân. Cô ấy thường xuyên trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình và những khi đó Halep thường bỏ cuộc”.

Không giống như bóng đá hay các môn thể thao đồng đội khác, quần vợt là môn thể thao cá nhân thuần túy. Những tay vợt không có ai để dựa vào hay chia sẻ và về cơ bản phải tự mình đối mặt mọi vấn đề, từ sức ép khán đài, áp lực chiến thắng cho tới những lời chế nhạo của khán giả hay truyền thông.

Ở Miami mở rộng 2017, Halep suy sụp đến mức phải gọi Cahill vào sân sau khi để thua ván thứ hai. “Tôi thật tệ, quá tệ hại” - Halep nói. Cahill sau đó hỏi Halep muốn gì nhưng cô không trả lời.

Sau cùng, Cahill nói sẽ không huấn luyện Halep nữa. Đó là một “liệu pháp sốc” - theo cách gọi của HLV dày dạn kinh nghiệm này. Cuối cùng, Halep cầu xin Cahill ở lại và nghe theo lời anh, tìm đến một chuyên gia tâm lý.

Càng sớm càng tốt

Người Halep tìm đến là Alexis Castorri - chuyên gia tâm lý từng có kinh nghiệm giúp Andy Murray và Ivan Lendl vượt qua những khó khăn tương tự. Hiệu quả tất nhiên không thể đến một sớm một chiều nhưng rất nhanh chóng, Castorri giúp Halep trở nên điềm tĩnh hơn trong các trận đấu lớn.

“Cô ấy giúp tôi tìm thấy sự cân bằng” - Halep nói. Tay vợt người Romania bắt đầu đáp ứng được kỳ vọng. Cahill kể cô dần học được cách kiểm soát bản thân trên sân đấu, không cần cầu viện HLV khi trận đấu đang diễn ra nữa.

Tháng 1-2018, Halep thua Caroline Wozniacki ở chung kết Úc mở rộng, lần về nhì thứ 3 của cô ở các giải Grand Slam. Nhưng không giống những thất bại trước, Halep không còn cảm thấy tuyệt vọng.

Cô đứng dậy rất nhanh chóng. 4 tháng sau ở Roland Garros, Halep đánh bại Sloane Stephens trong trận chung kết để lần đầu tiên đăng quang ở một Grand Slam. Tầm ảnh hưởng của Castorri là không thể phủ nhận.

Halep chỉ là một ví dụ trong vô số những VĐV tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để giải quyết những bất ổn của mình. Nhưng Iga Swiatek là một trường hợp khác. Tay vợt 19 tuổi người Ba Lan tạo nên địa chấn ở Roland Garros 2020 khi đánh bại một loạt đàn chị tên tuổi để trở thành một trong những nhà vô địch trẻ nhất lịch sử giải đấu.

Ngay sau khi làm nên kỳ tích, Swiatek gửi lời cảm ơn trước nhất đến Daria Abramowicz - bác sĩ tâm lý đã làm việc với cô nhiều năm trời.

Swiatek vốn là con thể thao nhà nòi, cha là VĐV và mẹ là bác sĩ. Cô được định hướng theo thể thao chuyên nghiệp từ nhỏ và từ rất sớm, gia đình cũng như HLV của Swiatek đã nhận ra tầm quan trọng của một chuyên gia tâm lý.

Swiatek được đưa đến gặp Abramowicz từ bé, và được vị bác sĩ tâm lý này định hình về cách thức đối mặt với sức ép và nỗi sợ trong thể thao chuyên nghiệp. Bản thân Abramowicz còn là một VĐV thuyền buồm và thường dắt Swiatek theo trong những chuyến phiêu lưu của mình.

Abramowicz không giúp Swiatek giải quyết những vấn đề về tâm lý như Castorri giúp Halep, mà chuẩn bị cho tay vợt người Ba Lan quen dần với những vấn đề đó ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp đỉnh cao.

Những VĐV như Swiatek là minh chứng cho một thời đại mới của y học thể thao - các VĐV chuyên nghiệp giờ đây không chỉ cần rèn luyện thể lực, tốc độ hay kỹ năng. Trong các bảng đánh giá cầu thủ của giới chuyên môn luôn có một cột chỉ số quan trọng về “mental” (tinh thần).

Sylvain Guimond - chuyên gia tâm lý học thể thao - nhận định vấn đề tinh thần chiếm khoảng 80% khả năng thành công của một VĐV đỉnh cao.

“Chúng ta thấy có rất nhiều VĐV được đánh giá là giàu tiềm năng khi còn ở độ tuổi thiếu niên, nhưng rồi họ thậm chí không thể trở thành VĐV chuyên nghiệp. Vì sao vậy? Vì chỉ số tinh thần của họ quá thấp.

Tinh thần ảnh hưởng đến khả năng thi đấu, đối mặt sức ép hay duy trì phong độ. Ngay cả việc hồi phục các ca chấn thương nặng cũng cần phải có tinh thần thật tốt” - Guimond nói. ■

Đánh mất sự nghiệp vì vấn đề tinh thần

Một nghiên cứu mới đây của Liên đoàn Cầu thủ thế giới (FIFPro) cho thấy giới cầu thủ bóng đá dễ mắc bệnh tâm lý hơn 3 lần so với người bình thường. Nghiên cứu này được thực hiện bởi văn phòng y tế của bác sĩ Vincent Gouttebarge.

Khảo sát này được thực hiện trên 1.000 cầu thủ ở Đức và đến 38% có mắc những hội chứng liên quan đến trầm cảm hoặc lo lắng quá độ. Ắt hẳn người hâm mộ Đức chưa quên bi kịch đã xảy đến với những cầu thủ chuyên nghiệp như Robert Enke - người đã tự sát ở tuổi 32, khi vẫn còn đang chơi chuyên nghiệp, hay Sebastian Deisler - rất mực tài hoa nhưng phải giải nghệ ở tuổi 27 vì bệnh trầm cảm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận