Điều gì đã làm nảy sinh một xu hướng mới được gọi là "Trí thức ngầm trên mạng"? Trong giới trí thức, mặc dù ai cũng nói tôn trọng sự khác biệt, rằng họ tôn trọng nguyên tắc: “Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền anh được nói những điều đó”, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Nhiều người bị tấn công, bị cô lập, lên án, thậm chí mất việc chỉ vì dám nói lên những điều trái với cái gọi là “phải đạo”. Hiện tượng này làm nảy sinh một xu hướng mới, được đặt tên là “Trí thức ngầm trên mạng” (Intellectual Dark Web) và rất đáng bỏ công tìm hiểu. Theo dõi thời sự chính trị ở Mỹ, nhiều người biết chiếc mũ màu đỏ có dòng chữ “Make America Great Again” (thường gọi tắt là MAGA) mà những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump thích đội. Với người ngoài cuộc, đây cũng chỉ là một khẩu hiệu tranh cử bình thường như thời ông Obama là câu “Change We Need”. Nhưng một cô học sinh trung học ở California đội mũ này vào trường thì bị trường cấm, buộc lột mũ hoặc phải nghỉ học. Một chủ tiệm ăn cũng ở California đòi cấm cửa bất kỳ khách nào đội nón MAGA bước vào tiệm. Đây chỉ là những ví dụ dễ hình dung của những người có quan điểm thiên hữu than phiền họ bị tấn công, bất kể quyền tự do ngôn luận của họ. Khó thấy hơn là các trường hợp như Jordan Peterson, giáo sư tâm lý ở Đại học Toronto. Ông này phản đối một dự luật của Canada mà ông cho rằng có thể dẫn đến việc ông bị cấm dùng đại từ nhân xưng mang ý nghĩa phân biệt giới tính. Ví dụ với một sinh viên chuyển giới, ông không được gọi “cô” hay “anh”, mà phải dùng một từ chung chung, không rõ giới tính. Chỉ như thế mà thiên hạ phản đối ông ầm ĩ, trường đại học của ông gửi hai thư cảnh cáo, bảo ông không được lên báo, đài nữa, không được phát biểu về chuyện này nữa. Tương tự, Debra Soh, tiến sĩ y sinh, viết một bài cho rằng trẻ có xu hướng chuyển giới nên đợi qua thời kỳ trưởng thành rồi mới quyết định, bởi nghiên cứu cho thấy đa số trẻ có rối loạn về giới khi qua tuổi thành niên đều ổn trở lại. Nhưng đồng nghiệp khi đọc xong đều bảo cô nên chuyển nghề vì ngay cả trong nghiên cứu khoa học, ngay cả khi đã có biên chế ở một trường đại học, quan điểm như cô sẽ làm cô mất việc như chơi. Nói tóm lại, “trí thức ngầm trên mạng” là những người có quan điểm khác quan điểm chính thống (như kiểu giữa nam và nữ có những khác biệt về mặt sinh học; không hẳn mọi nền văn hóa đều giúp con người tiến hóa như nhau...), bị giới trí thức tôn trọng sự đúng đắn kiểu “phải đạo” tẩy chay. Điều đáng ngạc nhiên là những người như thế, tạm gọi là trí thức bị dòng chính thống gạt ra rìa, lại được chào đón nồng nhiệt trên mạng, trên các kênh thông tin riêng do họ tạo ra. Các bài nói chuyện của họ được cả triệu lượt xem trên YouTube; các kênh trình bày của họ có hàng chục triệu lượt tải về nghe. Bài viết về nhóm trí thức ngầm trên mạng của tờ New York Times, có vẻ dành nhiều thiện cảm cho những người này, gây xôn xao trong nhiều tuần sau khi được xuất bản vào đầu tháng 3-2019. Tuy nhiên, phải nói có nhiều nhân vật được New York Times xếp vào loại trí thức ngầm trên mạng lại có những quan điểm dễ dẫn tới những hậu quả khó lường. Ví dụ, nhân vật Sam Harris, nhà nghiên cứu khoa học thần kinh, có những bài viết làm lan truyền nỗi sợ người Hồi giáo. Ông ta từng cho rằng việc chống lại người nhập cư Hồi giáo ở châu Âu là “hoàn toàn hợp lý”, bởi dù ít dù nhiều trong làn sóng người nhập cư có một tỉ lệ những người cực đoan nguy hiểm. Ông cũng chia sẻ quan điểm nhìn nhận người da đen, về mặt di truyền mà nói, có chỉ số IQ thấp hơn người da trắng... Một người có quan điểm như thế nào là quyền của họ, nhưng cũng phải tính tới tác động xã hội, tác động lên sự thù hằn, phân biệt chủng tộc, kể cả kích động bạo lực do các quan điểm này vô tình xúi giục những người thiếu thông tin có hành động cực đoan. Điều đáng nói là dòng thông tin chính thống thường cẩn trọng, cân bằng và khách quan, trong khi các kênh thông tin không chính thức kiểu như các trí thức ngầm trên mạng này lại mang tính khiêu khích, không có sự phản biện đối chứng, không có nói qua nói lại, nên sự cực đoan càng dễ lan rộng. Người ta thường ví von hãy chọn viên thuốc màu đỏ như trong phim Matrix để nói đến việc chấp nhận các quan điểm của những người “trí thức ngầm trên mạng”, uống xong bỗng thế giới bạn chấp nhận bấy lâu như một cách sống “phải đạo” bị sụp đổ. Vấn đề nằm ở chỗ thế giới mới còn lại sau sự sụp đổ ấy chưa hẳn là hiện thực trần trụi - nó vẫn có thể là một thế giới giả lập dựng nên bởi các định kiến khác, một sự “phải đạo” khác điều khiển bởi công lý đám đông cuồng tín chẳng kém gì thời Trung cổ.■ Tags: Trí thứcIntelletual dark webTrí thức ngầm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.