Tình hình châu Á - Thái Bình Dương: Ba đặc điểm nổi bật

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG 31/12/2014 10:12 GMT+7

TTCT - TS Nguyễn Ngọc Trường điểm qua những nét chính trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên nhiều mặt quan hệ quốc tế.

Tây An - thành phố nằm trong hành trình của dự án “Con đường tơ lụa trên bộ” của Trung Quốc - Ảnh: wikimedia
Tây An - thành phố nằm trong hành trình của dự án “Con đường tơ lụa trên bộ” của Trung Quốc - Ảnh: wikimedia

LTS: Khi bạn cầm trên tay số báo này, thế giới đang bước vào những thời khắc cuối của năm 2014. Trong số báo tổng kết, bên cạnh những sự kiện được ghi nhận qua biếm họa (xem trang 22-23), TTCT mời bạn cùng nhìn lại một số câu chuyện chính của thế giới qua những cây bút bình luận của TTCT. 

Năm 2014 thế giới biến động và thay đổi mạnh mẽ. Có thể điểm qua những nét chính trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên nhiều mặt quan hệ quốc tế. 

Một là, Trung Quốc thực hiện những bước điều chỉnh nội trị và quan hệ đối ngoại nổi bật trong năm cầm quyền thứ hai của Chủ tịch Tập Cận Bình, báo hiệu những chuyển biến sâu sắc trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của nước này trong những năm tới, mà xung lực sẽ vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc, tác động đến thế giới, khu vực Đông Á. 

Cải cách kinh tế Trung Quốc kết thúc thời kỳ “dò đá qua sông”, bước vào “vùng nước sâu”, tức đòi hỏi chất lượng thay vì số lượng. Bắc Kinh tiến hành cải cách cơ cấu kinh tế, điều chỉnh mô hình tăng trưởng, chuyển sang giai đoạn tỉ lệ tăng trưởng thấp hơn so với thời kỳ tăng trưởng cao trước đây.

Mặt khác, Trung Quốc đang thực hiện một bước tiến trong phân công lao động mới với việc chuyển dịch sang các ngành sản xuất cao cấp hơn, thân thiện môi trường hơn. 

Rồng Trung Hoa không còn ẩn mình. Ở Đông Á, Trung Quốc tranh thủ tình hình Mỹ bị co kéo chiến lược toàn cầu để đẩy mạnh tranh chấp biển đảo, chuyển dịch trọng tâm tranh chấp từ biển Hoa Đông xuống biển Đông.

Cuộc tranh chấp của Trung Quốc tại vùng biển Đông Nam Á bước sang giai đoạn mới kiểm soát trên thực tế, khai thác trên thực địa, xây dựng các đảo nhân tạo để thiết lập các căn cứ không quân và hải quân, không những nhằm kiểm soát biển Đông mà còn nối dài “cán chổi” quân sự tới các nước Đông Nam Á hải đảo. 

Hai là, cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung tiếp diễn gay gắt. Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách xoay trục, nhưng cuộc tái cân bằng chiến lược không tránh khỏi ảnh hưởng do bị lôi kéo vào các xung đột cục bộ tại Iraq - Syria, Ukraine - Trung Âu - Đông Âu và căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Nga.

Các quan hệ quốc tế ở Đông Á định hình xu thế hợp tác cứ hợp tác, đấu tranh cứ đấu tranh, và một số nước có thể vừa đi với Mỹ về an ninh, vừa đi với Trung Quốc về kinh tế.

Nỗ lực của Mỹ trong việc hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2015 phụ thuộc vào việc chính quyền Obama vận động được Quốc hội - hiện do Đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện - cho phép tổng thống quyền đàm phán nhanh.

Để đối trọng lại với TPP và TTIP (Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương) của Mỹ, Trung Quốc đưa ra siêu dự án chiến lược “Nhất đới nhất lộ” - Con đường tơ lụa trên bộ và trên biển - nhằm liên kết ba đại lục Á - Âu - Phi.

Mục tiêu của Bắc Kinh là mở thị trường xuất khẩu và đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết dư thừa sản xuất và dư thừa ngoại hối, đồng thời danh chính ngôn thuận tăng cường hiện diện hải quân tại các vùng biển, bành trướng ra Ấn Độ Dương. Nó mang dấu ấn Tập Cận Bình thế kỷ 21.

Ba là, châu Á thức tỉnh về biển. Với việc Trung Quốc nỗ lực vươn tới các vùng biển, Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia đều thúc đẩy xây dựng nền kinh tế biển, tăng cường hải quân và an ninh hàng hải. Các nhà lãnh đạo mới của Ấn Độ và Indonesia đã đề ra học thuyết về biển, hội nhập quốc tế về biển, phát triển thành cường quốc biển.

Biển cả vẫy gọi Việt Nam thực hiện hội nhập quốc tế mới về biển, phấn đấu trở thành quốc gia biển mạnh trong “kỷ nguyên đại dương” của thế kỷ 21.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận