TTCT - Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ thần kỳ trong nhiều thập niên, nhưng đi kèm là những đứt gãy đột ngột và nhiều vấn đề xã hội. Ảnh: theworldofchinese.comTrong thời gian sống ở Thượng Hải gần 20 năm trước, tôi đã có thể cảm nhận được làn sóng ngầm kỳ thị giữa cư dân thành phố có hộ khẩu (tiếng Trung gọi là "bản địa nhân") và người nhập cư ("ngoại địa nhân"). Dân nhập cư đóng góp không ít vào quá trình hiện đại hóa và phát triển thành phố, nhưng lại bị dân Thượng Hải "gốc" coi là yếu tố gây bất ổn xã hội. Do tốc độ công nghiệp hóa và tăng trưởng nhanh chóng của các đô thị, ngày càng nhiều người Trung Quốc ở nông thôn đổ về thành phố với hy vọng tìm được việc làm có thu nhập cao hơn. Những người trong độ tuổi lao động chuyển đến thành phố thường bỏ lại con cái và cha mẹ già quê.Theo The Economist, làn sóng di cư nội địa lớn nhất lịch sử toàn cầu chính là khi khoảng 300 triệu người Trung Quốc chuyển từ nông thôn ra thành phố trong bốn thập kỷ qua. Dễ hiểu là cuộc di cư đó luôn đi kèm rất nhiều vấn đề xã hội.Vụ án chấn động Trung QuốcMột vụ án hình sự gần đây liên quan đến trẻ vị thành niên phạm pháp và con cái những người di cư này, đã trở thành tâm điểm và gây tranh luận dữ dội ở Trung Quốc. Ngày 10-3 tại thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, một học sinh cấp hai 13 tuổi bị ba bạn nam cùng lớp sát hại dã man. Thi thể của nạn nhân họ Vương được phát hiện chôn dưới một nhà kính trồng rau.Ba nghi phạm bị bắt giữ vào hôm sau. Điều tra sau đó cho thấy các nghi phạm đã có hành vi bắt nạt nạn nhân trong thời gian dài. Vụ án gây sốc và khiến cả nước Trung Quốc bàng hoàng. Truyền thông nhà nước cho biết nạn nhân và ba cậu bé đang bị tạm giam đều là con cái những người lao động ly hương, vốn để lại nhiệm vụ chăm sóc chúng cho ông bà và những người thân khác.Ảnh: CNNVụ án dã man nêu ra câu hỏi nhức nhối và tranh luận gay gắt về vấn đề phạm pháp ở trẻ vị thành niên ở Trung Quốc. Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, sau điều tra sơ bộ, cảnh sát thành phố Hàm Đan đã phân loại vụ án là cố ý giết người. Tâm điểm của tranh luận trên mạng xã hội là những người chưa đủ tuổi thành niên sẽ đối mặt với bản án thế nào nếu bị kết luận có tội trong các vụ án nghiêm trọng thế này.Luật hình sự Trung Quốc từng quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người là 14 tuổi, nhưng luật hình sự sửa đổi có hiệu lực từ tháng 3-2021 hạ độ tuổi này xuống 12 trong các trường hợp đặc biệt như cố ý giết người hoặc cố ý gây thương tích bằng thủ đoạn cực kỳ tàn ác dẫn đến tử vong hoặc tàn tật nặng, nếu yêu cầu truy tố được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê duyệt. Độ tuổi được hạ xuống do giới làm luật ở Trung Quốc nhận định trẻ em ngày nay trưởng thành về mặt tinh thần và phát triển thể chất sớm hơn so với các thế hệ trước.Vụ án Hàm Đan có thể là vụ đầu tiên ở Trung Quốc áp dụng ngưỡng tuổi mới cho việc chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vụ án cũng đặt ra câu hỏi về việc luật pháp có xem xét hiệu quả mức độ phức tạp trong hành vi của người vị thành niên hay chưa, đồng thời làm dấy lên tranh luận về việc liệu có nên hạ thấp hơn nữa độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.Những đứa trẻ bị bỏ lại"Những đứa trẻ bị bỏ lại" ("lưu thủ nhi đồng") trở thành từ ngữ quen thuộc ở Trung Quốc để mô tả trẻ em ở lại nông thôn khi cha mẹ chúng di cư lên thành phố tìm việc. Những đứa trẻ này thường được chăm sóc bởi các thành viên khác trong gia đình, như ông bà hoặc họ hàng.Tháng 4-2023, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, Quỹ Nhi đồng và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc cùng công bố báo cáo "Dân số trẻ em ở Trung Quốc năm 2020: Sự thật và dữ liệu". Theo báo cáo, vào năm 2020 có 138 triệu trẻ em ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi di cư cơ học, chiếm gần một nửa (46,4%) tổng số trẻ em cả nước. Trong đó có 71,09 triệu trẻ em di cư (lên thành phố theo cha mẹ) và 66,93 triệu trẻ bị bỏ lại (25,16 triệu ở thành thị và 41,77 triệu ở nông thôn). Ảnh: CGTNCác nghiên cứu cho thấy gần 67 triệu trẻ em "bị bỏ lại" này có nguy cơ cao hơn về các vấn đề sức khỏe tâm thần, dễ trở thành nạn nhân của bắt nạt và hành vi tội phạm.Cùng năm 2020, Trung Quốc có tổng cộng 108 triệu trẻ em không được sống với cả cha lẫn mẹ vì nhiều lý do, tăng hơn gấp ba lần so với 30,46 triệu trẻ vào năm 2010. Hãy tưởng tượng một tuổi thơ mà nếu may mắn, bạn được gặp bố mẹ chỉ vài ngày mỗi năm trong những dịp lễ. Đây là thực tế với 1/5 trẻ em ở Trung Quốc.Trong khi việc di cư của cha mẹ thường mang lại lợi ích kinh tế cho con cái, tác động tiêu cực đến sự phát triển của các em khó thấy hơn. Những câu chuyện về bạo hành và tự tử của trẻ em bị bỏ lại vẫn thường xuất hiện trên truyền thông trong nước. Tháng 6-2015, tin tức về 4 anh chị em ruột tự tử bằng cách uống thuốc trừ sâu ở tỉnh Quý Châu từng gây chấn động cả nước. Những vụ việc thương tâm như vậy chỉ là đỉnh điểm của vô số nỗi thống khổ không được nói nên lời.Những vấn đề nền tảng của xã hộiĐể hiểu được nguyên nhân đằng sau thảm kịch Hàm Đan hay Quý Châu đòi hỏi phải xem xét sâu hơn các vấn đề cơ bản của xã hội. Lu Ming, giáo sư kinh tế tại Đại học Giao thông Thượng Hải, nói với tờ National Business Daily: "Những đứa trẻ này thường dễ dính líu hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm vị thành niên. Tính dễ bị tổn thương của các em bắt nguồn từ một số yếu tố, bao gồm việc thiếu hướng dẫn của cha mẹ và thiếu giám sát đầy đủ ở trường".Ảnh: onesky.orgViệc cha mẹ di cư thường gây ra tổn thương tâm lý không thể khắc phục với trẻ. Ngoài ra, thay vì xem xét các vấn đề xã hội rộng lớn hơn, hành động của cha mẹ thường bị soi mói ở góc độ cá nhân, nhấn mạnh vào tìm kiếm những khiếm khuyết trong việc làm cha làm mẹ của họ. Vì lý do kinh tế, rất nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ lại con cái phía sau.Hơn nữa, hệ thống giáo dục, cụ thể là các trường học, không vô can. Trong vụ ở Hàm Đan, nạn nhân đã bị bắt nạt kéo dài, nhưng nhà trường không có biện pháp xử lý. Truyền thông thì thường đăng tải các câu chuyện nhấn mạnh việc nuôi dạy con cái không đầy đủ, thậm chí miêu tả ông bà gây ảnh hưởng tiêu cực lên những đứa cháu bị bỏ lại mà họ chăm sóc. Ông bà thường được cho là ít quan tâm đến phát triển nhận thức của trẻ, quá khắt khe hoặc nuông chiều trẻ và không có kỹ năng nuôi dạy trẻ "khoa học".Không may là vụ án Hàm Đan có lẽ không phải trường hợp tội phạm vị thành niên nghiêm trọng cuối cùng liên quan đến trẻ em các gia đình ly hương. Tiến sĩ Lữ Lập Đan, chuyên nghiên cứu về nhân khẩu học tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói với trang Sixth Tone: "Những đứa trẻ bị bỏ lại là một nhóm lớn và là tình trạng nhiều khả năng còn kéo dài".Sở dĩ như vậy là vì nhiều người làm cha mẹ nhập cư không muốn mang theo con cái khi mà hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc vẫn là trở ngại không thể vượt qua với họ trong đảm bảo phúc lợi cơ bản ở thành phố - bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở. Những rào cản này khiến việc nuôi sống gia đình bằng mức lương của tầng lớp lao động là không thực tế. Tiến sĩ Lữ nói: "Nguồn lực phúc lợi và nhà ở của họ ở thành phố không đủ, nên con cái họ phải ở nhà. Những người cố gắng ở lại thành phố… cuối cùng chỉ trở thành người nghèo thành thị".Cư dân mạng Trung Quốc đang nổi giận đòi ba nghi phạm trẻ em phải đền tội theo luật hình sự mới. Nhưng cơn giận dữ của họ sẽ chi được vuốt ve tạm thời nếu chính phủ không có các biện pháp lâu dài hơn để ngăn chặn "nạn nhân họ Vương thứ hai".■ Do chênh lệch lớn về trình độ phát triển giữa các khu vực của Trung Quốc - chẳng hạn GDP bình quân đầu người của Thượng Hải cao gấp ba lần so với Quý Châu, nên người di cư thường không muốn trở về quê hương. Tuy nhiên, thu nhập cao thì chi phí cũng cao. Ngay cả những phụ huynh di cư đã cố gắng nhất cũng thường buộc phải gửi con về quê sau khi chúng học xong tiểu học hoặc cấp hai, do các thành phố lớn thường thiếu chỗ học ở các trường trung học công lập. Theo Sixth Tone, mỗi năm khoảng 70.000 học sinh cấp hai phải rời các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến để trở về vùng nông thôn nếu muốn tiếp tục con đường học vấn. Những "trẻ em trở về" này hiện chiếm hơn 20% số học sinh tại các trường nội trú nông thôn, nơi các em thường dễ bị bạo hành và bắt nạt. Tags: Kinh tế Trung QuốcVấn đề xã hộiNgười nhập cưTRẺ VỊ THÀNH NIÊNVụ án hình sự
Tranh cãi 'lối đi ưu tiên' sẽ thu 100.000 đồng/khách tại sân bay Đà Nẵng CÔNG TRUNG 01/12/2024 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ trở thành sân bay đầu tiên trong 22 sân bay tại Việt Nam thí điểm thu phí dịch vụ "lối đi ưu tiên" tại khu vực kiểm tra an ninh soi chiếu 100.000 đồng/khách.
Rần rần trend 'đám giỗ bên cồn' của Lê Tuấn Khang: Rồi bên cồn có đám cưới không? THƯỢNG KHẢI 01/12/2024 'Đám giỗ bên cồn' - một câu 'thương hiệu' của TikToker Lê Tuấn Khang xuyên suốt các video do anh đăng tải trên TikTok, Youtube đang là từ khóa gây sốt trên mạng xã hội.
Ông Zelensky: Ukraine cần lá chắn NATO để sống sót TRẦN PHƯƠNG 01/12/2024 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói nước này cần sự đảm bảo an ninh từ NATO và nhiều vũ khí hơn trước khi bước vào đàm phán với Nga.
Ông Đồng Văn Thanh được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang LÊ DÂN 01/12/2024 Ông Đồng Văn Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, được bầu làm bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025.