TTCT Đó có thể là một điểm đến trong hành trình của du khách. Nhưng xét về giá trị cộng đồng, bảo tàng thôn như một điểm hẹn của người dân địa phương, nơi chốn cho những hoài niệm và lòng biết ơn... Một góc trưng bày nông cụ trong Bảo tàng Nặm Đăm. Ảnh: Trần Minh Hợp “Từ chiếc áo tơi ngay đầu cửa đã lôi cuốn bước chân đi vào bên trong bảo tàng. Những vật dụng đời thường khắc họa cuộc sống trọn vẹn của người Dao. Mỗi vật dụng chân thật đến từng miếng hư miếng rách. (...) Tất cả vật trưng bày đều do người trong thôn Nặm Đăm gom tặng. Họ tặng chính những hiện vật từng trường trải thời gian cùng cuộc đời người Dao, kể cả một chiếc bàn thờ cổ đặt ngay chính giữa ngôi nhà với những câu đối và bài vị linh thiêng”. Câu chuyện của người Dao Đó là những điều tôi tâm đắc nhất trong chuyến đi Nặm Đăm vào mùa đông năm ngoái. Đó là một ngôi làng nhỏ của người Dao ở xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, Hà Giang. Ngôi làng vẫn giữ được vẻ điềm nhiên với những thước cảnh nguyên sơ dù là một làng núi làm nghề du lịch. Một năm đã trôi đi, rượu ngô, heo nướng cũng phai vị trên đầu lưỡi, chỉ còn hoài niệm bảo tàng thôn có bức từng đất màu vàng cam pha sỏi của người Dao. Bức tường giữ ấm bảo tàng được trong mùa đông và xua đi oi bức mùa hè. Những câu chuyện vùng đất Nặm Đăm đơn sơ, câu chuyện cộng đồng người Dao từ lịch sử đến hiện tại được kể lại tinh gọn và đậm đà qua bảo tàng thôn nho nhỏ ấy. Nếu không có bảo tàng thôn, có lẽ tôi chỉ đến ngắm Nặm Đăm trong tiết trời se se, khẽ đụng vào những nhành đào khô lạnh giá và ngó những đồng ruộng bậc thang, mua một ít thuốc bắc, cao lá rừng rồi ra về trong sự bình yên như từ nhiều vùng núi khác. Và những bảo tàng quê hương Làm gì để người ta hiểu hơn về một Việt Nam cụ thể, sâu lắng hơn ngoài những cuốn sách địa lý, lịch sử, các tác phẩm nghệ thuật và báo chí? Làm gì để người dân địa phương thấm hơn về vùng đất của mình khi không có một sự lưu giữ nào? Bảo tàng thôn có lẽ là một giải pháp khả thi diệu kỳ. Tôi tưởng tượng một bảo tàng thôn ở quê tôi (Bình Thuận) lưu lại những hiện vật của người lao động. Cái lưỡi hái gặt lúa, những cái đòn gánh... đã mất dạng trên chính quê hương tôi, những hiện vật của văn hóa, lễ hội, phong tục người Chăm sống trong thôn, những câu chuyện ly kỳ đầy chất liệu cuộc sống. Cả quê hương như dạt dào và sống động trong tâm trí tôi. Một chiều nọ đi thăm khu tưởng niệm bác Võ Văn Kiệt, nhìn đối diện có nhà trưng bày nông ngư cụ lao động trên ruộng dưới rạch của người dân Vĩnh Long. Những cây phảng, cái nôm, cái bừa, cái đăng, cái đó, cái mành, cái cửa ngục... lặng lẽ tái hiện những xa xưa ở vùng Nam Bộ. Cuộc ghé thăm bất ngờ khiến những người bạn Vĩnh Long đi cùng tôi rưng rưng câu chuyện của tuổi thơ mình, tay được chạm vào những nông cụ mà hiện tại đã không còn trên đồng ruộng. Và từ nhà trưng bày nông ngư cụ Vũng Liêm lại thấy giá trị của những bảo tàng nho nhỏ đối với tâm hồn người dân từ những di vật ký ức ngay chính trên mảnh đất của họ. Bảo tàng thôn nếu dựng lên được không chỉ “dừng chân” ở chức năng thăm viếng du lịch, mà có thể sẽ là nơi lưu giữ văn hóa giữa cuồng quay cuộc sống đang xâm lấn đời sống tinh thần của người nông thôn. Hoặc là những vùng cao nguyên, vùng cộng đồng người thiểu số với nhiều nét văn hóa bản địa đáng quý đang bị quên lãng, làm mất đi dần sức mạnh đa dạng của văn hóa Việt Nam. Đó là một điểm đến trong hành trình của du khách nhưng xét về giá trị cộng đồng, bảo tàng thôn như một điểm hẹn của người dân địa phương, cho họ có một nơi “tinh thần” để đến ngoài những ngôi chùa, ngôi đình hay nhà thờ. Nơi đó có những khoảng sân rộng hơn, thiếu nhi có thể vui đùa, được lớn lên bằng câu chuyện thôn làng. Một không gian để hoài niệm và biết ơn, biết ơn về sự che chở của trời đất, biết ơn về tổ tiên và bao thế hệ đã dựng làng, giữ thôn. Bảo tàng thôn nhìn dung dị nhưng cũng phải đi ra từ tiếng nói của thôn làng, có sự nối dài từ đơn vị quản lý văn hóa và các đơn vị du lịch. Như Nặm Đăm là một sự kết nối của tình cảm người dân với nguồn lực của Hợp tác xã sản xuất dược liệu Nặm Đăm. Nặm Đăm còn nhận được sự quan tâm của các tổ chức phi chính phủ trong mục đích bảo vệ cao nguyên đá Đồng Văn. Những điều bên trong bảo tàng thôn thì thật dễ dàng vì đó chính là những hiện vật và tư liệu từ người dân trao tặng, chia sẻ, quan trọng là sự xây dựng và duy trì để lan tỏa và trao truyền văn hóa địa phương thật sự. Ai sẽ đủ sức và tấm lòng để tạo nên những bảo tàng thôn dung dị? Chỉ có thể là sự chung tay của người dân, Nhà nước, các nguồn hỗ trợ, tổ chức văn hóa, tổ chức du lịch... Văn hóa thuộc về cộng đồng, do cộng đồng chấp nhận và trao truyền - đó là nguyên tắc cao nhất trong các hoạt động liên quan đến văn hóa, nhất là trong sáng tạo văn hóa và quản lý văn hóa. Chính vì vậy, người trong những thôn làng đó phải thật sự muốn lưu giữ ký ức cho chính họ và con cháu. Người của thôn làng sẽ quyết dựng hay không dựng bảo tàng thôn, không ai khác quyết định thay họ cả...■ Tags: Tận hưởng bản sắc việtBảo tàng thôn
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.