Trở lại rừng

TTCT - Phải đến cuối năm 76, đang giữ kho thuốc nổ TNT ở Bù Đốp, hơn năm sau Bình mới hay tin Sài Gòn thất thủ, miền Nam giải phóng.

LTS: Tháng 4 về, cũng là lúc trở về bao kỷ niệm buồn vui về một cuộc chiến tranh đã kết thúc. 36 năm đã trôi qua, Việt Nam hòa bình - thống nhất đã là một cụm từ quen thuộc không chỉ với người Việt Nam. Vì ý nghĩa này, TTCT xin giới thiệu một chùm truyện ngắn, mở đầu với nhà văn Lê Văn Thảo - nhà văn chiến trường của một thời.

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

Trước đó hơn năm, đầu năm 74, tiểu đoàn đang chuẩn bị hành quân, tiểu đoàn trưởng đi xuống gặp đại đội trưởng nói: “Nè, có cắt được đứa nào ở lại giữ kho TNT không? Kho lớn lắm, giữ ít bữa thôi có người đến nhận”. Tình cờ Bình đi ngang, đại đội trưởng kêu lại: “Giữ kho được không Bình? Được hén?”.

Vậy là xong, Bình ở lại giữ kho TNT. Do tình cờ đi ngang, cũng do tính Bình hiền lành, không từ chối ai chuyện gì bao giờ. Đơn giản nói từ chối khó hơn nhận lời.

Kho thuốc nổ chôn sâu dưới đất, che chắn rất kỹ, gọi là giữ vậy thôi, thằng Mỹ rút quân rồi, quân Thiệu co về cố thủ, các sư đoàn, trung đoàn hành quân ngày đêm trang bị gọn nhẹ, không ai cần đến thuốc nổ làm gì. Bình đến nơi nhận kho, chưa kịp lo chỗ ăn ngủ, có ai đó chỉ chọt, một ông mò đến cười cười nhờ Bình giữ luôn giùm kho gạo kế bên, kho lớn lắm, muốn ăn bao nhiêu thì ăn, sư đoàn hành quân cấp tốc mỗi người một ruột tượng gạo đủ rồi. Được thôi. Làm sao mà không nhận? Mỗi ngày coi qua một chút, kho gạo như trái núi một mình Bình ăn cùng với chuột cả đời không hết.

Bình đi coi cơ ngơi, chọn nhà ở, xách súng đi vòng quanh, tìm thấy một rẫy cũ, mấy luồng bẫy cò ke. Kho gạo gần đó cách non cây số. Vậy là xong, trở về nhà nấu cơm ăn nằm lắc võng nghe đài. Tay đại đội trưởng tốt bụng cho lại chiếc radio thêm bộ pin mới, nghe tiết kiệm cũng được vài tháng. “Ít ngày” thôi mà, có ai đó tới nhận kho là Bình dông liền, người chiến sĩ tìm về đơn vị không khó.

Nhờ chiếc radio Bình biết ngày tháng trôi qua như thế nào, tin tức trong nước, tin tức thế giới, miền Bắc đạt sản lượng năm tấn, Liên Xô phóng thành công vệ tinh, các sư đoàn tiến lên địch co cụm lại, Buôn Ma Thuột giải phóng, Nguyễn Văn Thiệu chất vàng lên máy bay. Bình đi xa hơn nữa, gặp một bản người S'Tiêng mấy chục nóc nhà, làm quen với đám thanh niên trai gái, ở lại bản ngủ đêm, đốt lửa nướng bắp ăn nói chuyện suốt đêm. Có một thằng nhỏ mười sáu tuổi ngồi gần Bình rờ khẩu súng, một cô gái trẻ ngồi trước mặt nướng bắp bẻ đôi đưa cho Bình, kèm nụ cười tươi như bông pơ-lang.

Bình chăm lo vuông rẫy, trồng đủ thứ rau xanh, lên liếp trồng thêm khoai mì khoai lang, dọn thêm mấy luồng bẫy, tháng vài lần vô thăm bản người dân tộc chơi với đám thanh niên, dụ thằng nhỏ mười sáu tuổi về ở với mình:

“Mày long nhong ở đây làm gì? Hái gùi đào củ chụp ra tích sự gì? Về ở với tao làm việc ăn lương, trả bằng gạo, rảnh rỗi nghe đài mở mang kiến thức”.

“Đi bộ đội hả?” - thằng nhỏ lưỡng lự.

“Thì cứ coi như vậy đi - Bình nói - Giữ kho cũng là công việc cách mạng”.

“Chết không?”.

“Làm sao mà chết? - Bình nói - Mày nhát như thỏ đế! Coi tao chiến đấu bao nhiêu năm có mất sợi lông chân nào không?”.

Thằng nhỏ chưa chịu đi, nhưng đòi đến chỗ Bình coi thế nào. Nó ngủ lại một đêm, sáng ra đi rảo coi kho thuốc nổ, kho gạo, hỏi mỗi tháng lãnh được bao nhiêu ký. Bình lấy chiếc bao đong đầy gạo cho nó coi. Nó không nói không rằng vác bao gạo đi luôn, sáng hôm sau trở lại với túm quần áo, nói chịu ở với Bình, nhưng phải lãnh gạo trước đem về cho ba má nó.

Bình thấy mình không làm gì vượt giới hạn, anh có quyền tuyển nhân viên, làm gì cũng phải có tập thể. Trong chiến đấu có tổ tam tam, giữ kho ít nhứt phải có hai người. Có người nói chuyện, nghe đài chỉ nghe người ta nói. Thằng nhỏ rất được việc, xách nước, lượm củi khô, thăm bẫy, chạy ra ngoài rẫy coi chim két có phá bắp không. Tối đến giăng võng nằm sóng đôi, Bình nghe đài phân tích cho nó nghe, chuyện thời sự chính trị, phải trái địch ta, ai thắng ai.

Hằng tháng thằng nhỏ về thăm bản, cõng gạo cho ba má nó, Bình đi theo gặp cô gái có nụ cười như bông pơ-lang.

Bình đã quên chuyện người đến tiếp nhận kho thuốc nổ. Không mắc mớ gì phải trông, chính họ có nhiệm vụ phải tìm Bình.

Một năm trôi qua, bộ pin thứ hai cũng hết, mọi tin tức tắt ngấm. Sai thằng nhỏ về bản hỏi thăm cũng không ai biết gì.

Một bữa thằng nhỏ bỗng nói:

“Sao êm re, kỳ quá vầy nè?”.

Bình nạt:

“Mày muốn bom đạn giội lên đầu mày hả?”.

Một câu chuyện của thời chiến, nhưng là thời chiến của 36 năm nhìn lại, nên người đọc vừa đọc có thể mỉm cười. Nỗi ngậm ngùi vẫn ở đó thôi, buồn tủi cũng còn đó, nhưng giờ đã có thể thanh thản kể lại.

Sự lãng quên bình thường mà vô lý đến thế của chiến tranh, đâu đó đã có người kể rồi, nay Lê Văn Thảo lại kể theo cách của riêng mình, nhẩn nha, tỉ mỉ và từ tốn.

Sinh năm 1939, cả một thời trai trẻ của ông đã đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt này. Vùng đất mà nhân vật đã sống, con đường mà nhân vật đã ngỡ ngàng trở về không xa lạ với 13 năm ở rừng của nhà văn chiến trường thuở ấy. “Con đường ấy tôi đi qua đi lại hoài, chuyện ở rừng tôi rành rẽ lắm, nên chuyện không thật mà như thật hết trơn” - Lê Văn Thảo nói vậy, đi sau sự vui vẻ là nỗi nhớ rừng y như nhân vật của ông.

THÚY NGA

Nhưng Bình cũng thấy kỳ. Như người ở nhà máy xay lúa suốt ngày tiếng máy chạy ầm ầm, bỗng dưng yên phắc không ngủ được. Bao nhiêu năm sống trong bom đạn đì đùng, êm re như vầy là sao? Đêm nằm Bình day trở, cảm thấy không yên, như đang trong hang tối tăm không biết trời đất gì.

Đồng đội mình đâu? Đang làm gì? Đánh tới đâu rồi?

Một buổi sáng thức dậy ngồi yên trên võng một lúc, Bình nói sang võng thằng nhỏ:

“Dậy đi!”.

“Đi đâu?” - thằng nhỏ choàng dậy ngơ ngác.

“Thì đi... Ở đây ăn ngủ hoài hả?”.

Hai người chuẩn bị balô, nấu nồi cơm ăn no, vắt cơm đem theo, coi lại ruột tượng cơm khô... Mớ giấy tờ, giấy chứng nhận, giấy khen giắt lâu ngày trên mái lá ướt nước mưa lem luốc không còn chữ nào đọc được. Đành vậy thôi, cứ gói đem theo, tới đâu tính tới đó. Kho thuốc nổ không ai lấy làm gì, kho gạo bị chuột ăn thì đã ăn rồi. Ra đi thôi. Họ đi theo con đường xe bò nhẩm dấu chân người, những cánh rừng buông âm u, những cánh rừng le, rừng dầu lông dài thăm thẳm, những khu rừng già cây gõ, cây kơ-nia, cây xoài mút cao ngất, dây leo chằng chịt.

Đêm nằm đứa nhỏ nói:

“Đi như vầy em không được lãnh gạo đem về cho ba má”.

Bình nói:

“Để tao tính, mày sẽ được truy lĩnh, không thiếu hột gạo nào đâu. Tao còn chứng nhận cho mày có được tuổi quân, công trạng nữa kia”.

Nhưng công trạng gì, để làm gì, Bình không nói, đứa nhỏ cũng không hỏi.

Đã đi được chín ngày tám đêm. Đến ngày thứ mười, giữa trưa chợt thấy con lộ nhựa hiện ra trước mặt, xe cộ dập dìu. Bình không biết như thế nào, kéo thằng nhỏ đứng núp sau bụi cây. Đường nhựa Bình đã thấy rồi, nhiều trận đánh chặn xe “công voa” chở hàng tiếp tế, chở lính đi càn. Nhưng đường hồi đó khác, vắng tanh vắng ngắt. Giờ đây xe cộ dập dìu, xe hơi, xe gắn máy, xe tải thong dong nhàn hạ. Lát sau có chiếc xe gắn máy cà tàng đậu lại, người đàn ông xuống xe đứng đái, chợt nhìn thấy hai người la lên:

“Ai đó? Đứng làm gì đó?”. Rồi xăm xăm đi xuống nhìn kỹ Bình, cười ha hả: “Bộ đội hả? Sao bây giờ mới về tới đây? Không hay gì hết hả?”.

“Hay gì?” - Bình hỏi.

“Giải phóng rồi! Hơn năm rồi! Ôi trời đất ơi, cha nội làm gì, ở đâu vậy?”.

Bình giải thích anh ở lại giữ kho, cái radio hết pin, không biết tin tức gì. Người đàn ông vẫn cười:

“Thằng Mỹ thua chạy hôm 30 tháng 4 rồi, ông Thiệu cũng dông mất, giải phóng hết trơn rồi. Thôi được rồi, về trước về sau gì cũng tới nơi thôi. Lên đi, lên xe tôi chở về nhà ăn mừng. Từ hôm giải phóng tới giờ xóm tụi này vẫn mong được đãi bộ đội”.

Bình đứng ngớ ra một lúc, đầu óc trống rỗng. Như vậy đó, bao nhiêu năm lăn lộn bom rơi đạn nổ, ngày đánh trận cuối cùng anh ngồi một góc rừng tỉa bắp.

Nhưng chẳng lẽ anh không giữ kho, cái radio hết pin là lỗi tại anh?

Anh và đứa nhỏ ôm đít người đàn ông, xe chạy băng băng trên đường nhựa rồi nhảy chồm chồm trên đường đất đỏ trong vườn cao su, vô một làng hẻo lánh chuyên nghề chạy xe thồ, bà con “làng nghề” đón tiếp hai người bộ đội tưng bừng, có gì đãi nấy, rượu rót tràn ly. Lâu lắm rồi Bình mới uống rượu, thằng nhỏ người dân tộc cũng uống, người đàn ông chủ nhà cười nói vang vang:

“Thành phố lớn đón tiếp các sư đoàn quân đoàn kèn trống rần rần, xóm nhỏ xe thồ tụi này tiếp hai anh bộ đội ngủ quên chỉ có mấy ly rượu suông. Nhưng cũng vui như nhau thôi...”.

Nhậu từ trưa tới chiều tối, khách khứa ra về, hai người nằm giữa nhà ngủ vùi. Sáng thức dậy thấy đoàn xe thồ nối đuôi nhau chạy đến đậu trước sân, chủ nhà đứng nghiêm chào:

“Đoàn xe thồ chúng tôi hân hạnh được đưa hai người chiến thắng về thành phố”.

Hai người ngồi sau hai chiếc xe thồ, hai chiếc khác chở hai balô, hai ruột tượng gạo cũng được một chiếc. Không có còi hụ nhưng có treo cờ, hai người chiến thắng về thành phố tuy trễ mất hơn năm nhưng cũng có người đi đường đứng lại xem.

Nhưng vô thành phố xe cộ dập dìu, người đông nghẹt không còn ai biết ai nữa. Bình chưa từng thấy thành phố, không nghĩ nó rộng lớn đông đúc như vầy. Đi đâu, gặp ai để tìm về đơn vị? Đoàn xe thồ họp bàn, như đánh trận, thấy nên hỏi người đạp xích lô hay người bán thuốc lá. Người ta chỉ đến ban quân quản. Họ đến đó, biển đề quân khu thành phố, đậu xe thành hàng ngang bên kia đường.

Bình bắt tay từng người chia tay, kêu đứa nhỏ cũng bắt tay. Rồi đi vô. Bảo vệ chặn lại: “Đi đâu? Làm gì?”. Bình kể lể sự tình. Bộ đội ở lại giữ kho, giờ tìm về đơn vị. “Giấy tờ đâu?”, “Có đây”, Bình lôi ra một xấp giấy. Người bảo vệ nói: “Được rồi, vô trình trong kia. Còn thằng nhỏ này?”. Bình nói: “Nó cũng là bộ đội, người dân tộc, được một tuổi quân rồi”. “Được rồi”, người bảo vệ khoát tay chỉ vô một phòng. Một sĩ quan vui vẻ tiếp chuyện, đeo quân hàm không biết cấp bực gì.

Bình đưa giấy tờ. Người sĩ quan lật coi, cười nói: “Tôi đọc gì đây? Có chữ nào đâu?”. Bình nói tại ướt nước mưa. Rồi nói phiên hiệu đơn vị. Người sĩ quan nói đơn vị đó không thấy có ở đây, gần đây cũng không có. Chắc ở đâu xa. Bình trình bày sự việc. Người sĩ quan thôi cười, hơi có chút băn khoăn: “Sao đến nông nỗi không biết tin tức gì? Không có cách gì khác ngoài nghe radio liên hệ với đơn vị sao? Sao đơn vị không cho người trở lại tìm?”.

Bình thấy khổ sở, như muốn khóc:

“Tôi giữ kho thuốc nổ thật mà! Kho còn trên đó, không tin tôi dẫn mấy anh lên coi”.

“Chúng tôi lên đó làm gì, hết việc ở đây rồi sao? - người sĩ quan nói - Ai cần thuốc nổ, hòa bình rồi đồng chí à”.

Người sĩ quan gõ tay xuống bàn nói tiếp, cố gắng dịu nhẹ, ngày vui không nên khó khăn làm gì: “Bình tới đây bằng gì? Có chỗ ở chưa? Có thể ở tạm đây chờ liên lạc tin tức, sinh hoạt ở phòng trực, làm được gì đó thì làm. Đứa nhỏ có thể phụ nấu bếp”.

Vậy là tốt rồi. Nhưng cũng chán không thể chịu nổi. Phòng trực thật ra là gác cổng, cũng oai vệ, quần áo nai nịt có ngù vai, một già một trẻ, công việc là nghe điện thoại, mở cổng đóng cổng, coi giấy tờ người ra vô. Phòng chỉ có chiếc bàn chiếc ghế, hai người thay phiên nhau, người ngồi trong phòng, người kia đi rảo bên ngoài tưới kiểng, bắt sâu cây lá. Bình có thể làm được việc gì?

Thằng nhỏ còn được việc hơn, suốt ngày ngồi chụm lửa lò bếp. Thỉnh thoảng Bình xuống bếp nói chuyện với nó, hỏi nhớ nhà không, nhớ rẫy bắp không, mùa này chim két về nhiều biết cách bắt chim két không? Rồi trở ra ngồi ghé bực thềm phòng trực, không dám nói chuyện. Hai người gác cổng giữ bộ mặt nghiêm nghị với khách, giữ luôn bộ mặt nghiêm nghị với Bình.

Bình thường gặp những người trong ban chỉ huy đi tới lui trong khuôn viên, từ phòng này qua phòng kia, tay cầm cặp giấy, mặt cúi gằm vẻ đăm chiêu bận rộn, Bình không dám bắt chuyện. Khác xa hồi trong rừng, lính tráng, ban chỉ huy bá vai bá cổ nhau, cùng uống trà, nằm lắc võng nói chuyện tràn cung mây.

Nhưng hòa bình rồi phải khác đi, Bình không thắc mắc.

Hơn tuần lễ trôi qua. Bình đánh bạo lên gặp người sĩ quan hôm rồi tiếp chuyện, là trung tá như người bảo vệ cho biết. Người trung tá nói đã rà khắp rồi, đơn vị đó có tham gia đánh Sài Gòn nhưng không thuộc thành phố, không biết ở đâu, đã điện hỏi chờ trả lời. Hơn tuần lễ nữa trôi qua, tình cờ gặp vị trung tá trên sân Bình lại hỏi, người đó trả lời đã biết rồi, nhưng tình hình biên giới biến động, đơn vị được điều đi làm nhiệm vụ đặc biệt, Bình không nên về trong lúc này.

Vậy là cứ đợi và không được hỏi. Mấy lần gặp vị trung tá trên sân chính Bình lại lánh đi. Cuộc sống đều đặn trôi qua, không ngày nào khác ngày nào, sân quân khu tráng ximăng sạch bong, một cọng cỏ mọc lên cũng không thấy.

Bình ra ngồi ở cổng, xin phép hai người bảo vệ ra ngoài hè đường đứng nhìn qua bên kia đường, nơi tốp người xe thồ đưa đến, đôi bên chia tay, giờ chỉ còn một bãi đất trống. Rồi trở vô, chào hai người bảo vệ, hỏi mượn mấy tờ báo cũ về phòng nằm gác tréo chân đọc từ đầu đến cuối, lấy tờ báo úp mặt ngủ, thật ra đang nhớ lại chuyện cũ, nhớ chiếc kho vuông rẫy, bản làng cô gái người S'Tiêng chia đôi trái bắp, cười tươi như bông pơ-lang.

Trời trở lạnh, vậy là sắp tết rồi, tự nhiên thấy nhớ nhà. Đúng ra nhớ ông bà ông vải. Bình mồ côi cha mẹ, ở nhờ người bà con giữa Đồng Tháp Mười, mấy mươi năm bom đạn chắc tan hoang hết rồi. Một đêm giữa khuya không ngủ được Bình trở dậy soạn đồ đạc, bộ quần áo, chiếc võng, chiếc tăng che mưa, tấm đắp vải dù, nhét hết vô trong balô. Tiền tháng sinh hoạt phí cất kỹ vô túi, mang dép râu đội nón vải lẳng lặng mở cửa đi xuống bếp. Thằng nhỏ nằm ngủ còng queo như củ khoai. Bình nắm vai lay khẽ:

“Dậy! Dậy đi!”.

“Đi đâu?” - thằng nhỏ thức dậy, mở tròn mắt.

“Đi về... Có gạo không?”.

“Nhiều lắm”.

“Lấy một ít. Lẹ lên!”.

Thằng nhỏ tỉnh ngủ hẳn, làm chỉ một loáng là xong. Hai người đi băng qua sân, vòng qua phía bên hông khuôn viên. Mọi người còn ngủ cả, đèn đường lác đác mù mờ. Đến bờ rào Bình ngó trước ngó sau, thảy hai chiếc balô qua trước, dìu thằng nhỏ đưa qua rồi đu mình qua theo. Vậy là xong, về rừng thôi. Mớ giấy tờ để lại trong quân khu, trong đó cũng không có chữ nào.

Hai người đi thong thả, cuối con đường này sẽ đến xóm xe thồ, ghé chơi với họ một buổi rồi đi tiếp. Về đến vuông rẫy bắt tay vô làm ngay, tưới nước lên liếp trồng khoai trồng bắp. Kho thuốc nổ có thể chôn vĩnh viễn, nhưng vuông rẫy phải phát triển thêm, phát quang cây cối, đào thêm giếng. Nhiều việc lắm. Hơn ở chỗ quân khu, sân tráng ximăng một cọng cỏ cũng không có mà nhổ.

Thằng nhỏ sẽ ở với Bình, kho gạo phát hết cho dân làng, có ghi giấy nợ, Nhà nước cho mượn không cho luôn. Hằng tháng đứa nhỏ sẽ về thăm nhà, Bình đi theo chơi với đám thanh niên, nướng bắp chia đôi với cô gái, nếu được thì hỏi cưới cô, sanh con đẻ cái. Rồi nhiều năm sau nhiều người đến làm rẫy, vùng rừng thành xóm làng, Bình thành già làng ngồi vuốt râu được mọi người kính trọng...

...Bình vừa đi vừa nghĩ tất cả những chuyện đó, và tôi chỉ biết tới đó thôi. Tôi phải trở lại thành phố nhọc nhằn của tôi. Nhưng tôi biết chắc rằng giờ đã ba mươi sáu năm trôi qua, trong thâm tâm tôi và bạn bè tôi, những người cùng thế hệ với Bình, đã già lụm cụm hết rồi, vẫn mong có ngày trở lại rừng...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận