Triều Tiên: Tên lửa, hạt nhân và lương thực

DANH ĐỨC 07/05/2012 02:05 GMT+7

TTCT - Từ giữa tháng 3, trước câu hỏi liệu Bình Nhưỡng sẽ phóng “vệ tinh” hay không, ông Kim Jong Un đã trả lời bằng một quả tên lửa Taepo Dong-2 phóng đi lúc 6g39 sáng 12-4.

Vài ngày sau, ông Kim lại khiến dư luận đặt câu hỏi tiếp là liệu ông sẽ thử hạt nhân hay không? Chọn lựa tên lửa, hạt nhân có ý nghĩa gì trong tình hình thiếu thốn lương thực hiện nay?

Phóng to
Xe chở tên lửa tại cuộc diễu binh kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành ngày 15-4 - Ảnh: Reuters

“Bản thân tôi, trong tư cách tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã công khai yêu cầu họ chớ dấn thêm một bước khiêu khích nào nữa, kể cả việc thử hạt nhân” - ông Ban Ki Moon đã phát biểu như thế tuần trước tại New Delhi (1). Truyền thông quốc tế đã đăng tải liên tục những bức ảnh vệ tinh chụp căn cứ thử hạt nhân của Triều Tiên và đợi xem ông Kim có “bấm nút” hay không. Tất cả những “đợi chờ” này xuất phát từ những suy luận rằng vụ “phóng vệ tinh” thất bại đã khiến ông phải nghĩ đến thử hạt nhân.

Từ thất bại tên lửa đến đe dọa hạt nhân

Tuy dân số chỉ 24,5 triệu người sống trên một diện tích 120.538km2, song hầu hết lại là đồi núi cách nhau bởi những thung lũng sâu và hẹp nên diện tích trồng trọt được ở Triều Tiên chỉ là 22,4%.

Bộ Tư lệnh phòng không Bắc Mỹ (NORAD) trong mẩu tin ngắn (2) đã cho biết quả tên lửa được kỳ vọng là để đẩy “vệ tinh” của ông Kim lên không gian vẫn chỉ là một quả Taepo Dong-2 mà tầng một của nó đã rơi xuống Hoàng Hải cách Seoul 165km về phía tây, các tầng còn lại đã phát nổ và không có mảnh vụn rơi xuống đất liền.

Mẩu tin thông tấn xã KCNA của Triều Tiên còn ngắn hơn: “Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đã phóng vệ tinh ứng dụng lần đầu Kwangmyongsong-3 tại trạm phóng vệ tinh Cholsan lúc 7 giờ 38 phút 55 giây hôm thứ sáu. Vệ tinh quan sát đã không vào được quỹ đạo dự trù” (3).

Hai mẩu tin quá ngắn trên của NORAD và KCNA không như mong muốn của ông Kim Jong Un là phải dài hơn nữa để thuật lại “kỳ tích thử vệ tinh” nhằm đánh dấu việc ông vừa được đại hội lần thứ tư Đảng Lao động Triều Tiên bầu làm bí thư thứ nhất, đồng thời để kỷ niệm 100 năm ngày sinh người sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành.

Mẩu tin của NORAD giống như một cáo phó mới nữa cho công nghiệp tên lửa của Triều Tiên, do lẽ vụ thử lần này không khá hơn vụ thử lần thứ nhất ngày 5-7-2006, cũng thất bại chỉ 35 giây sau khi được khai hỏa (4). Và vụ thử lần thứ nhì ngày 5-4-2009 có kết quả khá hơn một chút là bay qua đầu Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương!

Sáu năm trời ròng rã để cải tiến kỹ thuật, giải được bài toán làm sao cho các tầng của tên lửa đừng tan như xác pháo cũng chẳng giúp tên lửa Taepo Dong “nhúc nhích” thêm được là bao, lần này cũng chỉ bay được suýt soát một phút, hơn lần trước khoảng 20 giây.

Ba ngày sau, trong diễn văn đọc tại cuộc diễu hành khổng lồ của quân đội, ông Kim đã không nhắc gì đến sự cố này song cũng đưa ra một nhắn gửi: “Ưu thế quân sự và kỹ thuật không còn là độc quyền của bọn đế quốc, đồng thời đã qua rồi những ngày mà kẻ thù có thể đe dọa và đòi khống chế CHDCND Triều Tiên với các quả bom A”. Những đồn đoán về một khả năng thử hạt nhân ra đời từ phát biểu này.

Tinh thần Songun và Juche quyết thắng

Những vụ “phóng vệ tinh” hay thử hạt nhân này mang ý nghĩa chính trị vô cùng sâu sắc trong hệ thống tư tưởng chính trị của Triều Tiên chứ không đơn giản chỉ là những quả pháo bông mừng ông Kim Jong Un lên ngôi. Thông cáo ngày 16-3 của Ủy ban Công nghiệp không gian Triều Tiên nhấn mạnh rằng “đây sẽ là một sự thể hiện gây ấn tượng của sức mạnh CHDCND Triều Tiên như là một quốc gia xã hội chủ nghĩa độc lập dựa trên tinh thần Juche tự lực. Tên lửa (Unha-3) sẽ là sản phẩm 100% từ tài nguyên của CHDCND Triều Tiên, sử dụng lao động sáng tạo của các nhà khoa học và công nhân Triều Tiên”.

Đó là một sự vuốt ve tâm lý cả những người lãnh đạo lẫn dân chúng vốn luôn trung thành đọc báo, nghe đài theo KCNA: “Không một nước nào trên thế giới lại có thể độc lập và tự túc đến thế! Chương trình không gian Mỹ lệ thuộc nặng nề vào chuyên môn của nhà khoa học tên lửa phát xít Đức Werner Von Braun. Nước Anh thì không có phương tiện phóng vệ tinh của riêng mình, phải lệ thuộc nơi các nước khác như Mỹ. Tên lửa Unha-3 sẽ là thành quả đầy tự hào của nền kinh tế quốc dân độc lập của CHDCND Triều Tiên, một thành quả đầy tự hào của tinh thần Juche và Songun”.

Những tự hào lặp đi lặp lại trên càng khẳng định rằng tinh thần tự lực tự cường để tự mình làm chủ số phận (Juche) và tinh thần “quân đội trên hết” (Songun) vẫn không hề suy suyển ở đất nước 24,5 triệu dân đang thiếu ăn này.

Lương thực hay tự ái?

Mới tháng 4 năm nay, World Food Program (WFP - Chương trình lương thực thế giới) - một tổ chức quốc tế hợp tác với Triều Tiên từ năm 1990 và làm công việc theo dõi, hỗ trợ giải quyết tình hình lương thực ở đây - đã khởi động một chiến dịch tiếp tế khẩn cấp nhằm vào 3,5 triệu trẻ em, phụ nữ, người lớn tuổi gặp khó khăn nhất.

Khó khăn lương thực của Triều Tiên được WFP mô tả như sau: “Một đánh giá nhanh tình hình vào tháng 2 và tháng 3-2011 đã cho thấy hơn 6 triệu người cần hỗ trợ thực phẩm trong năm 2011. Đánh giá này cho thấy các kho lương thực của hệ thống phân phối lương thực của nhà nước đã bị cạn xuống còn gần bằng không. Đến tháng 6, khẩu phần mễ cốc hằng ngày chỉ còn 150g/người, chỉ bằng 1/4 khẩu phần mà chính phủ mong muốn cung cấp” (5).

Có nhiều lý do giải thích sự thiếu thốn lương thực triền miên này. Tuy dân số chỉ 24,5 triệu người sống trên một diện tích 120.538km2, song hầu hết lại là đồi núi cách nhau bởi những thung lũng sâu và hẹp nên diện tích trồng trọt được chỉ là 22,4%. Đáng ngại nhất là thời tiết luôn khắc nghiệt nên chỉ có 1,66% diện tích được canh tác thường xuyên, đó là chưa kể thiếu phân bón do cấm vận hoặc do lao động tập thể năng suất kém.

Trong bối cảnh thiếu thốn đó, hai mệnh đề trong diễn văn của ông Kim hôm 15-4 trong khuôn khổ cuộc duyệt binh rất đáng ngẫm nghĩ: (1) “Quyết tâm của Đảng Lao động Triều Tiên là làm sao cho nhân dân chúng ta vượt qua mọi khó khăn để sống mà không còn phải thắt lưng buộc bụng”; (2) “Đảng Lao động Triều Tiên và chính phủ sẽ nối tay với bất cứ ai thật sự muốn tái thống nhất đất nước”.

Phải chăng đã đến lúc êkip lãnh đạo phải đề cập đến nhu cầu thiết thực là làm sao để dân chúng Triều Tiên được “thôi thắt lưng buộc bụng” cũng như nhắc lại khát vọng tái thống nhất đất nước, ngay trong buổi đại lễ đó của quân đội? Thế nhưng, bên cạnh tín hiệu ít ỏi đó vẫn là những đe dọa trả đũa “bè lũ phản bội Lee Myung Bak” từ mấy tháng qua sau khi Hàn Quốc “chọc giận” bằng cách chỉ trích đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Kim Nhật Thành.

Có một phép thử xem ông Kim Jong Un sẽ chọn điều gì. Đó là liệu trước (và ngay sau) cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung lần thứ tư diễn ra vào ngày 3 và 4-5-2012, ông Kim có cho thử hạt nhân? Việc Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Il, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, sang gặp ông Hồ Cẩm Đào hôm 23-4 có tác động gì đến những quyết định ở Bình Nhưỡng?

__________

(1) Reuters, Fri, Apr 27, 2012
(2)
http://www.norad.mil/News/2012/ 041212.html
(3) DPRK's Satellite Fails to Enter Its Orbit, April 13, KCNA
(4)
http://www.globalsecurity.org/wmd/world/dprk/td-2.htm
(5) http://www.wfp.org/countries/korea-democratic-peoples-republic-dprk

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận