Trí tuệ nhân tạo cho mọi người

TỊNH ANH 23/12/2022 06:23 GMT+7

TTCT - Việc cộng đồng rộng lớn tham gia trải nghiệm trí tuệ nhân tạo có thể giúp "mở khóa" các ứng dụng, khả năng tiềm tàng của AI mà các nhà nghiên cứu trước đó chưa nghĩ tới hoặc chưa khám phá ra.

Trí tuệ nhân tạo cho mọi người - Ảnh 1.

OpenAI có tôn chỉ "AI cho mọi người".

Trước đây chuyện phát triển, thử nghiệm, dạy dỗ AI là việc của giới khoa học, thỉnh thoảng họ mới công bố những thành tựu, bước tiến mới cho bá tánh sững sờ và run rẩy. Trong năm 2022, việc tiếp cận AI được mở rộng ra rất nhiều, kéo theo đó là nhiều nỗi lo khác như chuyện giáo viên sợ học trò nhờ AI viết bài luận giúp.

Các chương trình trí tuệ nhân tạo biết vẽ tranh, viết chữ thuộc một nhánh chung gọi là AI tạo sinh (generative AI), tức công nghệ tạo ra nội dung mới bằng cách sử dụng dữ liệu có sẵn (văn bản, file âm thanh, hình ảnh).

Thật ra, ChatGPT không có gì mới mẻ. Nó cũng dựa trên nền GPT-3 (AI biết tạo văn bản đã gây xôn xao từ năm 2020 của OpenAI). 

Các nhà nghiên cứu AI vì thế không lạ gì với mô hình có khả năng ngôn ngữ thông thạo, viết đủ thứ theo ý người dùng, mà ngôn ngữ tự nhiên khó biết là do máy móc tạo ra, nhưng ChatGPT là AI đầu tiên được mở truy cập cho công chúng (từ ngày 30-11), mà lại hoàn toàn miễn phí, dễ thao tác trên web. 

Mùa hè năm nay, ba hệ thống AI "vẽ" cũng được "mở cửa": Midjourney (tháng 7), Stable Diffusion (tháng 8) và DALLE-2 của OpenAI (tháng 9).

Việt Nam thuộc một nhóm ít các thị trường chưa được OpenAI cho trải nghiệm cả hai mô hình của mình, song phản ứng dư luận ở phần còn lại của thế giới thì rất xôm tụ khi các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu có thể trải nghiệm thoải mái. Chỉ trong 5 ngày từ khi ChatGPT được phát hành rộng rãi, hơn 1 triệu người đã đăng ký tài khoản để "chơi" với công cụ này, theo chủ tịch OpenAI Greg Brockman.

Vấn đề trước đây của giới phát triển AI là dù các nhà khoa học máy tính có sáng tạo, để trí tưởng tượng bay xa đến mức nào thì các kịch bản họ đặt ra để huấn luyện hay việc xem xét các điểm mạnh điểm yếu, ứng dụng tiềm năng, thậm chí mối đe dọa tiềm ẩn của các mô hình AI cũng chỉ tới mức độ nào đó, không thể nào bằng nếu với để một "đám đông" lớn hơn, đủ thành phần trình độ và lối nghĩ cùng tham gia.

Chẳng hạn, nhóm phát triển ChatGPT đã vạch ra các vùng cấm khi người dùng ra lệnh cho hệ thống (như hỏi về Đức quốc xã, đặt ra các yêu cầu không đứng đắn rồi bắt AI trả lời), nhưng họ không thể tính hết được các từ khóa và chủ đề "nhạy cảm" hoặc phát hiện hết những cách người dùng có thể "lách luật" (chẳng hạn, sửa lại yêu cầu bị AI dán nhãn không phù hợp thành dạng đưa ra giả thuyết thử nghiệm, hay nói với AI đây chỉ là kịch bản cho một bộ phim…).

Phát hiện ra các "điểm mù" và nhận biết các cách mà AI có thể bị lợi dụng cho mục đích xấu có lẽ là lý do chính khi OpenAI quyết định để công chúng tham gia "test" mô hình này, theo nhận định của tờ The New York Times. Các phiên bản cập nhật của ChatGPT có thể sẽ lấp các kẽ hở và chặn đứng những chiêu trò lạm dụng của người dùng, nhờ các phát hiện do chính người dùng cung cấp.

Trí tuệ nhân tạo cho mọi người - Ảnh 2.

Ngoài ra, theo James Vincent, cây bút chuyên về AI của trang The Verge, việc cộng đồng rộng lớn tham gia chat với ChatGPT - đưa nó đủ mọi yêu cầu thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề - có thể giúp "mở khóa" các ứng dụng, khả năng tiềm tàng của AI mà các nhà nghiên cứu trước đó chưa nghĩ tới hoặc chưa khám phá ra. 

Ví dụ một giáo sư đại học đã nhờ nó lên giúp thời khóa biểu cho lớp mới, và ChatGPT làm ngon ơ. Nhưng điều này cũng đồng thời hé lộ những hiểm nguy chưa biết và có thể xảy ra, như chuyện sinh viên tha hồ nhờ máy làm bài tập (mọi môn chứ không cứ gì viết luận), hay nội dung do AI tổng hợp từ thông tin sai lệch nhưng lại thể hiện hùng hồn như thể thông tin chính thống sẽ tràn ngập Internet.

Tất nhiên, những tranh cãi - giữa phe tin tưởng và phủ nhận, giữa hào hứng và lo ngại - vẫn sẽ tiếp tục, như nó đã diễn ra từ khi GPT-3 hay DALLE-2 được công bố. Có thể ngày tàn của giới cổ cồn trắng đã gần kề, nhưng cũng có thể AI sẽ không bao giờ đạt đến mức có thể thay thế con người.

Megan Paetzhold, biên tập viên hình ảnh Tạp chí New York, từng "thách" Midjourney cùng vẽ hình minh họa. Và mới đây, nhà báo John Naughton thử cho ChatGPT viết một bài theo ý tưởng mình định viết cho tờ The Guardian để xem có lấy bài đó gửi tòa soạn được không. 

Kết quả của cả hai thử nghiệm này là giới thiết kế đồ họa và nhà báo vẫn có thể kê cao gối ngủ vì ngày ấy còn chưa đến, nhưng sắp tới thì bất định - có thể xảy ra trong nay mai, hoặc ngày mai không bao giờ đến.

Có một điều chắc chắn có thể nói ngay lúc này là các AI tạo sinh sẽ tiếp tục cách mạng hóa cách chúng ta dùng Internet, cả ở cách tạo ra nội dung và thẩm định nội dung.

Theo Noah Smith - cây bút từng đứng mục Ý kiến của Bloomberg và nhà nghiên cứu AI có biệt danh "roon", trong tương lai sẽ xuất hiện mô hình hợp tác con người - AI theo kiểu bánh sandwich, trong đó con người đưa AI yêu cầu (lớp bánh thứ nhất); AI tạo ra một loạt các phương án (phần nhân bánh); con người chọn một phương án tốt nhất, "nhuận sắc" cho nó thành bản hoàn chỉnh (lớp bánh thứ hai).

Theo cách này, Megan Paetzhold và John Naughton hoàn toàn có thể chọn lấy tác phẩm AI tạo ra mà họ thấy ưng nhất để sửa sang lại là xong. Quan trọng là phải đặt yêu cầu cho đúng, và đây lại là một vấn đề nan giải của tương lai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận